Nhiều hôm, đêm trước B52 vừa rải thảm ở cung đường trước mặt, sáng ra, chúng tôi liền vượt qua chỗ đó. Núi rừng Trường Sơn bị cày xới nham nhở bởi hố bom B52 rải thảm dày đặc. Chứng tích về tội ác man rợ của giặc Mỹ bởi B52, chất độc dioxin (da cam) và bom napalm huỷ diệt còn nguyên trên những cánh rừng. Một hình ảnh đầy sức gợi tả và ám ảnh đã được nhà thơ Tố Hữu sau này ghi lại hết sức sinh động:
Cây khô chết chẳng nghiêng đầu.
Nghìn tay than cháy, rạch màu trời xanh.
Càng vào sâu, núi rừng càng trùng điệp. Tuy là mùa khô nhưng có những con suối rất sâu và vách thành dựng đứng. Công binh đã lựa những cây song (mây) lớn để bắc những chiếc cầu mây cho bộ đội qua suối. Phải thừa nhận công binh Trường Sơn có đôi bàn tay tài hoa và thật kỳ diệu trong việc nối đường giao liên bằng những chiếc cầu mây có một không hai trong lịch sử chiến tranh. Những chiếc cầu mây đó được néo buộc từ những gốc đại thụ của mỏm núi này sang các gốc đại thụ của mỏm núi khác trông chót vót, chênh vênh như trong tranh thuỷ mặc cổ điển của Trung Quốc. Nhưng kể cả người và vũ khí nặng đều có thể đi qua một cách an toàn, vững chãi trong sự chòng chành nhẹ lay như đưa võng. Một hình ảnh thật lãng mạn!Tôi thoáng nghĩ, nếu ở góc nhìn điện ảnh chếch từ phía dưới lên, nhà quay phim sẽ có một cảnh quay thật ngoạn mục với hình ảnh sinh động của các chiến sỹ Giải phóng quân đội mũ tai bèo với ba lô, súng đạn đang đi ngược với góc 90 độ, thân hình song song với mặt đất như các NinJa Nhật Bản vậy! Dọc đường Trường Sơn, chúng tôi đi qua rất nhiều những chiếc cầu mây như thế. Đó là những chiếc cầu của trí thông minh, lòng quả cảm; của ý chí độc lập tự do và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh ở thế kỷ XX...
... Thấm thoắt sau gần hai tháng vượt Trường Sơn, chúng tôi đã đến chân cao nguyên BôLôVen (Nam Lào). Hôm ấy đúng vào ngày 22 tháng 12 năm 1971, sau một ngày hành quân mệt nhọc, chúng tôi dừng chân trên sườn đỉnh cao nguyên BôLôVen. Vì trùng vào ngày ngày thành lập Quân đội Nhân dân nên Trung đoàn lệnh cho các đơn vị được nghỉ chân một ngày. Trưa hôm đó, trong cuộc nói chuyện với chúng tôi, đồng chí Trung tá, Chính uỷ Đoàn Sáu (Diễn Hoa, Diễn Châu, Nghệ An) có nói một ý mà đến bây giờ, sau 35 năm, tôi vẫn nhớ như in"...Nếu nhiệm vụ của các đồng chí chỉ là vượt Trường Sơn không thôi thì đến đây đã đủ điều kiện để phong tặng danh hiệu Anh hùng cho tất cả mọi người. Nhưng đích của chúng ta là ở chiến trường, nơi đối mặt với kẻ thù, và buộc phải chiến thắng, nên nhiệm vụ trước mắt hãy còn hết sức nặng nề. Các đồng chí phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa...".
Quan sát và ghi chép vốn là một thói quen và sở thích của tôi. Bởi vậy, dọc đường Trường Sơn và kể cả sau này, khi chiến đấu, hễ có cơ hội là tôi ghi lại những gì đã diễn ra trong hai cuốn nhật ký "Dọc đường chiến tranh" của mình. Một hình ảnh đầy ấn tượng và ám ảnh đọng mãi trong tâm trí tôi. Đứng ở triền dốc cao nguyên BôLôVen nhìn xuống, thấy cả một núi gậy và áo thu-đông, trang bị cho bộ đội chống rét trên Trường Sơn. Mỗi người khi qua đây đều quẳng xuống chân dốc một cái gậy và một cái áo ấm, sau khi không dùng tới nó nữa (do nặng). Vì vào tới đây đã hết lạnh. Tôi chợt nghĩ, nếu bọn thám báo, biệt kích có thể đếm được núi gậy này thì đó sẽ là một số liệu tình báo sống, cực kỳ chính xác, vì nó sẽ giúp chúng biết được số quân của ta vào chiến trường là bao nhiêu... (?!). Một đống gậy có một không hai trong lịch sử chiến tranh. Chiếc gậy ấy đã đi vào cuộc sống của bộ đội, vào thơ ca, nhạc, hoạ trên đường ra trận và trở thành một biểu tượng hết sức đẹp đẽ. Nhạc sỹ Phạm Tuyên hoàn toàn có lý khi viết ca khúc "Chiếc gậy Trường Sơn", lời bài hát có đoạn: "Luyện cho đôi chân vượt đường xa không mỏi, luyện cho tinh thần (là) chỉ tiến không lui. Gậy trong tay mồ hôi đã bóng, màu gỗ quê hương mang cả mối tình dân"... và "Trường Sơn ơi, chan chứa bao tình. Cho gậy mòn dốc núi, vẫn luôn giữ tấm lòng son. Sức trẻ đi cứu nước vững vàng hơn dãy Trường Sơn"...
... Đã gần hai tháng chân đất hành quân, vậy mà chặng đường như cứ dài ra hơn trước mặt trong cảm giác của mọi người khi đứng trên cao nguyên này nhìn tít tắp vào phía Nam....
Bây giờ, chúng tôi đã đến địa phận của tỉnh ATôPơ, Nam Lào...
Từ sườn đỉnh cao nguyên này, phóng tầm mắt ra xa, thấy những cánh rừng già lúp xúp như mâm xôi, hút tầm mắt chúng tôi đến tận chân trời phía Nam. Vào đến đây, tuy sức khoẻ của mọi người bị giảm sút nhưng cơ bắp thì rắn rỏi hơn. Số người bị sốt rét tăng lên từng ngày. Đôi vai chúng tôi ngày một nặng thêm...
Tính hai mặt luôn là sự tồn tại của quy luật cuộc sống. Nó cũng giống như tấm huân chương. Mặt trước thì rực rỡ, sáng ngời, nhưng phía sau thì xù xì, góc cạnh. Cuộc chiến vĩ đại này, bên cạnh cái hào hùng có cái bi thảm. Đối lập cái cao cả, tồn tại cái đớn hèn. Lương tri trong sáng song hành cùng sự phi nhân tính. Lòng quả cảm đối lập với sự hèn nhát... Nếu như trong cái không khí hào hùng của những binh đoàn rầm rập nối nhau ra trận như trẩy hội với những con người háo hức ngày đêm "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước"; với ý chí "Không có gì quý hơn độc lập, tự do!" thì vẫn có không ít những kẻ bạc nhược, sợ chết, tìm cách quay lại trước khó khăn, gian khổ, ác liệt. Nếu chưa có cơ hội đào ngũ được thì thoái thác nhiệm vụ, giả vờ ốm đau để buộc đồng đội phải khiêng cáng, mang vác thay cho mình.
Hồi ấy, ở khẩu đội tôi, có một cậu tên là H. da ngăm đen cao to, quê Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Công bằng mà nói, anh ta cũng mệt, nhưng so với những đồng đội sốt rét khác, thì chưa thấm vào đâu. Vậy mà do tư tưởng sợ chết, sợ gian khổ, không dám vào chiến trường nên lấy cớ, "đập bệnh" ra không chịu đi nữa. H. cố nhịn ăn để sức khoẻ nhanh chóng giảm sút, bắt chúng tôi phải khiêng cáng. Nếu không khiêng, nhất định H. không chịu đi. Theo mệnh lệnh, chúng tôi buộc phải chấp hành. Khẩu đội thay nhau, hai người một, cáng H. Đường dốc, quanh co, lèn đá dựng đứng. Chúng tôi vừa mang vác nặng lại vừa phải khiêng thêm người nên hết sức vất vả. Gối run, chân chồn, vai bỏng rát. Mồ hôi ướt đẫm quần áo. Hôm ấy, đến lượt tôi và Đính khiêng H. Ở những phút giải lao giữa hai chặng hành quân, chúng tôi bảo nhau phải cho thằng này biết "thế nào là lễ độ". Đợi khi cáng đi qua những chỗ dốc và cua gấp khúc, chúng tôi cùng nháy nhau va mạnh cậu ta vào lèn đá liên tục. Đau quá, và hình như cũng biết chúng tôi chơi khăm nên H. xin xuống tự đi một cách "ngon lành". Có mặt mọi người, H. giả vờ không ăn được, nhưng khi nào vắng chúng tôi hoặc khi nằm trên cáng trùm chăn, H. lại lén lấy đường, sữa ra ăn một mình. Chúng tôi, ai cũng căm hắn nhưng vì phải chấp hành mệnh lệnh nên mọi người đành chịu vậy. Sau đó mấy hôm, H. nằm ỳ, không chịu đi nữa. Chúng tôi cũng quá mệt mỏi, không còn đủ sức khiêng hắn. Hơn nữa, đơn vị có thêm những người mới bị sốt rất nặng; do vậy đã đề nghị đại đội cho gửi hắn lại binh trạm... Nghe nói, sau đó H. đào ngũ quay ra Bắc... Mãi sau ngày giải phóng miền Nam trở về, năm 1980 (bấy giờ tôi đang học năm thứ II, Đại học Vinh), tình cờ tôi gặp H. tại cầu phao Bến Thuỷ. H. trông hồng hào, khoẻ mạnh. Nói chuyện qua quýt, tôi được H. cho biết là đang trên đường đi công tác. Hiện là cán bộ thương nghiệp huyện Kỳ Anh. H. cười rất mãn nguyện. Tôi hiểu, trong cơ chế bao cấp thời ấy (thập niên 80 của thế kỷ trước), thương nghiệp được coi là một nghề "thời thượng". Bây giờ thì tôi càng rõ hơn về bản chất con người này! Từ bấy đến nay, tôi không có dịp nào gặp lại H. nữa...
... Tập kết tại địa bàn của Bộ Tư lệnh 470, chúng tôi bất ngờ nhận lệnh mới: "Gấp rút vào B2 để đánh thí điểm địch ở đồng bằng". Chúng tôi lại tiếp tục hành binh... Càng đi sâu hơn vào phía Nam, núi rừng tuy không dốc như ở Trung Lào nhưng những rừng khộp, rừng le bạt ngàn, cùng những rừng săng lẻ vỏ bạc phếch như da trăn và thẳng như đũa, đi mấy ngày đường không hết.
Bây giờ đã là cuối tháng 1 năm 1972.
(còn nữa)
Trái tim người lính