Ký ức chiến tranh: Chương III - Vào trận - P10

CCB Vương Khả Sơn/Thành Đô (biên tập -giới thiệu)

15/05/2023 09:41

Theo dõi trên

Tôi tham gia trận đánh đầu tiên vào ngày 03-5-1972. Hôm ấy, một đêm tối trời, chúng tôi được lệnh phối hợp với một đơn vị của đoàn Đặc công 429 để tiến đánh căn cứ Lộc Giang (Đức Hòa - Long An). Đây là căn cứ nằm án ngữ phía Tây bắc tiểu khu Hậu Nghĩa (Khiêm Cương).

Địch tăng cường phòng thủ rất mạnh. Nếu để mất Lộc Giang thì có nghĩa là tiểu khu Hậu Nghĩa bị uy hiếp và có nguy cơ bị tiêu diệt. Hậu Nghĩa không còn thì cửa ngõ phía Tây nam Sài Gòn bị bỏ ngỏ. Do vậy, dù giá nào, chúng cũng quyết "tử thủ", không để mất Lộc Giang. Quyết tâm của chúng tôi là phải nhổ cho được căn cứ này, để Công trường 5 (Sư đoàn 5) dốc toàn lực tấn công giải phóng Hậu Nghĩa.

b1p10v-1684118252.jpg

CCB Vương Khả Sơn trong hoạt động trải nghiệm.

19 giờ, chúng tôi được lệnh tiềm nhập vào vị trí chiếm lĩnh trận địa. Phải mất hơn một giờ sau, mới đến được nơi quy định. Chỗ này cách mục tiêu đơn vị bạn đánh chừng trên 500 - 600 mét. Theo kế hoạch, chúng tôi đào công sự, ém pháo (cối 82 ly) để sẵn sàng chi viện cho bộ binh chống càn trong ngày hôm sau. Nơi đây cách Sài Gòn chừng 30 cây số đường chim bay. Ánh điện từ phía ấy hắt lên, rực sáng một vùng trời rồi phản chiếu xuống, nên mặc dù đêm tối, chúng tôi vẫn thấy rõ mặt đất để đào công sự. Thứ ánh sáng đó đã từng lay thức nhà thơ Lê Anh Xuân và được anh thể hiện qua cảm xúc da diết, cháy bỏng của mình:

Cái vầng sáng bồn chồn thương nhớ ấy

Cứ đêm đêm nức nở gọi ta về...

Nhưng đó là khát vọng của anh - một nhà thơ - chiến sỹ, một người con Nam Bộ xa xứ. Còn đối với chúng tôi, nơi vầng sáng hắt lên ấy là mục tiêu trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng... Nhưng chí ít, đêm nay, nó đã gián tiếp cung cấp ánh sáng để chúng tôi đào công sự chiến đấu...!

... Đất Lộc Giang về mùa khô rắn như đá non. Đào gần hai tiếng đồng hồ mà vẫn chưa xong công sự cho người, lại còn công sự pháo nữa. Người nào người nấy mồ hôi ướt đẫm cả áo quần. Đang đào... Bỗng một một chớp loé sáng lên từ phía ngã ba Lộc Giang, liền đó là hàng loạt súng nổ rồi tiếng lựu đạn, tiếng cối của địch xen lẫn tiếng B40 và AK của ta. Ánh hoả châu rực trời. Thì ra, đơn vị đặc công 429 khi đang cắt hàng rào kẽm gai để bò vào đặt mìn, chuẩn bị đến "giờ G" (giờ quy ước) là phát hoả bằng ĐH10 (mìn định hướng 10kg), sau đó dùng hoả lực và chiến thuật đặc công để giải phóng căn cứ này; do bất cẩn khi dò mìn nên đã chạm phải một trái sáng của địch gài dưới chân rào. Ánh lửa bùng lên chói sáng cả một vùng. Bị lộ, đặc công buộc phải chuyển sang phương án đánh cường tập. Không đúng với ý đồ chiến thuật ban đầu. Kết quả, không giải phóng được Lộc Giang mà ngược lại, bị tổn thất nặng nề. Bộ đội thương vong nhiều, nên họ vừa tập trung hoả lực dìm đầu bọn địch ở các lô cốt đầu cầu vừa phải mang thương binh, tử sỹ ra. Chúng tôi được lệnh rút khỏi vị trí chiến đấu trong làn hoả lực dữ dội của các loại đạn bắn thẳng, phóng lựu M79, cối 60 ly và 81 ly cùng đại bác 105 ly, 155 ly, cối 106,7 ly dưới ánh hoả châu của địch sáng như ban ngày khi chưa đào xong công sự. Nhiều đồng chí trúng đạn, hy sinh ngay trên đường rút quân. Không rõ nguyên cớ nào mà anh Nguyễn Văn Doãn, chính trị viên phó đại đội tôi, C4-D9 (quê Quảng Bình) bị địch bắt sống. Chúng tra tấn anh dã man nhưng không khai thác được gì. Ngày hôm sau, chúng giết anh rồi đem ra chợ Lộc Giang bêu đầu để thị uy dân chúng.

…..

(Còn nữa)

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Ký ức chiến tranh: Chương III - Vào trận - P10" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn