Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 30)

PGS TS Cao Văn Liên

18/02/2022 06:16

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV “NỘI CHIẾN NAM-BẮC TRIỀU” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 30.

-Mạt tướng tuân lệnh.

Quân Mạc lại lần nữa tấn công Nghệ An, Thanh Hóa. Tại hành dinh ở Vạn Lại-An Trường, Trịnh Tùng đang họp các tướng lĩnh. Trịnh Tùng nói:

-Ta vừa được thám mã về báo, Nguyễn Quyện đã đem 3 vạn quân tấn công Nghệ An, Diễn Châu, Mạc Kính Điển đang tấn công Yên Định, Thụy Nguyên, Mạc Ngọc Liễn đang đánh Đông Sơn. Nay ta ra lệnh:

-Các tướng Lại Thế Khanh, Phan Công Tích, Nguyễn Cảnh Hoan đem 4 vạn quân vào cứu Nghệ An. Đạo quân này do Lại Thế Khanh chỉ huy. Ta sẽ thống soái các tướng và quân đội chặn đánh Mạc Kính Điển ở Thanh Hóa.

-Chúng mạt tướng tuân lệnh.

chumkdien1-1645110627.jpg

Tranh minh họa: Khiêm vương Mạc Kính Điển nổi lên như một trong những trụ cột quan trọng nhất của Bắc triều Nhà Mạc. Tuy không lên ngôi hoàng đế nhưng nắm mọi quyền hành, khi ông mật đi nhà Mạc cũng suy vong. Nguồn: Internet.

 

Hôm sau, đạo quân Nam Triều ở Thanh Hóa do Trịnh Tùng đi trung quân, Vũ Sư Thước, Nguyễn Hữu Liêu đi tiên phong, Trịnh Bách, Trịnh Đồng, Trịnh Ninh, Trịnh Đỗ, Trịnh Đức và Hà Thọ Lộc đi hậu quân. Trịnh Tùng đóng đại quân ở Chiêu Sơn. Trịnh Tùng sai Thái phó Hoàng Đình Ái, Đô Diễn, Thạch Quận Công và Phan Văn Khải đem quân cứu Thụy Nguyên (Thiệu Hóa), Nông Cống, Đông Sơn. Hoàng Đình Ái đóng quân ở núi Tiên Mộc. Đối diện với quân của Hoàng Đình Ái là quân của Mạc Ngọc Liễn, đối diện với quân của Trịnh Tùng là quân của Mạc Kính Điển. Quân Mạc Kính Điển đang tiến đến các sông Yên Định, Thụy Nguyên, hữu ngạn sông Chu.

Từ Diễn Châu, quân của Lại Thế Khanh tiến tới vùng đồng bằng có núi Lèn Hai Vai đã thấy quân của Nguyễn Quyện dàn trận. Bên cạnh Nguyễn Quyện có các tướng Mạc Hữu Mệnh. Lại Thế Khanh cũng cho quân dàn trận. Lại Thế Khanh mắng Nguyễn Quyện:

-Thằng phản nghịch, ngươi đã từ Bắc Triều chạy về Nam Triều. Nam Triều đối xử hậu với cha con ngươi sao ngươi lại bỏ Nam Triều về lại nhà Mạc. Bay đâu ra bắt thằng giặc này cho ta.

Lại Thế Khanh nói xong có tiếng quát:

-Thằng giặc tráo trở chớ chạy.

Mọi người nhìn thì ra là Phan Công Tích đang thúc ngựa xông ra, bên quân Mạc, Mạc Hữu Mệnh cưỡi con ngựa đen phi ra tiếp chiến. Hai tướng xáp nhau đánh được 10 hiệp thì Mạc Hữu Mệnh quay ngựa chạy, quân Mạc núng thế rút lui. Lại Thế Khanh xua quân truy kích, đến một nơi địa thế hiểm trở gần Lèn Hai Vai, quân Nam Triều nghe chiêng trống nổi lên bốn mặt và những trận tên như mưa dội  xuống. Hàng nghìn quân của đạo tiên phong quân Nam Triều ngã gục. Lại Thế khanh biết là trúng kế mai phục, hạ lệnh cho hậu quân rút lui. 1 vạn quân Nam Triều bị giết, tướng Phan Công Tích tử trận trên lưng ngựa.

 Tại mặt trận Thanh Hóa, 5 vạn quân Mạc Kính Điển đối diện với 5 vạn quân của Trịnh Tùng ở cánh đồng Đông Lý, Yên Định. Hai bên dàn quân, cờ vàng bay phấp phới, chiêng trống vang lừng. Bên quân Mạc, tướng Lại Thế Mỹ cưỡi ngựa đen múa đại đao xông ra, bên quân Nam Triều Nguyễn Cảnh Hoan liền múa giáo xông ra mắng:

-Tên phản vua kia còn dám vác mặt ra đây sao?

Hai tướng xáp vào quần nhau, giáo chạm đại đao tóe lửa, đánh nhau 20 hiệp không phân thắng bại. Thốt nhiên, hàng ngũ quân Mạc rối loạn. Từ 4 hướng các cánh quân của Vũ Sư Thước, Nguyễn Hữu Liêu xông vào đánh tập hậu sau lưng và hai bên sườn quân Mạc. Trịnh Tùng phất cờ hiệu, quân Nam Triều xông lên vây quân Mạc vào giữa mà chém giết, thây chồng như núi, máu chảy như sông. Quân Mạc đại bại. Quân Mạc cố mở đường máu che tên đạn cho Mạc Kính Điển chạy thoát khỏi vòng vây. Sau trận đại bại này, Mạc Kính Điển thu nhặt tàn quân rút ra Bắc. Nguyễn Quyện thấy quân Mạc Kính Điển thất bại rút khỏi Thanh Hóa cũng vội vã rút khỏi Nghệ An vì sợ bị cô lập sẽ bị tiêu diệt.

Tháng 9 năm Mậu Dần 1578, An Quốc Công Lại Thế Khanh từ trần, vua Lê Thế Tông truy tặng tước hiệu Khiêm Quốc Công, đời sau truy tặng thêm Thái Tể Cẩn Quốc Công.

Tháng 9 năm 1578, Mạc Kính Điển nói với Nguyễn Quyện:

-Tướng quân hãy đem 5 vạn quân đánh vào Hà Đô, ta sẽ đem quân tiếp ứng. Nếu tiêu diệt được chủ lực quân Nam Triều ở Hà Đô ta sẽ tiến thẳng vào Vạn Lại-An Trường để tiêu diệt Nam Triều, kết thúc  chiến tranh thắng lợi.

Nguyễn Quyện đáp:

-Mạt tướng tuân lệnh.

Nguyễn Quyện đưa quân tới Hà Đô, chọn địa thế hiểm yếu, bố trí quân mai phục và nói với Lại Thế Mỹ và Hoàng Quận Công Mạc Đăng Lương:

-Hai tướng đem quân ra khiêu chiến giả thua và dụ quân Nam Triều vào trận địa để ta tiêu diệt. Hai tướng sẽ lập công đầu.

-Chúng mạt tướng tuân lệnh.

Mạc Đăng Lương cùng Lại Thế Mỹ cưỡi ngựa dẫn quân ra ngoài chiến lũy Khoai Lạc. Bên quân Trịnh dàn trận và bắn tên vào quân Mạc như mưa. Một mũi tên có thuốc độc xuyên ngay vào mắt Lại Thế Mỹ. Lại Thế Mỹ quay đầu chạy về làm quân Mạc cũng chạy theo. Quân Mạc đang mai phục cũng hoảng hốt bỏ chạy. Lại Thế Mỹ về đến cửa doanh trại ngã  xuống ngựa mà chết. Mạc Kính Điển kinh hoàng ra lệnh cho Nguyễn Quyện rút quân về Đông Kinh.

Khai quốc công thần Lại Thế Vinh là một trong bốn người gây dựng nhà Lê Trung Hưng. Từ năm 1570, khi con rể là Trịnh Kiểm chết, gia đình ông chịu nhiều tổn thất đau thương. Cháu ngoại ông là Trịnh Cối, con của Trịnh Kiểm và chính phi Lại Thị Ngọc Trân mất quyền Tiết chế Nam Triều, bỏ  sang hàng nhà Mạc. Con trai ông là Lại Thế Mỹ vì phò tá Trịnh Cối mà phải đi theo và năm 1578 tử trận ở Hà Đô. Từ đó Lại Thế Vinh đau buồn sinh đau ốm. Ngày 10-10 năm Mậu Dần 1578, niên hiệu Quang Hưng thứ nhất, đời vua Lê Thế Tông, Thái sư Dương Quốc Công Lại Thế Vinh nhà Lê Trung Hưng qua đời tại nhà riêng ở thái ấp Thượng Hữu, Huyện Thượng Nguyên, phủ Thiên Trường, trấn Sơn Nam. Nhà Lê trung Hưng truy tặng ông là Thái Tể Trung Quốc Công, ban tên thụy là Văn Hiến. Triều đình Lê Trung Hưng cử đại thần về tổ chức tang lễ, xuống chiếu cho Lại Thế Vinh làm phúc thần là Lại Đại Vương Thượng Thượng Đẳng  Tôn Thần, cho con cháu và dân xã Thượng Hữu lập đền thờ phụng.

Tháng 10 năm 1578, Trịnh Tùng lại được thám mã về cấp báo:

-Dạ, bẩm Tiết chế, quân Mạc do Mạc Kính Điển chỉ huy đang tiến tới Giang Biểu.

Trịnh Tùng nói:

-Cho gọi tướng Trịnh Bách vào đây.

-Dạ.

Trịnh Bách vào, Trịnh Tùng ra lệnh:

Tướng quân đem 5 vạn quân đến Phụng Công phá giặc lập công.

-Mạt tướng tuân lệnh.

Mạc Kính Điển từ Giang Biểu tiến tới Phụng Công. Quân Mạc sa vào trận địa của quân Nam Triều. Quân Nam Triều dùng cung nỏ và súng hỏa mai từ bốn phía bắn vào, quân Mạc chết xác chồng như núi, máu chảy thành sông, quân Mạc đại bại. Mạc Kính Điển kinh hoàng mở đường máu, thu tàn quân về Bắc.

Tháng 11 năm năm 1579, Mạc Kính Điển đang ngồi uống trà trong tư dinh ở Đông Kinh thì có tùy tướng vào báo:

-Dạ bẩm Khiêm Vương, tướng quân Mạc Ngọc Liễn đi đánh chúa Bầu Vũ Công Kỷ ở Tuyên Quang bị bại trận rút về, xin vào chịu tội.

-Cho vào.

Mạc Ngọc Liễn bước vào quỳ và nói:

-Mạt tướng bị bại trận, xin chịu quân pháp, mong Khiêm Vương trừng trị.

Mạc Kính Điển hỏi:

-Vì sao tướng quân bại trận?

-Dạ, rừng núi Tuyên Quang vô cùng hiểm trở, mạt tướng chủ quan, bị quân của Vũ Công Kỷ mai phục.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 30)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn