Ký ức chiến tranh: Xẻ dọc Trường Sơn - P7

CCB Vương Khả Sơn/Thành Đô (biên tập -giới thiệu)

08/05/2023 10:36

Theo dõi trên

5 giờ 30 sáng, tất cả phải ăn xong, thu dọn, nguỵ trang kín đáo và chuẩn bị xong công sự trú ẩn dã chiến. Bên cạnh bụi tre nơi chúng tôi trú quân, một hố bom lớn, nước đục nhờ.

Tôi và Đính chuẩn bị múc nước đánh răng, bỗng Đính giật mình, níu lấy vai tôi chỉ ra giữa hố bom. Xác một người mang quân phục màu cỏ úa nổi lên. Người này tóc rất dài. Chúng tôi nghĩ đó có thể là một cô gái giao liên hay du kích địa phương, bởi bộ đội không ai để tóc dài như vậy cả. Tôi chợt thấy gai gai và rùng mình. Đêm qua, chúng tôi đã múc nước ở hố bom nấu cơm ăn và nước uống!

Đơn vị cho bộ đội vớt cái xác lên. Một cô gái. Một bên chân cô ta đã bị bom cắt cụt đến gần bẹn. Thịt bắt đầu rữa ra. Chúng tôi liệm cô trong tấm tăng nilon rồi mai táng trên gò đất cao, bên cạnh một bụi tre lớn. Có lẽ cô là giao liên. Đồng đội chắc đã tìm kiếm rất kỹ nhưng do bom hất chìm xuống hố nên đành ngậm ngùi để cô nằm lại nơi đây. Chẳng có nhang thắp, chúng tôi cố tìm vài bông hoa dại cắm lên phần mộ cô gái như lời an ủi cuối cùng của những đồng đội với người liệt sỹ chưa biết tên ấy...

b1vks1-1683516864.jpg

CCB Vương Khả Sơn chụp hình cùng Thiếu tá Anh hùng tình báo Nguyễn Văn Thương.

 

... Đêm hôm sau, chúng tôi lại tiếp tục hành quân. Địa điểm tập kết là khu rừng mạn tây thuộc huyện Tân Biên tỉnh Tây Ninh. Nơi đây, là thượng nguồn con sông Vàm Cỏ Đông. Hai đồng đội, một người quê Tiến Lộc, Can Lộc, tôi không còn nhớ tên, khi vượt qua quãng sông này không may bị chuột rút, chết chìm. Đến đây, bất ngờ tôi bị sốt rét quật đổ khi đang đào công sự cho người và pháo. Cơn sốt ập đến xồng xộc. Hình như bao nhiêu vất vả, gian khổ, cơ cực dồn nén bấy lâu nay trào lên nhận chìm tôi trong những cơn sốt kinh hoàng. Nhiệt độ cơ thể lên tới 41 độ C, người như hơ trên lửa, mê man không còn biết gì nữa. Có thể nói tôi là một trong số rất ít ỏi những người sót lại đến lúc này mới sốt. Bây giờ thì tôi mới cảm nhận được thế nào là sốt rét. Không có ngôn từ nào để tả hết cái cảm giác mệt kinh người của căn bệnh quái ác đó. Cứ thấy cơm, hoặc ngửi thấy mùi thịt, cá, mùi canh nêm mì chính (bột ngọt) bay lên thì ôi thôi, không thể nào chịu nổi nữa. Nó nôn mửa đến giọt nước cuối cùng trong dạ dày. Tôi mệt đến bã cả người. Chẳng thể ăn uống được bất cứ một thứ gì ngoài ước muốn duy nhất là thèm chua, thèm được ăn quả cam, chanh hay quả khế gì đó thật chua (nhưng đào đâu ra loại này ở đây (!?). Đêm hôm sau, tôi có một giấc mơ thật kỳ lạ. Trong mơ, tôi thấy cha tôi đến thăm, ông gánh một gánh cam chín vàng. Tôi nhào tới, không kịp chào cha, vội cầm ngay một quả rồi cho vào mồm cắn nghiến ngấu. Ngon ơi là ngon! Có lẽ trong đời tôi từ đó về trước cũng như sau này chưa có lúc nào được ăn thứ gì ngon lạ lùng đến thế! Ăn xong, tôi mới hỏi: "Cha đi đường nào mà vào được nơi này?" Ông bảo: "Cha đi theo tàu hải quân vào Cà Mau rồi bí mật đổ bộ lên bờ, sau đó, theo đường giao liên lên đây". Tôi thấy cha tôi gầy yếu lắm. Ông ôm lấy tôi (ông chỉ còn một cánh tay trái, vì năm 1951, trong trận chống càn ở Thanh Lam Bồ, Quảng Bình, ông bị thương vào đầu, ngực và cụt mất 2/3 cánh tay phải). Cả hai cha con cùng khóc. Giấc mơ ấy đã khắc sâu vào ký ức tôi. Mỗi lần nhớ về những năm tháng trận mạc, giấc mơ đó cứ hiện hữu trong tôi. Sau này, khi biết có một con đường Hồ Chí Minh trên biển Đông, tôi mới ngạc nhiên về giấc mơ ấy. Hình như lúc ấy, linh cảm mách bảo tôi rằng đã có một con đường bí mật trên biển như vậy. Thật khó giải thích!

Trạng thái sốt rét như sau (trường hợp sốt cấp tính): Đau đầu dữ dội, sốt cao, cơ thể nóng hầm hập, nhiệt độ lên tới 40, 41 độ, nhưng trong người rét như cắt. Đắp 3-4 cái chăn, hai hàm răng nghiến chặt vào nhau mà vẫn run cầm cập. Phải có 2 đến 3 người đè lên hoặc ôm chặt lại, nếu không, run đến sập cả giường. Dứt cơn, mồ hôi vã ra như tắm; cơ thể như vừa bị cho vào cối giã. Thấy cơm hoặc thức ăn là khiếp sợ. Tôi sốt liên tục đến 2 tuần, nhiệt độ không giảm; cảm giác cơ thể như bị hơ trên lửa. Mặc dù vậy, nhưng khi đơn vị hành quân cũng phải lẽo đẽo theo (lúc này trên mình chỉ còn lại độc chiếc ba lô). Rừng Tây Ninh ở vùng này, cây chỉ cao độ 5-6 mét. Mùa khô, cát bụi bay mù mịt. Hành quân trên những con đường mòn ấy đều phải xoá dấu vết. Chúng tôi đi dép râu. Dấu dép sẽ là mục tiêu cho thám báo hoặc loại trực thăng cán gáo UTiTi bay sát ngọn cây. Không xoá dấu dép, chúng sẽ biết "Việt Cộng" đang ở đâu. Nếu bất cẩn, bị lộ thì cái công thức pháo bầy, B52 của Mỹ sẽ "tiếp đãi" chúng tôi hết sức "hậu hĩ". Bởi vậy, nhiệm vụ của người đi sau cùng đội hình là dùng một cành cây lớn kéo lê trên mặt đất để xoá hết dấu dép của bộ đội...

Đóng quân trong rừng về mùa khô, nước ăn uống và sinh hoạt vô cùng khan hiếm. Giếng ở đây sâu từ 15 đến 18 mét. Tuy vậy, nước rất ít. Đặc biệt dưới đáy giếng có một lớp lá mục dày chừng nửa mét. Đó là lá cây rụng xuống hàng năm do chất độc hoá học của Mỹ rải xuống để khai quang. Về mùa khô, thả gàu xuống thật lâu mới chắt được chừng một phần ba gàu nước đen như hắc ín để nấu cơm và nước uống. Nấu cơm, cơm nhuộm một màu đen. Có lẽ do chúng tôi ăn uống phải thứ nước ấy nhiều nên giờ đây, thế hệ con cái của nhiều người trong chúng tôi đã bị nhiễm thứ chất độc quái ác ấy (dioxin - chất độc da cam).

Ở địa bàn này, hành quân di chuyển, nấu nướng, phơi phóng đều phải hết sức bí mật và cẩn trọng. Bởi vì chỉ một sơ suất nhỏ là có thể bị ăn bom B52 một cách dễ dàng.

Tuy vậy, cuối cùng, chúng tôi vẫn không thoát khỏi "toạ độ lửa" của B52.

Bấy giờ là vào cuối tháng 2-1972.

Hôm ấy, một đêm hạ tuần. Trước đó khoảng hơn một giờ, đơn vị nhận được điện khẩn của Trung đoàn: "Đài kỹ thuật và tin tình báo của ta cho hay, B52 sẽ đánh vào chỗ trú quân của Trung đoàn. Các đơn vị lập tức cho bộ đội rời ngay vị trí đóng quân!". Nhận được lệnh, chúng tôi nhanh chóng thu xếp ba lô, súng đạn. Những gì không cần thiết thì bỏ lại, miễn sao rút thật nhanh ra khỏi "toạ độ lửa". Hôm ấy theo lệnh, dẫn đầu là các đơn vị trực thuộc, tiếp theo là tiểu đoàn 8 rồi đến tiểu đoàn 9, sau cùng là tiểu đoàn 7. Chúng tôi rồng rắn, khẩn trương rút nhanh khỏi vị trí. Các đơn vị trực thuộc và các tiểu đoàn 8, 9 đã ra khỏi toạ độ B52. Chỉ còn Tiểu đoàn 7 vừa quàng ba lô lên vai, chưa kịp bước thì mưa bom đã trút xuống. Biển lửa trùm lên toàn bộ đội hình tiểu đoàn với những dây chớp nhì nhằng, loá mắt và tiếng nổ chói tai, lộng óc liên tục trong gần 10 phút đồng hồ. Kẻ địch tàn bạo đã dùng cả phi vụ ấy chỉ với hai loại vũ khí giết người hàng loạt là bom bi và bom khai quang (sát thương). Chúng tôi, không ai nói một lời nhưng đều hiểu. Thế là hết! Nỗi đớn đau và căm thù trào lên, tắc nghẹn! Cả đội hình hành quân và không gian sau phi vụ B52 kinh hoàng ấy lặng im đến nghẹt thở. Trăng hạ tuần vàng vọt nhô lên trên rặng cây xơ xác phía đồng đội tôi vừa bị trận mưa bom dữ dội ấy. Đó là đêm 20-02-1972.

Chỉ huy trung đoàn lệnh cho các tiểu đoàn 8,9 cử ở các đại đội những đồng chí khoẻ mạnh quay trở lại vị trí của tiểu đoàn 7 để làm công tác thương binh, tử sỹ; tìm kiếm trong bãi hoang tàn ấy may ra còn có ai sống sót, bị thương. Hỡi ôi! Cả một vùng rải thảm ấy còn gì nữa đâu! Đất đá, cây cối, lẫn với xác người ngổn ngang, vung vãi! Làm sao còn ai có thể sống sót nổi dưới trận mưa bom bi và bom sát thương hàng trăm tấn ấy, khi đang phơi mình trên mặt đất!? Ước tính có hàng vạn quả bom bi và hàng trăm quả bom khai quang trùm lên trên một diện tích chưa đầy1kilômét vuông! Lệnh của trung đoàn phải nhanh chóng thu dọn chiến trường và rút thật nhanh vì B52 có thể tái oanh kích bất kỳ lúc nào sau đó…

Công tác giải quyết thương binh, tử sỹ được tiến hành hết sức khẩn trương nhưng chu đáo. Tuy nhiên, do cây cối và đất đá ngổn ngang nên không thể nào thu nhặt hết được. Cảm động và thương tâm là cảnh những anh em cấp phó (từ tiểu đội phó đến tiểu đoàn phó) cùng quản lý các đại đội đến tiểu đoàn. Đây là những người may mắn thoát chết vì đang ở trên đất bạn Campuchia làm nhiệm vụ lấy lương thực, thực phẩm cho đơn vị. Họ khiêng thịt heo lẽo đẽo theo chúng tôi. Thịt khô đi lúc nào không biết. Tất cả vật vờ đi như người mất hồn vì không còn đơn vị để trở về nữa! Ai cũng khóc thương đồng đội sưng vù cả mắt. Tổn thất quá lớn cho Trung đoàn chúng tôi khi mới chân ướt, chân ráo vào đến chiến trường, chưa kịp tham gia bất cứ một trận đánh nào đã phải chấp nhận sự tổn thất, hy sinh ngoài sức tưởng tượng!

Một tổn thất thứ hai nữa cũng góp phần tác động đến tinh thần của tất cả cán bộ, chiến sỹ toàn Trung đoàn, đó là việc đồng chí Thiếu tá Trung đoàn trưởng Lê Ổn (quê Quảng Bình) trong một chuyến điều nghiên (trinh sát nghiên cứu thực địa, sự bố phòng của địch) tại Sa Mát; đêm đang đi, bị "pháo đĩ" (loại đạn pháo rơi lạc toạ độ, do lũ gái điếm, sau khi hành lạc cùng bọn lính, đú đởn xin nạp đạn vào súng bắn thử cho vui. Đạn đi không có tầm, có hướng, nên rớt lung tung. Bộ đội ta, đêm hành quân hoặc điều nghiên, bị thương vong do loại pháo này rất nhiều là vì vậy) bắn bị thương, cụt một cánh tay, không khả năng chỉ huy chiến đấu được nữa. Người chỉ huy Trung đoàn đầy năng lực, dạn dày kinh nghiệm trận mạc và uy tín ấy đành phải đau xót giã từ chiến sỹ thân yêu của mình, rời đơn vị đi viện, rồi sau đó trở ra hậu phương miền Bắc khi bao nhiêu dự định về các trận đánh lớn đang thôi thúc ông!.

Quả là, trong chiến tranh, mọi điều đều có thể xảy ra!

Sau những tốn thất to lớn ấy, Trung đoàn phát động phong trào biến đau thương thành hành động, quyết tâm trả thù cho tiểu đoàn 7 và Trung đoàn trưởng Lê Ổn, các đơn vị đã lập công xuất sắc trên các mặt trận. Đặc biệt, chính tiểu đoàn 7 đã nhiều lần làm cho kẻ địch kinh hồn, bạt vía. Đến nỗi, khi giao chiến hễ nghe tiếng tiểu đoàn 7 của 271 là chúng đã tháo chạy. Tuy nhiên, những tổn thất, hy sinh to lớn trong trận B52 rải thảm vừa qua là một khoảng trống không có gì có thể lấp đầy!

Tiểu đoàn 7, sau đó được tái lập trên cơ sở một số đồng chí còn lại và điều từ các tiểu đoàn khác về, thành lập khung cán bộ (từ tiểu đội đến tiểu đoàn), đồng thời, xin quân bổ sung kịp tham gia chiến dịch "Nguyễn Huệ" 1972 mà mở màn là chiến dịch giải phóng căn cứ Thiện Ngôn – Sa Mát ở Tây Ninh mà Mỹ - ngụy rêu rao là “vành đai thép bảo vệ cửa ngõ Tây Bắc Sài Gòn”!

Dù sao, đây cũng là một cú "sốc" tinh thần quá lớn. Một tổn thất quá nặng nề đối với cán bộ, chiến sỹ chúng tôi trước khi bước vào chiến dịch "Nguyễn Huệ"- "Mùa hè đỏ lửa" 1972...

… Mặc dù đó cố gắng tối đa nhưng đến thời điểm này, tôi không còn đủ sức để theo kịp đơn vị nữa. Thể lực lúc này đã suy kiệt hoàn toàn. Thân thể gần như chỉ còn lại một bộ xương không hơn không kém. Đầu óc mơ màng như đang đi trên mây và mất thăng bằng như ở trạng thái không trọng lượng. Tôi gục ngã sau khi đã dồn hết tất cả sức lực còn lại để cố gắng bám theo đơn vị. Tôi sốt mê man, cơ thể nóng hầm hập. Quynin Trung Quốc (thuốc sốt rét dạng viên nén) mỗi ngày 2 viên rồi tăng lên 4 viên. Quynin tiêm ngày 1 gam rồi lên 2 gam (2 - 4 ống) Trong khi đó thì thuốc trợ lực như B1, C... thì đã cạn kiệt và thật khan hiếm bởi số người bị sốt trước đó quá nhiều, phải dành tiêm cho họ. Đến lượt chúng tôi, chẳng còn nữa. Thuốc bổ sung thì không có. Tôi vốn đã yếu về thể trạng, nay càng suy kiệt hơn; hồng cầu còn chưa đầy 2 triệu rồi xuống 1,7 triệu. Thuốc vào nhiều quá nên tai ù đặc, mắt hoa lên, bước không được nữa. Thân thể tiều tuỵ và suy sụp. Đơn vị đành phải gửi tôi về "cứ" (hậu cứ) của Trung đoàn nơi có bệnh xá để điều trị. Phải mất gần ba tuần, tôi mới cắt cơn. Căn bệnh quái ác này kỳ lạ lắm. Hễ cắt sốt là ăn khoẻ ngay. Ngược lại, đang ăn uống bình thường, tự nhiên thấy thèm ăn và ăn nhiều và ngon là y như rằng chỉ vài ngày sau lên cơn sốt ngay. Có người đang khỏe mạnh tươi tỉnh, nói như đùa: "Tớ ngày mai sẽ sốt". Vậy là đúng ngày mai cậu ta sốt li bì, bỏ cơm, trùm 3-4 cái chăn vẫn không chịu nổi... Tôi và một số anh em khác dần được chuyển sang chế độ an dưỡng để chuẩn bị trở về đơn vị chiến đấu.

Vào tháng Tư này là Tết cổ truyền Chon Thơ Năm Thơ Mây của Campuchia. Chúng tôi gặp dịp được ăn Tết với họ và nhân dịp may duy nhất này để có cơ hội hiểu thêm về đặc trưng những phong tục ăn Tết của người dân Campuchia. Họ có nhiều trò chơi dân gian như chơi đu, đua thuyền... Đặc biệt là tục buộc chỉ cổ tay và té nước. Bộ đội chúng tôi là những người được các cô gái buộc chỉ cổ tay và té nước nhiều nhất. Họ tìm mọi cách để té thật nhiều nước vào chúng tôi. Người Campuchia quan niệm ngày Tết ai được té nước nhiều là người đó may mắn cả năm. Chúng tôi hiểu ngoài quan niệm ấy, các cô còn muốn dành tình cảm đặc biệt cho bộ đội. Bởi theo họ, bộ đội Việt Nam có văn hoá, rất lịch sự trong giao tiếp, lại trắng trẻo và nhiều người rất điển trai. Đó là lý do để họ dành nhiều tình cảm, gần gũi và yêu mến chúng tôi. Chúng tôi nhanh chóng hoà mình vào không khí Tết cổ truyền và chiếm được cảm tình của họ. Họ rất mến khách. Thết đãi chúng tôi hết sức hậu hĩ và chân tình. Trong mắt họ, chúng tôi như những vị khách quý. Những ngày này, nam nữ được phép gần gũi nhau để tâm tình, trò chuyện thoải mái, ít bị ràng buộc bởi những phong tục khắt khe thường nhật. Chúng tôi là những ngườì được các cô gái quây quần trò chuyện, tìm hiểu và... gần gũi nhiều nhất. Chúng tôi cầm tay nhau cùng hát bài "Việt Nam - Campuchia xam ma khi" (Việt Nam -Campuchia đoàn kết).

(còn nữa)

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Ký ức chiến tranh: Xẻ dọc Trường Sơn - P7" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn