Đã có một chiến hữu của chúng tôi (thuộc thế hệ đi trước), nghe nói là một sinh viên Ngữ Văn của một trường Đại học. Cũng như chúng tôi, anh đã "gác bút nghiên theo việc binh đao". Khi vào Trường Sơn, anh cảm tác viết bài thơ sau đây, nhưng rồi trong một trận chiến đấu, không may anh đã hy sinh. Bọn địch đã lượm (nhặt) được bài thơ và ghép thêm một đoạn sặc mùi "chiêu hồi", phản động, đem in thành truyền đơn rồi nhanh chóng cho máy bay thả xuống núi rừng Trường Sơn. Mục đích tâm lý chiến của chúng là dùng một mũi tên bắn trúng hai đích. Thứ nhất là bôi nhọ hình ảnh người chiến sỹ Giải phóng quân. Thứ hai là hòng làm lung lay ý chí và tinh thần của cán bộ, chiến sỹ ta. Cũng phải thừa nhận một thực tế khách quan là bài thơ có những câu như xoáy vào gan ruột những chiến binh như chúng tôi ngày ấy. Nó lay thức tâm can, gợi lên nỗi nhớ nhà da diết, nhớ quê hương đến nao lòng (hồi ấy, chúng tôi nào ai dám đọc to lên đâu, vì có thể sẽ bị đánh giá về lập trường, tư tưởng ngay (?!). Tôi dẫn ra đây một đoạn:
Từ buổi con lên đường, xa mẹ
Theo anh em sang Lào, rồi dấn bước vào Trung
Non cao, núi biếc chập chùng
Sớm nắng biển, chiều mưa nguồn gian khổ...
Tuổi thanh xuân, cuộc đời như hoa nở
Vì hoà bình, đâu ngại bước gian nguy
Mấy tháng trời, đêm nghỉ, ngày đi
Giày vẹt gót, áo sờn vai, thấm lạnh
Chiều Trường Sơn, núi rừng cô quạnh
Mẹ hiền ơi, con chợt nhớ quê nhà.
Khói lam chiều, giàn mướp lá lên xanh
Cây đa cũ, mái đình xưa. Ôi nhớ quá!...
Quả thật, những vần thơ đó, tự thân nó có sức ám ảnh ghê gớm. Nếu không vững ý chí và niềm tin, có người sẽ "chùng chân, mỏi gối..."
... Chúng tôi lại mải mốt đi... Đường hành quân đến đây bất chợt xuyên qua những đồi cỏ lau bạt ngàn một màu vàng chói mắt. Nắng mùa khô gắt gao cộng với màu vàng cỏ lau càng làm tăng thêm cơn khát cháy họng của mọi người. Điều ước ao duy nhất lúc này là được uống nước. Cái nắng cháy da người cộng với những cơn khát dữ dội, khiến cơ thể như bị khô cong đi. Các đồng chí giao liên cho biết, phía trước mặt, sắp đến sẽ có một con sông. Chúng tôi ai cũng nóng lòng, háo hức và càng thêm dồn bước. Tôi liên tưởng đến tình tiết Tào Tháo dụ lính cố gắng đi tiếp vì sẽ có một rừng mận trước mặt. Mọi người thì mải nghĩ tới con sông. Rừng mận trong "Tam Quốc" là giả tưởng còn con sông phía trước chúng tôi thì có thật. Đang đi, bỗng thoảng một luồng gió mang hơi nước mát rượi phả vào mặt. Cơn gió ấy đưa tôi trở về thực tại. Chúng tôi biết là sắp đến chỗ có nước. Quả nhiên, đi chừng hơn một cây số nữa thì một dòng sông rộng hiện ra trước mặt. Giao liên cho biết đó là con sông Nậm Bạc. Chúng tôi sà xuống rồi để nguyên cả ba lô súng đạn trên vai gục xuống ừng ực uống như chưa bao giờ được uống. Làn nước ngọt lịm như thấm vào từng tế bào cơ thể chúng tôi. Tự nhiên cái mệt mỏi, cái nóng bức biến đi đâu mất, nhường lại là sự tươi tỉnh, sảng khoái đến lạ kỳ! Có lẽ, trong đời, ít khi có thể tìm lại được cái cảm giác sung sướng, sảng khoái khi được uống nước như lần ấy trên con sông Nậm Bạc ở Nam Lào...
Càng vào sâu, không khí chiến trường càng nóng lên và rộn rã. Chúng tôi qua các binh trạm 80, 81, 82... đến trạm 92 là hết đường dây 559 để vào trạm 01 "Giải Phóng". Chỉ mới gần ba tháng hành quân mà ai cũng tưởng chừng như đã lâu lắm. Đến đây không khí như trẩy hội. Băng rôn, khẩu hiệu chăng ngang đường hành quân. Nhìn từ phía Bắc là câu: "Chào những binh đoàn hùng mạnh của giai cấp vô sản, những người con ưu tú của miền Bắc XHCN vào giải phóng miền Nam" dành cho chúng tôi. Phía bên kia là câu: "Kính chào những người con ưu tú, dũng cảm vì Tổ quốc, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở về hậu phương" để đưa tiễn những đồng chí thương binh không còn khả năng chiến đấu từ các chiến trường ra Bắc. Có thể nói trong đời, đây là lần đầu tiên chúng tôi mới được tận mắt mục kích chiếc xe gắn máy Honda (loại 67 và 50) mà trên lưng nó là các cô giao liên đội mũ tai bèo với hai bím tóc làm duyên, mình vận bà ba đen hay quân phục màu cỏ úa, chân đi dép lốp (dép râu), súng AK hay AR15 vắt chéo qua khuôn ngực thanh tân của tuổi mười tám, đôi mươi với gương mặt từng trải qua thử thách ác liệt của bom đạn Mỹ. Hình ảnh ấy đã gây một ấn tượng mạnh trong mỗi chúng tôi. Nó như một thứ nam châm cực mạnh hút đôi mắt chúng tôi dồn về phía họ. Bởi đã lâu lắm rồi, chúng tôi mới được nghe tiếng cười và giọng nói của "phái đẹp". Suốt chặng đường hành quân từ dạo chia tay với các cô gái ở Quảng Bình đến giờ, hình ảnh những cô gái ấy chưa một lần tái hiện. Có thể đó là hình tượng những cô gái từng có mặt trong bài thơ "Lá đỏ" của Nguyễn Đình Thi đã được nhạc sỹ Hoàng Hiệp phổ nhạc thành bài hát cùng tên nổi tiếng: "Gặp em trên cao lộng gió. Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ. Em đứng (đứng) ở bên đường như quê hương vai áo bạc, quàng súng trường. Đoàn quân vẫn đi vội vã...". "Vội vã" thế mà ai cũng cũng ngoái đầu nhìn ngắm họ như nhìn những "người ngoài hành tinh" lạ lẫm. Mà lạ thật. Chưa có lúc nào chúng tôi được thấy những con người bằng xương bằng thịt với tư thế đó. Nói đúng ra thì dọc đường Trường Sơn, thi thoảng chúng tôi có gặp một vài phụ nữ. Nhưng họ im lặng, lầm lũi đi dưới phiên hiệu của các đoàn cán bộ dân chính Đảng để vào tiếp quản các vùng mới giải phóng hoặc chuẩn bị nguồn cán bộ cho ngày giải phóng miền Nam. Nhưng trông tiều tuỵ vì gian khổ và bởi sốt rét rừng Trường Sơn ngày đêm tàn phá cơ thể họ...
...Vào đến đây, chúng tôi được ăn no hơn, ngon hơn. Được xem phim của xưởng phim Giải Phóng. Có cả phim của Hãng phim truyện từ miền Bắc gửi vào; phim "Thượng Cam Lĩnh" của Trung Quốc... Gần như bao nỗi gian nan của chặng đường hành quân đầy vất vả ấy đã tiêu tan hết. Nhường lại là sự phấn chấn của những người lính sắp bước vào trận. Chúng tôi được nghỉ tại binh trạm ba ngày để lấy lại sức.
Tôi có một kỷ niệm vui với Đính khi đến binh trạm 3 "Giải Phóng". Hôm ấy, trước khi vào chỗ nghỉ, phải lội qua một con suối nhỏ, nước cạn. Ngay trên đầu chúng tôi có một tổ ong mật to như cái áo tơi, lủng lẳng treo trên một cành cây. Các đơn vị khác đi qua đều thấy, nhưng không ai dám đụng vào. Tôi nghĩ bụng: "Nhất định phải ném đứt tổ ong này để lấy mật" (tôi vốn hiếu động và hay nghịch ngợm từ bé). Mắc màn xong, tôi bàn với Đính, cả hai quyết định phá tổ ong! Tôi thủ mấy hòn đá bằng nắm tay, chọn vị trí thích hợp rồi thẳng tay, liên tục giáng hết những hòn đá ấy vào tổ ong. Một phần ba tổ ong trĩu mật đứt, rơi xuống. Đàn ong từ đó bay ra. Tôi hoảng quá, hét Đính chạy như bay về chỗ nằm chui ngay vào màn. Đàn ong đuổi theo nhưng không kịp, cứ bay rào rào xung quanh. Chúng bèn xông vào đốt túi bụi số anh em chưa kịp mắc xong màn. Cả đại đội chạy táo tác tìm chỗ núp tránh đàn ong quái ác ấy. Cũng may, lúc ấy trời đã nhá nhem, rồi tối rất nhanh (vì ở rừng). Đàn ong rút lui. Một số anh em bị ong đốt sưng vù mặt mày, có người yếu sức đã phát sốt lên. Lần ấy, tôi và Đính bị đại đội họp kiểm điểm và kỷ luật cảnh cáo. Lẽ ra sau đợt hành quân, tôi được chi bộ cho học đối tượng Đảng nhưng vì lý do ấy nên phải đình hoãn lại đợt sau...
Như vậy, từ các binh trạm của đường dây "Giải Phóng" (cũng vẫn là đường mòn Hồ Chí Minh) trở đi, đời sống vật chất của bộ đội được cải thiện đáng kể. Chúng tôi đã có thực phẩm tươi bổ sung khá đều đặn. Lần ấy, khi vào binh trạm của đường dây này, chúng tôi được phát mỗi người ba hộp sữa. Nhưng sữa hết hạn đã lâu ngày nên chuyển sang màu vàng đục. Nhưng không sao, có sữa là tốt lắm rồi. Đã lâu thiếu chất ngọt nên thèm quá. Tôi và nhiều anh em uống hết một lúc cả hai hộp. Chọc mũi dao găm vào nắp hộp, lách một đường rồi bật nắp, ngửa cổ một lúc là hết sạch. Lần ấy, sau khi uống xong, tôi bị khản đặc cả cổ và mất tiếng (chắc vì sữa hết hạn và uống nhiều quá). Phải mất mấy hôm mới dần trở lại bình thường. Tôi thì không sao nhưng rất nhiều anh em sau khi "thưởng thức" món sữa ấy bị "Tào Tháo" đuổi cho kiệt sức.
Đi sâu vào Hạ Lào, giáp giới với Campuchia, rừng chỉ còn lúp xúp, thoai thoải. Ở đây những cánh rừng khộp được khai thác để lấy dầu. Cây khộp được đục một lỗ lớn ở gốc, sát mặt đất, có thể cho gáo vào múc được. Dầu ở trong thân cây chảy ra, đọng lại đó. Người ta chỉ việc cho gáo vào múc. Ngoài việc xuất khẩu và sử dụng trong công nghiệp, dầu khộp còn dùng để thắp sáng, đun nấu ít khói và rất đượm lửa...
Không nhớ rõ chúng tôi đã đi được bao ngày đường giữa bạt ngàn rừng khộp. Các đồng chí giao liên kể lại, vùng này sau trận càn Chen La II (tìm diệt) năm 1970 của Mỹ - nguỵ, bộ đội ta phải chạy dạt lên đây trú ẩn. Họ bị bao vây, phong toả nên không có lương thực, thực phẩm để sinh hoạt. Xe tăng của quân nguỵ Sài Gòn càn lên. Họ không nâng nổi B40, B41 để bắn, vì kiệt sức do đói lả. Rất nhiều đồng chí bị chiến xa địch cán nát dưới xích xe. Cú đánh bồi năm ấy đã làm chúng ta tổn thất nặng nề, để lại hậu quả trầm trọng về sức chiến đấu...
(còn nữa)
Trái tim người lính