Ký ức chiến tranh: Xẻ dọc Trường Sơn - P9

Nhưng rồi tôi cũng không có thời gian để mà buồn nữa. Đại đội nhận lệnh gấp rút bổ sung quân số,vũ khí, đạn dược để chuẩn bị xuống chiến trường. Không khí thật hối hả, khẩn trương.

Hai ngày sau, chúng tôi chuyển quân đến sóc Chêếch (Chuối). Đây là nơi tập kết cuối cùng trên đất Campuchia để chuẩn bị xuống Ba Thu (căn cứ lớn của B2) . Từ đó vượt bưng Đức Huệ qua Mỹ Thạnh Đông, Mỹ Quý Tây để vượt sông Vàm Cỏ Đông.

Hôm ấy, hậu cần của tiểu đoàn chia cho đại đội 4 chúng tôi mấy con heo để làm thực phẩm (một số để ăn, một số làm ruốc bông, dự trữ cho chiến đấu). Mấy người, trong đó có Đính, tham gia chọc tiết. Chẳng ai ngờ trong số những con heo bị giết thịt kia, có một con đang chửa. Khi mổ ra mới biết. Dạ con của nó chứa 12 con. Ai cũng giật mình. Không ai bảo ai nhưng mọi người đều áy náy, vì trước khi lâm trận lại vô tình làm một việc ngoài ý muốn như vậy. Nhưng rồi cũng chẳng ai để ý nữa. Đính cho vào nồi 20 (loại xoong của Trung Quốc, trang bị cho bếp ăn đại đội) tất cả 12 cái bào thai ấy, đổ gạo vào nấu cháo. Có lẽ chưa có loại cháo nào béo ngậy, thơm và ngọt lừ đến như vậy! Tôi ăn không hết một bát nhỏ, đầu lắc lư vì ngậy. Người nào giỏi lắm cũng chỉ ăn được miệng "bát B52" mà thôi. Nhiều người không ăn. Vì vậy mà cả đại đội chỉ một nồi 20 cháo mà ăn không hết. Đành phải nhờ gia đình người Miên ở đấy giúp đỡ.

b1td9-1683706924.jpg

 CCB Vương Khả Sơn tham gia cầu siêu cho đồng đội hy sinh.

 

Sóc Chêếch là một toạ độ rải thảm của B52. Trước hôm chúng tôi đến mấy ngày, một đơn vị của Công trường 5 (Sư đoàn 5) đóng ở đấy đêm đang ngủ, bất ngờ, B52 oanh kích. May thay, toàn bộ mấy trăm tấn bom rơi chệch ra bên ngoài chừng 200 mét. Một số ít quả lạc vào sóc, gây thương vong cho bộ đội, nhưng không nhiều.

Ba Thu là một căn cứ lớn, nơi tập kết hậu cần và lực lượng các đơn vị của mặt trận B2. Đặc biệt là các tỉnh như Tây Ninh, Hậu Nghĩa, Long An, Kiến Tường, Kiến Phong, Mỹ Tho... Đây là vùng đệm và là căn cứ xuất phát để quân Giải phóng tiến công các căn cứ địch ở bên kia sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, kênh xáng Trà Cú, kênh Nguyễn Văn Tiếp... Nơi này, năm 1968, là căn cứ xuất phát của bộ đội ta trong cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân. Bởi thế, Ba Thu cũng là toạ độ lửa của B52, pháo bầy, trực thăng và mục tiêu càn quét của Mỹ - nguỵ. Năm 1972 do chiến trường bị căng ra, nhất là ở chiến trường Thành cổ Quảng Trị nên chỗ này đỡ ác liệt hơn. Nơi đây có cánh đồng "chó ngáp" nổi tiếng. ("chó ngáp" là cách nói ví von, hình ảnh nhằm minh hoạ cho độ rộng lớn của cánh đồng bưng này. Chó vốn khoẻ, dai sức và chạy nhanh, nhưng khi qua cánh đồng này cũng phải ngáp dài vì kiệt sức). Về mùa khô, nếu hành quân bộ phải mất khoảng 10 tiếng đồng hồ. Về mùa mưa phải đi xuồng, có lúc phải nhảy xuống đẩy cũng mất thời gian tương tự hoặc hơn. Những lúc không có xuồng, chúng tôi phải lội bộ từ 4 giờ chiều đến 5 giờ sáng mới tới được bờ sông Vàm Cỏ. Hành quân như vậy, lúc nghỉ giải lao, ăn cơm nắm thì đứng tại chỗ, ngâm mình trong nước, lấy gậy trụ dưới đáy "bồng" (một kiểu ba lô đơn giản, lấy tấm poncho của Mỹ, may lại theo kiểu bao tải, phía trên có dây thắt lại. Bên trong có túi nilon chống thấm, có quai đeo như ba lô), ăn xong lại tiếp tục lội tới sáng. Hành quân mùa mưa cực kỳ gian khổ. Nước phèn cộng với cỏ bàng (năn, lác) mục thối tạo một thứ nước đen sì như hắc ín, sền sệt và chua cứng họng. Chỉ cần ngậm một ngụm nhỏ là lưỡi cứng lại như ăn trái đắng. Khổ nhất là cảnh bìu tinh hoàn của anh em mình, cứ sau một đợt lội bưng với thứ nước ấy, lớp da ngoài bìu bị lột ra từng mảng như bánh đa nem. Gỡ ra, nó rát đến tận gan ruột! Không chỉ có thế, chúng tôi còn có thêm kẻ thù khác đó là ghẻ và hắc lào. Vì suốt ngày đêm cơ thể luôn ẩm ướt, đã tạo môi trường thuận lợi cho chúng phát triển. Đêm, khi mọi người mới bắt đầu ấm chỗ nằm, chính là thời điểm chúng "tra tấn". Suốt đêm, ai cũng gãi sồn sột đến bật cả máu mà vẫn không đã. Ngoài ra phải kể đến muỗi và đỉa. Nơi đây từng tồn tại câu ca “Muỗi như sáo thổi, đỉa tựa bánh canh”. Ban ngày nhưng muỗi vẫn o o và bu bám đen đặc những chỗ nào da thịt hở ra. Ban đêm thò tay ra ngoài màn có thể vơ được cả nắm muỗi. Tất cả chúng đã góp phần không nhỏ trong việc làm suy giảm sức khoẻ của chúng tôi. Ở bưng, không có nước ngọt, buộc phải uống nước phèn. Để có thể uống được, phải lọc đến 7- 8 tầng than tràm. Một thứ nước nhạt thếch. Những khi không có thực phẩm, chúng tôi phải ăn bông súng chấm muối thay cơm. Nơi đây, bông súng rất nhiều. Đến mùa nở hoa, một màu tím ngan ngát, thật lãng mạn!

Chưa hết, hành quân ban đêm, nhiều lúc bất chợt bị thương vong do "pháo đĩ ". Nguy hiểm hơn là bị trực thăng soi. Nếu phát hiện ra xuồng hoặc bộ đội hành quân là chúng phóng rốckét, bắn 20 li và gọi pháo chụp (đại bác nổ trên không, mảnh của nó chụp xuống như hình cái nơm) giập tới. Ngọn đèn pha cực mạnh, hàng nghìn oát dưới bụng trực thăng bay ở độ cao 150 mét đến 200 mét thì sáng hơn cả ban ngày và không có gì là không thấy. Mặc dù nhiều phen đã giáp mặt tụi này nhưng do chúng tôi đó có kinh nghiệm nguỵ trang nên chúng không dễ gì phát hiện được.

Điểm tập kết của chúng tôi lần này là phía Tây sông Vàm Cỏ Đông thuộc địa phận Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, Long An. Nơi đây có rạch Bà Mùi nổi tiếng về mật độ các trận phục kích của địch. Trước đó, nhiều đơn vị khi qua đây bị địch phục bắn chết hết, không còn một người. Đến đây, xuồng ba lá của du kích Đức Hoà, Đức Huệ đã chờ sẵn. Hàng mấy chục chiếc thay nhau đưa bộ đội qua sông. Vàm Cỏ Đông ở đoạn này rộng chừng 150 đến 200 mét, nước rất sâu. Chúng tôi là đơn vị hoả lực nên vũ khí mang theo rất nặng, nếu một chút bất cẩn, xuồng sẽ bị lật ngay tắp lự. Bởi lúc bơi, nước mấp mé mạn (xuồng khẳm), chỉ cần chòng chành một chút là chìm ngay. Khúc sông chúng tôi vượt rất gần bốt địch, nên nhất cử nhất động đều phải hết sức bí mật, im lặng. Chỉ cần vô ý nói to hoặc quẹt lửa hút thuốc, để lộ ánh sáng thì lập tức cối và pháo dập đến tức khắc. Có những khi, xuồng đang bơi, bất thần bo bo (ca nô chiến đấu) xuất hiện. Chúng quét đèn pha cực mạnh rồi xả đạn 12,8 li vào những chiếc xuồng mỏng mảnh đó, nhận chìm tất cả xuống đáy sông!

Chúng tôi đổ bộ lên tả ngạn sông Vàm Cỏ Đông sau đó tiến vào vị trí tập kết. Nơi đơn vị đứng chân là Gò Nổi (Giồng Nổi) thuộc xã An Ninh, huyện Đức Hoà, tỉnh Hậu Nghĩa (Long An). Gò Nổi là nơi chúng tôi làm căn cứ để từ đó xuất phát đánh các mục tiêu địch. Và sau này, năm 1974, khi Trung đoàn đã chuyển quân ra mặt trận Quảng Đức, Bù Bông, nơi đây đã diễn ra một trận đánh ác liệt giữa tiểu đoàn 7 chúng tôi với quân nguỵ thuộc các tiểu đoàn bảo an của tiểu khu Hậu Nghĩa cùng đại đội thám sát 773 ác ôn và thiện chiến. Tôi sẽ kể lại trận đánh này ở phần sau của chương “Vào trận”

( còn nữa)

Trái tim người lính