Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 17)

PGS TS Cao Văn Liên

10/06/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VI  “PHONG KIẾN VIỆT NAM CHỐNG PHÁP” của PGS TS Cao Văn Liên.     

Kỳ 17.

Đề đốc Lê Văn Trinh nói:

-Ta có thể liên kết với quân các tỉnh chung quanh Hà Nội, như quân miền Tây Bắc của Tổng thống quân vụ Hoàng Kế Viêm, quân của Tham tán Tam Tuyên Tôn Thất Thuyết, quân Cờ Đen của Đề đốc Lưu Vĩnh Phúc cùng đánh Pháp khi chúng tấn công Hà Nội.

Hoàng Diệu nói;

-Ta đã đề đạt như Đề đốc nói rồi nhưng hoàng thượng bác bỏ, còn quở trách ta đem binh ra dọa giặc, làm sai chủ trương của triều đình là nghị hòa để cứu nước.

chgarnier1-1654785743.jpg

Francis Garnier bị quân Cờ đen đâm chết ở Cầu Giấy (Hà Nội) ngày 21 tháng 12 năm 1873. Nguồn: vi.wikipedia.org/

 

Các võ quan lại thở dài, không khí trầm hẳn xuống. Tuần phủ Hoàng Hữu Xung nói:

-Hoàng thượng không cho tổ chức phòng thủ, sợ mất lòng giặc Pháp thì lấy gì mà bảo vệ thành Hà Nội đây?

Hoàng Diệu nói:

-Đó là chủ trương của hoàng thượng không thể đảo ngược được, không thể làm trái được, nhưng đã là là văn thân, sĩ phu thì chỉ một lòng vì dân vì nước, có chết cũng cam lòng. Các ngài có dám cùng ta uống máu ăn thề, quyết sống chết với thành Hà Nội không?

Tất cả đồng thanh đáp:

Chúng tôi sẵn sàng cùng Tổng đốc sống chết với thành Hà Nội.

Hoàng Diệu gọi:

-Bay đâu.

-Dạ.

-Đem vào đây một chậu rượu và 7 con dao ngắn.

-Dạ, tuân lệnh Tổng đốc.

Khi chậu rượu và dao đã được đặt lên bàn, Hoàng Diệu cùng các võ quan cầm dao cắt vào cùi tay. Máu từ các cánh tay chảy vào chậu rượu. Chậu rượu phút chốc thành màu đỏ tươi. Tất cả buông dao, cầm chén, múc rượu, chạm chén uống và nói:

-Chúng tôi thề cùng sống chết với thành Hà Nội. Xin thề.

                            *       *

                               *

Tháng 2 năm 1882, Nam Kỳ lục tỉnh chìm trong nắng gió, cây cối xanh tươi. Phủ Thống đốc Nam kỳ ở Sài Gòn nhô lên sừng sững soi bóng xuống sông Cần Giờ. Trong căn phòng sang trọng kiến trúc kiểu Pháp choáng lộn, Thống đốc Nam kỳ Sác lơ  Vi le đang ngồi bàn việc với các sĩ quan tùy tùng, Trong đó có Hăng ri Vi e rơ, trên bàn là những cốc thủy tinh mà bọn chúng vừa cạn rượu săm pa nhơ. Sác lơ Vi le nói:

-Công cuộc chinh phục Đại Nam làm thuộc địa đã kéo dài 24 năm, từ năm 1858, nay đã là năm 1882 mà chưa hoàn thành. Kéo dài như vậy một phần do sự chống lại quyết liệt của dân chúng Đại Nam, chứ lực lượng triều đình Tự Đức quan lại không đáng kể. Thậm chí Tự Đức còn kiên quết thi hành một chủ trương hòa nghị ngây thơ và mù quáng. Chủ trương này đã nhiều lần cứu chúng ta mỗi khi chúng ta nguy khốn, tuyệt vọng. Như khi chúng ta bị dân chúng Vĩnh Long đánh dữ dội thì triều đình lại ký Hòa ước 1862, giúp chúng ta thoát khỏi cơn nguy biến và còn đạt được nhiều quyền lợi. Rồi khi Gác ni e bị giết ở Hà Nội, chúng ta đang hoang mang định rút khỏi Bắc Kỳ thì triều đình lại thương thuyết ký hòa ước 1874, mang lại cho chúng ta nhiều lợi thế thuận lợi cho việc đánh chiếm Bắc Kỳ trong nay mai. Nhưng chiến tranh kéo dài còn vì tình hình nước Pháp suốt 20 năm đó không thuận lợi. Nước ta đã bại trận trong cuộc chiến tranh Pháp-Phổ năm 1870, phải nhượng hai tỉnh An dát và Lo ren cho Phổ. Rồi giai cấp công nhân Pari đã nổi dậy giành chính quyền ở Pa ri, thành lập công xã Pa ri gây chấn động nước Pháp và châu Âu. Chính phủ Pháp phải chạy về Véc xây. Nó thực sự là cuộc nội chiến đẫm máu trong nội bộ nước Pháp. Những năm 70-80, nền Cộng hòa thứ ba của Pháp cũng chưa vững chắc. Cho đến nay, tình hình chính trị của nước Pháp tương đối ổn định, chúng ta mới có thể tiếp tục cuộc chinh phục Đại Nam. Vả lại nay Đô đốc Dô rơ Gru béc ly lên làm Bộ trưởng bộ hải quân Pháp thì kế hoạch xâm lược Bắc Kỳ mới được chính thức chấp thuận.

Sác lơ Vi le dừng lại, cầm cốc săm pa nhơ uống một hơi rồi nói tiếp:

-Nay để hoàn thành việc thôn tính Bắc Kỳ và sau đó là làm chủ hoàn toàn Đại Nam, trung tá Hăng ri Vi e rơ nghe lệnh:

-Có thuộc cấp.

-Trung tá được chỉ huy toàn bộ quân Pháp ở Bắc Kỳ, được toàn quyền hành động để đem về chiến thắng.

-Thuộc cấp tuân lệnh Thống đốc. Thuộc cấp sẽ hoàn thành nhiệm vụ mà Thống đốc và nước Pháp giao phó.

Thống đốc Sác lơ  Vi le đứng dậy cầm cốc và nói:

-Các ngài hãy cùng tôi nâng cốc chúc mừng ngài trung tá Hăng ri Vi e rơ được cử làm tư lệnh quân Pháp ở Bắc Kỳ và chúc ngài đem về thắng lợi cho nước Pháp.

Cả bọn thực dân cướp biển chạm cốc. Tiếng cốc chạm nhau rung lên báo hiệu máu của dân chúng Đại Nam lại sắp chảy.

 Ngày 26 tháng 3 năm 1882, Hăng Ri Vi e rơ rời Sài Gòn cùng 250 lính và hai chiến hạm Đơ ra Xơ và Pa sơ van chở theo hai đại đội lính thủy đánh bộ do thiếu tá Sa nu chỉ huy, cùng một số lính người Việt. Theo sau là 5 tàu sà lúp máy hơi nước. Mỗi tên lính mang theo 200 viên đạn súng trường.

Ngày 2 tháng 4 năm 1882 đoàn tàu chiến, sà lúp và quân Pháp đến Hải Phòng. Ngày 3 tháng 4, từ Hải Phòng chúng tiến lên đóng ở đồn Thủy Hà Nội. Ngày 15 tháng 4 Hăng ri Vi e rơ gọi tên sĩ quan tùy thuộc và nói:

-Ngài hãy đưa tối hậu thư này cho Hoàng Diệu.

-Thuộc cấp tuân lệnh.

Thư được chuyển vào thành. Tổng đốc Hoàng Diệu bóc thư đọc. Thư viết: "Bản chức ra lệnh cho ngài, Tổng đốc thành Hà Nội, 8 giờ sáng hôm nay quân trong thành phải hạ vũ khí, các quan lại phải đến đồn Thủy trình diện. Nếu không, bản chức sẽ nổ súng chiếm thành”.

Hoàng Diệu tức giận xé nát tối hậu thư ném xuống đất và nói:

-Thằng cướp biển láo xược.

Rồi ra lệnh:                                                                 

-Theo vị trí đã phân công, các võ quan và binh sĩ về vị trí chiến đấu, quyết tử cho thành Hà Nội.

-Tuân lệnh Tổng đốc.

8 giờ 15, không thấy Hoàng Diệu trả lời, Hăng ri Vi e rơ ra lệnh:

-Các pháo hạm nhằm thành Hà Nội bắn.

  Pháo hạm Fan Phơ ra rơ, Su rơ pơ ri sơ, Mác si e và Các bin nơ từ sông Hồng bắn dữ dội vào thành. Trong thành, Hoàng Diệu cùng Lãnh binh Hồ Văn Phong phụ trách phòng thủ. Đề đốc Lê Văn Trinh chỉ huy phòng giữ cửa Đông, Lãnh binh Lê Trực chỉ huy giữ cửa Tây, Lãnh binh Nguyễn Đình Đường chỉ huy phòng giữ cửa Nam. Súng đại bác trên thành không sử dụng được. Quân giữ thành chỉ còn súng hỏa mai ít ỏi bắn xuống nên không ngăn được quân Pháp. Đại bác Pháp làm 49 lính Việt tử trận, 20 lính bị thương, làm thành cửa Nam bị phá hủy. Quân Pháp tràn vào thành dùng súng trường, lưỡi lê tàn sát quân Việt. Tại cửa Đông và cửa Nam, Lê Văn Trinh, Nguyễn Đình Đường phải bỏ thành tháo chạy. Tổng đốc Hoàng Diệu biết thành đã mất, liền đi vào tẩm cung viết thư cho Tự Đức. Thư viết rằng: "Thành Hà Nội thất thủ vì hoàng thượng ngăn không cho tổ chức phòng vệ, ngăn không cho đặt đại bác mới thay cho đại bác đã rỉ, ngăn không cho trang bị lại bộ binh sợ mất lòng quân Pháp. Nay thành đã mất nhưng thần đã làm tròn bổn phận với đất nước, thần lấy cái chết để phơi bày khí tiết của mình.  Xin bái biệt hoàng thượng, Hoàng thượng bảo trọng".              

 Viết thư xong, Hoàng Diệu nhờ người lính thân cận của mình:

-Ngươi là tâm phúc với ta, nay ngươi đem thư này chuyển cho hoàng thượng, ta dưới suối vàng sẽ phù độ cho ngươi.

Người lính khóc:

-Tổng đốc, xin ngài đừng chết.

-Xin cáo biệt.

Nói rồi Hoàng Diệu đi ra trước cổng Võ miếu treo cổ tự vẫn. Hoàng Diệu thọ 53 tuổi (1829-1882).

Thành Hà Nội thất thủ không chỉ do trang bị vũ khí không có gì mà còn do chiến đấu đơn độc. Các cánh quân của Hoàng Kế Viêm ở Sơn Tây, Lưu Vĩnh Phúc ở phủ Hoài, quân của Trương Công Đán ở Bắc Ninh. Ba cánh quân cách thành Hà Nội không xa nhưng đều án binh bất động. Đó là điều kỳ lạ không thể hiểu nổi.

Trong điện Kính Thiên, Hăng ri Vi e rơ cùng các sĩ quan đang tụ họp bàn việc mở rộng xâm lược Bắc Kỳ. Trên bàn la liệt những cốc pha lê tràn đầy rượu. Người hầu bàn đã nhiều lần rót ra, các sĩ quan lại cạn. Hăng Ri Vi e rơ tu một hơi cạn, đặt cốc xuống và nói:

-Chúng ta tuy lấy được thành Hà Nội nhưng thu phục toàn bộ Bắc Kỳ không phải dễ. Các ngài có biết không, hiện nay quân ta chỉ vài nghìn mà phải đương đầu với các đạo quân của triều đình Nguyễn khoảng 2 vạn người, chủ yếu là quân của Lưu Vĩnh Phúc, quân của Hoàng Kế Viêm. Họ bất chấp Hòa ước 1874 và những Chỉ dụ mới đây của Tự Đức là không được gây chiến tranh với quân Pháp.

Tuy nhiên bất chấp hoàn cảnh khó khăn do ít quân, ta vẫn chủ trương chiếm một tỉnh gần Hà Nội nhưng thông ra biển để ta có cửa ngõ ra vào, thông với bên ngoài và với thuộc địa Nam Kỳ. Cho nên ngày 26 tháng 3 năm 1883, ta đã đem các pháo thuyền Pơ lu vi ê, Fan pha ra rơ, Ha se, Y a la gan, Ca ra bi mơ, Si rô ri bơ và tàu chuyển vận loại nhỏ như Ki ang Nam, To canh, Oa boa và Xơ ghe manh vào sông Vị Hoàng, bắn phá thành Nam Định. Kết quả đập tan 6.200 quân Việt, 600 lính quân Cờ Đen, dù quân Việt chống trả rất quyết liệt. 11giờ ngày 26-3, ta đã chiếm thành Nam Định. Đề đốc Lê Văn Điểm, Án sát Hồ Bá Ân tử trận. Ta đang ở Nam Định thì tình báo báo về quân Việt đang tấn công Hà Nội. Ta phải giao lại quyền chỉ huy cho thiếu tá  Ba den và tức tốc trở về Hà Nội ngày 2  tháng 4.

Thiếu tá Đuy puy đứng dậy nói:

-Các ngài còn chờ gì nữa, mau nâng cốc chúc mừng chiến thắng của Đô đốc Hăng ri Vi e rơ ở Nam Định.

Các sĩ quan đứng dậy, hàng loạt câu chúc mừng bằng tiếng Pháp tuôn ra:

-Cạn cốc. Chúc mừng Đô đốc.

-Chúc mừng.

-Cảm ơn các ngài.

(Còn nữa)                                                                       

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 17)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn