Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV-A (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 12)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV (A)  “CHUYỂN GIAO VƯƠNG TRIỀU VÀ NHÀ HẬU TRẦN ĐÁNH GIẶC MINH” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 12.

Lại có thám mã về báo:

-Dạ, Nguyễn Nộn lo sợ đã bỏ kinh thành rút về Bắc Giang rồi ạ.

-Hả, nó rút sao không báo ta biết, không hộ giá để ta cùng đi, thằng phản nghịch. Đi gọi quan nội thị và tướng Phạm Bố vào đây.

-Dạ.

  Phạm Bố và quan nội thị vào:

-Hoàng thượng vạn vạn tuế.

-Miễn lễ, bình thân.

-Tạ ơn hoàng thượng.

-Nay Nguyễn Nộn lo sợ thanh thế của Trần Tự Khánh đã bỏ Thăng Long, bỏ trẫm mà về Bắc Giang, nay các ái khanh cho ta biết ta nên dựa vào ai đây?

  Phạm Bố nói:

-Tâu hoàng thượng, họ Trần sẽ làm chủ đất nước nay mai, người thống nhất đất nước chính là Chương thành hầu Trần Tự Khánh, hoàng thượng nên về với Trần Tự Khánh.

ch-lyhuetong-1651156348.jpeg
Tranh minh họa: Vua Lý Huệ Tông (1194-1226) là vị hoàng đế thứ tám của nhà Lý, cai trị từ năm 1210 đến năm 1224. Nguồn: Internet.

 

  Quan nội thị cũng nói:

-Thần cũng mong hoàng thượng nên sớm về với Trần Tự Khánh, muốn vậy trước hết hoàng thượng nên phục hồi tước vị của ngự nữ Thuận Trinh lên là Thuận Trinh hoàng hậu, thứ hai là phải bảo vệ không cho thái hậu giết chết Thuận Trinh hoàng hậu. Trần Thị Dung mà chết, hoàng thượng sẽ rất khó tiếp xúc và về với họ Trần.

  Lý Huệ Tông nói:

-Việc hậu cung cũng không dấu được hai khanh. Đàm thái hậu liên tục bỏ thuốc độc vào cơm nước của Thuận Trinh ngự nữ. Ta phải cấm nàng đó ăn cơm do người khác mang đến mà mỗi bữa ăn phần cơm cùng ta, uống nước của ta mới bảo vệ được đến ngày nay. Ta là vua một nước sao lại khổ như vậy. Thế lực sứ quân nào mà chả nhìn ngôi báu, mong bá chủ thiên hạ. Thôi ta về với họ Trần rồi tính sau, mất còn do trời định. Ngôi báu là của trời, ta có giữ mãi cho họ Lý cũng không được.

  Im lặng một hồi lâu, Lý Huệ Tông thở dài rồi nói tiếp:

-Quan nội thị.

-Có thần.

-Ái khanh đi sứ sang hành dinh của Trần Tự Khánh đi.

-Thần tuân chỉ, sẽ hết lòng vì hoàng thượng trong chuyến đi này.

  Tại hành dinh của Trần Tự Khánh ở Cửu Liên, Khoái Châu, một sáng, Trần Tự Khánh đang uống trà sau bữa ăn sáng thì có thám mã về báo:

-Dạ bẩm chúa công, có quan nội thị của Lý Huệ Tông xin vào gặp.

-Cho vào ngay.

-Dạ.

  Quan nội thị bước vào cúi mình chào:

-Xin chào Chương Thành hầu, đã lâu không gặp.

  Trần Tự Khánh đứng dậy:

-Không dám, xin chào quan nội thị, mời ngài ngồi dùng trà.

  Sau một lượt trà, Trần Tự Khánh hỏi:

-Lý Huệ Tông sai ngài đến hành dinh của ta hẳn là có việc.

-Dạ, quan Chương thành hầu đoán việc như thần, ta đến là báo cho ngài một tin vui.

-Tin vui gì vậy?

-Hoàng thượng muốn về với họ Trần để được ngài phò tá.

-Trước đây, ta đã có thư lên tận Lạng Châu trình bày gan ruột, lòng trung của ta cách đây ba năm rồi, hoàng thượng có nghe đâu.

-Dạ, nay thì dứt khoát rồi, không về với ngài là anh vợ, họ Trần là họ ngoại thì về với ai? Đoàn Thượng ư? Nguyễn Nộn ư? Đâu có đủ lực, đâu là ruột thịt nội ngoại.

Trần Tự Khánh nói:

-Ngài về nói với hoàng thượng về với ta thì yên tâm đi. Ta còn thì bản thân, ngai vàng của ngài ấy sẽ còn. Đàm thái hậu đã mấy lần định giết em gái ta nhưng ta không chấp. Ta sẽ bảo vệ ngai vàng và cả Đàm thái hậu cho hoàng thượng.

-Đa tạ Chương thành hầu, ngài quả là cao thượng, một lòng vì dân, vì nước, vì triều đình.

-Đa tạ, ngài quá khen nhưng để bình thiên hạ mà không cao thượng thì sao nên cơ nghiệp.

  Trần Tự Khánh gọi:

-Bay đâu.

-Dạ.

-Sắp cơm rượu lên đây ta cùng vui với quan nội thị.

-Dạ, chúa công.

  Ăn uống xong, quan nội thị nói:

-Đa tạ quan Chương Thành hầu, cáo biệt, hẹn gặp lại.

  Quan nội thị về Thăng Long, thuật lại cuộc nói chuyện với Trần Tự Khánh, Lý Huệ Tông cả mừng, ngay chiều đó đến phòng của Trần Thị Dung, vừa đến cửa thì nghe tiếng nội giám quát:

-Thái hậu bảo nhà ngươi phải uống cạn bát thuốc này, không uống ta bóp cổ đổ vào miệng.

  Trần Thị Dung vừa kêu vừa khóc:

-Ta không uống, hoàng thượng đâu, cứu thiếp, hu!hu!hu!...

  Lý Huệ Tông đạp cửa bước vào. Tên nội giám cả sợ. Lý Huệ Tông hỏi:

-Thuốc gì vậy?

-Dạ, thần không biết thuốc gì, thái hậu bảo đưa và buộc ngự nữ phải uống.

-Đưa ta xem.

-Dạ.

-Bay đâu.

  Hai cấm quân bước vào.

-Dạ, hoàng thượng.

-Đổ bát thuốc này vào mồm tên nội giám.

-Dạ, hoàng thượng tha mạng, xin tha mạng.

  Hai người lính ghì tên nội giám xuống, một người đổ bát thuốc vào mồm. Thuốc chảy hết vào bụng, một lát sau tên nội giám trào máu ra miệng mà chết. Cả Lý Huệ Tông và Trần Thị Dung đều sợ xanh mặt. Trần Thị Dung còn chưa hết run rẩy. Lý Huệ Tông bảo hai cẩm y vệ:

-Cho gọi tướng quân Phạm Bố đến đây.

-Dạ.

  Phạm Bố bước vào, Lý Huệ Tông ra lệnh:

-Tướng quân chọn 10 cẩm y vệ kỵ binh bí mật chờ ta ở ngoài Tử cấm thành. Nhớ 10 ngựa cho lính và 1 ngựa cho ta. Nhớ không cho Thái hậu biết.

-Dạ, thần tuân chỉ.

  Canh ba Lý Huệ Tông cùng Trần Thị Dung ăn mặc như dân thường cùng 10 lính ngự lâm và đại tướng Phạm Bố rời Thăng Long, phi một mạch về đông nam, trời sáng thì đến huyện Yên Duyên. Tướng của Trần Tự Khánh là Lê Mịch đón vào dinh nghỉ ngơi. Lê Mịch gọi một thám mã báo:

-Nhà ngươi nhanh chóng đi đến hành dinh ở Cửu Liên báo cho chúa công rằng cho người đến đón hoàng thượng ở chỗ ta. Rõ chưa.

-Dạ, tướng quân.

  Gần trưa, cơm nước xong thì tướng Lê Vương đến:

-Hoàng thượng vạn vạn tuế, phu nhân thiên thiên tuế.

-Miễn lễ, bình thân.

-Dạ, mạt tướng vâng mệnh Chương thành hầu đem binh thuyền đón hoàng thượng và phu nhân về bãi Cửu Liên (Hưng Yên). Kính mời hoàng Thượng và phu nhân lên thuyền.

  Đến bãi Cửu Liên, Lý Huệ Tông cho gọi Trần Tự Khánh đến chầu, vua tôi gặp nhau thật lòng đồng thuận. Trần Tự Khánh lại tôn phò Lý Huệ Tông, vua Nguyên Vương (Càn Ninh) lại làm Văn Huệ Vương. Tại Cửu Liên, Thuận Trinh phu nhân sinh ra Thuận Thiên công chúa.

VI.

  Tháng 12 năm 1216, kinh thành Thăng Long chìm trong giá rét, các cung điện phô mái ngói rêu phong, những đà đao đầu rồng nhô lên trời xam xám, xen kẽ nhưng cây lá xanh xào xạc. Những cung điện bị chiến tranh tàn phá cháy nham nhở còn chưa kịp sửa chữa, ghi lại tàn dư của cuộc nội chiến tương tàn vẫn chưa kết thúc.

  Trong điện Càn Nguyên, bá quan văn võ đang dự thiết triều. Vua Lý Huệ Tông vương miện vàng ngọc lung linh, áo long bào màu vàng nhạt phai màu nhuộm bụi gió sương, xa giá long đong nay lại quay về ngồi trên ngai vàng do sự phò tá của lực lượng quân sự nhà Trần. Bá quan văn võ quỳ xuống hành lễ:

-Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

-Miễn lễ, các ái khanh bình thân.

-Tạ ơn hoàng thượng.

-Các khanh nghe truyền chỉ.

  Bá quan văn võ lại quỳ và cúi xuống. Quan nội thị tuyên đọc: “Phụng thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết, xét công lao nay thấy Chương thành hầu Trần Tự Khánh có công đánh dẹp, thống nhất thiên hạ, có công phò giá, nay gia phong chức Thái úy phụ chính, thống lĩnh cả dân chính và binh quyền, khi xướng lễ không phải xướng tên. Nay phong Trần Thừa tước Liệt Hầu, làm Nội thị phán thủ. Nay phong Trần Liễu, Phùng Tá Chu, Lai Linh tước nội hầu, phong Trần Hải con trai Trần Tự Khánh tước vương, phong  Thuận Trinh ngự nữ (Trần Thị Dung) làm Thuận Trinh hoàng hậu. Khâm Thử”.

-Tạ ơn hoàng thượng.

-Hoàng thượng anh minh.

-Miễn lễ, các ái khanh bình thân.

-Tạ ơn hoàng thượng.

-Còn ai có tấu gì không?

-Bẩm hoàng thượng thần có tấu.

  Triều đình nhìn ra thì đó là Thái úy phụ chính Trần Tự Khánh.

-Ái khanh tấu đi.

-Bẩm hoàng thượng, nay giặc giã vẫn chưa dẹp hết, thần xin hoàng thượng cho thần dẹp hết những thế lực phản loạn còn lại để thống nhất nước nhà.

-Chuẩn tấu.

-Còn ái khanh nào tấu nữa không?

Im lặng, không ai tấu nữa.

-Bãi triều.

  Sau đó Lý Huệ Tông cho đi đón Đàm thái hậu và hai công chúa lưu lạc ở Bắc Giang về. Cùng tháng 6 năm đó, có nội thần vào báo với Lý Huệ Tông:

-Bẩm hoàng thượng, bẩm Thái úy phụ chính, có sứ giả của Đoàn Thượng ở Hồng Châu xin vào gặp.

-Cho vào.

  Tướng Vũ Hốt vào quỳ hành lễ:

-Hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế.

-Miễn lễ, bình thân.

-Tạ hoàng thượng.

  Vũ Hốt đứng dậy chắp tay cúi đầu:

-Kính chào Thái úy phụ chính.

(Còn nữa)

CVL