Việt Nam diễn nghĩa – Tập V (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 9)

PGS TS Cao Văn Liên

12/03/2022 06:03

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập V “NỘI CHIẾN TRỊNH -NGUYỄN VÀ NHÀ TÂY SƠN” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 9.

V

  Phủ chúa Trịnh Thăng Long một sáng mùa hè năm 1643, trong Nghị Sự Đường, chúa Trịnh Tráng đang thiết triều. Chưa bao giờ bá quan văn võ lại thấy chúa có một bộ dạng tức giận như vậy. Trịnh Tráng gọi:

-Võ sĩ đâu.

-Dạ

-Xuống nhà ngục dẫn tù phạm Nguyễn Khắc Liệt lên đây.

-Dạ, tuân lệnh chúa công.

chngphuclan-1647010816.jpg
Tranh minh họa: Chúa Nguyễn Phúc Lan là vị chúa thứ 3 ở Đàng Trong, là con trai thứ hai của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Nguồn: Internet.

 

  Một lát sau, hai võ sĩ dẫn Nguyễn Khắc Liệt lên, hai tay bị trói ra sau lưng. Oai phong của một võ tướng giờ đã biến mất, chỉ còn lại một thân hình tiều tụy với khuôn mặt xanh xám đầy sợ hãi. Trịnh Tráng không cho Nguyễn Khắc Liệt ngồi, bắt đứng và nói:

-Tại sao ngươi không cứu Ba Đồn ở Bắc sông Linh Giang khi bị quân Nguyễn Phúc Lan tấn công tiêu diệt năm 1637, để cho Ba Đồn thất thủ, tướng Nguyễn Tích tử trận với hàng nghìn quân và Nam Bố Chính bị mất vào tay quân Nguyễn?

  Nguyễn Khắc Liệt đáp:

-Dạ bẩm chúa công, thần có đem quân cứu ứng nhưng không kịp, khi thần đến thì Ba Đồn đã thất thủ, thất thủ quá nhanh. Năm 1640 thần tuân lệnh chúa công tấn công nhằm lấy lại Nam Bố Chính nhưng quân Nguyễn quá mạnh, để bảo toàn lực lượng thần phải rút về Bắc Bố Chính.

Trịnh Tráng lại hỏi:

-Tại sao lại để mất Bắc Bố Chính một cách nhanh chóng?

-Dạ bẩm chúa công, lực lượng ta không đủ sức chống đỡ, thần đã viết thư xin cứu viện, chúa công không tiếp ứng, lại cho Trịnh Kiều đem 5000 quân bắt thần, mặt trận Bố Chính do đó trống không và Bắc Bố Chính bị mất.

  Trịnh Tráng đập bàn:

-Ngươi nói vậy là mất Bắc và Nam Bố Chính trách nhiệm là do ta chăng?

-Thần không có ý như vậy, thần chỉ nói sự thực của thế cục mặt trận khi đó.

  Trịnh Tráng cầm lên một phong thư và nói:

-Đây là bức thư của tướng Nguyễn Hữu Dật tố cáo ngươi hồi còn Nguyễn Phúc Nguyên đã thông đồng xin hàng, sau đó lại quay ra phản bội cả Nguyên và cả ta. Nguyễn Hữu Dật có nói ngươi là một con người tráo trở, không xứng đáng là một võ quan cao cấp của cả Trịnh và Nguyễn?

Nguyễn Khắc Liệt nói:

-Thần bị oan, đó là kế ly gián của kẻ thù mà chúa công tin thì tự chặt tay chân mình. Chúa công có nhớ trận chiến năm 1627, khi đó chúa công đang ở sông Linh Giang  cũng nhận được tin ở Thăng Long Trịnh Nhạc, Trịnh Gia mưu phản, vì thế chúa công vội vả rút quân về. Chúa công quên rồi sao? Đó là kế của quân Nguyễn. Chúa công hãy đưa một bằng chứng như là thư của thần gửi Nguyễn Phúc Nguyên, còn thư của Nguyễn Hữu Dật là của quân Nguyễn, chỉ một chiều. Thần chết cũng không tâm phục khẩu phục.

 Đến đây thì Trịnh Tráng như đuối lý. Thực ra không có bằng chứng xác đáng nào là Nguyễn Khắc Liệt làm phản, ví dụ như bức thư do chính tay của Nguyễn Khắc Liệt viết. Tất cả chỉ là tin đồn đại, còn thư cũng chỉ là của phía bên kia để ly gián chúa tôi nhà Trịnh. Nhưng tính cách của Nguyễn Khắc Liệt từ lâu đã làm cho Trịnh Tráng ghét. Vả lại nay trị một người còn là kế “rung cây dọa khỉ”, đe nạt những kẻ hai lòng trong nay mai. Nghĩ vậy Trịnh Tráng quát:

-Ngươi nghĩ rằng ngươi vô tội ư, riêng việc làm mất Bắc và Nam Bố Chính đã đáng tội chết chưa nếu xét theo quân luật. Võ sĩ đâu.

-Dạ.

-Lôi ra ngoài chém.

-Dạ.

Nguyễn Khắc Liệt bị lôi đi, vẫn quay đầu lại kêu lớn:

-Chúa công, thần bị oan, hãy tha tội,  thần sẽ lấy công chuộc tội. Chúa công, thần bị oan…

Nguyễn Khắc Liệt bị lôi xa khỏi Nghị Sự Đường mà tiếng thét kêu oan vẫn vang vọng vào. Bá quan văn võ ngồi lặng im, mặt mày xanh xám. Thực ra họ thấy chúa Trịnh Tráng xử Nguyễn Khắc Liệt tội chết cũng không thỏa đáng. Ở góc độ làm phản thì không có bằng chứng xác đáng, còn tội làm mất Bắc-Nam Bố Chính thì chiến tranh được thua là chuyện thường tình của nhà binh. Ví như Trịnh Tráng đã thua hai trận lớn ở sông Nhật Lệ, làm chết vài vạn quân thì sao? Ai hỏi tội chúa đây? Khi tiếng kêu của Nguyễn Khắc Liệt xa dần rồi mất hẳn, Trịnh Tráng nói:

-Năm 1634, quân sư Đàng Trong là Đào Duy Từ đã mất, năm 1635 đến lượt Nguyễn Phúc Nguyên mất, hai cây cột lớn của Thuận Hóa không còn, Nguyễn Phúc Lan lên thay. Trong hoàn cảnh đó đáng lý ta phải chiến thắng mới phải, lại mất thêm Bắc và Nam Bố Chính, thật không thể chịu nổi.

-Thân vương Trịnh Lê đâu?

-Dạ, có mạt tướng.

-Tướng quân đem hai vạn quân đi tiên phong tiến đánh Bắc Bố Chính.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

-Các tướng Phạm Công Trứ, Nguyễn Danh Thọ.

-Dạ, có mạt tướng.

-Hai tướng đem 3 vạn quân đi trung quân.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Nguyễn Quang Minh đâu?

-Dạ, có mạt tướng.

-Tướng quân đem 2 vạn quân đi hậu quân.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

-Thế tử Trịnh Tạc đâu?

-Dạ, có nhi thần.

-Thế từ làm thống lĩnh ba quân tiến đánh lấy lại Bắc và Nam Bố Chính.

-Nhi thần tuân lệnh.

Bảy ngày  sau, quân Trịnh đến cuối Hà Tĩnh, đầu Bố Chính. Trịnh Tạc và Trịnh Lệ đã gặp 2 vạn quân tiên phong của quân Nguyễn do tướng Bùi Công Thắng chỉ huy. Quân Nguyễn dàn hàng ngang trên một bãi đất rộng. Trịnh Tạc trên mình con ngựa đen cao lớn trỏ gươm thét:

-Ai ra bắt thằng giặc kia cho ta?

-Có mạt tướng.

Trịnh Lê trên mình con ngựa trắng múa kiếm xông ra. Bên quân Nguyễn có Nguyễn Hữu Dật và Bùi Công Thắng cưỡi ngựa đứng trước hàng quân. Bùi Công Thắng múa đại đao xông ra chặn Trịnh Lê. Hai bên đánh nhau hơn 50 hiệp, gươm chạm đại đao tóe lửa, tiếng reo hò, tiếng trống thúc vang động, cờ vàng bay phấp phới. Thốt nhiên Bùi Công Thắng bị Trịnh Lê đâm một nhát gươm vào sườn, Thắng lăn xuống ngựa chết. Quân Trịnh hò reo xông lên thì Nguyễn Hữu Dật ra lệnh:

-Bắn hỏa mai và ném tạc đạn.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập V (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 9)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn