Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 11)

PGS TS Cao Văn Liên

04/06/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VI  “PHONG KIẾN VIỆT NAM CHỐNG PHÁP” của PGS TS Cao Văn Liên

chbh1-1654265591.jpg
Báo Le Monde illustré số 254, ra ngày 22-02-1862 đăng bài viết về trận tấn công Thành Biên Hòa của quân Pháp. Nguồn: baodongnai.com.vn

 

Kỳ 11.

VI

Mùa xuân năm 1861, toàn xứ miền Đông Nam Bộ nói chung và Biên Hòa nói riêng chìm trong màu xanh của bạt ngàn cây lá. Dòng sông Đồng Nai vẫn cuồn cuộn đổ nước về Đông. Những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi phơi mình dưới nắng sương mà trường thọ. Những ngôi chùa cổ kính chìm trong mây trắng trên đỉnh núi Chứa Chan, tiếng chuông chùa mỗi chiều vang vọng lan xa trong nỗi buồn nhân thế.

  Chìm trong sắc xanh của cây lá, thành Biên Hòa vuông vức vươn lên mang sắc màu nâu đỏ của đá ong xây tường. Trong thành, tại dinh của quan đầu tỉnh, trong căn phòng rộng, Tuần phủ Nguyễn Đức Hoàn đang ngồi đàm đạo với quan Án sát Lê Khắc Cần. Sau khi hai người cạn một ly trà, Tuần phủ Nguyễn Đức Hoàn nói:

-Theo tin báo về là Đại Đồn Chí Hòa đã thất thủ, Tổng thống quân vụ Gia Định Nguyễn Tri Phương bị trọng thương và đã lui quân. Tình hình Biên Hòa của ta thật là nguy ngập, nay mai quân giặc sẽ tấn công thành. Án sát có kế gì hay để phòng thủ không?

  Lê Khắc Cần đáp:

-Bẩm Tuần phủ, năm 1837, vua Minh Mệnh đã cho xây lại thành kiểu vô băng của Pháp, chất liệu bằng đá ong đỏ, chu vi rộng lớn, khoảng 1.645m, thành dầy 4,2m, tường cao, chung quanh có hào rộng  6,96m. Thành dầy kiên cố có thể chống lại được cuộc tấn công của Pháp.

  Nguyễn Đức Hoàn nói:

-Kiên cố sao cho bằng Đại Đồn của Nguyễn Tri Phương mà cũng thất thủ. Đại bác quân Pháp quá lợi hại. Tôi cũng đã ra lệnh đặt thêm hàng chục khẩu thần công lên mặt thành, Án sát đã hoàn thành chưa?

-Dạ, đã hoàn thành, bốn mặt thành đã đặt 100 khẩu rồi ạ.

-Để ngăn tàu chiến Pháp, không cho chúng tiến lại gần vừa tầm bắn đại bác vào thành, tôi đã ra lệnh xây dựng đập dưới sông Đồng Nai, không biết đã hoàn thành chưa?

-Dạ, bẩm Tuần phủ, chúng ta đã huy động quân và dân xây dựng một cản gỗ và một đê cản bằng đá chặn tàu Pháp từ sông Bến Nghé vào sông Đồng Nai. Bên ngoài cản còn có nhiều thuyền con chở đầy thuốc nổ sẵn sàng đánh chìm tàu giặc bằng hỏa công. Trên bờ các sông còn có các đồn đặt thần công để nhả đạn vào tàu Pháp.

  Tuần phủ Nguyễn Đức Hoàn hài lòng:

-Vậy là tốt, chúng ta phải chặn giặc từ xa, không cho tàu chúng lại gần bắn đại bác vào thành, hạn chế hỏa lực của chúng.

  Hai quan đầu tỉnh lại uống tiếp một lượt trà nữa.

  Trong khi đó, trong Tổng hành dinh của Pháp tại Sài Gòn, tướng Bô na đang họp với thiếu tá Com tơ, trung tá Đô me nếch Đi e gô, đại tá Lơ bơ ri và chủ tỉnh Rô nom me xơ. Những cốc rượu săm pa nhơ đỏ như máu được rót ra. Bô na vừa uống rượu vừa bàn việc đánh chiếm Biên Hòa với các thuộc cấp. Bo na nói:

-Trong các nơi cần tác chiến, một là đánh chiếm Biên Hòa, thứ hai là đánh chiếm các tỉnh miền Tây như Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên, ta quyết định đánh Biên Hòa trước để làm chủ toàn bộ miền Đông thẳng xuống Bà Rịa-Vũng Tàu, mở ra con đường thủy lớn từ biển vào sông Đồng Nai của chúng ta, thứ hai là chặn được quân Đại Nam từ Huế vào, bảo đảm an toàn cho Sài Gòn-Gia Định, là Tổng hành dinh, chỗ đứng chân quan trọng của chúng ta.

  Bô na vừa nói tới đó thì tình báo về báo:

-Dạ, bẩm Đô đốc, hai toán thám báo của ta, một toán đến sông Đồng Nai, một toán đến Suối Sâu, huyện Vĩnh Cửu đã bị quân Đại Nam đánh phải tháo chạy.

  Lại một tình báo khác về báo:

-Dạ bẩm Đô đốc, đội do thám của ta đi đến ấp Bình Chuẩn thì bị Đề đốc Đại Nam là Lê Quang Tiến đánh nên đành tháo chạy.

  Bô na tức giận:

-Thuộc cấp đâu.

-Dạ.

-Đem tối hậu thư này đến cho Tuần phủ Biên Hòa là Nguyễn Đức Hoàn ngay lập tức phải mở cửa thành đầu hàng.

-Dạ, thuộc cấp tuân lệnh.

Bô na ra lệnh tiếp:

-Thiếu tá Com tơ.

-Có thuộc cấp.

-Thiếu tá chỉ huy bộ binh Tây ban nha, đem theo pháo binh tiến theo đường bộ đánh vào phía nam thành Biên Hòa.

-Thuộc cấp tuân lệnh.

-Trung tá Đô me nếch Di e gô

-Có thuộc cấp.

-Trung tá hãy chỉ huy một đại đội thủy quân lục chiến Tây ban nha và một đại đội kỵ binh Pháp, đem theo hai đại bác bốn nòng đánh vào phía đông thành Biên Hòa.

-Thuộc cấp tuân lệnh.

-Đại tá Lơ bơ ri.

-Có thuộc cấp.

-Đại tá chỉ huy hai đại đội thủy quân lục chiến tấn công từ phía bắc vào thành Biên Hòa.

-Thuộc cấp tuân lệnh.

-Chủ tỉnh Re nô mơ.

-Có thuộc cấp.

-Ngài hãy dẫn quân theo đường Gò Công Trảo Trảo (Thủ Đức) đánh vào thành Biên Hòa.

-Thuộc cấp tuân lệnh.

Tổng cộng các đạo quân của Pháp chỉ có 1.000 lính Pháp và Tây ban nha, ưu thế của quân Pháp là đại bác đặt trên các tàu chiến có hỏa lực rất mạnh.

Ngày 14-2-1861, tiền quân Pháp là đạo quân của thiếu tá Com tơ đã chiếm được Gò Công Trảo Trảo (Thủ Đức). Ngày hôm sau, đội quân này đã phối hợp với quân của trung tá Đô me nếch Di e gô tấn công đồn Mỹ Hòa trên bờ sông Đồng Nai. Hai bên bắn nhau kịch liệt, tiếng nổ dữ dội. Quân Đại Nam núng thế, bỏ đồn rút qua sông.

Trong khi đó, đoàn tàu chiến do trung tá Ha ren chỉ huy theo sông Đồng Nai tấn công thành. Trên đài chỉ huy, Ha ren dùng ống nhòm quan sát thấy một bức tường gỗ cản trên sông. Ha ren ra lệnh:

-Bắn Đại bác phá cản.

-Tuân lệnh.

Từ trên các boong của các tàu chiến, các khẩu đại bác khạc ra lửa trong tiếng nổ vang rền. Những quả đạn rơi vào cản gỗ. Cản gỗ bốc cháy và bị phá tan. Đoàn tàu chiến Pháp tiến tiếp và gặp con đập lớn xây bằng đá ong. Ha ren lại ra lệnh dùng đại bác bắn vào đập, rồi bắn vào các thuyền có thuốc nổ của quân Việt, đập bị phá tan hoang, cả một dải sông chìm trong đạn lửa. Chờ nửa ngày sau khi khói lửa đã tắt, Ha ren ra lệnh:

-Tiến vào bắn thẳng vào trước mặt thành Biên Hòa, phối hợp với ba cánh quân khác của quân ta.

-Tuân lệnh.

Đoàn tàu chiến Pháp hung hăng rẽ sóng sông Đồng Nai tiến vào, khi đã vừa tầm bắn liền nã đại bác dữ dội vào thành Biên Hòa, bên ngoài, ba đạo quân Pháp bao vây thành. Quân Đại Nam trên mặt thành chống cự quyết liệt, nã đại bác vào quân Pháp. Tuần phủ Nguyễn Đức Hoàn, Án sát Lê Khắc Cần lên mặt thành đốc chiến. Đại bác Pháp làm quân Việt thương vong vô kể, máu chảy, thịt nát, xương tan. Lại đang lúc nước sông lên cao, tàu chiến Pháp được nâng lên nã đạn vào thành càng hiệu quả, khói lửa mù mịt. Quân Việt gan dạ cầm cự được một ngày, khi thấy thành vỡ và thương vong quá lớn, Tuần phủ Nguyễn Đức Hoàn ra lệnh:

-Rút quân về đồn Hồ Nhĩ.

-Tuân lệnh.

Ngày 17-2-1861 thành Biên Hòa lọt vào tay quân Pháp.

Sau khi Biên Hòa thất thủ, Trương Bá Nghi đem quân về Bình Thuận. Từ Huế, Nguyễn Tri Phương đem vài nghìn quân vào cứu thành Biên Hòa nhưng gần đến nơi thì thành đã mất. Nguyễn Tri Phương và Trương Bá Nghi đóng quân ở Bình Thuận, án binh bất động, không một kế sách gì đánh Pháp, cũng không tiến quân giúp các đội quân ứng nghĩa của nhân dân đang đánh Pháp kịch liệt. Hành động của Phương và Nghi đã làm cho Pháp rảnh tay và ngày 28-12-1861, Pháp chiếm Long Thành, ngày 7-1-1862 theo sông Đồng Nai, Pháp đánh chiếm Bà Rịa-Vũng Tàu. Ba tỉnh miền Đông hoàn toàn rơi vào tay Pháp.

VII

Tháng 3 năm 1862, miền Tây và cả Nam Bộ đang là mùa xuân, một màu xanh bao phủ thôn ấp miệt vườn. Sông Tiền, sông Hậu vẫn cuồn cuộn đưa nước về Đông. Màu xanh vẫn như xưa nhưng toàn miền Nam không yên bình bởi khói lửa chiến tranh do bọn xâm lược Pháp mang tới đang cháy khắp nơi. Quan quân triều đình thua trận, mất thành tháo chạy, ba tỉnh miền Đông đã mất vào tay Pháp. Lòng dân như lửa đốt lo cho vận mệnh nước nhà. Các đội quân ứng nghĩa ngày càng nhiều và nổi dậy chống  Pháp khắp nơi.

  Trong dinh Tổng đốc Vĩnh Long, Tổng đốc Trương Văn Uyển đang ngồi uống trà sau bữa ăn sáng, chợt có người lính hốt hoảng chạy vào báo:

-Dạ bẩm Tổng đốc, hơn chục tàu chiến Pháp đang từ Định Tường kéo sang bắn phá Vĩnh Long chúng ta.

Trương Văn Uyển hốt hoảng:

-Chúng bắn phá ở đâu?

-Dạ chúng đang bắn phá đồn Vĩnh Tùng do Lãnh binh Tôn Thất Tuấn, Nguyễn Thái, Lê Đình Cửu chỉ huy. Chúng cũng bắn phá đồn Thanh Mỹ do Lãnh binh Hà Lực, Ngô Thành, Trương Văn Thành trấn giữ. Quân ta và quân Pháp đang bắn nhau kịch liệt.

Trương Văn Uyển nói:

-Theo dõi chặt tình hình, có gì nhanh chóng báo cho ta nghe.

-Dạ, tuân lệnh Tổng đốc.

(Còn nữa)

CVL                                                                                                                                                                                                                     

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 11)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn