Kỳ 28
Chương VII: Phong trào cách mạng giải phóng dân tộc 1930-1945
I: Cao trào cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ-Tĩnh.
Cùng với việc đẩy mạnh bóc lột thuộc địa trong cuộc khai thác lần thứ hai của Pháp, cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1929-1933 đã giáng lên đầu nhân dân Đông Dương những tai hoạ khủng khiếp, bần cùng, thất nghiệp, phá sản. Không chỉ đẩy mạnh tăng cường bóc lột, thực dân Pháp còn ra sức khủng bố sau khởi nghĩa Yên Bái. Tất cả là nguyên nhân bùng nổ cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ-Tĩnh.
Mở đầu cao trào cách mạng là những cuộc bãi công của công nhân nhà máy xi măng Hải Phòng, nhà máy dệt Nam Định, hãng dầu Xô cô ni Nhà Bè (Sài Gòn), công nhân đồn điền cao su Dầu Tiếng (Thủ Dầu Một). Tiếp đó, bãi công của 5.000 công nhân đồn điền cao su Phú Riềng, 4.000 công nhân nhà máy dệt Nam Định bãi công 3 tuần trong tháng tư năm 1930, bãi công của công nhân nhà máy điện Chợ Quán (Sài Gòn), của hàng vạn công nhân mỏ than Hồng Gai trở nên rất quyết liệt với chủ tư bản và chính quyền thực dân Pháp. Ngày 1 tháng 5 năm 1930, cờ đỏ búa liềm phấp phới bay trên đỉnh núi Bài Thơ (Hạ Long).
Nông dân cũng vùng dậy biểu tình chống sưu cao thuế nặng ở Đức Hoà (Chợ lớn), Cao Lãnh (Sa Đéc), Chợ Mới (Long Xuyên), Gia Định, Vĩnh Long, Cần Thơ, Trà Vinh, Mỹ Tho, Thủ Dầu Một. Nông dân các tỉnh Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Thái Bình, Thanh Hoá, Quảng Bình, Quảng Nam, Khánh Hoà, Bình Thuận liên tục nổi dậy. Phong trào công-nông lan rộng khắp Băc-Trung-Nam Kỳ. Phong trào lan đến cả những thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn. Khẩu hiệu của phong trào đòi tăng lương, giảm giờ làm, bỏ tệ đánh đập công nhân, hoãn sưu thuế cho nông dân. Nhiều nơi xuất hiện cờ đỏ búa liềm.
Ở Nghệ An và Hà Tĩnh, cuộc đấu tranh diễn ra hết sức quyết liệt và gay gắt. Phong trào mở đầu bằng cuộc biểu tình lớn ngày 1 tháng 5 năm 1930 ở thành phố Vinh-Bến Thuỷ. Công nhân nhà máy cưa, nhà máy diêm, nhà máy xe lửa Trường Thi cùng hàng nghìn nông dân biểu tình. Ngày 1 tháng 5 năm 1930, 3.000 nông nhân huyện Hưng Nguyên biểu tình, phá đồn điền Ký Viễn. Pháp bắn vào đoàn biểu tình chết 6 người, 10 người bị thương, hàng trăm người bị bắt. Trong tháng 6 tháng 7 năm 1930, Nghệ-Tĩnh nổ ra 11 cuộc biểu tình lớn với 12.000 người tham gia. Ngày 1 tháng 8 năm 1930, công nhân khu công nghiệp Vinh-Bến Thủy tổng đình công. Ngày 12 tháng 9 năm 1930, 20.000 nông dân Hưng Nguyên biểu tình ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân thành phố Vinh. Từ đó, phong trào nông dân lan khắp các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Diễn Châu, Nghi Lộc, Đô Lương, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh với hàng chục vạn người tham gia. Pháp dùng máy bay ném bom vào đoàn biểu tình làm chết 217 người, bị thương 126 người. Phong trào vẫn diễn ra quyết liệt đến giữa năm 1931. Lễ truy điệu những người hi sinh được tổ chức khắp nơi. Nông dân phá nhà lao, đốt huyện đường, vây đồn lính khố xanh, phá trạm điện tín, trừng trị bọn địa chủ gian ác và cường hào phản động. Báo cáo của Moóc sê: Chỉ trong vài tuần lễ, chủ nghĩa cộng sản lan dần từ chỗ này đến chỗ khác, hầu như khắp các làng trong thung lũng sông Cả và đồng bằng Hà Tĩnh (Hồ sơ lưu trữ của Bộ thuộc địa Pháp).
Trong ngọn lửa phong trào cách mạng, chính quyền thực dân phong kiến nhiều huyện, xã tê liệt, tan rã, thay vào đó là chính quyền nhân dân theo hình thức Xô Viết được thành lập ở các địa phương. Chính quyền cách mạng kiên quyết trấn áp bọn phản cách mạng, bãi bỏ các thứ thuế phi lý, thực hiện giảm tô, xoá nợ nần, chia lại ruộng đất, đem lại quyền dân chủ, bài trừ hủ tục, khuyến khích học chữ quốc ngữ. Về địa tô, qui định sản phẩm trên miếng đất 2/3 cho tá điền, 1/3 cho chủ đất. Các thứ lễ tết, phục dịch công không cho địa chủ bị xoá bỏ. Chính quyền thực hiện trợ cấp cho các gia đình nghèo túng. Vai trò của phụ nữ bước đầu được đề cao. Hình thức và các chính sách của chính quyền Xô Viết chứng tỏ đó là chính quyền của công -nông.
Thực dân Pháp thực hiện khủng bố trắng cực kỳ tàn bạo. Đến giữa năm 1931 phong trào bị dập tắt.
Cao trào cách mạng 1930-1931 chứng minh mâu thuẫn giữa dân tộc ta với đế quốc Pháp cực kỳ găy gắt do chính sách tăng cường bóc lột, khủng bố của Pháp. Trong khí thế sôi sục đó, Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời kịp thời lãnh đạo nhân dân cả nước vùng dậy. Cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ-Tĩnh khẳng định đường lối cách mạng do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo là đúng đắn, khẳng định quyền lãnh đạo trên thực tế và năng lực lãnh đạo cách mạng của Đảng. Cao trào xây dựng được khối công- nông liên minh chống đế quốc, phong kiến, xây dựng sáng tạo nên một chính quyền mới, một xã hội mới khi đập tan chính quyền cũ, xã hội cũ. Phong trào rèn luyện đội ngũ đảng viên và quần chúng, đem lại niềm tin vững chắc vào sức mạnh và năng lực sáng tạo của mình. Cao trào 1930-1931 để lại nhiều kinh nghiệm cách mạng. Đó là kinh nghiệm kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ chống đế quốc với chống phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập và người cày có ruộng, thực hiện quyền dân chủ cho nhân dân. Phải xây dựng được khối công- nông liên minh làm nền tảng để xây dựng Mặt trận đoàn kết dân tộc. Sau khi cách mạng đập tan chính quyền cũ, phải xây dựng chính quyền mới làm công cụ đem lại quyền lợi cho nhân dân lao động và trấn áp lực lượng phản cách mạng. Đảng phải xây dựng, rèn luyện vững mạnh mà điều căn bản là phải hi sinh phấn đấu vì lợi ích của dân tộc. Cao trào 1930-1931 dù thất bại nhưng để lại nhiều bài học kinh nghiệm, rèn luyện lực lượng cho cách mạng tháng Tám. Cho nên, cao trào là cuộc tổng diễn tập lần thứ nhất cho cách mạng tháng Tám. Sau cao trào, Quốc tế cộng sản đã công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là một chi bộ của Quốc tế cộng sản.
II:Thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương 1936-1939
Vào những năm 20 của thế kỷ XX, trên cơ sở hệ tư tưởng phản động nhất của giai cấp tư sản, ở Tây Âu xuất hiện chủ nghĩa phát xít và những tổ chức phát xít như ở Đức, Ita lia. Năm 1922, đảng phát xít lên nắm chính quyền ở Italia, năm 1933, đảng phát xít của Hít le lên nắm chính quyền ở Đức, năm 1936 Nhật bản phát xít hóa chính quyền, năm 1939 tên phát xít Phơ răng cô lên nắm chính quyền ở Tây Ban Nha. Các nhà nước phát xít bên trong thực hiện chế độ độc tài, thủ tiêu mọi quyền tự do dân chủ tư sản, công khai khủng bố, bên ngoài chuẩn bị phát động chiến tranh xâm lược làm bá chủ thế giới. Nhân loại đứng trước nguy cơ một cuộc chiến tranh thế giới mới. Chính vì thế, nhiệm vụ của cách mạng thế giới vào những năm 30 của thế kỷ XX là phải tập trung mọi lực lượng để chống chủ nghĩa phát xít, ngăn chặn chiến tranh. Quốc tế cộng sản chỉ ra rằng những lực lượng cách mạng phải đoàn kết với mọi lực lương dân chủ ở trong nước và trên toàn thế giới, thống nhất lực lượng vô sản trên thế giới, lập mặt trận dân chủ rộng rãi để chống chủ nghĩa phát xít và nguy cơ chiến tranh. Nghị quyết của Quốc tế cộng sản có tác dụng chỉ ra phương hướng cho cách mạng thế giới, trong đó có cách mạng Đông Dương.
Vào những năm 30 thế kỷ XX, tại Pháp , Đảng cộng sản làm nòng cốt đoàn kết các lược lượng dân chủ, thành lập Mặt trận bình dân, đập tan âm mưu nắm chính quyền của tổ chức phát xít Pháp “Chữ thập lửa”. Năm 1936, Mặt trận bình dân Pháp thắng cử trong cuộc bầu cử Nghị viện và lên nắm chính quyền, thành lập chính phủ Mặt trận bình dân do Lêông Blum đứng đầu. Chính phủ Mặt trận bình dân đã thi hành nhiều chính sách tự do, dân chủ. Chính sách này phần nào được áp dụng ở các thuộc địa Pháp. Tình hình chính quốc có ảnh hưởng lớn đến các thuộc địa. Đông Dương trong hoàn cảnh bị đàn áp khủng bố sau cao trào 1930-1931 rất cần thiết đấu tranh đòi quyền dân chủ, mục tiêu này phù hợp với hoàn cảnh nước Pháp và thế giới.
Tháng 7 năm 1936, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Lê Hồng Phong chủ trì họp tại Thượng Hải (Trung Quốc) đề ra đường lối và phương pháp đấu tranh trong tình hình mới. Hội nghị nhận định kẻ thù cụ thể trước mắt của nhân dân Đông Dương không phải là thực dân Pháp nói chung mà là thực dân phản động không chịu thi hành chủ trương chính sách của Chính phủ Mặt trận bình dân Pháp được áp dụng ở Đông Dương. Đảng nhìn thấy nguy cơ Nhật xâm lược Trung Quốc, đe doạ an ninh của toàn châu Á, trong đó có Đông Dương. Đảng chủ trương thành lập “Mặt trận dân chủ Đông Dương” đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít và phản động thuộc địa, giành quyền dân chủ, cải thiện dân sinh, góp phần chống chủ nghĩa phát xít, bảo vệ hoà bình thế giới. Để phục vụ cho đường lối chính trị trên và động viên nhân dân tham gia đấu tranh, Đảng đưa ra khẩu hiệu "Đánh đổ bọn phản động thuộc địa”, "Tự do cơm áo, hoà bình”, tạm gác khẩu hiệu “Đánh đổ đế quốc Pháp”, "Tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho dân cày”, "Đông Dương hoàn toàn độc lập”. Đây không phải là từ bỏ nhiệm vụ chống đế quốc, chống phong kiến, đây chỉ là sự thay đổi về sách lược trong một thời kỳ nhất định. Sách lược này này nhằm đoàn kết tất cả các lược luợng có thể đoàn kết được, cô lập cao độ kẻ thù chính trước mắt để đánh đổ chúng. Về hình thức và phương pháp đấu tranh, Đảng chủ trương lợi dụng khả năng hợp pháp, nửa hợp pháp nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức, giáo dục quần chúng để mở rộng phong trào, chủ trương đưa quần chúng đấu tranh từ thấp lên cao, từ chưa giác ngộ đến giác ngộ chính trị, giành quyền dân chủ theo mục tiêu đã đề ra.
Giữa năm 1936, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào phát triển mạnh mẽ. Trước hết là phong trào “Đông Dương đại hội”, quần chúng đưa yêu sách, đưa nguyện vọng đòi chính phủ Mặt trận bình dân pháp thực thi các quyền tự do, dân chủ ở thuộc địa, đòi thả hết tù chính trị, thi hành luật lao động, cải thiện đời sống nhân dân. Tiếp đó là phong trào xuất bản báo chí công khai. Các tờ “Tiền phong”, “Dân chúng”, “Lao động”, “Thời thế”, “Bạn dân”, “Nhành lúa”, “Tiếng nói chúng ta”, “Tập hợp”, “Tiến lên”, “Tin tức”, “Lời thề”. Trong đó có nhiều tờ báo của Đảng, của Mặt trận dân chủ Đông Dương, của những nhóm trí thức tiến bộ. Ngoài báo chí, còn xuất bản sách giới thiệu kiến thức về Đảng, về chủ nghĩa Mác-lê nin, trong đó cuốn “Vấn đề dân cày” của Qua Ninh-Vân Đình được giới thiệu rộng rãi. Trong thời kỳ này, dòng văn học lãng mạn bị phân hoá, văn học hiện thực, văn học cách mạng phát triển mạnh mẽ. Ngoài hai phong trào trên còn phong trào đấu tranh nghị trường, vận động đưa người của Đảng, của Mặt trận dân chủ vào các “Hội đồng quản hạt Nam kỳ”, “Viện dân biểu Bắc kỳ”, “Đại hội đồng kinh tế lý tài Đông Dương”. Mặt trận dân chủ Đông Dương sử dụng những diễn đàn này tố cáo chính sách phản động của chính quyền thuộc địa, hạn chế tác hại của chúng, bảo vệ quyền lợi của nhân dân lao động. Mặt trận dân chủ Đông Dương đã giành được những thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử Hội đồng dân biểu Bắc Kỳ năm 1938, trong cuộc bầu cử Hội đồng dân biểu Trung Kỳ và bầu cử Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội. Mặt trận tăng cường đoàn kết công nông với các tầng lớp khác. Phong trào bãi khoá, mít tinh, bãi công diễn ra khắp nước. Từ tháng 1 đến tháng 11 năm 1938 bùng nổ 135 cuộc bãi công của công nhân và 125 cuộc đấu tranh của nông dân. Chủ tư bản nhà máy sợi, nhà máy rượu Nam Định phải tăng lương cho công nhân. Lần đầu tiên ngày 1 thánh 5 năm 1938 được công nhân Việt Nam kỷ niệm khắp nơi với sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân, dương cao khẩu hiệu đòi tự do nghiệp đoàn, lập hội ái hữu, đòi triệt để thi hành luật lao động, đòi tăng lương, giảm sưu, thuế, chống chiến tranh đế quốc, ủng hộ hoà bình, ủng hộ Liên Xô, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Trung Quốc chống phát xít Nhật xâm lược, ủng hộ nhân dân Tây Ban Nha chống phát xít Phơ răng cô, chống phát xít Đức, Italia. 25.000 người mít tinh tại nhà Đấu Xảo (nay là Cung văn hoá công nhân) với khẩu hiệu “Đi tới Mặt trận dân chủ Đông Dương”, “Ủng hộ Mặt trận bình dân Pháp ”, “Tự do nghiệp đoàn”, “Trường học cho mọi người”, “Chống nạn thất nghiệp”, “Chống phát xít”, “Chống chiến tranh”, “Chống giá cả sinh hoạt đắt đỏ”. Tất cả đều nói lên tiếng nói đoàn kết với Mặt trận dân chủ Đông Dương.
Vào năm 1938, tình hình thế giới ngày càng xấu đi. Chính phủ Pháp ngày càng thiên về xu hướng phản động. Tháng 3 năm 1939, Đảng chỉ thị bộ phận công khai phải rút vào bí mật. Thời kỳ Mặt trận dân chủ đông Dương kết thúc. Cao trào cách mạng 1936-1939 để lại nhiều bài học kinh nghiệm. Ở một nước thuộc địa phải lợi dụng khả năng hợp pháp để động viên, tổ chức quần chúng đấu tranh, kết hợp đấu tranh hợp pháp với nửa hơp pháp , kết hợp đấu tranh bí mật với đấu tranh công khai. Muốn xây dựng Mặt trận đoàn kết dân tộc thống nhất vững mạnh phải dựa trên nền tảng công-nông liên minh. kinh nghiệm xác định kẻ thù cụ thể trước mắt nhằm phân hoá cô lập, đấu tranh đánh đổ chúng. Với tất cả ý nghĩa và bài học kinh nghiệm đó, cao trào cách mạng 1936-1939 là cuộc tổng diễn tập thứ hai cho cách mạng Tháng Tám.
(Còn nữa)
CVL