Người Pà Thẻn ở Tuyên Quang cư trú chủ yếu tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình và xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa, với khoảng 840 nhân khẩu. Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn thường được tổ chức hàng năm vào lúc giao thời giữa năm cũ và năm mới hoặc khi vào vụ thu hoạch lúa mùa tháng 10, tháng 11 âm lịch. Bởi theo quan niệm của người Pà Thẻn xưa, tổ chức nhảy lửa vào lúc này là để tạ ơn thần linh đã phù hộ cho một năm mùa màng tốt tươi, cuộc sống no ấm, dân bản khỏe mạnh không ốm đau bệnh tật. Đốm lửa được đốt lên cũng sẽ giúp xua đi ma tà, quỷ dữ và cái lạnh lẽo của mùa đông.
Lễ nhảy lửa mang bản sắc riêng của cộng đồng người Pà Thẻn, có tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến đời sống tâm linh, đến việc hun đúc nên tâm hồn, tính cách người Pà Thẻn, thể hiện sức mạnh phi thường của con người dám đương đầu với khó khăn, thách thức, xua đuổi những điều không may mắn.
Tại buổi lễ, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao chứng nhận Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho đại diện lãnh đạo huyện Lâm Bình.
Thầy cúng Phù Văn Thành, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình cho biết, Lễ nhảy lửa để tạ ơn thần linh phù hộ cho một năm mùa màng tốt tươi, cuộc sống no ấm, dân làng khỏe mạnh không ốm đau bệnh tật, qua đó góp phần giáo dục truyền thống, tinh thần cố kết cộng đồng bền chặt cho các thế hệ người Pà Thẻn. Phần đầu thầy cúng sẽ gọi mời thần linh tới tham gia lễ và nhập vào các học trò. Phần hai là nghi lễ nhảy lửa, một đống lửa to đã được đốt sẵn cháy thành than đỏ rực. Những người tham gia nhảy lửa sẽ thay nhau nhảy cùng đống than hồng, dùng cả tay và chân trần cho tới khi tàn lửa. Điều huyền bí nhất của lễ nhảy lửa là các chàng trai Pà Thẻn đã dũng mãnh nhảy những bước chân trần trên than hồng mà không hề bị bỏng.
Để làm tốt công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy bền vững giá trị di sản, thu hút khách du lịch, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang tăng cường tuyên truyền để người dân nhận thức rõ việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản đem lại lợi ích trong phát triển kinh tế; nâng cao đời sống của người dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đến nay, Tuyên Quang đã có 16 di sản được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, nhiều lễ hội được phục dựng và tổ chức thường niên, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham dự.