"Không thề mồ côi" (Kỳ 7): ĐI HỌC TRƯỜNG THIẾU NHI QUỐC TẾ TẠI TIỆP KHẮC

Đào Minh Vân (kể). Đặng Vương Hưng (chấp bút)

20/12/2021 09:25

Theo dõi trên

Tháng 4 năm 1956, tôi được me Kíu và má Hường đưa đi bằng tàu điện, tập trung ở trường Chu Văn An cạnh Hồ Tây. Tôi thấy rất nhiều các anh chị lớn tuổi, chỉ vài đứa nhỏ như tôi nhanh chóng được xếp vào Phân đoàn 3 và tôi là một trong 4 đứa nhỏ nhất đoàn.

chuytraitim1g-1639967010.jpg
Một số học sinh và thầy cô giáo của Trường Thiếu nhi Quốc tế tại Tiệp Khắc, năm 1956. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Tôi nghe đủ thứ giọng nói của vùng miền khác nhau, mà trước đây tôi chưa từng nghe ngoài giọng Hà Nội. Lúc đưa tôi đến trường, má Hường mặc quần áo bộ đội còn me Kíu mặc áo dài. Tôi thì cứ bám chặt đuôi áo của me Kíu, còn bà thì rơm rớm nước mắt. Tôi nghe loáng thoáng có anh chị lớn trong đoàn nói, gia đình này ngộ ghê, người nói giọng Nam, người thì nói giọng Bắc.

Tôi cứ hỏi me và má tàu liên vận là gì? Me không trả lời còn má thì bảo tàu liên vận là con tàu sẽ đi rất xa, qua nhiều nước khác nhau. Tôi cứ phụng phịu mãi không chịu ở lại trường và không muốn đi tàu liên vận. Me Kíu phải dỗ dành tôi:

- Mười tuổi rồi, con đâu còn bé bỏng gì? Có phải ai cũng được vinh dự đi như con đâu mà còn không chịu.

Má Hường thì bảo:

-Vì cha con làm việc tốt, nên con mới được ưu tiên đi như thế.

Tôi không hiểu cha làm việc tốt gì và cũng không cần “ưu tiên”, vì thực ra cũng chẳng hiểu “ưu tiên” là cái gì. Tôi chỉ muốn ở lại với me Kíu ở phố Lò Sũ. Cuối cùng me cũng thuyết phục được tôi bằng cách:

là con cứ đi thử vài ngày xem sao. Nếu tới trường mà con không thích, không vui thì con báo về cho mẹ và má đến đón con về ngay.

Nghe nói thế, tôi yên tâm hơn và đồng ý ở lại.

Trường Chu Văn An, nơi chúng tôi tập trung là ngôi trường rất lớn, có nhiều cây rất to. Nhà trường giới thiệu với chúng tôi cô Qưới, thầy Khiêm, thầy Ngọc là ba người sẽ phụ trách chúng tôi và đi với đoàn. Đoàn thiếu nhi có 100 người (thực tế đi học chỉ 99 người) ở mọi miền khác nhau của đất nước.

Chương trình đầu tiên của chúng tôi là học hát, học múa tập thể và tập thể dục. Chúng tôi ngủ tập thể và ăn tập thể. Toàn thể nam ở một phòng, nữ một phòng. Chúng tôi được phát quần áo giống nhau, chỉ khác về kích cỡ, tôi rất thích chiếc áo đầm màu xanh nước biển, có hai quai, đính cánh bướm và áo sơ mi trắng. Mỗi chúng tôi được phát một cái chiếu, một gối, một chăn nhỏ, một cái màn và hai khăn tay rửa mặt… Có nhiều giọng nói tôi nghe mãi không hiểu, mà sau này tôi mới biết đó là những người ở rất xa, ở các tỉnh miền Trung và Nam bộ. Đêm nào đi ngủ tôi cũng nhớ đến các em ở Lò Sũ.

Chỗ trải chiếu tôi nằm, không hiểu sao sàn gỗ bên dưới lại có một lỗ thủng nhỏ. Đêm nào tôi cũng sợ có con ma sẽ chui lên từ lỗ thủng đó. Tôi tưởng tượng ra con ma đó sẽ cắn vào lưng nên tôi khóc. Chị Độ lớn hơn tôi 5 tuổi, nằm cách tôi một đoạn hỏi:

- Sao em khóc?

Tôi nói có ma và cho chị xem lỗ thủng đó. Chị bảo:

- Để chị qua đó nằm chỗ em, còn em qua nằm chỗ của chị.

Chị Bích hơn tôi hai tuổi, nói:

- Em nằm lui ra chỗ các chị, nếu có ma nó sẽ chỉ cắn các chị chứ không cắn em đâu.

Đó là bài học đầu đời mà các chị dạy cho tôi. Sau này nghĩ lại tôi luôn tâm niệm, hãy sẵn sàng giúp đỡ người khác khi mình có thể. Đó là bài học lớn cho tôi về tình thương yêu cộng đồng và hỗ trợ nhau trong mọi hoàn cảnh. Chỉ một chuyện nhỏ vậy thôi, mà tôi nhớ mãi đến sau này. Các chị đã để lại cho tôi kỷ niệm đẹp của tuổi ấu thơ! Chỉ tiếc, sau này lớn lên, trưởng thành tôi không có điều kiện gặp lại các chị để nói lời cảm ơn về sự sẻ chia thân ái đó.

Cho đến một buổi chiều, toàn trường đều mặc quần áo mới sạch sẽ, xếp hàng hai, bé đứng trước, lớn đứng sau, tôi đi ở hàng thứ hai. Chúng tôi được hướng dẫn cùng đi bộ đến một ngôi nhà rất to và đẹp. Chúng tôi được giới thiệu đó là Phủ Chủ tịch. Bọn trẻ còn nhỏ chẳng hiểu đi đâu, chỉ nghe các anh chị lớn nói là sẽ được gặp “Ông Tiên”.

Vào Phủ Chủ Tịch, chúng tôi được xếp hàng ngồi ngay ngắn ở ngoài trời xem chiếu phim. Tôi còn nhớ đó là bộ phim “Bạch Mao Nữ” của Trung Quốc. Đương chăm chú xem phim thì chúng tôi thấy Bác Hồ đi từ bậc thang xuống, thế là tất cả reo to “Bác Hồ! Bác Hồ!”. Bác đẹp như một Ông Tiên, râu dài như ông Bụt. Bác hỏi “Các cháu có vui không?” Sau đó Bác và các cô chú phát kẹo cho từng cháu ai cũng có. Bác dặn 5 điều Bác Hồ dạy thiếu nhi, Bác cho chụp ảnh với Bác và Bác bắt nhịp bài hát “Kết đoàn, Chúng ta là sức mạnh …”. Chúng tôi đã nắm tay múa tập thể vòng tròn có Bác và các chú, các cô cùng múa chung bài hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn các em nhi đồng”.

Trước khi về Bác Hồ căn dặn chúng tôi:

- Các cháu đi học xa, cố gắng học cho giỏi sau này về kiến thiết đất nước. Đối với các bạn Quốc tế, các cháu nhớ phải chan hòa đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, như các bạn cùng một nhà.

Thế là tôi được gặp Bác Hồ lần đầu tiên trong đời.

Lâu lâu, me Kíu và má Hường lại đi xích lô, hoặc tàu điện đến thăm tôi. Chủ nhật má mới cho em Ngọc đi thăm bằng xe đạp. Lúc nào me Kíu đến thăm là tôi sướng lắm, vì lần nào bà cũng mang theo bánh và kẹo cho tôi.

Sau này, khi đã thân nhau, chị Tư hỏi tôi:

- Sao em lại nói tiếng Miền Bắc? Còn má của em lại nói giọng Miền Nam? Tiếng nói đó giống quê của chị đấy, mà sao em lại có cả me Kíu nữa?

Tôi trả lời chị:

- Em cũng chả biết tại sao nữa!

Ngồi một hồi lâu tôi hỏi:

- Vậy chị quê ở đâu mà nói giống má Hường?

Chị nói:

- Ở Bến Tre, quê chị có rất nhiều trái dừa.

Tôi hỏi lại hỏi chị:

- Bến Tre có gần Nam Vang không?

- Sao em lại biết cái tên Nam Vang ấy? Chị chỉ nghe nói thôi, chứ không ở gần quê chị.

Sau này tôi mới biết hầu hết các anh chị, các bạn cùng lớp thiếu nhi đi học nước ngoài với tôi hồi đó, đều là con em cán bộ cao cấp. Trường tôi học rất vui, bạn bè thân thiện và đoàn kết, tôi nghĩ chắc cũng có nhiều người có cuộc sống mới như tôi. Ngày Chủ nhật cũng có những người bạn có gia đình lên thăm, nhưng tôi để ý có rất nhiều anh chị và các bạn không hề có một ai đến thăm suốt thời gian tập trung. Còn tôi thì có lúc là má Hường, nhưng thường thì là me Kíu đi xích lô lên thăm với một túi mứt và kẹo lạc.

Gần giữa tháng Sáu năm đó, chúng tôi được báo là chuẩn bị lên đường và được thông báo điểm đến là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Tiệp Khắc. Chiều ngày 15 tháng 6, chúng tôi được yêu cầu mặc đồng phục rất đẹp, rồi di chuyển bằng xe tải của bộ đội ra ga Hàng Cỏ. Mỗi người có một ba lô quần áo. Tại ga tôi đã thấy có me Kíu, má Hường và em Ngọc. Tôi nhớ em Ngọc mặc bộ quần áo lính thủy. Tôi còn nhớ mãi lúc chuẩn bị lên tàu, mọi người xếp hàng theo từng phân đoàn. Me Kíu với đôi mắt đỏ hoe, ôm chặt tôi và nói:

- Vân ơi! Me lúc nào cũng yêu thương con. Cố gắng cho ngoan, học cho giỏi, đừng có “ruột để ngoài da” mà mất hết đồ đạc con nhé. Đừng có cãi nhau với chúng bạn, kẻo bạn ghét cho rồi lại tủi thân, nghe chưa!…

Má Hường thì nói:

- Con đi mạnh giỏi, nhớ viết thư thường cho má để má còn gởi cho Ba con. Khi nào có ảnh thì nhớ gởi về cho má và em Ngọc nghe…

Ngọc thì quá bé để hiểu chị đi đâu, nên cứ đòi:

- Chị ơi, cho em lên tàu với chị đi!

Tại ga Hàng Cỏ, đoàn của tôi có rất nhiều gia đình cũng đi tiễn con em của họ. Riêng tôi có tới hai người mẹ: một Bắc một Nam, một mặc quân phục bộ đội, một mặc áo dài.

Lúc còi tàu hú lên liên tục, đoàn thiếu nhi được xếp hàng đưa lên tàu Tôi thấy me Kíu khóc, rồi má Hường cũng khóc. Em Ngọc cũng khóc theo, cứ đòi “cho em lên tàu với chị”. Tiếng xình xịch, xình xịch của tàu khởi hành. Nhìn thấy mọi người trên ga cứ xa dần. Tôi thấy dáng me Kíu, má Hường và em Ngọc dần xa, vừa đưa tay vẫy tôi vừa bật khóc nức nở.

*

Đoàn tàu đã đi xa, mọi người mới bình tĩnh và yên lặng trở lại. Mở túi quà của me Kíu cho ra, tôi thấy có ảnh của tôi chụp chung với má Hường và em Ngọc cùng ảnh của tôi chụp với me, Trang và Hùng tại cửa hiệu Quốc Tế. Ngoài ra còn có nhiều bánh kẹo và một áo len màu nâu điểm vàng mà me đan cho tôi… Cùng với mảnh giấy có lời dặn: “Mẹ nhớ con gà tồ của mẹ nhiều, nhớ chia bánh kẹo cho các bạn của con cùng ăn nhé.”.

Tôi đâu có ngờ, sau cuộc chia tay ấy, mãi đến 19 năm sau tôi mới được gặp lại má Hường, vì sau đó má đi B vào Nam. (Thời đó mọi người đều nói bí mật là “Đi học Liên Xô”). Còn khi tôi gặp lại me Kíu, thì bà đang ở trong một hoàn cảnh rất thương tâm: Bị quy là “Thành phần bóc lột, là giai cấp tư sản cần đánh đổ”. Me Kíu đã bị tịch thu toàn bộ tài sản, nhà xưởng sung công… Bà phải đi bán bánh mì và nước chè để sống qua ngày. Do yêu cầu nghiệp vụ bí mật của nghề tình báo, mà bà chưa thể công khai và tự minh oan cho mình được.

Hơn bốn năm sau, khi tôi từ Tiệp Khắc về nước, ra đón tôi ở ga Hàng Cỏ là me Kíu và má Hai (chị ruột của má Hường) và em Ngọc. Em mang hoa ra tặng chị mà không nhớ mặt chị, nên đã tặng nhầm hoa cho bạn tôi.

Khi tàu lăn bánh ra khỏi Hà Nội, tôi mới phát hiện có một số anh chị và các bạn cùng đi đã không có ai đến tiễn. Vậy là tôi đã quá hạnh phúc so với một số người.

Tàu liên vận thiết kế có giường ngủ hai tầng. Tôi được bố trí ngủ tầng dưới, còn bạn Hằng ngủ tầng trên. (Sau này, tôi mới biết bố bạn ấy là ông Hoàng Quốc Thịnh – Hàm Bộ trưởng). Qua ga Đồng Đăng, đoàn tàu đã vượt qua biên giới và tới Trung Quốc. Các anh chị lớp lớn bảo chúng ta qua ra khỏi nước Việt Nam rồi! Thế là một cuộc đời mới, một trang mới, cuộc sống hoàn toàn mới đã đến với tôi.

Trong hơn 20 ngày ở trên tàu hỏa, chúng tôi lần lượt đi qua các nước Trung Quốc, vùng thảo nguyên Mông Cổ và Xiberi mênh mông của Liên Xô, Ukraina, rồi đến thủ đô Praha của Tiệp Khắc.

Hơn ba tuần ngồi và ăn ngủ trên tàu liên vận, những lúc qua các thành phố, chúng tôi được ngắm, được chơi đùa chạy nhảy với nhau từ toa này qua toa khác, hoặc chơi tú lơ khơ…

Tôi nhớ mẹ và nhớ các em ở nhà Lò Sũ, tôi nhớ anh Hiền luôn bênh vực cho tôi khi có ai đó bắt nạt tôi, tôi nhớ cô Thìn hay lên cơn, nhớ thức ăn mà cô Hợi nấu, tôi nhớ nhất là mẹ tôi lúc nào cũng bảo “gà tồ của mẹ đâu rồi”… Tôi nhớ cảnh em Ngọc đòi lên tàu với chị. Tôi nhớ những ánh mắt tò mò của các anh chị khi thấy má Hường mặc quần áo bộ đội với hai bím tóc dài được thắt lại gọn gàng, các anh chị cứ hỏi tôi “má của em là bộ đội văn công hả?”

Trên tàu, tôi được làm quen với nhiều anh chị lớn, tới bây giờ nghĩ lại tôi thấy ai cũng dễ thương và thân ái. Ấn tượng ấy theo tôi suốt đời. Cho đến tận bây giờ, tình thương mến, sự cảm thông hòa đồng, chia sẻ với nhau như một gia đình vẫn đong đầy trong tôi. Dù đã qua gần 60 năm, nhưng những lúc họp mặt, gặp gỡ vẫn còn những cảm giác đây là những con người, mà mình có thể sẻ chia tất cả tấm lòng như anh em ruột thịt.

*

Khoảng một giờ đêm ngày 8 tháng 7 năm 1956, chúng tôi được xe buýt lớn đưa đến trường nội trú. Trường thiếu nhi Quốc tế tại Brachislava.

Ở trường thiếu nhi, tôi được học nhiều thứ. Điều mà tôi cho là tôi học được nhiều nhất là lòng nhân ái với cộng đồng và tinh thần đùm bọc lẫn nhau. Không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt giai cấp, địa vị xã hội. Mặc dù sau này khi lớn lên, chúng tôi mới biết tất cả đoàn thiếu nhi đợt này đều là con của các cán bộ cao cấp của Nhà nước và Trung ương Đảng.

Dù sau này, chúng tôi đa số đều thành đạt, có nhiều người ở các cương vị cao trong bộ máy Nhà nước, nhưng khi gặp lại chúng tôi vẫn là những đứa trẻ thân thương một nhà của trường Thiếu nhi Quốc tế ngày nào.

Bây giờ, ngồi viết những dòng này khi tôi đã có sáu cháu ngoại. Tuổi của chúng khác nhau, tính tình cũng khác nhau, nhà của tôi lúc nào cũng ồn ào khi các cháu ở gần. Chúng tranh đồ chơi của nhau, tranh nhau cả tình yêu thương của bà ngoại dành cho chúng, tiếng la hét khấy lên sự ồn ào. Với tôi đó là hạnh phúc vì tôi là cây chỉ có một trái, nay trời đã cho tôi báu vật là sáu đứa cháu thật dễ thương.

Trước đây, khi tôi còn ở với me Kíu, nhà cũng có 5 chị em tuổi cũng sàn sàn như các cháu tôi bây giờ, cũng ồn ào vậy, cũng gây ra cho bà biết bao phiền toái hàng ngày. Mặc dù không thực sự là máu mủ của nhau, nhưng bà đã thương yêu chúng tôi hết lòng. Ngồi viết lại những dòng này, tôi càng nhớ me Kíu, thương tiếc và kính trọng bà vô cùng.

Ở trường Thiếu nhi Quốc tế, chúng tôi học tiếng nước bạn là chính Phòng ở của tôi có 4 người: Tôi, Hiền, Hằng và Hồng Vân là bốn bạn gái nhỏ nhất đoàn. Chúng tôi chơi thân nhau, ăn chung, ngủ chung, cãi nhau cũng chung, hát chung và cũng nghịch ngợm chung. Thậm chí, có khuyết điểm bị phạt cũng chung nốt.

Chúng tôi học được nhiều điều từ nhà trường. Sau này ra đời, càng vấp váp, tôi lại càng cảm ơn các thầy Tiệp Khắc và Việt Nam đã dạy cho tính tự trọng, dạy chúng tôi cách tự tin vào bản thân mình trong cuộc sống ở mọi tình huống. Chúng tôi cũng hấp thụ được tính ngay thẳng và không luồn cúi, khuất phục. Tuy nhiên, khi ra đời với tính thẳng thắn tôi và các bạn tôi cũng gặp nhiều khó khăn với cuộc sống đa dạng và quá phức tạp sau này.

Chúng tôi được đón những bông tuyết đầu tiên trong đời vào năm 1956 trong mùa Noel đầu tiên tại nước bạn. Chúng tôi đã sung sướng nhảy múa, hát, hóa trang nhận quà Noel từ ông già tuyết. Chúng tôi cũng hát những bài hát mừng năm mới. Mùa đông đầu tiên ở xứ lạnh, chúng tôi được các thầy cô giáo đưa ra sân dạy cho những bước trượt băng ở hồ Thiên Nhiên. Do trời lạnh dưới âm độ, nên nước đông lại, tôi và các bạn trượt ngã, vui cười, hò hét thật thoải mái. Chúng tôi còn học trượt tuyết bằng hai cây gậy chống và chơi trượt tuyết bằng xe chạy xuống dốc. Những lúc ngã lăn quay, chúng tôi cười như nắc nẻ.

Một trò chơi mà chúng tôi la hét nhiều nhất, là nắm những cục tuyết lại rồi ném vào nhau. Khi nào mệt quá, chúng tôi lại xúm lại, cùng nhau đắp ông già Noel bằng tuyết. Mũi của ông được chúng tôi cắm củ cà rốt. Mũ của ông chúng tôi tìm được cái gì thì đội lên cái đó…

Ở trường, các anh chị lớp lớn còn được học khiêu vũ, tức là học nhảy Vanse. Ngồi xem các anh chị học nhảy, tôi không ngạc nhiên. Tôi nhớ có đôi lần ở nhà bá Cung đã cho tôi và anh Hiền đi theo bá và chồng của bá lên phố Tràng Tiền (lúc đó gọi là “phố Tây ngồi”) xem bá và mọi người nhảy đầm - gọi theo từ lúc ấy thường gọi… cũng những điệu nhạc như vậy. Tôi chỉ thắc mắc: Tại sao bố anh Hiền cũng đi xa như cha của tôi, mà anh không được đi học cùng tôi?

Ở trong trường, tôi thấy các thầy cô giáo người Tiệp cũng có uống cà phê, những lúc đó tôi nhớ đến me Kíu. Nhớ bà ngồi một mình trầm tư, im lặng tự pha cà phê và không nói một lời nào. Tôi đâu có hiểu cuộc đời bà lại có nhiều oan trái, mà không bày tỏ ra được cùng ai. Lâu lâu, tôi có nhận được thư của me Kíu và của má Hường. Thường thì những lá thư gửi từ Việt Nam phải hơn một tháng mới đến nơi.

Có lẽ, tôi hợp với thức ăn của Tây, nên người của tôi béo tròn quay. Những ngày ở trường Thiếu nhi này, điều tôi học được là phải tuân thủ kỷ luật, kể cả những việc rất nhỏ. Chúng tôi đã học cách tự đánh giày bằng xi sao cho thật bóng, cách chà sàn bằng gỗ, đánh xi cho sàn nhà bóng loáng. Chúng tôi được dạy cách ngồi ăn, hai khủy tay để lên bàn, cách cầm dao, muỗng, nĩa cho đúng cách và cả cách cầm khăn đeo vào cổ trước khi ăn cho khỏi bẩn áo. Cả trường từ lớp lớn cho đến lớp nhỏ đều thương yêu nhau. Có lẽ, do tất cả đều xa gia đình và ở đây thì rất xa Việt Nam...

(Còn nữa)

______

Rút từ bộ sách CHUYỆN ĐỜI TÔI ngàn trang khổ lớn, do Đặng Vương Hưng chủ biên, dự kiến sẽ xuất bản quý II năm 2022. Ai có tự truyện muốn tham gia, hoặc đăng ký đọc sách, xin để lại tin nhắn và số điện thoại.

Theo Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết ""Không thề mồ côi" (Kỳ 7): ĐI HỌC TRƯỜNG THIẾU NHI QUỐC TẾ TẠI TIỆP KHẮC" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn