Vĩnh Phúc: Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh

Lê Hoàn

17/06/2021 22:57

Theo dõi trên

Ngày 17/6/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Chỉ thị Số: 09/CT-CTUBND về "Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị di tích Lịch sử - Văn hóa, Danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh".

Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có sự chuyển biến tích cực, nhiều di tích đã được đầu tư, tu bổ, phục hồi gắn với phát triển du lịch, góp phần bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc, giáo dục truyền thống, quảng bá về hình ảnh, vùng đất, con người Vĩnh Phúc, thu hút đông đảo du khách tham quan, nghiên cứu, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong các tầng lớp nhân dân.

phat-trien-van-hoa-xa-hoi-9-1623942787.jpg

Đền Ngự Dội (xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), được tu bổ, tôn tạo theo quy định bằng nguồn vốn xã hội hóa. Ảnh: Phí Liệu

Tuy nhiên, gần đây, việc quản lý, tổ chức các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tại một số địa phương, đơn vị thiếu chặt chẽ và nề nếp làm nảy sinh tình trạng lộn xộn, phức tạp; công tác quy hoạch, xây dựng các công trình có ảnh hưởng đến yếu tố gốc của di tích, tu bổ di tích khi chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép vẫn xảy ra; lấn chiếm đất đai, đưa các hiện vật, đồ thờ không phù hợp vào một số di tích, gây ảnh hưởng tới giá trị di tích; công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trong và ngoài khuôn viên di tích; Công tác phòng chống cháy, nổ ở một số di tích vẫn chưa được chính quyền và nhân dân quan tâm đúng mức.

Vì vậy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc Yên cầu Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành của tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố  căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các ngành, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Di sản văn hóa. Vận động nhân dân tham gia công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; không tự ý thực hiện: tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích; sơn thếp tường và các thành phần kiến trúc khác; sửa chữa, bổ sung hiện vật, đồ thờ...

Yêu cầu đơn vị liên quan, tăng cường quản lý Nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị di tích. Kiểm tra, giám sát hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa. Xây dựng và triển khai Kế hoạch tu bổ, chống xuống cấp đối với các di tích đã được xếp hạng, không để tình trạng xâm hại và lấn chiếm di tích xảy ra. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm đất đai, xâm phạm di tích.

Kịp thời đề xuất các hoạt động vinh danh khen thưởng những tổ chức, cá nhân làm tốt công tác quản lý di tích. Xem xét và xử lý nghiêm cá nhân, đơn vị thiếu trách nhiệm để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý.

Tổ chức hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội gắn với di tích; các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo; ngăn chặn kịp thời những hành vi làm ảnh hưởng tới di tích và cảnh quan môi trường tại di tích. Gắn kết các điểm di tích để hình thành Tour, tuyến du lịch thu hút khách tham quan...

UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về di sản văn hóa và các quy định khác của pháp luật hiện hành có liên quan. Đồng thời, UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tích cực tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước đối với các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh theo quy định. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử, văn hóa địa phương trong học sinh, sinh viên.

UBND các huyện, thành phố: Tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn; tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo tồn và phát huy giá trị các di tích. Tổ chức hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội gắn với di tích, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

Hàng năm bố trí ngân sách địa phương để đầu tư cho công tác tu bổ, chống xuống cấp di tích tại địa phương. Tăng cường trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia tại địa phương.