Tôi cố gắng nhấc mình lên quan sát nhưng không thể được vì đau và vướng, chỉ nghe tiếng la hét của những đồng chí bị thương, tiếp theo là những loạt súng rồi tiếng rên la im bặt. Tôi biết chúng đang lôi những đồng chí bị thương nặng đêm qua, không chạy được, ra bắn. Rồi sẽ đến lượt mình - tôi nghĩ. Bình tĩnh, tôi cho AK xuống dưới bụng, nằm thu mình lại rồi rút lựu đạn cầm tay. Ngón trái giữa cho vào vòng chốt thép, sẵn sàng. Tôi tính toán, nếu chúng tới mà phát hiện ra tôi, nhất định chúng sẽ gọi hàng. Lúc này dùng súng sẽ bất tiện. Tốt nhất là chọi lựu đạn trước rồi bật dậy dùng AK bắn bồi. Sau đó, hy sinh. Sự chờ đợi làm cho thần kinh tôi căng như sợi dây đàn.
Đang nghĩ mông lung, bỗng có tiếng chửi thề rất gần: "Đ... mẹ, lục soát kỹ đi tụi bây! Chắc nó còn đâu đây!". Thế là "tới số" rồi! - tôi nghĩ . Phen này thế nào chúng cũng sẽ tìm thấy mình. Tôi thấy tim như thắt lại. Trấn tĩnh, tôi chợt nhớ đến kinh nghiệm của các đồng chí cựu binh ở chiến trường. Họ cho biết tụi lính nguỵ thường "đánh giặc mồm" để hù doạ. Chúng vờ chửi thề, la hét vu vơ như vậy, nếu ai yếu bóng vía, hoảng sợ sẽ đầu hàng hoặc mất bình tĩnh, làm lộ mục tiêu. Tôi trấn tĩnh, chờ đợi... Có tiếng nói chuyện rồi tiếng bước chân rất gần. Chúng đã đến! Tôi nín thở. Một chiếc giày xuất hiện cách bụi cây tôi nằm chừng một mét. Tim tôi như ngừng đập. Tên lính nhanh chóng đi qua. Tiếp đến, rất nhiều bước chân khác dẫm theo thằng vừa nãy. Có lẽ do nắng quá nên chúng nhìn ra xa chăng? Chúng lần lượt đi qua. Không đứa nào phát hiện ra tôi cả. Tôi thở phào. Cơ thể ướt đầm vì mồ hôi. Tôi đang mừng vì có lẽ thế là thoát. Đột nhiên, có tiếng thét rất gần: "Đó! Đó! Nó nằm trong bụi cây đó!". Tôi rút chốt lựu đạn, chuẩn bị ném nếu chúng bước thêm mấy bước nữa. Nhưng rồi hình như cũng tiếng thằng lính đó cười lên sằng sặc và chửi thề: "Đ... mẹ! Về thôi tụi bây, tụi nó chết hết rồi. Đi nữa coi chừng ăn trái gài (lựu đạn gài) của Việt Cộng đó nghen!". Và đột ngột, chúng rẽ sang hướng khác. Tiếng nói xa dần. Thế là thoát - tôi nghĩ thầm. Lúc này cơ thể tôi như nhão ra. Từ nãy, cơn khát biến đâu mất, giờ nó đột ngột trở lại và càng dữ dội hơn. Tôi bị thương mất nhiều máu từ tối qua, từ sáng đến giờ lại ra nhiều mồ hôi do phản ứng tâm lý cộng với nắng gắt. Mắt tôi hoa lên. Đẩy chốt lựu đạn trở lại, tôi kéo vội một nắm lá cho vào miệng nhai, hòng tìm lấy chút nước, nhưng không thể nào nhai nổi. Khát và đói cùng với đau đớn do vết thương sưng tấy đã làm tôi kiệt sức. Trời đất lại tối sầm... Tôi không còn biết gì nữa...
... Từ từ mở mắt vì chợt thấy man mát, định thần, tôi lục lại trí nhớ. Sự việc dần dần hiện ra như một cuốn phim quay chậm. Trời đã xế chiều. Không gian im lặng gần như tuyệt đối. Ở chiến trường này, sự im lặng như thế này quả là rất hiếm. Tôi thấy chân trái mình như ai đeo vào một tảng đá và nhức nhối vô cùng. Tôi thò tay nới lỏng cuộn băng. Chân trái tê dại và cứng đờ. Suốt từ đêm qua đến giờ nó bị bó trong cuộn băng và ống quần. Tôi thử nhấc lên nhưng không được. Thò tay khoá súng lại, tôi cố lết ra khỏi bụi lá nón. Một lần nữa, sự sống và cái chết lại đặt tôi trước sự lựa chọn. Không còn cách nào khác là phải cố gắng vượt qua. Khoác AK lên lưng, tôi định hướng, lết bò đi. Lúc này đã gần tối. Tôi nhích từng mét một trong sự hy vọng mong manh. Đang bò, tôi chạm phải sợi dây điện. Ngỡ đó là dây mìn. Tôi giật mình: "Hay là bọn địch gài mìn?" Tôi thử kéo nhẹ sợi dây về phía mình. Biết không phải, tôi thở phào! Thì ra đó là sợi dây thông tin của ta (loại dây điện Liên Xô lúc ấy). Tôi đoán đêm qua, thông tin hữu tuyến của tiểu đoàn rải theo bộ binh vào để liên lạc. Khi trận tao ngộ xảy ra, họ không kịp cuốn, đã bỏ lại trận địa để rút lui. Tôi mừng thầm: "Mình sẽ lần theo sợi dây này để trở ra, mong sao gặp được các đồng chí trở lại tìm kiếm thương binh, tử sỹ!" Nhưng, bò rồi trườn được một lúc, sợi dây điện cũng hết (do bị đứt). Tuy vậy, tôi đã xác định được hướng và tiếp tục bò. Lúc này trời đã tối hẳn. Không còn cách nào khác là phải tiếp tục nỗ lực tự thân, khắc phục khó khăn để tìm sự sống. Nghỉ sức một lát, tôi lại nhắm hướng tây bò tới. Đến khoảng 7 giờ tối, đang bò, tự nhiên thoảng trong gió mùi thuốc thơm "Ruby" (hồi đó tôi rất nghiện thuốc lá, nên nghe mùi thuốc là có thể biết loại gì rồi). Tôi giật mình, nghĩ nhanh: "Hay là địch phục kích?". Thận trọng, tôi chuyển AK xuống tay rồi cố trườn bám lên. Càng gần, mùi thuốc càng thơm lựng. Rồi có tiếng nói chuyện thầm thì. Tôi cảnh giác... nhích tới... Tiếng nói chuyện nghe càng rõ hơn. Lại có cả giọng Nghệ - Tĩnh, tôi đoán là bộ đội mình nhưng chưa thật tin; cẩn thận trườn tới một đoạn nữa... Nhìn qua ánh tàn lửa điếu thuốc khi họ rít, thấy vành mũ tai bèo và đầu súng AK dựng bên vai - "Anh em mình!"- tôi nghĩ. Khoá vội súng, tôi la lên: "Các đồng chí ơi! Cứu tôi với!"... Rồi tôi chẳng còn biết gì nữa...
... Tỉnh dậy, thấy mình đang nằm trên xuồng. Xung quanh, mấy đồng chí đang gò lưng đẩy xuồng qua đám cỏ bàng. Tôi nghe rõ tiếng người reo lên: "Kìa, cậu ấy tỉnh rồi!". Tôi đòi uống nước, rồi bắt đầu lục lại trí nhớ và biết mình đang được anh em chở bằng xuồng lên “cứ” tiền phương tây ngạn sông Vàm Cỏ thuộc địa bàn Đức Huệ. Nhờ được bón nước và tiêm thuốc trợ lực nên tôi hồi tỉnh khá nhanh. Khoảng gần 4 giờ sáng thì xuồng đến trạm phẫu tiền phương của Trung đoàn. Tôi được đưa ngay vào để xử lý vết thương. Đã gần hai ngày đêm kể từ lúc bị thương, vết thương đã bắt đầu nặng mùi. Tôi cứ nghĩ là chân mình sẽ bị hoại tử. Nhưng thật kỳ diệu, vết thương không những không hoại tử mà ngược lại, rất chóng lành. Các đồng chí quân y cho biết vết thương ở cổ chân bị mẻ một miếng xương. Mấy ngày sau, khi đã tỉnh táo, tôi mới bắt đầu hỏi chuyện các đồng chí xung quanh. Họ cho hay, hôm đó chúng ta hy sinh mất gần 60 đồng chí. Những người bị thương nặng không ra được, hôm sau khi địch càn ra, chúng lôi lên rồi bắn chết hết.
Ở trạm phẫu này, tôi mới biết mình là một trong sáu đồng chí bị thương còn lại tự bò ra được nên sống sót. Sau trận ấy, có tin đồn ra Bắc là tôi đã hy sinh. Ở nhà, mọi người cho rằng tôi đã không còn nữa. Nghe nói, mẹ tôi ngất lên, ngất xuống, suy sụp hoàn toàn vì tin rằng tôi đã chết. Mẹ khóc tôi đến không còn nước mắt. Mãi đến mấy tháng sau 30-4-1975, ở nhà mới nhận được thư của tôi. Lúc ấy mẹ mới thực sự tin là tôi còn sống.
(Còn nữa)
Trái tim người lính