Việt Nam diễn nghĩa – Tập III (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 39)

PGS TS Cao Văn Liên

13/01/2022 06:32

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập III “NHỮNG KHÚC CA KHẢI HOÀN” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 39

Tể tướng họ Lưu tấu:

-Hòa đại nhân nói sai rồi. Khai quốc đệ nhất công thần nhà Hậu Lê là Nguyễn Trãi đã viết trong “Bình Ngô Đại Cáo”sau khi đánh bại nhà Đại Minh năm 1427 rằng: “Dẫu mạnh yếu có lúc khác nhau, Mà hào kiệt không bao giờ thiếu” đó sao. Nay nhà Hậu Lê suy vong, An Nam rối loạn nhưng đã nổi lên những anh hùng bách chiến, bách thắng như Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đó sao? Thần xin hoàng thượng không nên cất quân, can qua khổ cực cho bách tính hai nước. Có tạm thời lấy được chưa chắc lâu dài đã giữ được. Vả lại, với một tay dụng binh như thần của Nguyễn Huệ thì quân ta không thể chiến thắng được.

chlcthong1-1642001457.jpg
Tranh minh họa: quân Thanh tràn vào Thăng Long.

 

Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị tâu:

-Dạ, bẩm hoàng thượng, nước Đại Việt quả loạn lạc, rối ren, do sự đe dọa của Tây Sơn mà Lê Chiêu Thống đã hai lần rời Thăng Long lên Kinh Bắc. Tháng 7 năm 1788, bọn cận thần Lê Quýnh đã đưa hoàng thái hậu và hoàng tử đến hành doanh của thần ở Long Châu kêu khóc thản thiết xin được Đại Thanh ta giúp đỡ, lấy lại ngai vàng. Thần cho rằng trong cái khó khăn có cái thuận lợi. Lê Chiêu Thống là cháu chắt của nhà Hậu Lê. Dưới con mắt của bách tính Bắc Hà, cái ơn của Lê Thái Tổ đánh nhà Minh, giải phóng cho họ làm cho họ nhớ ơn muôn đời. Cho nên, các thế lực dù mạnh đến đâu cũng không dám lật đổ nhà Hậu Lê để lấy lòng dân như các chúa Trịnh. Ngay đến Nguyễn Huệ cũng có dám phế nhà Hậu Lê đâu. Chẳng qua Lê Chiêu Thống trót cùng Nguyễn Hữu Chỉnh có mâu thuẫn với Tây Sơn nên sợ mà bỏ chạy, tự làm mất ngai vàng. Nay ta lấy danh nghĩa “Phù Lê” thì bách tính Bắc Hà sẽ ủng hộ và ta sẽ thành công trong việc nhập Đại Việt vào với Đại Thanh ta.

Càn Long nói:

-Ta vẫn có nguyện vọng chiếm Đại Việt và Đông Nam Á và đây là thời cơ. Tôn Tổng đốc nói phải lắm. Khanh có dám chỉ huy 30 vạn quân tiến vào Thăng Long và vào Phú Xuân bắt Nguyễn Huệ không?

-Dạ, thần bất tài nhưng nếu hoàng thượng tin cậy thần xin tuân chỉ.

Càn Long nói:

-Tất cả nghe chỉ dụ:

Bá quan văn võ vội bước ra quỳ xuống. Vua Càn Long nói:

-Nay phong Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị làm Chinh Nam đại tướng quân chỉ huy 30 vạn quân huy động từ Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu tiến đánh An Nam với danh nghĩa “Phù Lê”. Phong đề đốc Hứa Thế Hanh làm phó  nguyên soái cho chủ soái Tôn Sĩ Nghị. Thành lập hành doanh và dưới trướng Tôn Sĩ Nghị có các tướng: Tổng binh Thượng Duy Thăng, tổng binh Khánh Thành, tổng binh Trương Triều Long, tổng binh Lý Hóa Long.

-Trong 30 vạn quân, Nam chinh đại tướng quân Tôn Sĩ Nghị chỉ huy 20 vạn quân theo Ải Nam Quan  vào Lạng Sơn mà tiến xuống Thăng Long.

-Nay chỉ dụ cho đề đốc Vân-Quý là Ô Đại kinh chỉ huy quân Vân Nam-Quý Châu từ Vân Nam tràn vào ải Bạch Mã, theo đường Tuyên Quang tiến xuống.

-Nay chỉ dụ cho tri phủ Điền Châu Sầm Nghi Đống chỉ huy quân Điền Châu tràn vào Cao Bằng tiến xuống Thăng Long.

-Nay chỉ dụ cho Phúc An Khang chuyên trách việc quân lương, hậu cần cho đạo quân viễn chinh.

-Ta ở Tử Cấm Thành sẽ theo dõi sát cuộc Nam chinh của các khanh. Chúc các tướng sĩ ca khúc khải hoàn.

-Chúng thần tuân chỉ, tạ ơn hoàng thượng. Chúc hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

-Bãi triều.

                                                    *      *

                                                        *

Cuối tháng 10 năm 1788, khắp kinh thành Thăng Long chìm trong giá lạnh. Gió lạnh thổi cắt da, cắt thịt. Cây cối, cung điện chìm trong sương giá. Những lâu đài rêu phong đọng những giọt sương. Những đà đao của những mái cung điện, lâu đài vươn lên trời xám mang hình đầu những con rồng đen. Điện Thiên An trong hoàng thành Thăng Long bây giờ vắng chủ. Hoàng đế nước Đại Việt Lê Chiêu Thống mưu chống lại nhà Tây Sơn đã bỏ cung điện, kinh thành chạy đi lưu vong cầu cứu nhà Thanh. Trong cung điện chỉ còn những tướng lĩnh nhà Tây Sơn thay mặt Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ trông coi Bắc Hà tạm thời làm quân doanh.

 Sáng nay trong một căn phòng nhỏ trong điện Thiên An, Ngô Văn Sở đang ngồi bàn cũng các tướng Phan Văn Lân, Nguyễn Văn Tuyết, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Văn Dụng. Ngô Văn Sở nói:

-Chúng ta đã mời Lê Chiêu Thống về lại ngai vàng nhưng ngài ta nhất mực không về. Theo tin tức thám mã báo về thì nhà vua đã sai thân vương đại thần là Lê Quýnh làm sứ giả sang cầu cứu Càn Long nhà Thanh đưa quân sang xâm lược nước ta.

Phan Văn Lân tức giận nói:

-Lê Thái Tổ và các vị tiên liệt của ông ta là hiển hách, oanh liệt, sao lại sinh ra một ông vua cháu chắt đớn hèn và kiên quyết phản quốc đến như vậy?

 Chợt có thám mã của trấn thủ Nguyễn Văn Hòa về báo:

-Dạ, cấp báo Đại tư mã, 20 vạn quân Thanh do tổng đốc lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị chỉ huy đã tràn vào Lạng Sơn. Thế giặc rất mạnh. Trấn thủ Lạng Sơn Phan Khải Đức đã đầu hàng giặc, quân sĩ đã bỏ chạy. Tướng Nguyễn Văn Diễm đã chạy về Kinh Bắc, hội quân cùng trấn thủ Nguyễn Văn Hòa. Mạt tướng vâng lệnh của trấn thủ Nguyễn Văn Hòa về đây cấp báo.

Lại có thám mã từ Tây Bắc về báo:

-Dạ, cấp báo, quân Thanh thuộc Vân Nam-Quý Châu do Ô Đại Kinh chỉ huy đã vượt ải Bạch Mã theo đường Tuyên Quang đang tiến về Sơn Tây.

Lại có thám mã ở miền Bắc về báo:

-Dạ, bẩm Đại tư mã, quân Thanh ở Điền Châu do tri phủ Sầm Nghi Đống chỉ huy theo đường Long Châu tràn vào Cao Bằng và đang tiến xuống Thăng Long.

Ngô Văn Sở nói:

-Vậy là 30 vạn quân Thanh đã tràn vào xâm lược nước ta. Trọng tâm của chúng là đánh chiếm Thăng Long. Các tướng quân và quân sư Ngô Thì Nhậm có cao kiến gì để chống giặc không?

 Nguyễn Văn Dụng nói:

-Mạt tướng nghĩ trong ba đạo quân đó, đạo 20 vạn của Tôn Sĩ Nghị là đạo chủ lực. Quân ta ở Bắc Hà có 6 vạn. Ta nên đem quân lên dùng chiến thuật mai phục như xưa của Lê Thái Tổ diệt đạo quân Liễu Thăng. Đạo quân Tôn Sĩ Nghị bị tiêu diệt thì hai đạo quân kia cũng rút lui.

 Ngô Thì Nhậm nói:

-Thời thế đã thay đổi và lực lượng đã khác nhau. Xưa quân Liễu Thăng có 10 vạn thì Lê Thái Tổ trong chiến dịch Chi Lăng-Xương Giang cũng phải có 10 vạn, nay ta chỉ có 6 vạn là không đủ. Xưa quân Lam Sơn chủ động, mai phục ngay ở Quỷ Môn Quan và Ải Chi Lăng, đánh dập đầu con rắn ngay từ trận đầu, nay ta bị động, để cho giặc qua ải Chi Lăng rồi rất khó đánh. Xưa quân Lam Sơn mai phục là giữ được bí mật, nay ta mai phục thì bọn Việt gian, bọn cần vương tay sai của Lê Chiêu Thống sẽ báo hết cho quân Thanh, ta sẽ sa vào vòng vây của chúng, sẽ chết 6 vạn quân vô ích. Nay chi bằng ta áp dụng chiến thuật của Trần Thái Tông, của Trần Hưng Đạo, rút lui chiến lược, bảo toàn lực lượng, làm cho địch chủ quan để nó phạm sai lầm, chờ đại quân của Bắc Bình Vương ra để phản công tiêu diệt giặc cũng chưa muộn.

Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết nói:

-Quân sư nói phải lắm. Theo mạt tướng thì ta nên rút về phòng thủ ở Tam Điệp, thủy quân nên rút về Biện Sơn, đề phòng Tôn Sĩ Nghị không dừng ở Thăng Long mà tấn công ngay vào Nam thì ta sẽ quyết chiến với chúng ở đó. Khi đại quân của Bắc Bình Vương ra tập kết ở Tam Điệp tấn công Thăng Long cũng thuận tiện.

Ngô Văn Sở nói:

-Ta cũng tán thành kế hoạch của quân sư và của hai tướng quân. Nay ban bố mệnh lệnh:

-Bố cáo cho quân ta ở Bắc Hà nhanh chóng về hội quân ở Thăng Long để rút về Tam Điệp, thủy quân nhanh chóng rút về Biện Sơn. Trước khi rút, phải phá hủy tất cả các cầu bắc qua sông Thương, sông Lục Nam, sông Cầu, sông Đuống, sông Hồng để ngăn chặn tốc độ tiến quân của giặc, tạo điều kiện thời gian để quân ta rút về Tam Điệp. Lệnh cho trấn thủ Kinh Bắc Nguyễn Văn Hòa, Nguyễn Văn Diễm nhanh chóng phá cầu rút về Thăng Long.

Ngô Văn Sở nói:

-Tướng quân Phan Văn Lân.

-Có mạt tướng.

-Tướng quân đem 1 vạn quân đi giúp đỡ việc phá cầu, nếu cầu nào chưa phá thì phá và lệnh cho dân chài các con sông mà giặc đi qua phải dấu hết thuyền bè, không để cho giặc tận dụng.

-Mạt tướng tuân lệnh.

Rồi Ngô Văn Sở cho gọi lính các trấn Kinh Bắc, Thái Nguyên, Hải Dương, Sơn Tây về hội tụ ở Thăng Long và rút về Tam Điệp. Quân Tây Sơn xây dựng nhiều đồn cố thủ tạo nên hệ thống phòng thủ Tam Điệp-Biện Sơn. Ngô Thì Nhậm nói với Nguyễn Văn Tuyết:

-Đô đốc hãy chọn một con ngựa tốt phi gấp vào Phú Xuân cấp báo cho Bắc Bình Vương.

-Mạt tướng tuân lệnh.

 Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm ra tiễn Nguyễn Văn Tuyết lên đường. Nguyễn Văn Tuyết chắp tay:

-Cáo biệt quân sư và Đại tư mã, hẹn ngày gặp lại.

-Chúc đô đốc thượng lộ bình an, hẹn ngày gặp lại.

Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm đứng nhìn cho đến khi con ngựa nâu tung vó đưa Nguyễn Văn Tuyết khuất dần về hướng Nam trong gió bụi.

*     *

*

Tháng 10 năm 1788, Thăng Long chìm trong gió lạnh, bầu trời u ám. Tuy vậy, kinh thành không yên tĩnh. 20 vạn quân xâm lược Thanh đã tràn vào như một cơn dông tố hung dữ ập đến. Lều trại của 20 vạn quân Thanh san sát trải dài mênh mông suốt bờ Bắc và bờ Nam sông Hồng. Kinh thành suốt ngày đêm ồn ào tiếng của lính Thanh rượu chè say sưa, cờ bạc, cãi vã, tiếng ngựa hí, tiếng chân đi trên đường, trên phố, trên cầu phao không lúc nào dứt. Bọn lính đói khát nơi quê hương nay được thả lỏng đi nghênh ngang, thả sức cướp bóc vàng bạc châu báu, của cải, lương thực trong các gia đình, trong các cửa hiệu. Chúng uống rượu ăn cơm, ăn bánh, ăn thịt trong các cửa hàng và giết chủ hàng để quỵt tiền. Chúng bắt cóc đàn bà con gái hãm hiếp ngay trên đường phố. Tiếng khóc, tiếng kêu gào vang khắp kinh thành không ngày nào là không có. Xác bách tính Việt bị giết trôi nổi dập dềnh trên sông Hồng và sông Tô Lịch.

Tôn Sĩ Nghị đóng tổng hành dinh trong phủ chúa Trịnh ngày xưa gọi là cung Tây Long. Suốt ngày đêm Tôn Sĩ Nghị vùi đầu trong tiệc tùng, rượu chè và mỹ nhân. Lê Chiêu Thống, hoàng gia và các cận thần lại về hoàng thành. Lê Chiêu Thống bảo nội quán:

-Ngươi sang mời Tôn tướng quân và các tướng Thanh vào hoàng thành dự tiệc ta chiêu đãi nhân ngày ta trở lại Thăng Long.

-Dạ, thần tuân chỉ.

Nội quan đi một hồi rồi về báo:

-Dạ bẩm hoàng thương, Tôn tổng đốc nói rằng phải đích thân hoàng thượng sang mời ngài ta mới đến.

Lê Chiêu Thống đành phải lên kiệu đến cung Tây Long mời Tôn Sĩ Nghị và các tướng nhà Thanh. Dự tiệc có cả những bọn cô trung như Phạm Quý Thích, Phạm Đan Phụng... Trong tiệc, cả bọn, kể cả Lê Chiêu Thống hết lời ca tụng và xu nịnh một cách vô sĩ đối với tướng giặc Tôn Sĩ Nghị và các tướng nhà Thanh. Tôn Sĩ Nghị và bọn tướng giặc tỏ ra ngạo mạn, không coi ai ra gì. Nghị mượn rượu và nói:

-Mai đến điện Kính Thiên, ta sẽ phong Lê Chiêu Thống làm An Nam Quốc Vương. Tuy vậy, hàng ngày có công việc gì Lê Chiêu Thống phải đến cung Tây Long nghe ta truyền bảo, chứ không phải quen cái thói sai quan nội hầu đến là xong đâu. Ha!ha!ha!...

 Nghị cười và tu rượu hàng bát lớn, thức ăn văng cả ra ngoài. Thế mà hầu hết bọn Việt gian cũng cười phụ họa, lấy lòng. Trong bọn cô trung mù quáng, có một vài người còn biết liêm sĩ cho vua, cúi mặt thở dài. Phạm Quý Thích, cận thần của Lê Chiêu Thống e dè cạn bát với Tôn Sĩ Nghị và hỏi:

-Dạ bẩm nguyên soái tổng đốc, bao giờ thì ngài có thể xuất quân vào Nam để bắt Nguyễn Huệ ạ.

Tôn Sĩ Nghị đặt bát và vênh váo đáp:

-Bao giờ thì đó là việc của bản nguyên soái, ngài là một cận thần tép riu, cớ gì phải xía vào. Nhưng bản nguyên soái nói cho ngài biết, việc bắt Nguyễn Hụê bây giờ còn dễ hơn việc thò tay vào túi áo lấy đồ vật. Giặc gầy mà ta béo, cứ thả cho nó béo lên rồi bắt cũng chưa muộn. Ha!ha!ha!

Bùi Huy Bích và những bầy tôi của Lê Chiêu Thống hiểu Nguyễn Huệ, nghe Tôn Sĩ Nghị nói vậy thì thất vọng, ngao ngán lắc đầu.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập III (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 39)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn