Vĩnh Phúc: Văn hóa Tam Đảo danh thắng và tâm linh (Bài 1) - Thiên nhiên đa dạng và thơ mộng

TS. Nguyễn Quang Miên - Viện Khảo cổ học

01/05/2022 07:25

Theo dõi trên

Tam Đảo là tên của một dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc-Đông Nam, trên địa bàn ba tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang và Vĩnh Phúc. Gọi là Tam Đảo, vì ở đây có ba ngọn núi cao nhô lên trên biển mây, đó là Thạch Bàn, Thiên Thị và Phù Nghĩa.

Ngọn cao nhất có độ cao so với mực nước biển là 1 591 m. Khu vực huyện Tam Đảo ngày nay, nằm chính giữa phía bắc tỉnh Vĩnh Phúc, gần ngã ba ranh giới của tỉnh Vĩnh Phúc với hai tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên, phía đông nam và nam giáp huyện Bình Xuyên, phía nam và tây nam giáp huyện Tam Dương, phía tây giáp huyện Lập Thạch. Phía tây bắc giáp huyện Sơn Dương của tỉnh Tuyên Quang. Phía bắc và đông bắc giáp huyện Đại Từ của tỉnh Thái Nguyên. Tương ứng với hình thể dáng núi, bản đồ huyện Tam Đảo cũng chạy dài theo hướng tây bắc - đông nam. Trên địa bàn huyện có ngọn núi Tam Đảo cao 1.310 m, nằm ở xã Hồ Sơn. Diện tích tự nhiên của huyện là (236,42 km²), trong đó có hơn 120 km2 là thuộc vườn quốc gia Tam Đảo [1,2].

van-hoa-dao-tao-1651368141.jpg
Bản đồ hành chính Tam Đảo

Cách đây khoảng 230 triệu năm, vào giữa kỷ Trias,  hoạt động núi lửa phun trào các lớp nham thạch chồng lấn nhau đã hình thành nên dãy Tam Đảo với các loại đá tạo núi chủ yếu là Riolit pocfia, penzit và các tuf của chúng. Trên Tam Đảo có nhiều suối và thác nước, trong đó nổi tiếng là Thác Bạc có độ cao chừng 50m, ngay cả vào mùa khô vẫn ào ào tung bọt trắng. Địa hình dốc, nên hệ thực vật ở đây khá đa dạng và rất nhanh thay đổi theo độ cao.

Càng lên cao, các loài cây thuộc họ lá kim càng nhiều, cảnh rừng chuyển dần sang xen lẫn các mảng sắc màu đỏ, vàng của những cây rừng ôn đới đang mùa thay lá. Từ trên cao, cảnh sắc thiên nhiên cho du khách chợt cảm về một cảnh quê nơi miền ôn đới nào đó. Ở Tam Đảo cũng có rất nhiều loại rau, quả, củ của miền khí hậu lạnh. Chúng được trồng không những cho nhu cầu tiêu thụ tại chỗ mà còn  là nguồn cung cấp chính cho thành phố, huyện của Vĩnh Phúc và Hà Nội.

Mật độ dân số trung bình ở Tam Đảo là khoảng 303 người/km2, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 41,9%. chủ yếu là Sán Dìu, Tày Nùng, Cao Lan… Phân bố dân cư không đều giữa các vùng, tập trung đông đúc ở vùng đồng băng thấp và thưa thớt tại vùng núi cao.

Từ lâu, Tam Đảo đã là một địa danh quen thuộc và là một điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước với khu nghỉ mát thanh lịch, đậm nét Châu Âu giữa vùng Bắc Bộ.  Bao quanh thị trấn Tam Đảo là  rừng nguyên sinh, có khí hậu trong sạch, mát mẻ, nhiệt độ trung bình trong năm khoảng 18°C, có phong cảnh núi non hùng vĩ, bao quát cả một vùng đồng bằng Bắc Bộ rộng lớn là điều kiện rất thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái  

Khu nghỉ dưỡng Tam Đảo đã được người Pháp tìm ra và xây dựng từ 1902-1906, đến năm 1940, Tam Ðảo đã là một “đô thị” trên núi cao với 145 tòa nhà, biệt thự cao cấp, lộng lẫy; trong số này có tới 60 biệt thự với kiến trúc theo nhiều kiểu cách khác nhau. Nay, nhiều biệt thự xưa không còn, song cũng đã có thêm nhiều công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, khu vui chơi mới được xây dựng gần đây.

van-hoa-dao-tao1-1651368141.jpg
Một góc Tam Đảo

Mỗi năm, Tam Đảo đón hàng trăm ngàn lượt khách trong nước và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng, nghiên cứu… Ở Tam Đảo còn có khu vườn Quốc Gia, là tài sản quý của cả nước, có nhiều lợi ích cho cộng đồng cư dân trong vùng.

Vườn được che phủ bởi một lớp thảm thực vật dày đặc, nhiều tầng và đa dạng về loài, đa dạng về quần xã sinh học và hệ sinh thái. Số liệu điều tra của Viện sinh thái tài nguyên sinh vật, Đại học quốc gia Hà Nội; Đại học Lâm nghiệp và một số cơ quan, tổ chức khác cho thấy ở Tam Đảo có 904 cây có ích, thuộc 478 chi, 213 họ thuộc 3 ngành dương xỉ, hạt trần và hạt kín. Các loài cây này được xếp thành 8 nhóm có giá trị khác nhau. Trong các loài thực vật, có 42 loài đặc hữu và 64 loài quý hiếm cần được bảo tồn và bảo vệ như: Hoàng thảo Tam Đảo (Dendrobium daoensis), trà hoa dài (Camellia longicaudata), trà hoa vàng Tam Đảo (Camellia petelotii), hoa tiên (Asarum petelotii), chuỳ hoa leo (Molas tamdaoensis), trọng lâu kim tiền (Parisdelavayi)...

van-hoa-dao-tao2-1651368141.jpg
Cảnh rừng nguyên sinh ở Tam Đảo

Về khu hệ động vật, có 840 loài động vật, trong đó có 39 loài đặc hữu. 8 loài đang nguy cấp, 17 loài sẽ nguy cấp, 13 loài hiếm có và 18 loài đang bị đe dọa. Vườn còn đem lại giá trị to lớn trong việc bảo vệ môi trường,  điều tiết và cung cấp nước, phục vụ nghiên cứu khoa học và  phục vụ cho du lịch và nghỉ dưỡng, cung cấp lâm sản, dược liệu... Đây là khu vực có tính đa dạng sinh học cao, là kho dự trữ các nguồn gen động thực vật quý hiếm của nước ta. Nguồn tài nguyên thiên nhiên quí giá này cần được bảo vệ để góp phần làm phong phú tính đa dạng sinh học của Việt Nam và thế giới.

Tam Đảo cũng là nơi có nhiều di tích văn hóa nổi tiếng như chùa Tây Thiên và đền Tây Thiên (còn gọi Đền Mẫu). Nhà thờ Đá ở Tam Đảo cũng là điểm thu hút khách du lích, đặc là người nước ngoài. Đầu thế kỷ 20, người Pháp đã lên Tam Đảo và xây dựng một thị trấn ở đây làm nơi nghỉ mát cho các quan chức của chính quyền đô hộ. Tổng cộng có 163 ngôi biệt thự kiến trúc châu Âu đã được xây dựng, tuy ngày nay, một số đã đổ nát. Song, cũng đang có nhiều nhà nghỉ và khách sạn mới được xây dựng thêm. Không những nổi tiếng là khu du lịch nghỉ mát,Tam Đảo còn tự hào có một sự đa dạng về bản sắc văn hóa của  đồng bào các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn như người Kinh, Sán Dìu, Tày, Nùng, Cao Lan..vv.

Đón đọc kỳ 2: Huyền bí và linh thiêng.

Bạn đang đọc bài viết "Vĩnh Phúc: Văn hóa Tam Đảo danh thắng và tâm linh (Bài 1) - Thiên nhiên đa dạng và thơ mộng" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn