Việt Nam diễn nghĩa – Tập III (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 40)

PGS TS Caqo Văn Liên

14/01/2022 06:11

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập III “NHỮNG KHÚC CA KHẢI HOÀN” của PGS TS Cao Văn Liên.

 Kỳ 40.

Sau hôm đó, ở điện Kính Thiên, Tôn Sĩ Nghị đọc chiếu của vua Càn Long phong Lê Chiêu Thống làm An Nam Quốc Vương. Nhưng thân phận của Lê Chiêu Thống không có gì thay đổi, hàng ngày vẫn phải đến cung Tây Long chầu chực để Tôn Sĩ Nghị có gì sai bảo, bất chấp mưa phùn gió bấc rét tê tái. Mấy cụ già ngồi uống nước trà ở quán trước cung Tây Long đã thuộc cái kiệu màu vàng của Lê Chiêu Thống đi vào đi ra cung Tây Long. Mấy ông già ngao ngán lắc đầu:                                                                        

-Không hiểu cái năm 1786 khi ra Thăng Long, làm sao mà Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lại lập một kẻ hèn nhát, bất tài, phản quốc này lên ngôi nhỉ? Tài như Long Nhương Tướng quân mà còn nhầm lẫn chăng?

chuytuyet1-1642090139.jpg
Tranh minh họa Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết cùng các tướng lĩnh Tây Sơn. Nguồn: Internet

 

-Cái này trách ai bây giờ. Khi hoàng gia đề cử Lê Duy Kỳ, Nguyễn Huệ đâu có biết hết các hoàng tử của Lê Hiển Tông, ngài sắp đồng ý thì Ngọc Hân công chúa can ngăn. Bắc Bình Vương định thôi, không lập Lê Duy Kỳ nữa thì cả hoàng gia oán trách công chúa. Công chúa đành buông xuôi và nói với Nguyễn Huệ cứ lập Lê Duy Kỳ, nếu không công chúa đang bị hoàng gia trách cứ. Do đó, Lê Duy Kỳ lên ngôi là Lê Chiêu Thống.

-Rét thế này mà ngày nào cũng đến chầu chực ở cung Tây Long. Trong các đời vua chúa của Đại Việt, chưa có vị vua nào mà lại đớn hèn và nhục nhã đến như vậy.

-Ngoài thì hèn với giặc nhưng trong thì ác với dân. Nghe nói dựa vào quân Thanh mà về nên ra sức trả tư thù tư oán, nhất là đối với những người đã cộng tác với Tây Sơn hoặc dính dáng đến Tây Sơn.

-Nghe nói có một thiếu phụ là hoàng tộc có chồng theo Tây Sơn, đang mang bầu, Lê Chiêu Thống sai mổ bụng lấy thai nhi ra và giết chết.

-Lại nghe nói có ba người trong hoàng tộc xưa không đồng ý việc ông ta lên ngôi, Lê Chiêu Thống đã chặt chân và ném ba người ra chợ.

-Thật là khủng khiếp, báo thù báo oán ngày nào cũng diễn ra. Đại Việt chúng ta mạt vận rồi?

-Ngày nào cũng có người bị giết, không Lê Chiêu Thống thì cũng đám cần vương tay sai của ông ta.

-Bây giờ thế lực cần vương theo Lê Chiêu Thống rất mạnh, chúng đã chia nhau nắm chính quyền toàn bộ Bắc Hà rồi.

-Bách tính kinh thành không chỉ khổ vì Lê Chiêu Thống và bọn cần vương mà còn khổ nhất là nạn quậy phá cướp bóc, hãm hiếp giết người man rợ của quân Thanh.

-20 vạn quân Thanh này các cụ để ý mà xem, không phải là quân Bát Kỳ người Mãn Châu đâu mà là những đạo quân toàn người Hán ở Lưỡng Quảng, Quý Châu và Vân Nam, toàn bọn lưu manh đói khát, được vào kinh thành ta chúng ra sức cướp của giết người, hãm hiếp bắt cóc phụ nữ  không kiêng sợ ai.

-Nghe nói ngày nào cũng có nhiều vụ cướp bóc giết người ngoài chợ.

-Các cụ nhìn mà xem, xác dân kinh thành ta trôi nổi vật vờ kín đặc cả các dòng sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu.

-Ngày nào lính Thanh cũng bắt đàn bà con gái hãm hiếp giữa ban ngày ngay trên đường phố.

-Kinh thành của ta đã trải qua nhiều thảm họa, nhưng lần này là thảm họa nhất vì bọn vua quan Việt gian theo giặc và đồng lõa với chúng.

-Không biết ai là người cứu bách tính, đất nước và kinh thành đây?

-Chỉ còn cầu mong cho quân Tây Sơn của Bắc Bình Vương sớm ra thì may ra thoát được thảm họa này.

-Thôi thì cũng đành lòng nhắm mắt mà chờ đợi vậy.

                                                     *      *

                                                         *

Trong tổng hành dinh của quân Thanh ở cung Tây Long, một hôm Trần Nguyên Nhiếp, mưu sĩ của Tôn Sĩ Nghị nói:

-Bẩm nguyên soái, chúng ta sang đây thực chất là muốn sáp nhập Đại Việt vào bản đồ của đế quốc Đại Thanh nhưng dưới danh nghĩa “Phù Lê”, vì vậy, quân lính cũng phải tỏ ra có chút nhân nghĩa với bách tính, không xâm phạm cướp bóc giết chóc. Nay ngày nào mạt tướng cũng nghe báo về quân ta cướp bóc, chém giết hãm hiếp. Tôi đã đi thị sát rồi. Xác dân kinh thành Đại Việt trôi nổi chật cứng sông Hông, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu.

Tôn Sĩ Nghị nói:

-Ta cũng nghe thám mã báo những việc như vậy hàng ngày. Ta đã ra điều luật quân kỷ chỉnh đốn nhưng không dẹp được.

Trần Nguyên Nhiếp nói:

-Nếu dừng lại ở kinh thành nhiều ngày, binh lính nhàn rỗi, cướp phá, vơ vét, hưởng lạc, chém giết lan tràn, vi phạm quân luật, e đến khi lâm trận sẽ thất bại.Vả lại đến bây giờ danh nghĩa “Phù Lê” không còn đánh lừa được ai nữa.

Tôn Sĩ Nghị nói:

-Ta định sớm tiến quân nhưng đã trót dừng lại, vả lại Tết Nguyên Đán đã đến nơi, cứ cho tướng sĩ ăn tết, dứt khoát ngày 6 tháng giêng sẽ xuất quân vào Phú Xuân. Kế hoạch này là không thay đổi.

Trần Nguyên Nhiếp khuyên:

-Vậy thì nguyên soái phải bố trí thế phòng thủ dù là tạm thời. Nhất là phía Nam và Tây Thăng Long là những mặt mà quân Tây Sơn sẽ tấn công vào.

-Quân sư nói phải lắm.

Liền gọi:

-Người đâu.

-Dạ.

-Cho gọi tất cả các tướng lĩnh đến tổng hành dinh nhận nhiệm vụ.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

 Khi các tướng đã đến đầy đủ, Tôn Sĩ Nghị nói:

-Ta định tiến quân vào Phú Xuân bắt Nguyễn Huệ nhưng đã trót dừng lại vì công việc chấn chỉnh phục hưng cho Lê Chiêu Thống tại Thăng Long và Bắc Hà. Nay định xuất quân nhưng ngặt ngày vì Tết Nguyên Đán đã đến, dừng thêm vài ngày cho tướng sĩ ăn Tết, ngày 6 Kỷ Dậu sẽ xuất quân đánh Tây Sơn. Tuy nhiên, từ nay đến mùng 6 không thể không phòng thủ. Nay ta bố trí để bảo vệ tổng hành dinh ở Thăng Long như sau:

-Đạo 5 vạn quân Điền Châu do tri phủ Sầm Nghi Đống chỉ huy đóng ở Khương Thượng, bảo vệ mặt Tây Thăng Long.

-Đạo quân Vân Nam-Quý Châu 5 vạn do Đề đốc Ô Đại Kinh chỉ huy đóng giữ Sơn Tây chi phối cho các mặt trận ở Thăng Long.

-Ta ra lệnh tăng cường phòng thủ Nam Thăng Long, sẽ là hướng tấn công chính của quân Tây Sơn nếu chúng muốn vào kinh thành. Đồn chính là đồn Ngọc Hồi, Thanh Trì, cách Thăng Long 40 dặm, chắn ngang đường thiên lý nên đây là cứ điểm quan trọng bậc nhất. Vì thế, ta tăng cường ở đây 7 vạn quân do phó nguyên soái, đề đốc HứaThế Hanh chỉ huy. Giúp sức có các tổng binh Thượng Duy Thăng, tổng binh Khánh Thành, Tổng binh Trương Triều Long, tổng binh Lý Hóa Long. Các tướng phải cho xây dựng đồn trại kiên cố nhiều lớp, ngày đêm lo phòng thủ, không được lơ là.

-Phó soái Hứa Thế Hanh còn phải cho xây dựng một loạt các đồn lũy phía Nam Ngọc Hồi như đồn Hà Hồi, Thường Tín, đồn Nhật Tảo, Duy Tiên, Hà Nam, đồn Nguyệt Quyết, Thanh Liêm, Hà Nam. Riêng có đồn Gián Khẩu, Ninh Bình là đồn tiền tiêu cho nên điều tướng nhà Lê Hoàng Phùng Tứ đem quân từ Sơn Tây về đóng giữ.

-Ngoài ra người Hoa ở Đại Việt đã tập hợp được 1 vạn quân hỗ trợ chúng ta.

-Trận tuyến phòng thủ này đã che chắn được hết những hướng cần bảo vệ của Thăng Long, nhất là ở phía Nam, toàn quân tinh nhuệ và các tướng soái lỗi lạc. Ta tin nếu quân Tây Sơn tấn công sẽ bị tiêu diệt ngay ở các phòng tuyến này mà không cần 20 vạn quân của tổng hành dinh.

-Hoàng thượng Càn Long rất quan tâm đến cuộc viễn chinh này, đã cử thượng thư Phúc An Khang thiết lập 70 đồn quân lương lớn từ hai con đường Vân Nam và Quảng Tây tới Thăng Long. Riêng chặng đường từ ải Nam Quan đến Thăng Long có đến 18 kho quân lương.

Ngừng một lát, Tôn Sĩ Nghị hỏi:

-Các tướng quân có cao kiến gì không?

-Chúng mạt tướng tuân lệnh.

                                               *        *

                                                    *

Phú Xuân đang là mùa đông nên không khí se lạnh, mây bốn bề bay mờ ảo trên trời, Núi Ngự Bình, núi Bân xanh xám quện sương khói soi bóng xuống sông Hương mơ màng. Vài con thuyền xuôi ngược thong thả trên sông. Khách bộ hành trên bộ ngựa xe tấp nập. Phủ Đan Dương của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ nằm xa sông Hương, sâu vào miền đồi núi. Mái ngói lâu đài, dinh thự núp dưới những tán lá cây xanh. Gió khẽ đưa lá vàng rơi xào xạc.

Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đang ngồi làm việc thì có tùy tướng vào báo:

-Dạ, bẩm Bắc Bình Vương, có đô đốc Nguyễn Văn Tuyết từ Biện Sơn về cấp báo.

-Cho vào.

-Dạ.

 Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết bước vào, quần áo đầy bụi đường trường. Nguyễn Huệ đứng dậy ra đón. Nguyễn Văn Tuyết khoanh tay cúi đầu:

-Dạ, mạt tướng xin chào Bắc Bình Vương.

Nguyễn Huệ nói:

-Miễn lễ, tướng quân vượt xa hàng nghìn dặm vào đây chắc có việc hệ trọng quốc gia?

-Dạ, đúng vậy, mạt tướng xuất phát từ Biện Sơn hôm 20 tháng 11, hôm nay đã là ngày 24 rồi, dọc đường vào các dịch quán trên đường thiên lý, mạt tướng đã phải thay 4 con ngựa.

Sau khi Nguyễn Văn Tuyết ngồi và uống hết hai bát nước, Nguyễn Huệ hỏi:

-Có việc gì hệ trọng vậy?

-Dạ, bẩm Bắc Bình Vương, do Lê Chiêu Thống cầu viện, dưới danh nghĩa “Phù Lê”, Càn Long nhà Thanh đã cho 30 vạn quân do tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị làm thống soái vào xâm lược nước ta. Riêng đạo quân 20 vạn do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy đã chiếm Thăng Long, còn một số đạo khác, mỗi đạo khoảng 5 vạn quân đã vào Hải Dương, Sơn Tây. Quân ta ở Bắc Hà và Thăng Long đã lùi về phòng tuyến Tam Điệp-Biện Sơn. Bắc Hà lâm nguy. Mong Bắc Bình Vương đem quân ra phá giặc. Việc vô cùng hệ trọng và cấp bách.

Nghe Nguyễn Văn Tuyết nói, Nguyễn Huệ ngồi lặng đi một lúc rồi nói:

-Chúng nêu chiêu bài “Phù Lê” chỉ là cái cớ lừa bịp bách tính Bắc Hà. Thực ra Càn Long đã nuôi mộng xâm lược nước ta từ lâu, nay mới có cớ để thực hiện.

Rồi gọi:

-Người đâu.

-Dạ.

-Làm cơm rượu ta cùng ăn với đô đốc.

-Dạ.

Nguyễn Huệ nói với Nguyễn Văn Tuyết:

-Vất vả cho đô đốc quá. Bây giờ chúng ta cùng ăn cơm trưa. Ăn xong đô đốc nghỉ ngơi, chiều họp các tướng lĩnh tại đây để bàn việc đánh quân Thanh.

-Dạ, đa tạ Bắc Bình Vương, mạt tướng tuân lệnh.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa – Tập III (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 40)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn