Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV-A (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 15)

PGS TS Cao Văn Liên

02/05/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV (A)  “CHUYỂN GIAO VƯƠNG TRIỀU VÀ NHÀ HẬU TRẦN ĐÁNH GIẶC MINH” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 15.

Trần Cảnh đáp:

-Cháu mới 8 tuổi chưa đủ tuổi làm quan, còn phải học hành mới làm việc ở triều đình được.

-Nhưng chức quan này ngoài cháu ra không ai làm được, cũng không cần học, không cần chờ lớn tuổi.

-Chức quan gì vậy?

-Chức quan này là chức Chính thủ.

-Nhiệm vụ là làm gì?

-Là giúp việc trong cung của hoàng đế.

-Như vậy có được gần hoàng đế nhiều không?

-Nhiều, vì phải phục vụ cho hoàng đế mà.

-Tốt quá, vậy thì cháu làm quan Chính thủ.

chly-chieu-hoang-1602677748-1651413412.jpg
Lý Chiêu Hoàng - Nữ hoàng đầu tiên của Đại Việt. Nguồn: Internet.

 

  Một hôm Trần Cảnh bê nước cho Lý Chiêu Hoàng nên phải vào cung. Lý Chiêu Hoàng trông thấy Trần Cảnh rất vui:

-A, huynh đồng môn, huynh vào đây, có huynh ta vui quá.

  Từ đó, cung nữ hoàng vốn vắng vẻ im lìm, có Trần Cảnh thêm vui. Lý Chiêu Hoàng thường trêu đùa Trần Cảnh. Có một hôm Trần Cảnh bê chậu nước đứng chờ, Lý Chiêu Hoàng rửa mặt xong, lấy tay té nước ướt cả mặt Trần Cảnh và cười vang lên:

-Ha!ha!ha! Nhà ngươi được hoàng đế rửa mặt cho có sướng không?

-Dạ, thần không dám.

  Lần khác Trần Cảnh bê khay trầu đến cho Chiêu Hoàng. Chiêu Hoàng cầm một miếng trầu và ném một chiếc khăn cho Trần Cảnh. Trần Cảnh vội nói:

-Dạ, thần không dám.

  Lại một hôm, Chiêu Hoàng lấy khăn trầu ném cho Trần Cảnh. Trần Cảnh lạy rồi nói:

-Hoàng thượng có tha cho thần không? Thần xin vâng mệnh.

  Lý Chiêu Hoàng cười và nói:

-Tha cho ngươi. Nay nhà ngươi đã biết nói khôn rồi đó.

  Trần Cảnh về thuật lại những chuyện đó với Trần Thủ Độ. Trần Thủ Độ sang phủ Thái úy nói với Trần Thừa:

-Thái úy nên đến phủ của Thuận Trinh Thái hậu bàn chuyện tác thành phu thê cho Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh.

  Trần Thừa nói:

-Té nước vào mặt, ném khăn cho nhau là trò nghịch ngợm của trẻ con, sao có thể gọi là tín hiệu đồng ý lấy nhau được.

 - Thì huynh cứ đem chuyện đó nói với Thuận Trinh hoàng thái hậu xem có khi chuyện đó là thực.

  Trần Thừa đem việc đó nói với Thuận Trinh thái hậu. Trần Thị Dung nói:

-Rồi, để muội hỏi Chiêu nhi.

  Hôm sau Thuận Trinh thái hậu nói lại với Trần Thừa và Trần Thủ Độ:

-Muội đã hỏi Chiêu nhi. Chiêu nhi đồng ý lấy Trần Cảnh. Chúng ta phải tổ chức lễ ăn hỏi và đám cưới cho hai đứa thôi.

  Rồi tháng 11 năm 1225, triều đình Thăng Long nhộn nhịp tưng bừng lễ cưới của Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh. Cả hoàng thành ăn uống tiệc rượu trong ba ngày, rượu tràn như nước, xôi thịt như núi. Sau đó, lệnh đại xá thiên hạ một năm.

  Tháng 12 năm 1225, kinh thành Thăng Long chìm trong giá rét, những cơn gió lạnh thổi lá vàng bay lả tả. Nắng vàng mờ nhạt tuôn chảy, ánh nắng như những viên kim cương lọt qua kẽ lá xuống hoàng thành. Trong điện Thiên An, bá quan văn võ đang thiết triều. Ngồi trên ngai vàng là vị nữ hoàng bé nhỏ xinh đẹp, đứng bên cạnh là quan nội thị. Ba hồi trống vang lên, bá quan văn võ quỳ xuống hành lễ:

-Hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế.

  Lý Chiêu Hoàng nói:

-Miễn lễ, các ái khanh bình thân.

-Tạ ơn hoàng thượng.

  Lý Chiêu Hoàng nói:

-Quan nội thị đâu.

-Có nô tài.

-Cho Trần Cảnh ra.

-Dạ.

  Quan nội thị dẫn Trần Cảnh ra. Đó là chàng thiếu niên khoảng 8 tuổi, dung mạo khôi ngô, khoan thai nho nhã, mặt đẹp môi đỏ, mắt sáng, oai phong lẫm liệt. Lý Chiêu Hoàng nói:

-Quan nội thị tuyên chiếu.

-Thần tuân chỉ.

  Quan nội thị đọc: “Phụng thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết, từ xưa nước Đại Việt ta đã có đế vương trị vì thiên hạ. Triều Lý ta vâng chịu mệnh trời, các tiên đế thánh truyền hơn 200 năm. Chỉ vì thượng hoàng có bệnh, không người nối dõi, thế nước hiểm nguy, sai trẫm nhận minh chiếu cố gượng lên ngôi, từ xưa đến nay chưa từng có việc này. Khốn nỗi trẫm là nữ chúa, tài đức đều thiếu, làm sao mà giữ nỗi ngôi báu. Trẫm dậy sớm thức khuya, chỉ sợ không cáng đáng nổi. Vẫn nghĩ tìm người hiền nhân quân tử để cùng giúp chính trị, đêm ngày khẩn khoản đến thế là cùng cực. Nay trẫm suy đi tính lại, chỉ có Trần Cảnh là người văn chất đủ vẻ, thực phong cách quân tử hiền nhân, uy nghi đường hoàng, có tư cách thánh thần văn võ, cho nên trẫm nhường ngôi báu để thỏa lòng trời, cho xứng lòng trẫm, đồng lòng hết sức cùng giúp vận nước, hưởng phúc thái bình. Vậy bố cáo thiên hạ để mọi người đều biết. Khâm Thử”.

  Quan nội thị đọc xong, Lý Chiêu Hoàng bước xuống ngai vàng, bước lại gần, cởi áo long bào khoác lên người Trần Cảnh, dắt tay bảo ngồi lên ngai vàng. Bá quan văn võ vội quỳ xuống hành lễ:

-Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

-Hoàng hậu thiên thiên tuế.

  Trần Cảnh nói:

-Miễn lễ, các ái khanh bình thân.

-Tạ ơn hoàng thượng.

Trần Cảnh nói:

-Quan nội thị tuyên chiếu:

  Quan nội thị đọc:

-Trẫm lên ngôi lấy đế hiệu là Trần Thái Tông, niên hiệu Kiến Trung. Sắc phong Chiêu Thánh công chúa là Chiêu Thánh hoàng hậu, phong Thái úy phụ quốc Thái úy Trần Thừa là Trần Thái Tổ, thái thượng hoàng phụ chính, phong Trần thủ Độ làm Thái sư Quốc thượng phụ, nắm quyền cai trị mọi mặt trong nước, Khâm thử”.

 Bách quan văn võ lại quỳ xuống hành lễ:

-Hoàng thượng vạn vạn tuế.

-Thái thượng hoàng thiên thiên tuế.

-Còn ai tấu nữa không.

-Không có, bãi triều.

  Như vậy nhà Lý đã đi vào lịch sử sau 216 năm tồn tại, một triều đại mới bắt đầu: Triều Trần. Lý Chiêu Hoàng lên ngôi tháng 6 năm Ất Dậu năm 1225 và nhường ngôi cho chồng tháng 11 năm Ất Dậu cùng năm. Vậy, Lý Chiêu Hoàng chỉ ở ngôi có nửa năm. Sự việc chuyển giao vương triều diễn ra nhanh chóng nhưng thực ra nó đã được hình thành và chuẩn bị những nhân tố và đấu tranh gay gắt với nhau trong khoảng hơn 10 năm trước đó. Những con người liên quan đến việc chuyển giao quyền lực hai vương triều này là những nhân vật lịch sử, gắn bó vận mệnh với hai vương triều.

                                  

                                   *        *

                                         *

  92 năm sau, mùa hè năm 1317, đang là thời Trần Minh Tông, hoàng thành Thăng Long chìm trong nắng ban mai, kinh thành hơn 300 năm tắm nắng gội mưa càng thêm cổ kính. Mây bay trên trời, gió vi vu trên nhưng ngọn cây cổ thụ vươn cao, gió xào xạc đưa nhẹ những chiếc lá vàng rơi xuống đất. Phố phường, nhà cửa theo thời gian đã có nhiều thay đổi. Duy chỉ có sông Hồng vẫn như xưa, vẫn vội vã đưa nước về Lục Đầu Giang trôi ra biển.

  Dinh thự của quan Bảng nhãn, Hàn lâm học sĩ kiêm Giám tu Quốc sử Lê Văn Hưu chìm trong cây lá làm cho dinh thự vắng vẻ im lìm như nơi ẩn mình của cư sĩ. Trong căn phòng khách giữa nhà cổ kính, ngồi trên ghế tràng kỷ màu gụ khảm trai là một cụ già hơn 80 tuổi, râu tóc bạc phơ, da dẻ hồng hào, mắt sáng dưới hai bộ lông mày rậm rạp và bạc trắng, vẫn tinh anh và tràn đầy nghị  lực. Đó chính là Hàn lâm học sĩ kiêm Giám tu quốc sử Lê Văn Hưu.

  Lê Văn Hưu quê ở Phủ Lý, Đông Sơn, Thanh Hóa, sinh năm 1230, đỗ bảng nhãn năm 17 tuổi trong kỳ thi tam khôi đầu tiên thời Trần Thái Tông năm 1244, cùng khóa thi với Nguyễn Hiền, người Nam Định, đỗ trạng nguyên năm 13 tuổi, cùng với Đặng Ma La, người Thăng Long đỗ thám hoa cũng mới 17 tuổi. Sau khi đỗ, Lê Văn Hưu được Trần Thái Tông phong cho chức Binh bộ Thượng thư, sau đó là Hàn lâm học sĩ kiêm Giám tu quốc sử để viết sử nước nhà. Năm 1272, ông đã hoàn thành bộ quốc sử “Đại Việt sử ký” 30 quyển, chép sử Đại Việt từ thời An Dương Vương cho đến Lý Chiêu Hoàng. Đó là bộ lịch sử đầu tiên của nước nhà nổi tiếng đương thời được người đời hâm mộ thán phục và được vua Trần Thánh Tông khen thưởng. Vì thế, quan lại, học giả xa gần thường đến nhà Lê Văn Hưu đàm đạo về bộ  “Đại Việt sử ký” nên ông không mấy khi được rảnh rỗi.

  Lê Văn Hưu đang bê chén trà uống và suy nghĩ về bộ sử thì có gia nhân vào báo:

-Bẩm chủ nhân, có ngài Chu Văn An muốn xin vào gặp.

-Cho mời vào.

-Dạ.

  Khách bước vào, đó là một thanh niên tuấn tú, nho nhã, khoảng 25 tuổi, cúi đầu chắp tay:

*-Dạ, kính chào quan Hàn lâm học sĩ, thảo dân là hàn sĩ Chu Văn An, quê ở Thăng Long, nghe tiếng của thầy từ lâu, nay muốn xin được thỉnh giáo.

- Miễn lễ, xin mời tiên sinh ngồi.

-Bay đâu.

-Dạ.

-Rót nước mời tiên sinh

-Dạ.

-Mời tiên sinh dùng nước.

-Dạ, đa tạ thầy.

  Hai người xong một ly trà, Lê Văn Hưu hỏi:

-Tiên sinh Chu Văn An hạ cố đến có việc gì không?

  Chu Văn An đặt chén xuống và nói:

-Dạ, thưa thầy, học trò nghe tiếng thầy đã lâu, vừa rồi lại được đọc bộ sử “Đại Việt sử ký” của thầy, học trò như được mở mang tầm mắt về những lý giải về các sự kiện, những nhân vật một cách mới mẻ, chưa từng có ai lý giải được. Bái phục, bái phục.

  Lê Văn Hưu nói và như hỏi:

-Nhiều chỗ lão phu cũng chưa lý giải được những bí ẩn của lịch sử Đại Cồ Việt và Đại Việt. Tiên sinh đọc kỹ rồi có gì chỉ giáo không?

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV-A (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 15)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn