Vĩnh Phúc: Đánh thức di tích khảo cổ học Đồng Đậu: Bài 2: “Dự án công viên Đồng Đậu” bao giờ thành hiện thực ?

Vũ Xuân Bân - Nguyễn Tiến Dũng

01/06/2021 11:01

Theo dõi trên

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Yên Lạc qua các thời kỳ cũng như đương nhiệm đều ít nhiều hiểu được tầm quan trọng và giá trị của Di tích khảo cổ Đồng Đậu nhưng để biến thành điểm du lịch văn hóa tâm linh  về nguồn cội thì không hề đơn giản.

dong-dau-16-1622518225.jpg
Di tích khảo cổ học Đồng Đậu (Yên Lạc - Vĩnh Phúc) là là di tích Văn hóa Lịch sử cấp Quốc gia. Ảnh: Tiến Dũng.

Trước hết là phải có tầm nhìn, kiến thức chuyên môn sâu và kinh phí đầu tư xứng tầm. Những năm trước đây đói kém, Vĩnh Phúc thu ngân sách không đủ chi, phải dựa vào ngân sách Trung ương điều tiết thì lấy đâu ra kinh phí để đầu tư.

Sau khi tái lập tỉnh vào cuối năm 1997 đến nay đã 24 năm, Vĩnh Phúc tiến hành CNH, HĐH trở thành một trong những trung tâm công nghiệp ô tô - xe máy, là một trong những tỉnh sớm thoát nghèo, có nguồn thu không những tự túc được ngân sách mà còn đóng góp cho ngân sách Trung ương. Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Yên Lạc bắt đầu tư duy đầu tư để biến Di tích khảo cổ học cấp Quốc gia này thành điểm du lịch văn hóa tâm linh về nguồn cội trong khuôn khổ “Dự án công viên Đồng Đậu”.

dong-dau-12-1622518506.jpg
Biển bằng đá đen đánh dấu khai quật lần thứ nhất (1965 - 1966) gắn vào cột bê tông đã rơi xuống đất vẫn chưa được gắn lại. Ảnh: Tiến Dũng.

Lãnh đạo huyện Yên Lạc cho biết: “Dự án công viên Đồng Đậu” gồm hai cấu phần: Diện tích nguyên trạng Di tích khảo cổ học gò Đông Đậu 8,5 ha và hồ liền kề hơn 5 ha làm khuôn viên “Công viên Đồng Đậu” với tổng diện tích hơn 12,5 ha. “Công viên Đông Đậu” nằm cạnh chùa Biện Sơn và đền Gia Loan nên quen gọi là “sông Loan núi Biện”. Sông Loan này chảy quanh gò Đồng Đậu và đền Gia Loan hình thành phong cảnh “sơn thủy hữu tình” thơ mộng.

Những tưởng khu Di tích khảo cổ học Đồng Đậu được Nhà nước xếp hạng là Di tích Văn hóa Lịch sử cấp Quốc gia cách nay 21 năm sẽ được bảo tồn, đầu tư xây dựng quy mô, bài bản nhưng khi chúng tôi đến tận nơi mục kích sở thị thì thật bất ngờ, thất vọng vì di tích lịch sử hiếm có này gần như  bị lãng quên. Trong khuôn viên khu Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu, cây cối mọc um tùm, một số người dân tận dụng diện tích đất bỏ hoang để trồng những loại rau màu có thêm thu nhập, dẫn đến các điểm khai quật bị tàn phá tan hoang, nhếch nhác ngay từ cổng khu di tích. Rơm, rạ, củi chất thành đống ngay trước, trong cổng và lối vào khu Di tích Đồng Đậu.

dong-dau-18-1622518641.jpg
Biển bằng đá đen gắn vào cột bê tông ghi khai quật lần thứ 6 di chỉ Đồng Đậu vào tháng 12/1999 không rõ nguyên nhân bị vỡ. Nếu không hàn gắn lại thì biển cắm mốc này cũng sẽ bị biến mất. Anh: Tiến Dũng.

Tất cả hiện vật thu được từ 7 lần khai quật Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu đều đưa về Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc tại thành phố tỉnh lỵ Vĩnh Yên bảo quản và trưng bày. Điều xót xa khi cả 7 hố khai quật đều đã bị san lấp một cách vô thức từ lâu, chuối và cây xanh trồng ngay trên các hố khai quật, không giữ được nguyên trạng các hố đó để làm chứng tích cho du khách tham quan. Biển cắm bằng bê tông, gắn đá đen có chữ viết diện tích, ngày tháng năm khai quật tại 7 hố đều xộc xệch, xiêu vẹo, có hố mặt biển đá bị vỡ nát từ nhiều năm nay. Tuy bị san lấp xáo trộn nhưng chúng tôi vẫn nhặt được nhiều mảnh gốm trên bề mặt hố số 6 khai quật năm 1999, là nơi phát hiện được một ngôi mộ táng, còn giữ lại được di cốt người thuộc văn hóa Phùng Nguyên ở độ sâu 3 m. Trong khi đó, các Di tích khảo cổ Gò Cây Thị, thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn, tỉnh An Giang thuộc Văn hoá Óc Eo (Văn hóa Phù Nam); Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội)… đều lưu giữ, bảo tồn các hố khai quật làm chứng tích cùng với trưng bày hiện vật khai quật được thu hút người dân và du khách đến thăm quan, thưởng lãm thì ở Di tích khảo cổ học Đồng Đậu bị xóa hết dấu tích khai quật. 

Lẽ ra sau khi khai quật nghiệm thu hiện vật mà chưa có điều kiện giữ được nguyên trạng các hố khai quật để bảo tồn lâu dài phục vụ du khách đến tham quan, tìm hiểu thực địa thì Ban quản lý di tích khảo cổ học Đồng Đậu phải dùng cát (nếu là cát vàng là tốt nhất để phân biệt với đất khai quật) lấp lại để khi có điều kiện moi cát ra lộ nguyên trạng hố khai quật. Do không làm như vậy nên 7 hố đã khai quật ở di tích khảo cổ học tại Đồng Đậu do mưa nắng xói lở đất nhiều năm tự lấp đầy các hố khai quật, chỉ còn trơ lại tấm biển đá ghi dấu khai quật. Thật đáng tiếc và đáng trách cho sự thiếu hiểu biết này dẫn đến ứng xử vô thức, biến di tích khảo cổ học cấp Quốc gia thành phế tích ?

dong-dau-14-1622518765.jpg
Những mảnh gốm nhặt được chiều 13/3/2021 tại ngay khu vực cắm biển mốc hố khai quật lần 6 (12-1999) di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu đã bị san lấp. Ảnh: Tiến Dũng.

Thực trạng đáng buồn đó buộc phải nêu một câu hỏi rằng: Ai phải chịu trách nhiệm để “di tích Văn hóa Lịch sử cấp Quốc gia Đồng Đậu”  trở thành hoang phế theo kiểu “cha chung không ai khóc” kéo dài từ nhiều năm nay?

Lần khai quật, khảo sát gần nhất là năm 2012, cách nay 9 năm, tỉnh Vĩnh Phúc đã lập đề án xây dựng bảo tồn khu di tích lịch sử Đồng Đậu, giao cho UBND huyện Yên Lạc làm chủ đầu tư xây dựng với kinh phí khiêm tốn 860 triệu đồng, chỉ xây dựng được cổng và mấy chục mét hàng rào mang tính hình thức có “bảo vệ” đến nay cũng đã xuống cấp. Việc làm đó mang tính đối phó như “lấy vải thưa che mắt thánh” về sự buông lỏng quản lý Nhà nước, dẫn đến xâm hại ngày càng nghiêm trọng bên trong của di tích văn hóa cấp quốc gia này.

dong-dau-4-1622518895.jpg

Di cốt người thuộc lớp Văn hóa Phùng Nguyên phát hiện tại hố khai quật lần thứ 6 di tích khảo cổ học Đồng Đậu năm 1999, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: vinhphuc.gov.vn

Trong khuôn viên Di tích khảo cổ học Đồng Đậu, cây cối mọc um tùm, một số người dân tận dụng diện tích đất bỏ hoang để trồng rau màu. Việc giao đất nông nghiệp trong khu Di chỉ Đồng Đậu cho các hộ dân theo Nghị định 64/NĐ-CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ thuộc phạm vi thềm bảo vệ đã làm hư hại tới di tích. Trải qua thời gian, tác động của thời tiết, mưa nắng đã làm ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng và các điểm khai quật ở Di tích khảo cổ học Đồng Đậu.

Ở phạm vi địa phương cấp huyện thật khó để có đủ khả năng đầu tư xây dựng, chỉ mong được cấp trên quan tâm, sớm đầu tư xây dựng khu Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu không chỉ để nghiên cứu, bảo tồn mà còn là địa chỉ thu hút khách du lịch tham quan, giáo dục truyền thống về nguồn cội dân tộc Việt.

Đã có những dấu hiệu chuyển động tích cực nhưng vẫn rất chậm chạp. Ngày 23/10/2019, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 71/2019/NQ-HĐND quy định cơ chế hỗ trợ đầu tư, tu bổ hệ thống di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025 nhằm mục tiêu bảo tồn khu di tích và di sản khảo cổ học Đồng Đậu. Trên cơ sở đó, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch đã hỗ trợ kinh phí và chuyên môn giúp Yên Lạc xây dựng dự án “Công viên Đồng Đậu” để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

dong-dau-3-1622519600.jpg

Các hiện vật gốm được phát hiện tại  hố khai quật lần thứ 6 di tích khảo cổ học Đồng Đậu năm 1999. Ảnh: vinhphuc.gov.vn

Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Yên Lạc lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020- 2025 cũng đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp “Phối hợp với các sở, ngành triển khai xây dựng khu Di chỉ Khảo cổ học Đồng Đậu, chỉnh trang ngoại vi Đền Bắc Cung và tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá, kết nối khai thác phát triển du lịch văn hóa tâm linh với sinh thái”.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc tại văn bản số 9433/UBND-KT1 ngày 15/12/2020 về việc hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng dự án Công viên Đồng Đậu, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc; Sau khi nghiên cứu, Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ có mục tiêu cho UBND huyện Yên Lạc với mức kinh phí là 75 tỷ đồng từ nguồn đầu tư công ngân sách tỉnh giai đoạn 2021-2025 để đầu tư xây dựng Dự án Công viên Đồng Đậu với dự kiến kế hoạch đầu tư trùng tu, tôn tạo, phục dựng di tích vào năm 2023 theo lộ trình thực hiện Nghị quyết số 71/2019/NQ-HĐND ngày 23/10/2019 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các ngành chức năng tranh thủ sự giúp đỡ của Bộ văn hóa Thể thao Du lịch hoàn chỉnh hồ sơ trình Chính phủ xem xét, xếp hạng Đồng Đậu là Di tích Văn hóa Lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt.

dong-dau-13-1622519730.jpg

Đất trong khu di tích khảo học Đồng Đậu tạm giao cho các hộ dân theo Nghị định 64/NĐ-CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ trồng rau màu. Ảnh: Tiến Dũng.

Ý tưởng biến Di tích khảo cổ học gò Đồng Đậu trở thành điểm đến du lịch văn hóa tâm linh về nguồn cội đã có từ lâu, kể từ khai quật lần thứ nhất (1965 -1966) đến nay 56 năm và nếu tính từ khai quật lần thứ 7 vào năm 2012 thì cũng 9 năm vẫn chưa thành hiện thực và đang xuống cấp nghiêm trọng?

Du lịch ở Yên Lạc chưa phát triển. Nhưng với việc thực hiện Dự án “Công viên Đồng Đậu” mà cốt lõi là bảo tồn, phát huy giá trị Di tích khảo cổ học Đồng Đậu thành một điểm tham quan du lịch văn hóa tâm linh về nguồn cội. Trên cơ sở đó kết nối với các điểm du lịch, khu danh thắng trọng điểm của tỉnh như: Tây Thiên, Tam Đảo, Đền thờ tả tướng Quốc quân Trần Nguyên Hãn, hồ Đại Lải, Tháp Bình Sơn, Cụm di tích lịch sử - văn hóa Chùa, Đền, Đình Diệm Xuân (Vĩnh Tường)… sẽ tạo bước đột phá phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Yên Lạc và của tỉnh Vĩnh Phúc trong tương lai gần.

Sau rất nhiều nỗ lực, Dự án “Công viên Đông Đậu” Yên Lạc đang nằm trên bàn làm việc của các cơ quan chức năng có thẩm quyền ở tỉnh Vĩnh Phúc. Tin tưởng rằng, lần này không phải “đánh trống bỏ dùi” mà với tinh thần “nói đi đôi với làm”, Dự án “Công viên Đồng Đậu” sẽ trở thành hiện thực theo tinh thần Nghị quyết số 71/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc.


V.X.B - N.T.D 

(Hết)