Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 15)

PGS TS Cao Văn Liên

08/06/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VI  “PHONG KIẾN VIỆT NAM CHỐNG PHÁP” của PGS TS Cao Văn Liên.     

Kỳ 15.

Sau một lượt trà, Nguyễn Tri Phương đặt chén xuống và nói:

-Các vị đã biết, nước Đại Nam ta đang bị giặc Pháp xâm lược. Nam Kỳ Lục tỉnh đã mất vào tay Pháp. Ở Miền Bắc, tay chân của chúng cũng đang hoành hành, bất chấp chủ quyền của Vương quốc Đại Nam. Cụ thể là tên lái buôn thực dân Giăng Đuy puy, dù không được phép của triều đình ta vẫn ngang nhiên cho tàu chạy theo sông Hồng tới Vân Nam. Hắn còn láo xược đòi dược đóng quân bên bờ sông Hồng, đòi có nhượng địa, đặc khu tại Hà Nội, đòi được cấp than đá đưa sang Vân Nam. Lính Pháp và bọn thổ phỉ dưới quyền của Giăng Đuy Puy còn ngang nhiên bắt cóc lính và những người dân xuống tàu của chúng để đòi tiền chuộc. Ta đã yêu cầu Giăng Đuy puy tới làm việc nhưng hắn ngang nhiên láo xược khước từ. Các vị có cao kiến gì để đối phó với Giăng Đuy puy không?

chquan-phap-jpg-1654611275.gif
Quân Pháp tấn công Thành Hà Nội lần thứ nhất năm 1873. Nguồn: baotanglichsu.vn

 

Phò mã Nguyễn Tri Lâm tức giận nói:

-Thưa cha, con nghĩ là nên điều tàu và binh lính đánh dẹp nó đi để trừng trị tội ngang nhiên xem thường luật pháp và chủ quyền của Đại Nam ta.

Quan Tổng đốc Hà Nội Bùi Thúc Kiên nói:

-Bẩm khâm sai Đại thần, hạ quan nghĩ rằng không nên tấn công Giăng Đuy puy, quân Pháp ở Nam Kỳ sẽ lấy cớ phát động chiến tranh xâm lược miền Bắc.

Lãnh binh Nguyễn Đăng Nghiễm nói:

-Hạ quan nghĩ nên tấu việc này về triều đình, đề nghị triều đình thương thuyết với Thống đốc Nam kỳ bắt Giăng Đuy Puy rời khỏi miền Bắc.

Nguyễn Tri Phương nói:

-Các vị nên nhớ rằng sớm muộn quân Pháp sẽ đánh chiếm miền Bắc để chiếm trọn nước ta mà trước tiên là đánh thành Hà Nội. Giăng Đuy puy sẽ là ngòi nổ, chúng sẽ lợi dụng rắc rối này để gây chiến, Giăng Đuy puy chỉ là con cờ của Thống đốc Nam Kỳ và của bọn xâm lược mà thôi. Vấn đề cấp bách là khi Pháp đánh, ta có giữ được thành Hà Nội hay không?

Nguyễn Tri Phương ngừng lại uống một ly nước và nói tiếp:

-Thành Hà Nội là thành lũy kiên cố do vua Gia Long xây dựng đã 70 năm rồi. Ta đã kiểm tra lại, hiện nay ta có 3.000 lính nhưng trang bị quá lạc hậu và thiếu thốn. Đa số chỉ có gươm giáo, một số có súng hỏa mai nhưng đã lâu không được tập luyện để sử dụng. Trên thành có hàng chục khẩu thần công nhưng lạc hậu, bắn phải nhồi thuốc nên tốc độ chiến đấu rất chậm, đạn rơi xuống không nổ do đó sát thương không hiệu quả. Trong khi đó, đại bác Pháp rơi xuống đạn nổ có sức công phá thành trì và sát thương quân lính đối phương rất dữ dội. Qua việc mất thành Gia Định, Đại Đồn, Biên Hòa, Mỹ Tho, ta cho rằng ta không thể giữ được thành Hà Nội trước sự công phá của đại bác hiện đại của chúng. Không giữ được thành nhưng chúng ta vẫn phải ngồi cố thủ chờ chúng đến đánh, bỏ chạy rút lui là hèn nhát, đầu hàng thì mang tội, thôi thì đành chiến đấu để sát thân thành nhân. Về vụ Giăng Đuy puy, ta cho quân đánh dẹp nó thì quân Pháp ở Nam kỳ sẽ lấy cớ đánh ra Hà Nội, triều đình ta báo vào Nam thì chúng cũng lấy cớ đó ra Hà Nội. Thôi thì cứ báo cho triều đình biết rồi tùy triều đình xử lý.

Nguyễn Tri Phương gọi:

-Khâm sai Phan Đình Bình.

-Có hạ quan.

-Ngài đi gấp về Huế tâu việc gây rắc rối của Giăng Đuy puy với triều đình để triều đình biết.

-Dạ, hạ quan tuân lệnh quan Kinh lược sứ.

Sau khi chiếm được Nam Kỳ lục tỉnh, Pháp thiết lập đơn vị hành chính Nam Kỳ thuộc Pháp, lập ra bộ máy cai trị do Thống đốc đứng đầu, họ gọi là xứ thuộc địa, tức là lãnh thổ của Pháp kéo dài tới Nam Kỳ.

Một sáng tháng 10 năm 1873, Nam Kỳ ngập trong nắng gió. Phủ Thống đốc Nam kỳ kiến trúc kiểu châu Âu tráng lệ nhô lên trong màu xanh cây lá. Trong phủ, Thống đốc Nam Kỳ Đơ đúp re đang ngồi họp bàn với Soái phủ Phơ răng xoa Gác ni e, Hăng ri vi e và nhiều sĩ quan cấp dưới:

-Thưa các ngài, hôm qua ta vừa làm việc với sứ thần của triều đình Đại Nam là Khâm sai Phan Đình Bình về vụ Giăng Đuy puy ở ngoài Bắc, gây sự với chính  quyền Nguyễn trên sông Hồng và Hà Nội. Triều đình Huế không dám trấn áp Giăng Đuy puy mà nhờ ta can thiệp, cử người ra Bắc thương lượng. Sau khi được nhà Nguyễn bồi thường thì bắt buộc Giăng Đuy puy phải về Nam Kỳ hoặc sang biển Trung Hoa. Các ngài tính vụ này giải quyết thế nào?

Đơ đúp re cầm cốc rượu săm pa nhơ và nói:

-Nào, mời các ngài vừa uống vừa bàn chuyện Bắc Kỳ.

Cả bọn nâng cốc chạm và cạn ly. Tiếng cốc chạm nhau leng keng. Gác ni e nói:

-Mục đích của chúng ta không chỉ chiếm Nam Kỳ lục tỉnh mà là chiếm toàn bộ Đại Nam, bước sắp tới là phải chiếm Bắc Kỳ. Nhưng chúng ta chưa có lý do để tiến ra Bắc một cách hợp pháp. Nay triều đình Huế mời ta ra giải quyết vụ Giăng Đuy puy, ta sẽ nhân cơ hội đánh chiếm thành Hà Nội khiến nhà Nguyễn trở tay không kịp. Từ Hà Nội, ta sẽ đánh chiếm các tỉnh khác lân cận, sẽ nhanh chóng làm chủ miền Bắc.

Đơ đup re nói:

-Sở dĩ chín năm nay chúng ta án binh bất động, chưa đánh Bắc Kỳ vì tình hình nước ta trong những năm đó nhiều biến động. Năm 1870 chiến tranh Pháp-Phổ bùng nổ, nước Pháp bại trận, hoàng đế Na pô lê ông đệ tam cùng 10 vạn quân phải đầu hàng quân Phổ ở Xơ đăng, nền đế chế đệ nhị sụp đổ, hoàng đế Na pô lê ông III bị bắt, đất nước hỗn loạn. Nhân cơ hội đó, công nhân Pari đã nổi dậy và thiết lập chính quyền của họ là Hội đồng công xã, còn gọi là Công xã Pari. Chính phủ Pháp do thủ tướng Chi e đứng đầu, 72 ngày sau mới phản công chiếm lại Pari, tàn sát không biết bao nhiêu người mà kể, Pari tắm trong máu của người lao động. Sau Công xã Pari, hiện nay chính phủ Pháp cũng rất khó khăn do sức ép của quân Phổ, chưa thể chi viện cho chúng ta được, vả lại ta đánh Bắc Kỳ, quân Trung Quốc nhà Thanh sẽ can thiệp.

Hăng ri vi e nói:

-Từ khi ta đánh chiếm Nam Kỳ đến nay, quan lại võ tướng nhà Nguyễn cứ nghe đại bác của ta phần lớn là bỏ chạy, không bỏ chạy thì đầu hàng, chỉ còn số ít anh dũng chiến đấu cốt để bảo toàn danh dự, khí tiết thì cũng đều hy sinh hết. Cho nên không cần chính quốc chi viện chúng ta vẫn có thể lấy được Bắc Kỳ và cả Đại Nam. Còn Trung Quốc thì cũng đang bị Liên quân do Anh- Pháp cầm đầu xâu xé, đánh cho tơi bời trong các cuộc chiến tranh thuốc phiện, còn sức đâu mà cứu Đại Nam. Vả lại, cho dù nhà Thanh có can thiệp vẫn bị chúng ta đánh bại. Quân đội và triều đình nhà Thanh cũng lạc hậu và bạc nhược không kém gì nhà Nguyễn của Đại Nam.

Đơ đúp re nói:

-Các ngài nói cũng có lý. Nay cử Soái phủ Gác ni e đem lực lượng ra đánh Hà Nội và miền Bắc Đại Nam. Chúng ta hãy nâng cốc chúc ngài Soái phủ thắng lợi.

Đơ đuy re cầm cốc đứng dậy, cả bọn cùng đứng theo, rượu chảy vào mồm bọn thực dân cướp biển nghe ừng ực. Uống xong cả bọn mặt đỏ phừng phừng dữ tợn, dâng lên sát khí của bọn cướp biển hung tàn, tham lam.

Bốn chiến hạm do Phơ răng xoa Gác ni e chỉ huy hành trình ba ngày ba đêm trên biển gần của Đại Nam từ Sài Gòn ra biển Bắc. Ngày 23 tháng 10 năm 1873, bốn chiến hạm vào cửa biển Hải Phòng, theo đường sông Cấm vào sông Kinh Thầy, tiến vào Hải Dương. Trên đài chỉ huy, Gác ni e nói với sĩ quan thuộc cấp:

-Ngài hãy chuyển bức thư này cho Giăng Đuy puy bảo hắn đem tàu thuyền binh sĩ hội quân với ta đánh Hà Nội.

-Dạ, thuộc cấp tuân lệnh.

Khi đó thuyền buôn và tàu chiến cướp biển của Giăng Đuy puy đang tập kết ở bến Lục Đầu Giang. Giăng Đuy puy đang ngồi trong lâu thuyền uống rượu. Hắn nâng cốc thủy tinh tu cạn một hơi hết cốc săm pa nhơ hảo hạng. Hắn đạng lo nghĩ vì nhận được tin Thống đốc Nam Kỳ sai Soái phủ Gác ni e ra buộc hắn phải thương lượng với Nguyễn Tri Phương. Sau khi hắn được đền bù thì phải rời sông Hồng về biển Trung Hoa hoặc là về Nam Kỳ. Nếu mà như vậy thì vận may của hắn đã hết. Ở đây hắn vừa buôn bán, vừa bắt cóc người để đòi tiền chuộc. Quan lại địa phương ươn hèn khiếp sợ người Pháp không dám làm gì hắn. Còn đang lo nghĩ thì có tên thuộc hạ vào báo:

-Dạ, bẩm có người của Soái phủ Gác ni e đem thư đến.

Giăng Đuy puy vội nhổm dậy:

-Cho vào ngay.

-Dạ.

Một lát, tên tùy tùng dẫn vào một tên lính Pháp:

-Dạ bẩm, Soái phủ Gác ni e có thư gửi ngài.

Giăng Đuy puy vội bóc thư ra đọc. Thư viết: “Ta vâng lệnh của Thống đốc Nam Kỳ ra đây không phải là trục xuất ngài mà là đánh chiếm thành Hà Nội và đánh chiếm Bắc Kỳ của Đại Nam. Ngài hãy chờ ta đến, đem binh thuyền lực lượng phối hợp với ta cùng hành động”.

Soái phủ Gác ni e ký tên.

Giăng Đuy puy đọc xong thư, mừng rỡ nói với tên thuộc cấp:

-Thu xếp cho ngài thượng sĩ đây ăn uống nghỉ ngơi tử tế.

-Dạ, tuân lệnh.

Giăng Đuy puy lại nói với tên thượng sĩ:

-Ăn uống nghỉ ngơi xong, ngài về nói với Soái phủ Gác ni e rằng ta sẵn sàng hợp tác, ta chờ ngài Soái phủ tại Lục Đầu Giang này để cùng tiến về Hà Nội.

-Dạ, ta tuân lệnh.

Sau khi đoàn tàu của Gác ni e vào Lục Đầu Giang, Giăng Đuy puy ra đón, mở tiệc thết đãi và nói:

-Toàn bộ chiến thuyền và thuyên buôn của ta gồm tám chiếc, binh lính thủy thủ của ta sẽ đặt dưới quyền chỉ huy điều động của Soái phủ để đánh Hà Nội.

Tu một cốc rượu to xong, Giăng Đuy puy nói tiếp:

-Ta còn cung cấp cho ngài một vật quý để ngài dùng vào tác chiến.

Gác ni e đặt cốc xuống hỏi:

-Vật gì quý giá vậy?

Giăng Đuy puy trải rộng tờ giấy ra, đó là bản đồ vẽ vùng đồng bằng Bắc Bộ với những đường sông, đượng bộ có thể tiến vào thành Hà Nội và tiến vào trấn trị các tỉnh. Gác ni e xem xong cười ha hả:

-Ngài Giăng Đuy puy khá lắm, ngài không chỉ là lái buôn, cướp biển mà còn là nhà quân sự. Đã là nhà quân sự thì phải thông thạo bản đồ để tác chiến. Bản đồ của ngài quả là quý hơn vàng bạc. Ha!Ha!Ha!...Nào, nâng cốc chúc mừng sự hợp tác của chúng ta. Chúc mừng chiến thắng của chúng ta.

Cả bọn lại nốc cạn những cốc săm pa nhơ rồi lại rót đầy cốc, lại uống tiếp…

Hôm sau, Gác ni e nói với Giăng Đuy puy:

-Muốn đánh được thành Hà Nội không chỉ cần liều lĩnh, can đảm mà còn cần có lực lượng mạnh để dọa nạt và áp đảo. Cho tàu Mang hào của ngài ra truyền lệnh của ta điều 5 tàu và 60 lính còn ở sông Cấm về hết đây cùng đánh Hà Nội.

Giăng Đuy puy nói:

-Tuân lệnh.

Đang khi đó có lính do thám về báo:

-Dạ, bẩm Soái phủ, đại úy Ét spi nô le, chỉ huy tàu do Thống đốc Nam Kỳ tăng viện cho ngài đã vào sông Cấm, đang tiến vào Lục Đầu Giang.

-Tốt.

Lại có do thám về báo:

-Dạ, bẩm Soái phủ, Tàu Mang hào của Giăng Đuy puy từ Hải Phòng về, cùng đi có tàu Đơ cơ rec do thuyền phó Ba in và hai chuẩn úy hải quân Pa ranh và Hô  tơ phơ le.

-Tốt quá.

Lại có do thám về báo:

-Dạ bẩm Soái phủ, chiến thuyền Sơ coóc pi ông từ Hồng Công tăng viện đang từ sông Cấm tiến về đây.

-Tốt, lực lượng đã đủ mạnh, ta có thể gây chiến được rồi.

Gác ni e ra lệnh:

-Tất  cả tiến về Hà Nội chuẩn bị đánh thành và bắt hoặc giết Nguyễn Tri Phương.

(Còn nữa)

CVL                                                                  

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 15)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn