Ký ức chiến tranh: Vào trận - P22

CCB Vương Khả Sơn/Thành Đô (biên tập -giới thiệu)

02/06/2023 16:32

Theo dõi trên

Tôi làm y tá ở D bộ (D8) một thời gian ngắn với anh Điểm (quê Hải Hưng), y sỹ tiểu đoàn. Anh vốn được đào tạo cơ bản từ miền Bắc. Tôi được anh ân cần chỉ bảo. Bởi anh là một người rất tận tuỵ với công việc, sống giản dị, nhân ái và hết mực thương yêu tôi.

Anh coi tôi như đứa em trai và chỉ vẽ cho tôi nhiều điều về lẽ sống về ứng xử, nhất là ở lĩnh vực chuyên môn. Lần ấy, một gia đình người Miên rất giàu có ở thị trấn Sóc Nốc, có một bé gái khoảng 7-8 tuổi, không may bị căn bệnh gì không rõ, cơ thể cứ gầy teo đi và suy sụp. Họ nhờ chúng tôi khám. Anh Điểm cho biết, cháu bị một căn bệnh dẫn đến suy dinh dưỡng nặng, cần truyền dịch và điều trị tích cực. Anh giao cho tôi "bắt ven" để truyền dịch nhưng thật khó có thể tìm ra tĩnh mạch để đưa thuốc vào. Anh hướng dẫn tôi lấy tĩnh mạch ở mắt cá chân cháu.

b2td22-1685698288.jpg

CCB Vương Khả Sơn mặc quân phục (trái) trong một sự kiện

 

Dưới sự chỉ vẽ và giám sát của anh, tôi dùng dao mổ, rạch thịt ở phía trên mắt cá chân sau khi đã rửa sạch bằng nước sôi để nguội và vô trùng bằng cồn 90 độ. Tôi dùng nĩa gắp tĩnh mạch ra bên ngoài sau đó mới luồn kim tiêm vào và cố định lại để truyền. Thành công. Anh khen tôi. Sau nhiều lần truyền như vậy, cháu bé đã khá hơn, sức khoẻ có chiều hướng tiến triển tốt. Nhưng, chúng tôi không có nhiều thời gian ở lại đây. Ngày ra đi, anh Điểm và tôi hướng dẫn cụ thể về cách điều trị cho cháu bé. Họ cảm ơn lắm. Buổi chia tay, gia đình tặng anh em tôi rất nhiều quà và tiền. Riêng tôi, được bố của cháu bé gọi riêng ra, bí mật dúi vào tay sợi dây chuyền vàng lớn, loại 24 cara rồi nói: "Khờ nhum o cun lục thum đốc tờ chờ rờn, chờ rờn" (Tôi cảm ơn ông lớn bác sỹ nhiều lắm, nhiều lắm). Tôi cảm ơn và nói: Chúng tôi chỉ nhận quà thôi, còn dây chuyền xin được trả lại "khờ nhum o cun boòng chờ rờn" (tôi cảm ơn anh nhiều). Tôi nói với anh Điểm việc này rồi công khai trả lại sợi dây chuyền ấy vì hai lẽ: thứ nhất, nếu nhận sẽ ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế trong sáng và hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ" trong cách nhìn của người dân Campuchia. Thứ hai (có vẻ siêu hình) vì nghe nói cất giấu vàng trong người, lúc đi chiến đấu sẽ không may mắn. Tôi và anh Điểm phải thuyết phục mãi anh ta mới chịu nhận lại (Anh Điểm nói tiếng Khơme chẳng khác gì người Campu chia).

Tôi tham gia trận đánh ở Công Pông Rồ (gần Mộc Hoá, Kiến Tường). Hôm ấy, sư đoàn 7 quân nguỵ Sài Gòn cùng các tiểu đoàn bảo an phối hợp với quân nguỵ Lon Nol, mở đợt phản kích chiếm lại khu vực Mỏ Vẹt. Trên 100 xe tăng và xe bọc thép M113 rầm rộ tiến sang đất Campuchia. Trung đoàn đã lên phương án tác chiến, dự kiến mọi tình huống khả dĩ xảy ra. Nhưng chúng đã không đi đúng ý đồ chiến thuật của ta mà xộc ngay vào trung đoàn bộ. Một tình huống nằm ngoài dự kiến. Chiến xa địch lổm ngổm như cua giữa cánh đồng trống trải hàng mấy dặm vuông. Phía sau là bộ binh theo sát. Trên đầu, trực thăng quần thảo. Trung đoàn lệnh cho các tiểu đoàn phải bằng mọi giá đẩy lùi xe tăng địch ra khỏi vị trí. Địa hình trống trải và rộng nên hoả lực và xung lực ta phát huy được tối đa. Đồng thời, có sự phối hợp của đơn vị bạn sử dụng B72 (một loại vũ khí chống tăng mới, bắn tầm xa) nên xe tăng, xe bọc thép của địch bị ta bắn cháy mười mấy chiếc. Đây là địa phận giáp giới Campuchia nên việc tiếp vận thuận lợi hơn. Do vậy, ta có đủ tiềm năng hoả lực để đối phó với địch. Bất ngờ, bị thiêu cháy nhiều xe tăng, địch vội rút lui về hướng Kiến Tường, gọi phi pháo đánh vào các vùng nghi ngờ có lực lượng ta. Trước đó đã có một số trận giao chiến giữa ta và địch. Lần này chúng tổ chức một cuộc hành quân lớn có sự phối hợp với nguỵ Lon Nol hòng tiêu diệt lực lượng ta. Cuộc hành quân thất bại, kế hoạch của chúng bị phá sản. Đó là những ngày cuối tháng 7 năm 1972...

Sau chiến dịch Công Pông Rồ, Trung đoàn tiếp tục ở lại đất Miên để củng cố lực lượng vì bây giờ đã là mùa mưa. Tuy vậy, một số đại đội thuộc các tiểu đoàn được lệnh vượt bưng Đức Huệ trở lại Đức Hoà để đứng chân, bám địch. Ban ngày đánh nhỏ, lẻ, tập kích đồn bốt hoặc đánh tàu trên sông Vàm Cỏ Đông. Ban đêm, vào ấp chiến lược để tuyên truyền, giác ngộ, vận động quần chúng. Chuẩn bị lương thực, thực phẩm cất giấu ở cứ ngoài bưng để chờ ngày đại quân xuống chiến dịch.

Tôi được điều về làm y tá ở C2-D8 (Đại đội 2 - Tiểu đoàn 8 từ tiểu đoàn bộ đúng vào thời điểm ấy.

(Còn nữa )

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Ký ức chiến tranh: Vào trận - P22" tại chuyên mục Văn hóa đương đại. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn