Vĩnh Phúc: Đình Đông Đạo (Tp Vĩnh Yên) di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật

Tiến Dũng

07/07/2022 10:05

Theo dõi trên

Đình Đông Đạo, thuộc phường Đồng Tâm, TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) được xây dựng thời Hậu Lê ( khoảng nửa cuối  thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XVIII), thờ Bạch Hạc Cao Quan Đại Vương, người có công lớn hộ quốc, giúp dân, là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng cấp quốc gia năm 1994.

dinh-dong-dao-vinh-yen-vinh-vinh-phuc09-1657161885.JPG
Quang cảnh Di tích lịch sử quốc gia đình Đông Đạo, phường Đồng Tâm, Tp Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc

 

Đình Đông Đạo ở vào địa thế rất thuận tiện đường giao thông nên có thể đến di tích bằng các tuyến đường như: Đường bộ, trên Quốc lộ số 2 từ Hà Nội ngược hay từ Việt Trì xuôi, đến ngã tư (có lúc người dân gọi ngã 3) Tam Dương rẽ tiếp theo đường đi Me (thị trấn Hợp Hòa, Tam Dương) khoảng 200 m là tới di tích. Đường sắt: Đi xe lửa Hà Nội- Lào Cai xuống ga Vĩnh Yên rồi đi tiếp theo chỉ dẫn đường bộ sẽ tới di tích.

dinh-dong-dao-vinh-yen-vinh-vinh-phuc06-1657161886.JPG
 

 

Bà Nguyễn Thị Thủy (ảnh trên), Cán bộ Văn hóa phường Đồng Tâm, Tp Vĩnh Yên cho biết: Đình Đông Đạo thuộc loại Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Trải qua thời gian, Đình Đông Đạo đã xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2019, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có chủ trương đồng ý tu bổ di tích, vốn từ nguồn ngân sách hỗ trợ của tỉnh, địa phương và xã hội hóa. Đến nay, công trình tu bổ Đình Đông Đạo đã hoàn thành giai đoạn 1, giai đoạn 2 mục sân vườn sẽ sớm được xây dựng trong thời gian tới. Đình ở trên khu đất tương đối cao và bằng phẳng hướng Nam bốn mùa đón gió, không gian xung quanh thoáng đãng đẹp mắt. Phía trước đình có sân rộng được trồng cây cảnh cổ thụ và có tường xây che chắn.

dinh-dong-dao-vinh-yen-vinh-vinh-phuc03-1657161885.JPG
Bằng công nhận di tích cấp quốc gia (bên trái) và cấp tỉnh

 

Kết cấu kiến trúc của đình Đông Đạo theo kiểu thượng giường hạ bẩy. Tổng số cột trong toàn đình là 44 chiếc (8 cột cái, 36 cột nhỏ) xếp thành 6 hàng kê trên các tảng đá chống ẩm. Vật liệu làm đình là các loại gỗ tốt được gia cố cần thận mực thước, mộng mạng chặt chẽ để đình bền vững mấy trăm năm nay. Do diện tích của đình rộng nên 5 cửa ra vào ứng với 5 gian cũng rộng và thông thoáng. Mặt khác các cột, xà đều phải to khỏe (cột cái cao 4m6 chu vi 1m5, cột quân cáo 3m6 chu vi 1m4). Đặc biệt do có thêm 2 dĩ nên 4 góc đình có 4 kèo xô từ góc vuông ăn chéo lên cột trốn trên xà đùi tạo cho mái đình xòe rộng ra.

dinh-dong-dao-vinh-yen-vinh-vinh-phuc10-1657161886.jpg
Phóng viên Vanhoavaphattrien.vn chụp ảnh lưu niệm với Thủ từ Nguyễn Văn Phong (ở giữa) và ông Nguyễn Mạnh Đáng thành viên Ban Quản lý di tích đình Đông Đạo.

 

Về lịch sử xây dựng, đình Đông Đạo, Thủ từ Nguyễn Văn Phong năm nay 75 tuổi cho biết: Từ khi xây dựng đến nay, do thời gian và những biển cố của lịch sử, đình đã được tu sửa lớn một số lần, thay đổi một vài chi tiết kiến trúc, năm 1938 dỡ hậu cung dựng lên khám thờ ở tòa đại đình, năm 1950 lợp lại mái bằng ngói sông cầu, năm 1993 xây cổng và tường bao quanh. Dù trung tu, tôn tạo nhưng đình Đông Đạo vẫn còn nguyên nét kiến trúc chạm khắc căn bản của một ngôi đình thời Lê.

dinh-dong-dao-vinh-yen-vinh-vinh-phuc02-1657161885.JPG
Gian chính của đình

 

Cùng với kiến trúc chắc khỏe, đình Đông Đạo được trang trí bởi nhiều bức chạm trổ tinh vi điêu luyện, phản ánh những ước vọng của nhân dân ta thời Lê, điển hình là các bức sau chạm trổ ở hai kẻ gian giữa phía trước đình tả cảnh long cuốn thủy (rồng hút nước)…Những bức chạm thể hiện ước vọng về cuộc sống hạnh phúc thanh bình của nhân dân ta.

Ngoài ra, đình Đông Đạo còn có 22 kẻ khác bố trí ở bốn bề cũng không để trơn mà được đục chạm trang trí khá cầu kỳ những hình rồng, hoa là cách điệu, vân mây... Một điểm đặc biệt ở đình Đông Đạo là tất cả các kẻ truyền đều được đục chạm tạo dáng đẹp.

dinh-dong-dao-vinh-yen-vinh-vinh-phuc05-1657161886.JPG
Kiến trúc của đình mang đặc trưng nghệ thuật kiến trúc đình làng đồng bằng Bắc Bộ

 

Kiến trúc đình Đông Đạo hết sức công phu tỷ mỷ. Nghệ thuật kiến trúc và chạm khắc đình Đông Đạo là kiến trúc và chạm khắc ăn nhập với nhau một cách hài hòa, bổ xung hỗ trợ cho nhau. Từng bức chạm được bố trí một cách hợp lý, đúng chỗ cần thiết. Chạm trổ đẹp, cầu kỳ nhưng không lắt nhắt, rậm rạp mà có sự chọn lọc nội dung phù hợp với kiến trúc khiến cho kiến trúc đã khỏe lại đẹp, tuy đồ sộ nhưng không nặng nề lại như cao rộng thêm ra.

dinh-dong-dao-vinh-yen-vinh-vinh-phuc07-1657161885.JPG
Đao đình mang giá trị kiến trúc nghệ thuật thời Hậu Lê

 

Theo tư liệu lưu trữ ở Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc vị thần được thờ ở đình Đông Đạo dựa theo ngọc phả do Hàn lâm Viện Đông các đại học sỹ Nguyễn Bính biên soạn và các sắc phong còn lưu lại thì đình Đông Đạo thờ Bạch Hạc cao quan đại vương, húy là Thổ Lệnh và Thạch Khanh. Bình sinh hai ông có tài chữa bệnh, khi mất lại rất linh ứng nên được thờ ở nhiều nơi.

dinh-dong-dao-vinh-yen-vinh-vinh-phuc08-1657161885.JPG
Mái đình hình rồng cuộn mang tạo vẻ uy nghi cổ kính
dinh-dong-dao-vinh-yen-vinh-vinh-phuc04-1657161886.JPG
Kiệu chính của đình phục cho ngày lễ được trang trí sơn son, thiếp vàng
dinh-dong-dao-vinh-yen-vinh-vinh-phuc01-1657161885.JPG
9 đạo sắc phong được phục dựng và lưu giữ cẩn thận trong đình

 

Cùng với nhiều nơi khác, nhân dân Đông Đạo cũng rước thần hiệu Bạch Hạc Cao quan đại vương về thờ ở đình làng mình để mong được sự hiển linh che chở.

Trước đây, lễ hội đình làng được tổ chức vào ngày 13 tháng giêng và 10/8 âm lịch gọi lại “khai sắc” và “ khai địa mạch”. Nhưng ngày nay chỉ tổ chức vào ngày 13 tháng giêng, còn ngày 10/8 chỉ cúng chay.

Bạn đang đọc bài viết "Vĩnh Phúc: Đình Đông Đạo (Tp Vĩnh Yên) di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn