Việt Nam diễn nghĩa – Tập III (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 41)

PGS TS Cao Văn Liên

15/01/2022 06:16

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập III “NHỮNG KHÚC CA KHẢI HOÀN” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 41.

Chiều hôm đó trong cung Đan Dương, Nguyễn Huệ ngồi ghế chủ, bên dưới là các tướng Trần Văn Kỷ, Nguyễn Tằng Long, Đặng Xuân Bảo, Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Văn Tuyết, Đặng Tiến Đông, Vũ Văn Dũng, Phan Khải Đức, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Bùi Hữu Hiếu, Bùi Đắc Tuyên, Trần Văn Kỷ. Nguyễn Huệ nói:

-Do Lê Chiêu Thống cầu viện, Càn Long nhà Thanh cử 30 vạn quân do Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị chỉ huy đã vào Thăng Long và Bắc Hà. Quân ta ở Thăng Long và Bắc Hà do Ngô Văn Sở chỉ huy đã rút về phòng tuyến Tam Điệp-Biện Sơn. Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết đã đi bốn ngày bốn đêm về Phú Xuân cấp báo. Nay đô đốc nói thêm tình hình để các tướng rõ hơn.

chuyhdqt1-1642176931.jpeg

 

-Dạ, bẩm Bắc Bình Vương, thưa các tướng quân, ngày 28 tháng 10 năm 1788, do Lê Chiêu Thống cầu viện, 30 vạn quân Thanh đã vào Đại Việt dưới danh nghĩa “Phù Lê”, trong đó 20 vạn quân do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy đã tiến vào ải Nam Quan, theo đường Lạng Sơn, Bắc Giang, 22 tháng 11 mới tới  Thăng Long. Từ ải Nam Quan đến Thăng Long chỉ 300 dặm mà giặc đi mất 22 ngày. Đi chậm như vậy vì quân ta đã phá hết cầu trên các sông Thương, sông Lục Nam, sông Cầu, sông Đuống, sông Hồng, dân chài dấu hết thuyền bè trên các con sông này. Quân ta ở Bắc Hà chỉ 6 vạn, lúc đầu định đem quân lên chặn giặc nhưng sức không đủ, quân sư Ngô Thì Nhậm bàn lùi về phòng tuyến Tam Điệp-Biện Sơn, chờ đại quân và Bắc Bình Vương ra sẽ quyết ra định.

Tướng Đặng Xuân Bảo hỏi:

-Ngoài đạo quân của Tôn Sĩ Nghị vào Thăng Long, còn có đạo nào khác không?

-Thưa Bắc Bình Vương và các tướng quân, ngoài đạo 20 vạn quân vào Thăng Long, còn có 5 vạn quân Điền Châu do tri phủ Sầm Nghi Đống đóng ở Khương Thượng bảo vệ mặt Tây Thăng Long, còn đạo quân Vân Nam-Quý Châu khoảng 5 vạn quân do Ô Đại Kinh chỉ huy đóng ở Sơn Tây.

Tướng Nguyễn Văn Lộc hỏi:

-Cách bố phòng của Tôn Sĩ Nghị ở Thăng Long như thế nào?

-Thưa Bắc Bình Vương và các tướng quân, 20 vạn quân ở Thăng Long thì 10 vạn quân đóng ở bờ Bắc sông Hồng, 10 vạn quân đóng ở bờ Nam ngay trong kinh thành, gần cung Tây Long cũng là tổng hành dinh của Tôn Sĩ Nghị. Hai bên đi lại bằng cầu phao bắc trên sông Hồng. Đạo quân 5 vạn của Sầm Nghi Đống đóng ở Khương Thượng, phía Tây Thăng Long, cách cung Tây Long khoảng 8 dặm. Tôn Sĩ Nghị còn lập một hệ thống phòng thủ Nam Thăng Long. Nếu tính từ phía Nam thì đồn đầu tiên là đồn Gián Khẩu ở Ninh Bình, đồn này do tướng Hoàng Phùng Tứ, tướng của Lê Chiêu thống đóng giữ, tiếp theo là đồn Nguyệt Quyết, đồn Nhật Tảo, đồn Hà Hồi, mạnh nhất là đồn Ngọc Hồi, cách Thăng Long 40 dặm, đồn này khoảng 7 vạn quân do Hứa Thế Hanh, Phó soái cuộc Nam chinh chỉ huy, dưới trướng có 4 tổng binh là Khánh Thành, Trương Triều Long, Lý Hóa Long và Thượng Duy Thăng.

Đặng Tiến Đông hỏi:

-Quân Thanh vào nước ta với khẩu hiệu “Phù Lê”, vậy thái độ của bách tính Bắc Hà và Thăng Long đối với quân Thanh và Lê Chiêu Thống như thế nào?

-Dạ, thưa Bắc Bình Vương và các tướng quân, Tôn Sĩ Nghị thả lỏng cho quân Thanh, không ngày nào là không cướp bóc, giết chóc, hãm hiếp. Xác dân kinh thành trôi nổi đầy sông Hồng, Sông Kim Ngưu, sông Tô Lịch. Lê Chiêu Thống thì ra sức trả tư thù tư oán rất tàn bạo, nhất là thân nhân những người cộng tác với quân ta. Hàng ngày Lê Chiêu Thống phải đến doanh trại của Tôn Sĩ Nghị ở  Cung Tây Long để nghe sai bảo. Thăng Long lâm vào tình trạng vô cùng bi thảm. Bách tính vô cùng căm thù quân cướp nước và bè lũ bán nước, ngày đêm mong ngóng ngọn cờ của Bắc Bình Vương ra cứu họ.

Nguyễn Huệ nói:

-Hiện nay tình hình ở miền Gia Định cũng rất nguy ngập. Nguyễn Phúc Ánh phản công và Đông Định Vương Nguyễn Lữ hèn nhát đã bỏ chạy về Quy Nhơn. Nguyễn Phúc Ánh đã chiếm lại hầu hết Gia Định là mối nguy lớn của nhà Tây Sơn. Đó là miền chiến lược cực kỳ quan trọng về địa thế, về của cải, lúa gạo, về sức người. Ta đã chuẩn bị kế hoạch và quân lực chu đáo, chuẩn bị Nam tiến tiêu diệt Nguyễn Ánh.

Ngừng một lúc, Nguyễn Huệ hỏi:

-Đô đốc có biết bao giờ Tôn Sĩ Nghị rời Thăng Long tiến quân vào Nam không?

-Dạ, bẩm Bắc Bình Vương, tin chắc chắn của thám mã báo về thì ngày 6 Kỷ Dậu, Nghị sẽ xuất quân.

Nguyễn Huệ nói:

-Thôi được, ngày mai ta sẽ xuất quân ra Bắc tiêu diệt quân Thanh rồi quay lại đánh Nguyễn Phúc Ánh cũng chưa muộn. Trần Quang Diệu và Bùi Hữu Hiếu đâu.

-Dạ.

-Hai tướng quân đi trước ra Nghệ An tuyển gấp lấy khoảng từ 3 đến 5 vạn quân.

-Dạ, chúng thần tuân lệnh.

Hai tướng đi ra. Trần Văn Kỷ nói:

-Thưa Bắc Bình Vương, Lê Chiêu Thống tự bỏ ngai vàng mà đi phản quốc, như vậy nhà Hậu Lê đã kết thúc. Đại Việt không thể một ngày không có vua. Kính mong Bắc Bình Vương lên ngôi hoàng đế để chính thống rõ ràng mà hiệu triệu thiên hạ, thứ hai tự nhận lấy trách nhiệm nặng nề cứu nước, thứ ba là để đoàn kết, thống nhất bách tính và ba quân có sức mạnh mà đánh giặc. Kính mong Bắc Bình Vương suy xét.

Các tướng đồng thanh nói:

-Trần quân sư nói phải lắm, kính mong Bắc Bình Vương lên ngôi hoàng đế để đáp ứng lòng mong mỏi của bách tính, của ba quân, của trời đất để hoàn thành việc cứu nước.

Nguyễn Huệ nói:

-Ta là dân áo vải không thiết gì ngai vàng ngôi vị, nhưng thời thế bắt buộc, thuận theo mệnh trời, ngày mai ta sẽ lên ngôi hoàng đế để đáp ứng lòng mong muốn của bách tính, của ba quân, của đất nước.

Rồi gọi:

-Bùi Đắc Tuyên đâu.

-Dạ, có thần.

Thái sư chuẩn bị đàn để ngày mai ta sẽ làm lễ tế trời đất, thánh thần, đăng quang hoàng đế ở núi Bân.

-Thần tuân mệnh.

Ngày 25 tháng 11 năm 1788 là một ngày mùa đông đẹp trời. Trời trắng trong, mây chói lòa bởi ánh nắng mặt trời. Núi Ngự Bình, núi Bân vươn mình lên không gian nắng gió. Sông Hương như giải lụa lớn trải từ Tây sang Đông. Cờ đỏ rợp trời, trống vang dậy đất. Trên đàn Nam Giao hương lửa bập bùng. Nguyễn Huệ đội khăn vàng, áo bào vàng, đi giầy vàng, cắm hương vào những lư hương bằng đồng sáng chói, khấu đầu vái lạy trời đất, thánh thần nước Nam. Sau đó tuyên bố:

-Ta, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ thể theo mệnh trời, lòng dân và các tướng sĩ, nay bố cáo lên ngôi hoàng đế Đại Việt, đế hiệu là Quang Trung để gánh trách nhiệm diệt trừ giặc ngoại xâm và nội phản, một lòng cứu dân, cứu nước. Sau lời bố cáo thì vua Quang Trung đọc chiếu lên ngôi.

Các tướng lĩnh và 5 vạn quân quỳ xuống trước hoàng đế Quang Trung, trên là lá cờ đỏ có hình tròn màu vàng tượng trưng cho mặt trời, biểu tượng cho đế hiệu Quang Trung, trung tâm của ánh sáng và tung hô:

-Chúc mừng hoàng thượng, hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế…

-Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế…

Tiếng hô vang vọng chấn động núi Bân, núi Ngự Bình, chấn động non sông Phú Xuân và Đại Việt. Những lá cờ dài màu đỏ tung bay rợp trời, tiếng trống vang lừng bốn cõi như lay động cả đất trời.

 Sớm hôm sau, ngày 23 tháng 11 năm 1788, kinh thành Phú Xuân và cung Đan Dương tấp nập lạ thường. Hoàng đế Quang Trung đội mũ đâu mâu màu vàng, áo bào vàng, áo giáp vàng, đi hài vàng, ngồi trên mình con voi to như trái núi, có quản tượng là người Thượng Tây Nguyên. Trên đầu Quang Trung có che chiếc lọng vàng. Trên lọng vàng có lá cờ lớn màu đỏ ở giữa in hình mặt trời, dưới hình mặt trời có chữ “SOÁI” tung bay phấp phới. Các tướng lĩnh cưỡi ngựa đứng hai bên voi của Quang Trung. Trước mặt vua Quang Trung là 5 vạn quân tinh nhuệ, phần lớn là người Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thuận Hóa. 5 vạn quân quân phục nâu, có nẹp đỏ, mũ nhọn có bông gù đỏ, áo giáp sắt đen. Vũ khí quân Tây Sơn là gươm, đại đao, dao ngắn, ống đồng phun lửa gọi là hỏa hổ, tạc đạn, cung tên. Đứng trước vua Quang Trung là bộ binh, tiếp đến kỵ binh, sau kỵ binh là tượng binh khoảng 200 thớt voi. Tượng binh tải vũ khí hạng nặng là đại bác. Mỗi người lính ngoài mang vũ khí còn phải mang lương thực khô cho mình để ăn dọc đường, thường là bánh đa và dò bò, dò lợn. Kèm theo 5 vạn quân thì có khoảng 2 vạn chiếc cáng tre trúc để dùng trong việc hành quân. Hàng vạn lá cờ đỏ dài bay trên đầu đại quân phấp phới, đỏ rực cả bầu trời Phú Xuân. Tiếng trống dứt, đại quân im lặng. Quang Trung nói:

-30 vạn quân Thanh đã vào xâm lược Bắc Hà và Thăng Long, các ngươi đã biết hay chưa?

-Tiếng đáp vang trời đất:

-Dạ, bẩm hoàng thượng, biết.

-Các ngươi có muốn đánh đuổi chúng đi không?

-Đánh, đánh, đánh…

-Vậy thì tướng sĩ ba quân hãy theo ta và xem ta đánh cho chúng không còn một mảnh giáp nguyên lành.

-Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế…

Tiếng hô vang làm trời đất như chao đảo.

-Ta hạ lệnh xuất phát, tiến ra Thăng Long, đánh giặc cứu nước.

-Chúng thần tuân lệnh.

-Xuất phát!

200 con voi, hàng vạn kỵ binh và 5 vạn bộ binh rùng rùng chuyển động. Đại quân làm một động tác quay ngược đội hình. Tượng binh đứng cuối bây giờ đi đầu, tiếp đó đến kỵ binh và sau cùng là bộ binh. Quang Trung cưỡi voi đi trung quân, sau tượng binh và trước kỵ binh. Đô đốc Đặng Tiến Đông, Vũ Văn Dũng đi tiên phong, quân sư Trần Văn Kỷ, Nguyễn Văn Tuyết, Đặng Xuân Bảo đi trung quân cùng Quang Trung, Nguyễn Văn Lộc, Hám Hổ Hầu, Nguyễn Tằng Long đi hậu quân. Trong sân quảng trường cung Đan Dương, ra tiễn vua Quang Trung và đại quân có hoàng hậu Phạm Thị Liên, dắt theo hoàng tử Nguyễn Quang Toản, hoàng hậu Lê Ngọc Hân trên tay bế công chúa Nguyễn Thị Ngọc mới 3 tuổi và dắt hoàng tử Nguyễn Văn Đức mới 6 tuổi, còn có cung phi Trần Thị Quy, thứ phi Nguyễn Thị Bích và đông đảo hoàng gia, còn có nữ tướng Bùi Thị Xuân và thái sư Bùi Đắc Tuyên, những người được cử trọng trách phòng thủ Phú Xuân khi vua Quang Trung ra Bắc. Trên đường từ Đan Dương ra Phú Xuân bách tính già, trẻ, trai, gái đông nghìn nghịt dài hai ba dặm đem rượu, nước, bánh trái, hoa quả ra úy lạo tiễn đưa chật đường. Người ta chứng kiến cảnh hành quân kỳ lạ của quân Tây Sơn, để đuổi kịp tượng binh và kỵ binh, bộ binh Tây Sơn cứ một người nằm lên một chiếc cáng và hai ngươi khênh và chạy. Một thiếu niên đứng cạnh hỏi cụ già:

-Ông ơi, cho cháu hỏi, sao họ lại khênh nhau chạy vậy ông?

-Họ thay nhau nằm cáng khênh chạy để bảo đảm ai cũng được nằm nghỉ, ai cũng phải khênh, lại bảo đảm tốc độ hành quân cho đi kịp voi và ngựa.

-Ông ơi ông, vậy họ ăn vào lúc nào và ăn bằng gì?

-Với lương khô là bánh đa và dò lợn, dò bò, quân Tây Sơn không phải dừng lại để nấu nướng, ăn uống mà nằm ăn ngay trên cáng, trên mình voi, trên mình ngựa để bảo đảm tốc độ hành quân thần tốc.

-Thích quá nhỉ, cháu cũng muốn vào quân đội Tây Sơn để được cáng chạy, được ăn bánh đa và giò. Ngon quá.

-Thế còn voi và ngựa không được ăn à ông?

-Cháu không thấy những bao bì trên lưng ngựa và voi à. Đó là thóc và cỏ cho chúng ăn. Khi dừng lại để chờ bộ binh thì chúng tranh thủ ăn và uống.

Đang khi đó, một đám thanh thiếu niên thích thú reo lên:

-A, những chú voi mang ống đồng đẹp quá.

-Ông ơi ông, những con voi mang những ống đồng làm gì vậy ông?

Ông già vút râu đáp:

-Những ống đồng đó là những khẩu đại bác và ống phun ra lửa để diệt giặc.

-A, những chú voi, chú ngựa thích quá, đáng yêu quá, sướng quá, được đi ra Bắc diệt giặc.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập III (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 41)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn