Việt Nam diễn nghĩa – Tập V (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 8)

PGS TS Cao Văn Liên

11/03/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập V “NỘI CHIẾN TRỊNH -NGUYỄN VÀ NHÀ TÂY SƠN” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 8.

Trịnh Tráng lên đài chỉ huy 200 chiến thuyền cùng 3 vạn thủy binh sẵn sàng vượt sông Nhật Lệ. Trong khi đó, Nguyễn Khắc Liệt và Lê Thì Hiến, Trịnh Toàn dẫn 5 vạn bộ binh im lìm không cờ, không trống trong màn đêm tiến dần tới mặt bắc lũy Trấn Ninh.

chqs1-1646923081.jpg
Tranh minh họa: Đào Duy Từ - nhà quân sự tài giỏi, mưu lược của Chúa Nguyễn (Đàng Trong). Nguồn: Internet.

 

Trước khi quân Trịnh tiến vào sông Nhật Lệ nửa tháng, tại phủ trấn Quảng Nam, quan trấn thủ Nguyễn Phúc Anh ngày nào cũng say mềm và nói những lời bất mãn, phản nghịch khi biết Nguyễn Phúc Lan được chọn làm thế tử. Nguyễn Phúc Anh cứ say là đánh mắng thuộc hạ, bỏ bê việc công đường:

          -Ta mới là thế tử, Nguyễn Phúc Lan có tài cán gì. Ta mới là xứng đáng…

          Hôm khác lại nói:

          -Ta sẽ mời quân Trịnh vào giúp ta lên ngôi chúa chứ không thèm ngôi thế tử…

          Rồi một hôm Nguyễn Phúc Anh gọi một tên tùy tùng thân cận:

          -Đệ đem phong thư này ra Thăng Long đưa cho Trịnh Tráng, xong việc ta lên ngôi chúa, đệ sẽ là quan to, vinh hoa phú quý, tước công là chắc chắn, rõ chưa?

          -Dạ, mạt tướng tuân lệnh chúa công.

          Những việc đó không qua khỏi mắt lưới do thám dày đặc của Đào Duy Từ. Tên lính đưa thư từ Quảng Nam vừa đến đầu đèo Hải Vân thì bị bắt. Cả thư và người được đưa về Phước Yên trình Nguyễn Phúc Nguyên và Đào Duy Từ. Nguyễn Phúc Nguyên hỏi Đào Duy Từ:

          -Thầy định liệu việc này như thế nào?

          -Bẩm chúa công, thân vương Nguyễn Phúc Anh vì bản thân quá hám danh lợi địa vị đã phản bội sự nghiệp của cha ông, tội quá nặng, chúa công phải ra lệnh bắt giam ngay, cử người khác đến làm trấn thủ Quảng Nam.

          -Nguyễn Phúc Nguyên nói:

          -Thầy nói phải lắm. Bay đâu.

          -Dạ, bẩm chúa công.

          -Gọi Nguyễn Phúc Lan vào ngay.

          -Dạ.

          Nguyễn Phúc Lan vào:

          -Dạ con kính chào phụ vương, kính chào thầy.

          Nguyễn Phúc Nguyên nói:

          -Đệ của con Nguyễn Phúc Anh làm phản, viết thư mời Trịnh Tráng vào đánh Thuận Hóa, nó sẽ làm nội ứng. Nay con đến bắt tống giam và con tạm thay Trấn thủ Quảng Nam.

          -Dạ, con xin tuân lệnh phụ thân.

          Đào Duy Từ nói:

          -Ta nên tương kế tựu kế đánh cho Trịnh Tráng một đòn thất điên bát đảo. Thế tử cầm lá thư này về Quảng Nam, buộc Nguyễn Phúc Anh viết lại phong bì và đóng dấu niêm phong trấn thủ Quảng Nam vào. Gửi cả ấn trấn thủ Quảng Nam cho Trịnh Tráng làm vật tin. Chọn một tùy tướng dũng cảm, trung thành cầm thư và ấn ra Thăng Long đưa cho Trịnh Tráng.

          -Dạ, con xin nghe lời thầy.

          Khi Nguyễn Phúc Lan đi rồi, Nguyễn phúc Nguyên hỏi Đào Duy Từ:

          -Mai Trịnh Tráng đem quân vào, thầy định tương kế tựu kế như thế nào?

          -Bẩm chúa công, chúng ta không có tham vọng và cũng không thể tiêu diệt toàn bộ 10 vạn quân Trịnh trong trận này. Ta chỉ có thể dụ địch vào sâu tiêu diệt phần lớn quân số địch làm cho chúng kinh hoàng khiếp sợ may là lần sau chúng không tiến vào gây chiến nữa, mà nếu có tiến vào thì cũng không còn tinh thần và chỉ có chiến bại. Kính mời chúa công xem, nếu đồng ý kế hoạch này chúa công sai tùy tướng đem ra chiến lũy cho Nguyễn Hữu Dật và Nguyễn Hữu Tiến để thực hiện.

           Chúa Nguyễn Phúc Nguyên cầm và xem kỹ kế hoạch trận đánh và nói:

          -Thưa thầy, tốt lắm. Người đâu.

          -Dạ.

          -Gọi tướng Tống Hữu Dật vào đây.

          -Dạ.

          Tống Hữu Dật bước vào cúi mình hành lễ:

          -Dạ, kính chào chúa công thiên tuế, thiên thiên tuế. Kính chào thầy.

          -Miễn lễ.

          -Dạ, đa tạ chúa công.

          Nguyễn Phúc Nguyên nói:

          -Tướng quân phi ngựa gấp ra gặp và đưa hai bản kế hoạch này cho tướng quân Nguyễn Hữu Dật và tướng quân Nguyễn Hữu Tiến và nói hai tướng phải bàn bạc bố trí lực lượng thực hiện tốt kế hoạch này.

          -Mạt tướng tuân chỉ.

                                                          *        *

                                                                   *

          Đêm đã khuya, 200 chiến thuyền của quân Trịnh neo ở vùng biển Nhật Lệ. Phía trong bờ Bắc của Nhật Lệ là chiến lũy Trấn Ninh dài đến 9 dặm, bề rộng khoảng 1 dặm tạo nên một khối hình chữ nhật. Trên thành hàng trăm khẩu thần công khống chế cửa sông, khống chế toàn bộ phía Nam dòng sông, khống chế toàn bộ mặt Bắc. Phía bờ Nam dòng sông đối diện với bờ Bắc, quân Nguyễn mới xây dựng thêm chiến lũy Trường Sa. Thành ra nếu thủy binh quân Trịnh tiến vào Nhật Lệ sẽ lọt vào giữa hai làn đạn từ  bờ Bắc và Bờ Nam. Trịnh Tráng và các tướng còn quan sát thấy có những lùm cây thấp ven bờ Nam mà đó có thể là những chiến thuyền quân Nguyễn ngụy trang. Trịnh Tráng nói với Đào Quang Nhiêu và Trịnh Toàn:

          -Khi có tín hiệu của Nguyễn Phúc Anh, hai tướng quân chỉ huy 50 chiến thuyền tiến vào sông hỗ trợ cho đạo quân bộ, còn ta chỉ huy 150 chiến thuyền hỗ trợ phía sau.

          -Mạt tướng tuân lệnh.

          Canh ba bầu trời khuya đen thẫm, dòng sông vẫn lững lờ tuôn nước ra biển, biển vẫn vỗ sóng vào bờ với điệu nhạc rì rầm muôn thuở. Thốt nhiên trên chiến lũy Trấn Ninh một phát tên châm lửa bắn lên trời vạch vẽ sáng rực rồi tắt ngấm. Trịnh Tráng ra lệnh cho 50 chiến thuyền do Đào Quang Nhiêu chỉ huy tiến sâu vào sông Nhật Lệ. Khi đoàn thuyền lọt vào giữa hai chiến lũy Trường Sa và Trấn Ninh, đại bác từ hai chiến lũy nã như mưa vào thuyền quân Trịnh, những tiếng nổ như sấm sét trên chiến lũy, hàng trăm viên đạn rơi xuống thuyền lại nổ tung, những quầng lửa sáng lòe. Loạt đạn đầu 30 thuyền Trịnh bốc cháy hoặc nổ tan tành. Chiến thuyền quân Trịnh cũng bắn đại bác nhưng bắn vu vơ do hoảng loạn. Các loạt đạn khác thi nhau dội xuống, sông Nhật Lệ như chảo lửa. Những bụi cây lặng lẽ Nam bờ sông giờ cũng di động tiến lại gần và nổ súng vào chiến thuyền quân Trịnh. Thì ra đó là những chiến thuyền quân Nguyễn ngụy trang. Canh giờ sau, 40 thuyền quân Trịnh còn lại bốc cháy, 1 vạn thủy binh tan xác chết chìm cùng xác những chiến thuyền đang thành than đỏ rực hoặc đen ngòm. Tướng Đào Quang Nhiêu may đi thuyền sau nên chạy thoát ra cửa biển. Trịnh Tráng ra lệnh cho 150 chiến thuyền còn lại chạy ra sông Linh Giang.

Trong khi đó tướng Nguyễn Khắc Liệt trông thấy tín hiệu trong chiến Lũy Trấn Ninh bắn lên, liền cho 5 vạn quân áp sát vào chân chiến lũy phía Bắc. Thốt nhiên một phát tín hiệu nữa bắn lên, quân Trịnh còn đang ngơ ngác thì máy bắn đá, tạc đạn súng hỏa mai, cung tên như mưa dội xuống đầu quân Trịnh dưới chân thành. Quân Trịnh tan xác, dập đầu và trúng hỏa mai và trúng tên ở cự ly rất gần. Nửa canh giờ sau hàng vạn quân ngã gục. Có tạc đạn, có súng hỏa mai mà quân Trịnh không kịp chiến đấu, chỉ ôm đầu chạy về phía Bắc. Khi đã ra khỏi chân thành thì lại bị đạn đại bác giáng xuống như sấm sét. Xác quân Trịnh lại tung lên trời cùng những tiếng nổ rung chuyển không gian hòa với tiếng la hét hoảng loạn khủng khiếp. Khi xa tầm đại bác chưa kịp hoàn hồn thì những bụi cây mà quân Trịnh trông thấy xa xa ban chiều thì bây giờ biến thành hàng vạn quân truy kích bắn giết quân Trịnh. Quân Trịnh như đang đi vào cõi chết, quân Nguyễn biến hóa như ma để tiêu diệt họ. Quân Trịnh chạy đến bờ Nam sông Linh Giang, may mà còn cầu phao, liền tranh nhau chạy ra bờ Bắc. Canh giờ sau cầu pháo quá sức bị gãy, hàng nghìn quân Trịnh lại rơi xuống sông, bị cuốn ra biển. Phía quân Nguyễn vẫn truy kích. Hàng nghìn quân Trịnh không qua được sông đành hạ vũ khí đầu hàng. Trận năm 1633 là một trận kinh hoàng đối với quân Trịnh.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập V (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 8)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn