Kỷ niệm về người em liệt sỹ

Phạm Huy Cận (Tuyên Quang)

20/10/2022 15:58

Theo dõi trên

Mỗi năm đến độ tháng bảy về, cả dân tộc lại đón một ngày lễ kỷ niệm lớn, đó là ngày thương binh, liệt sỹ(27/7). Môt ngày kỉ niệm trong tâm thế thật thiêng liêng, thật xúc động. Đó là tâm thế của người"ăn quả nhớ người trồng cây", "uống nước nhớ nguồn".

Bồi hồi xúc động, thương nhớ những người đã nằm xuống vì nền độc lập dân tộc. Riêng tôi, tôi có một kỷ niệm với một người em họ, đó là liệt sỹ Phạm Xuân Khảm.

Những năm tháng cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cả dân tộc bừng bừng khí thế, ngày đó Khảm học hết cấp3, là một thanh niên cường tráng, lúc nào cũng vui tươi yêu đời, Khảm hay cười. Tôi nhớ nhất là những ngày Tết,ở quê thường tổ chức vật võ, hội vật được tổ chức ngay từ ngày mồng hai Tết, các xã Thái Hà, Thái Sơn thường luân phiên nhau tổ chức. Các đô vật Thái Hà ngày đó gồm: Khanh, Khảm(hai anh em ruột), Bớ, Tý, Đức, ở Thái Sơn có đô vât Tiến, ở Thụy Thanh có đô vật Nghệ . . . đó là những đô vật có tên tuổi. Các đô vật đến từ trong vùng chủ yếu là các xã lân cận, có cả những đô vât từ các xã bên thuộc Thụy Anh, Kiến Xương cũng tới tham gia. Người xem ngày đó nhớ mãi hình ảnh đô vật Khảm, Khảm không phải là đô vật cao to vượt trội nhưng có thân hình rắn chắc, cơ bắp săn chặt, khi vào xới vật, Khảm cười rất tươi, ra ràng(múa vật)rất đẹp. Mỗi lần ra xới vật, Khảm để lại nhiều thiện cảm cho người xem và cả sự thân thiện, cảm tình từ đối thủ. Hầu như năm nào hai anh em đô vật Khanh, Khảm đều thay nhau vào chung kết và giành được thứ hạng cao trong hội vật.

dh1q3a-1666256215.jpg
 Liệt sỹ Phạm Xuân Khảm. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Nhà tôi ở trước nhà ông chú họ, bên cạnh chiếc giường tôi nằm ngủ la ô cửa sổ mở ra phía bắc, nhìn ra mảnh vườn nhà chú họ tôi, đầu mảnh vườn là cái giếng đào luôn đầy nước và mảnh sân giếng. Tôi còn nhớ những buổi tối trời nóng Khảm ra giếng tắm. Lần nào ra tắm, Khảm vừa bì bõm kéo gàu nước dội lên người, miệng vừa ngân nga câu hát, Khảm hay hát bài"Vàm Cỏ Đông"(Nhạc:Phan Huỳnh Điểu, thơ:Hoài Vũ). Lời bài hát có câu:

". . . Ở tận sông Hồng em có biết, quê hương anh cũng có dòng sông, anh mãi gọi với lòng tha thiết Vàm Cỏ Đông ơi Vàm Cỏ Đông . . . Ơi Vàm Cỏ Đông, ơ hỡi dòng sông, nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng, đuổi Pháp đi rồi, nay đuổi Mỹ xâm lăng, giặc đì đời giăc sông càng xanh trong, giặc đi đời giặc sông càng xanh trong . . ."

Bài hát này trong những năm tháng chống Mỹ được rất nhiều người ưa thích, muốn được nghe, nhưng hệ thống truyền thông ngày đó chỉ duy nhất có Đài Tiếng nói Việt Nam mà ngày đó cả một xã cũng chỉ vài nhà là có đài riêng thôi, chiếc radio là một thứ hàng hóa trong mơ ước. Ngày đó thanh niên thường chép các bài hát mà mình yêu thích vào sổ tay rồi buổi tối rảnh rỗi đem ra ngêu ngao chứ không có Youtube như ngày nay. Giọng hát của Khảm trầm, ấm nên hợp với âm điệu bài hát này

Tôi nhớ, một bài hát nữa mà Khảm thường hát, đó là bài:"Chuyện hai mùa mưa", bài hát này ngày đó gọi là "nhạc vàng"(ngày nay gọi là bolero) mà bài hát nào gọi là"nhạc vàng"thì không được hát công khai(hát chui), bởi ngày chiến tranh người ta quan niệm rằng:"nhạc vàng" là ủy mỵ, lả lướt làm giảm ý chí, tinh thần chiến đấu. Lời bài hát có câu:

". . . Mùa mưa lần trước anh về đây ghé thăm tôi.

Tình xưa bạn cũ gặp nhau đêm ấy mưa rơi

Tách cà phê ấm môi,

Mình ngồi ôn lại những phút vui trôi qua mất rồi.

Này cây phượng vĩ bên đường che nắng ban trưa

Này con đường dẫn vào sân ga tắm trăng mơ

Mái trường ngày ấu thơ,

Và này căn nhà vắng nằm cạnh nhau nghe đêm mưa . . . "

Quả thật là trong thời điểm đó được nghe những ca khúc gọi là"nhạc vàng"như bài hát"Chuyện hai mùa mưa" thì tâm trạng vô cùng, một giai điệu buồn buồn ,nhưng cái buồn man mát, thoang thoảng cứ lay nhẹ, lay nhẹ vào con tim đang đầy nhiệt huyết của sức trẻ(tuy là chưa chớm yêu đương). Một nỗi buồn của thời cuộc bởi một cuộc chiến tranh chất chứa của sự mất mát cả về con người và tình cảm, tinh thần.

Cũng như những thanh niên thời đó, Khảm được gia đình cho ăn học hết cấp3(10/10), chưa kịp nghĩ đến ngày bước chân vào một trường Đại học nào là lên đường nhập ngũ, theo đoàn quân vào Nam chiến đấu và hy sinh ở chiến trường Quãng Ngãi ngày 16 tháng 8 năm 1974.

Đó là những kỉ niệm về một người em liệt sỹ mà không bao giờ tôi quên trong suốt cuộc đời. Tôi chia sẻ thay cho nén tâm hương thắp lên bàn thờ người em đã hy sinh nhân ngày Thương binh liệt sỹ.

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Kỷ niệm về người em liệt sỹ" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn