Ký ức chiến tranh: Vào trận - Chúng tôi trở lại Ba Thu - P 20

Ở Ba Thu, bất ngờ tôi được điều đi học một lớp y tá ngắn hạn do quân y Trung đoàn mở. Tôi rời đơn vị khi tiếng súng mặt trận đang rền vang. Mấy ngày sau khi tôi đi, các tiểu đoàn 9 và 7 tiếp tục chuyển hướng xuống Kiến Tường, sau khi đã bổ sung quân.

Lớp học lúc bấy giờ do anh Thứ (quê Hương Trạch, Hương Khê, Hà Tĩnh) quân y sỹ phụ trách. Nghe đâu sau giải phóng, anh vẫn còn sống trở về, hiện đang sinh sống ở quê. Lớp học ấy, hiện tôi còn nhớ một số anh em: anh Đào Toàn (Sơn Bằng, Hương Sơn) nay là hiệu trưởng trường THCS thị trấn Phố Châu; anh Trần Văn Toàn (Sơn Trung, Hương Sơn), sau giải phóng, học và tốt nghiệp Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, nhưng sau đó không hiểu sao lại trở về địa phương. Vợ không may qua đời do tai nạn chập điện. Hiện Toàn đang sinh sống cùng 4 con gái và hai bố mẹ già trên 80 tuổi ở quê, hoàn cảnh hết sức khó khăn. Anh Thư, (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) sau hoà bình trở về, rồi xin vào cơ quan thương nghiệp, hiện đã nghỉ hưu. Anh Nguyễn Văn Kháng ở Thuận Lộc (thị xã Hồng Lĩnh) cùng tham gia phụ trách lớp học. Hết chiến tranh, phục viên trở về công tác ở trạm y tế xã Thuận Lộc, nay đã nghỉ. Anh Trần Văn Huề (Sơn Lễ, Hương Sơn) nay là Phó Tổng giám đốc công ty Bảo hiểm Xuân Thành. Định cư tại Q. Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh). Anh Khoản, quê Hải Dương. Riêng anh Lê Thanh Chung (Thanh Lộc, Can Lộc) sau này hy sinh ở bưng Đức Huệ. Tôi sẽ kể chi tiết về sự hy sinh của Anh và 13 đồng chí khác trong trận phục kích bởi đại đội thám sát ác ôn 773 của tiểu khu Hậu Nghĩa vào chiều ngày 16/4/1973.

b1td1qn-1685464566.jpg

CCB Vương Khả Sơn tại bảo tàng Quảng Ninh.

 

Thời gian gấp rút, chúng tôi phải tập trung học tập, thực hành để nắm vững chuyên môn cơ bản của một khoá y tá ngắn hạn. Tuy vậy, riêng tôi lại có nhiều kỷ niệm để đời. Tôi nói rất sõi tiếng Khơme là nhờ vào thời gian này. Tiếng Khơme tôi nói được cả thổ âm và thổ ngữ đến mức dân Campuchia tưởng tôi là người Miên thật. Tôi vốn có “sở đoản” bắt chước giọng nói, giọng hát nên sau này sống và sinh hoạt với dân Nam Bộ, tôi nói tiếng Nam Bộ, đặc biệt là ca "Sáu câu" (vọng cổ) không khác gì họ. Đã có nhiều cô gái Nam Bộ từng "cá" (thách) tôi: "Nếu anh Hai Sơn ca được "sáu câu" thì tụi em nhận làm chồng liền hà!" Tôi quyết tâm tập ca và sau đó tôi ca vọng cổ khá mùi mẫn gần như ca sỹ cải lương tài tử.

Bấy giờ, có một cô gái người tỉnh Prâyveng tên là Xan Thon, rất quý mến tôi rồi đem lòng yêu tôi! Hồi đó, tôi vốn mảnh mai, thư sinh và lại nói giỏi tiếng Khơme, có lẽ đó là điều quan trọng nhất để tôi lọt vào "tầm ngắm" của cô bé (?!). Đó là một cô gái người Miên, gốc Việt. Bố cô là người Việt. Ở tuổi 18, Xan Thon có nước da trắng mịn, xinh đẹp và rất có duyên. Hai lúm đồng tiền là điểm nhấn gợi cảm trên gương mặt trái xoan có phần bầu bĩnh của cô ấy. Đôi mắt ướt và sáng lay láy dưới làn mi dài, cong vút. Đôi "cửa sổ tâm hồn" ấy như hút hồn tôi. Tôi hết sức bối rối trước mối tình này. Thực lòng, tôi cũng rất quý mến Xan Thon. Nhưng ngặt nỗi vì kỷ luật quân đội, đặc biệt là quan hệ quốc tế giữa ta và bạn lúc ấy nên đành phải dằn lòng. Mặt khác, cuộc chiến thường trực nơi đồng đội tôi đang chiến đấu và đổ máu từng ngày, từng giờ thì làm sao tôi có thể yên lòng với tình yêu lãng mạn và thiếu thực tế ấy được ?!. Nhiều lần, em ngỏ lời yêu nhưng tôi luôn tìm cách từ chối và lẩn tránh. Nhưng càng lẩn tránh, Xan Thon càng thể hiện tình yêu mãnh liệt hơn... Tôi đành phải nói hết những suy nghĩ của mình với em. Cô bé hờn dỗi, khóc ròng mấy ngày đêm rồi cuối cùng doạ tôi đòi chết. Hoảng quá, tôi đành phải nói thật với gia đình và chỉ huy đơn vị nơi tôi đang học về thực tế ấy. Rằng, tôi không thể và không có lý do chính đáng nào để gắn bó với Xan Thon được bởi hoàn cảnh chiến tranh, ngôn ngữ bất đồng, quốc tịch và phong tục khác lạ... Tôi mong thời gian qua mau, để sớm trở lại đơn vị, hy vọng chạy trốn mối tình ấy. Ngày tôi đi, cô bé ốm liệt giường... Giờ đây, sau hơn 33 năm nghĩ lại, cảm thấy thật buồn cười, dại dột và như có chút gì đó nhẫn tâm (?!). Với tôi, mối tình ấy chỉ thoáng qua, nhưng vô tư, đẹp đẽ và trong sáng như pha lê.

Hơn hai tháng khẩn trương, với một lớp học trên 20 người, chúng tôi đã dự thi tốt nghiệp để "ra trường". Tôi cầm trong tay cái giấy chứng nhận "Loại Giỏi". Cả lớp tổ chức liên hoan chia tay để trở về các đơn vị. Trung đoàn bộ cấp cho lớp học một con heo khoảng trên 30 kg để giết thịt. Chính hôm ấy, lần đầu tiên trong đời, tôi cầm dao chọc tiết. Buổi liên hoan tuy đơn sơ nhưng thắm tình quân dân và đồng đội. Tiệc vui chia tay nên chúng tôi được phép uống rượu. Thứ rượu được nấu bằng loại nếp tím (nếp cẩm) của Campuchia, do bà con ở đấy mang tặng. Chỉ uống một lần nào ai có thể dễ quên? Vẻn vẹn hơn hai tháng trời cùng nhau gắn bó, học tập, rèn luyện trong điều kiện khó khăn gian khổ, vậy mà đã để lại trong mỗi chúng tôi biết bao kỷ niệm vui buồn. Đêm đã khuya nhưng mọi người chẳng nỡ rời nhau. Ai cũng muốn nán lại bên nhau thêm chút nữa bởi chỉ sáng mai đây thôi, chúng tôi đã phải xa nhau để đi chiến đấu. Biết sẽ ai còn ai mất!...

( Còn nữa )

Trái tim người lính