Nguyên do trận ấy là sau khi trinh sát nắm địch tại các vị trí để chuẩn bị đưa bộ đội vào tập kết, chiếm lĩnh trận địa, không thấy dấu hiệu có địch, cho là an toàn, liền trở về, dẫn bộ đội lên. Lẽ ra, phải để lại một bộ phận, tiếp tục cảnh giới và theo dõi địch tình, thì lại rút hết. Vì vậy, thời gian trống giữa hai lần vào, ra của trinh sát ta, thình lình hai cánh quân của sư 25 và sư 5 nguỵ đã bí mật hành quân đến, đang triển khai đội hình dã ngoại thì gặp phải lực lượng ta vào. Cả hai bên đều bất ngờ. Đến lúc phát hiện ra nhau thì tá hoả và… trận tao ngộ chiến xảy ra. Bài học xương máu về công tác trinh sát được rút ra khi cái giá phải trả cho nó đã quá đắt!...
Sau ba tuần điều trị, tôi gần như đã bình phục. Tôi cũng không ngờ vết thương và sức khoẻ của mình lại mau phục hồi đến vậy. Chiến dịch "Nguyễn Huệ" đang ở cao điểm, đòi hỏi tăng cường lực lượng cho chiến đấu. Tôi trở lại đơn vị mấy ngày sau đó để chuẩn bị vào trận mới...
... Đêm ấy, từ Gò Nổi, hành quân vào chiếm lĩnh trận địa ở ấp An Thuận (An Ninh, Đức Hoà, Hậu Nghĩa) chúng tôi cắt qua những khoảnh ruộng còn vương mùi thuốc đạn và làng mạc cháy rụi vì bom napalm địch dội xuống sáng nay. Một cảnh tượng đến bây giờ, sau hơn 30 năm vẫn còn như in trong trí tôi. Đó là cảnh xóm ấp cháy trụi, xơ xác, hoang tàn. Trong một khu vườn nhỏ, bên ánh lửa leo lét từ những mảnh gỗ còn sót lại của ngôi nhà bị cháy, một người phụ nữ nào đó đang gào khóc thê thiết vì những người thân trong nhà bị chết sáng nay do pháo địch bắn đến. Chị chạy thoát. Đêm về, gào khóc, bới tìm xác người thân trong đống đổ nát.
Đại đội 4 hoả lực, ngoài 2 trung đội đại liên, cối 61 ly và B41 của A10 đi phối thuộc, chi viện cho các đại đội bộ binh, còn lại trung đội cối 82 ly (hai khẩu) nằm phía sau đại đội 1, 2 và 3 trong đội hình tác chiến của tiểu đoàn để chi viện khi có lệnh. Chúng tôi đào công sự trong vườn nhà má Tám (năm ấy má đã gần 70 tuổi).
Đào công sự cho người xong, chuyển sang đào cho pháo. Về mùa khô, mỗi nhát cuốc bổ vào đất như bổ vào đá. Mãi đến gần 7 giờ sáng mà công sự vẫn chưa xong. Tổ chúng tôi có 3 người gồm Đinh Bạt Chương - khẩu đội phó, người đã vác giúp tôi bàn đế cối 82 lúc vượt qua bãi lầy để vào binh trạm đầu tiên - binh trạm 5; Lô Thanh Chung, người dân tộc thiểu số (Quỳ Hợp - Nghệ An) - xạ thủ dự bị và tôi - xạ thủ số 3. Hai người tiếp tục đào. Còn tôi, chạy ra khoảnh ruộng trước mặt, nơi có vô số vỏ ống rốckét mà sau khi bắn, trực thăng ném xuống, nhặt một ôm chừng 15 cái. Tôi nhặt 2 lần được gần ba chục cái (loại ống làm bằng hợp kim nhôm duyra nên rất cứng và nhẹ) đủ để lát mặt công sự. Chúng tôi khẩn trương lấp đất lên trên. Thế là tạm ổn. Tôi gối đầu lên ba lô dưới một bụi cây bớp bớp (Nam Bộ gọi là cây Cộng sản, vì loại cây này có sức phát triển mau lẹ và mạnh mẽ) xoè tán che kín bên cạnh một bụi tre. Giấc ngủ kéo đến tự lúc nào...
... Bỗng,… trời đất chao đảo, tối sầm. Tôi cảm giác như có một trận siêu bão quật vào người. Tai ù đặc, ong ong, o o. Mặt rát như ai ném mạnh cả rổ cát vào. Sống lưng đau nhói. Tôi choàng mở mắt. Một khoảng trời sáng rực sau đám bụi, khói. Đảo nhìn, thấy toàn bộ khu vực xung quanh mình trống hoác, chẳng còn cây cối gì nữa. Tăng, võng, xoong quân dụng bay mắc lên cành cây. Hầm cối 82 ly, tung hết nguỵ trang, trơ ra toàn bộ. Tôi chợt hiểu, mình đã bị bom! Nhanh chóng, tôi lết xuống công sự. Chung cũng lồm cồm bò theo. Vừa xuống, căn hầm tối om. Chợt một bàn tay vỗ nhẹ lên đầu tôi. Trong bóng tối, tôi căng mắt nhìn: Chương đã ngồi dựa vào vách hầm từ lúc nào. Nhìn kỹ, tôi thấy từ hai bên khoé miệng Anh, hai dòng máu chảy ra. Biết Anh bị thương, tôi vội sờ nắn khắp người nhưng không thấy có máu hay vết thương nào cả. Sờ lên bên trái cổ, thấy có một cục to bằng quả trứng vịt nổi lên. Tôi hét to vào tai Chương: "Anh bị thương ở chỗ nào?" Chương không nói được mà chỉ há hốc miệng, thở gấp, mắt trừng trừng nhìn xoáy vào mặt tôi (cái nhìn ấy sau hơn 33 năm đến giờ vẫn luôn ám ảnh, hằn in trong trí tôi). Trong nháy mắt máu từ miệng anh ồng ộc xối xuống chân tôi nóng bỏng. Tôi ứa nước mắt, bất lực vì không có cách gì để cứu anh... Chương ngoẹo đầu sang một bên, gục xuống. Anh đã tắt thở. Tôi vuốt mắt và để cho đầu anh thẳng lại rồi quay sang hét to vào tai Chung trong nước mắt dàn dụa: "Anh Chương… chết rồi...!". Chung gật đầu rồi nói gì, tôi không nghe rõ. Trên không, tiếng gào rít của máy bay bổ nhào cùng tiếng bom nổ inh tai và hỗn tạp âm thanh của rốckét, đạn 20 ly, trọng pháo... Công sự chúng tôi rung lên bần bật qua từng loạt bom dội xuống. Đất, bụi rơi xuống làm mù mịt căn hầm. Công sự quá chật không thể quay trở được, tôi đành phải để Chương trong tư thế ngồi duỗi thẳng chân mà không thể đặt anh nằm xuống. Bởi nếu đặt nằm, cơ thể anh chiếm hết chiều dài công sự. Và như vậy, buộc chúng tôi phải ngồi lên người anh. Tối hôm đó, khi đưa lên khỏi công sự, cơ thể Chương lạnh ngắt và cứng như khúc gỗ, duỗi cách nào cũng không thẳng được. Đơn vị đành phải chôn cất anh trong tư thế chữ V. Phần tôi, sau khi Chương hy sinh, bình tĩnh trở lại, mới chợt thấy rất đau chỗ thắt lưng. Tôi bị một khúc cây do bom cắt cụt ném đập mạnh vào sống lưng, bây giờ thấy đau nhói. Ngực tức như bị ai bóp chặt lại. Đau ở cả hai mang tai. Đầu kêu ong ong... o o..., choáng váng. Tôi sờ tay lên khoé miệng và tai, đều thấy máu chảy ra. Sức ép bom làm thủng màng nhĩ trái, máu chảy ra nhiều. Chung cũng bị sức ép giống tôi. Cả hai điếc đặc, chỉ ra hiệu cho nhau và khi nói thì nhìn vào miệng nhau để hiểu. Sau này, tôi mới biết, Chương hy sinh vì sức ép bom nén dưới công sự. Khi chiếc trinh sát L19 phát hiện ra trận địa chúng tôi, liền bắn trái khói chỉ điểm vào đấy. Chương biết trước vội nhào xuống công sự và ngồi dưới đó. Quả bom sát thương nổ chỉ cách chỗ tôi nằm khoảng 6 mét, bên kia bụi tre. Nếu không có bụi tre che đỡ, ba chúng tôi sẽ chẳng còn ai. Hầm trú ẩn chỉ có một cửa nên sức ép bom không thoát ra được đã làm Chương vỡ tim. Nếu lúc ấy, cả ba cùng xuống hầm, sẽ cùng chung số phận như Chương!
(Còn nữa)
Trái tim người lính