Ký ức chiến tranh: Vào Trận - P21

Sáng hôm sau, chúng tôi chia tay nhau để trở lại chiến trường, bổ sung về các đơn vị mới. Tôi vĩnh viễn xa cô gái Khơ me xinh đẹp, dịu dàng kia từ đấy. Không rõ sau đó, số phận đưa em đến đâu?

Cũng có thể hiện giờ, em đang sống hạnh phúc bên chồng, con hay trong khả năng nhiều hơn đã trở thành nạn nhân của chế độ diệt chủng Pôn Pốt những năm 78 - 80? Hỡi ôi,"vật đổi, sao dời" ai mà biết được! Tôi chắp tay nguyện cầu cho em được hạnh phúc vẹn toàn trong khả năng thứ nhất.

b1td1aq-1685550125.jpg

CCB Vương Khả Sơn mặc quân phục trong một sự kiện

 

... Tôi không còn được trở về đơn vị cũ C4-D9 (Đại đội 4, Tiểu đoàn 9) nữa. Trung đoàn điều tôi bổ sung cho tiểu đoàn bộ Tiểu đoàn 8 (D8). Lúc này, đơn vị đang giao chiến ở Phum Sâu, Tà Lọt. Công Pông Rồ. Chiến sự vô cùng ác liệt. Anh Phan Long, (Trung Lộc, Can Lộc) hy sinh ở trận này (Long trú ẩn trong một ngôi chùa Miên, bị máy bay oanh tạc). Cùng thời gian ấy, tôi gặp Nguyễn Đình Ý, cùng quê Khánh Lộc, Can Lộc (xã Khánh Lộc chúng tôi lần ấy nhập ngũ có 7 người gồm: Bùi Trọng Phách, Trần Hữu Chiến, Nguyễn Văn Bình, Vương Khả Hồng, Trần Sỹ Thọ, Nguyễn Đình Ý và tôi. Nhưng Bình và Thọ được cử đi học y tá ở ngoài Bắc rồi sau đó bổ sung vào đơn vị khác. Hồng đi học lái xe vận tải quân sự ở Tràng kè, Mỹ Thành, Yên Thành, Nghệ An với Lam. Tôi, Phách, Chiến và Ý bổ sung vào Trung đoàn 271 rồi đi chiến trường B2. Chiến được điều bổ sung về đại đội 20 (thông tin). Ý về đại đội 18 hỏa lực (12,7 li). Tôi về hoả lực cối 82 ly (C4, D9). Phách về đại đội 17 hỏa lực (ĐKZ). Riêng Ý, sau mấy trận đánh ác liệt, đồng đội hy sinh nhiều nên đã dao động rồi nản lòng, bỏ ngũ trốn lên Campuchia đi lang thang cùng một số anh em bỏ ngũ khác từ các đơn vị trong và ngoài Trung đoàn. Tôi tình cờ gặp Ý trong một đêm hành quân trên đất bạn. Bằng tất cả tình cảm chân thành và trách nhiệm của một người đồng hương, đồng chí, tôi nói hết những suy nghĩ của mình với Ý: "Thôi Ý ạ, mày hãy trở về đơn vị đi, đừng trốn chạy như vậy nữa. Hậu phương sẽ rất đau lòng và nhục nhã một khi ở chiến trường có người thân bỏ ngũ". Tôi nhấn mạnh: "Đã vào đây rồi, hy sinh là điều khó tránh khỏi, không sớm thì muộn bởi chiến sự quá ác liệt. Mày nên suy nghĩ kỹ và trở về đơn vị, nếu có chết cũng chết cho có ý nghĩa. Trốn chạy như vậy, nhục nhã lắm mà chắc gì thoát chết? Chính tao cũng cảm thấy hổ thẹn thay cho mày. Hãy trở về đơn vị đi!". Ý cúi đầu, chẳng nói gì. Hai đứa chỉ gặp nhau được chừng 15 phút rồi vội vã chia tay. Không ngờ, đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp Ý. Trước đó, chi bộ đại đội 18 đã khai trừ vắng mặt cậu ta ra khỏi Đảng. Không rõ do lời khuyên của tôi hay một lý do nào khác mà một thời gian sau, Ý trở lại đơn vị, chiến đấu rất dũng cảm, lập công xuất sắc. Được đề bạt làm B trưởng (trung đội trưởng). Được tái kết nạp Đảng. Ngày 14 tháng 4 năm 1974, trong trận chiến đấu ở Bù Bông (Kiến Đức - Bình Phước) Ý đã anh dũng hy sinh. Bây giờ, gần như năm nào, đến ngày Thương binh liệt sỹ (27-7) tôi cũng về thắp hương cho Ý ở nhà thờ liệt sỹ của xã và tư gia anh trai là Nguyễn Đình Tình, nơi đang thờ tự cậu ta. Gần đây, anh Nguyễn Văn Kháng (khóa học y tá với tôi), khi thăm lại chiến trường xưa đã tìm thấy mộ Ý ở nghĩa trang Bình Phước và đã báo tin cho gia đình anh.

Ở đây, tôi cũng tình cờ gặp Bùi Trọng Phách. Phách bị thương nặng do mảnh đạn ĐKZ từ xe tăng của địch trong chiến dịch giải phóng Thiện Ngôn, Sa Mát hồi tháng 3 năm 1972. Một mắt bị hỏng, đang điều trị ở trạm phẫu trung đoàn. Một thời gian sau, ổn định vết thương, anh được trở ra miền Bắc an dưỡng. Sau đó được phục viên. Nay là thương binh hạng 1/4, đang sinh sống ở quê. Tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng 5 người con của Phách đều học hành đến nơi đến chốn, và đều đã có việc làm.

(Còn nữa)

Trái tim người lính