Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 51)

Trân trọng giới thiệu sách “Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007)” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 51.

Kết quả của phong trào đồng khởi là vùng giải phóng ra đời, từ Tây Nguyên nối liền đồng bằng Nam Bộ với đồng bằng Liên khu 5, phá vỡ từng mảng lớn và làm lung lay chính quyền Ngô Đình Diệm, đưa cách mạng miền Nam từ đấu tranh chính trị sang chiến tranh cách mạng kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Ngày 20 tháng 12-1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra đời đoàn kết tất cả các lực lượng, tôn giáo,  đảng phái để tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ, tiến tới hoà bình thống nhất nước nhà. Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch trở thành ngọn cờ tập hợp lực lượng nhân dân để thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân miền Nam đi tới thắng lợi.

b1amy-o-van-tuong-1676274006.jpg

Quân Mỹ ở Vạn Tường (Quảng Ngãi) bị quân và dân ta loại khỏi vòng chiến 900 địch, 22 xe tăng, 13 máy bay. Đập tan hoàn toàn cuộc càn quét quy mô của địch ngày 18/8/1965. Chiến thắng Vạn Tường chứng tỏ quân và dân miền Nam hoàn thành có khả năng đánh bại chiến lược Chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ, mở đầu cho cao trào “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt” trên khắp miền Nam.

 

 

2- Đánh bại chiến tranh đặc biệt của Mỹ và nguỵ (1961-1964)

Trước sự phát triển của phong trào cách mạng miền Nam  chuyển từ đấu tranh chính trị  sang thời kỳ kết hợp chiến tranh với cách mạng, giữa năm 1961, Mỹ chính thức phát động cuộc chiến tranh chống nhân dân miền Nam với chiến lược chiến tranh đặc bịêt. Chiến lược chiến tranh đặc biệt là một trong 3 chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ nhằm thực hiện mưu đồ bá chủ thế giới . Loại chiến tranh thứ nhất là chiến tranh tổng lực, huy động cả vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân, loại chiến tranh thứ hai là chiến tranh cục bộ do quân đội Mỹ trực tiếp tham chiến nhằm chống các nước xã hội chủ nghĩa, loại chiến tranh thứ 3 là chiến tranh đặc biệt chống lại phong trào giải phóng dân tộc, thực hiện chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ. Nội dung chính của chiến tranh đặc biệt là sử dụng  quân đội của nguỵ quyền tay sai với sự trang bị hiện đại và vũ khí, kỹ thuật quân sự, sự chỉ đạo của cố vấn  Mỹ.  Miền Nam Việt Nam trở thành nơi thí điểm chiến tranh đặc biệt của Mỹ để rút kinh nghiệm đàn áp phong trào giải phóng dân tộc thế giới vì nơi đây có vị trí chiến lược quan trọng, có phong trào giải phóng dân tộc mạnh mẽ do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

          Để thực hiện chiến tranh đặc biệt, Mỹ vạch ra kế hoạch Stalâytaylơ, sau này được bổ sung bằng kế hoạc Giôn xơn-Mắcnamara gồm ba giai đoạn. Giai đoạn 1: Bình định miền Nam,  giai đoạn 2: Tăng cương phá hoại miền Bắc, giai đoạn 3: Tấn công thôn tính miền Bắc. Toàn bộ kế hoach chiến lược này thực hiện trong 18 tháng. Chiến tranh đặc biệt dựa vào ba trụ cột xương sống, đó là xây dựng ấp chiến lược dồn dân  để cô lập lực lượng cách mạng miền Nam, thứ hai là xây dựng nguỵ quân, thứ ba là xây dựng nguỵ quyền vững mạnh. Lúc cao điểm nhất của chiến tranh đặc biệt Mỹ-Nguỵ đã xây dựng 17.000 ấp chién lược, biến toàn miền Nam thành một trại tập trung khổng lồ. Năm 1964 số lính nguỵ đã lên đến 50 vạn tên. Đồng thời Mỹ ra sức củng cố nguỵ quyền, tăng viện trợ quân sự, tăng cố vấn và nhân viên quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam lên 16.000 người. Ngày 8-2-1962 Mỹ thành lập Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Sài Gòn MAC do tướng Hackin cầm đầu để điều khiển cuộc chiến tranh. Mỹ đưa hàng vạn tấn vũ khí vào miền Nam Việt Nam, 1962 đưa 500 máy bay, chủ yếu là trực thăng. Mỹ rải chất độc hoá học xuống nhiều vùng dân cư để buộc nhân dân phải vào ấp chiến lược. Phối hợp với quân sự là các thủ đoạn chính trị, kinh tế, văn hoá để lừa bịp nhân dân.  Địch mở các chiến dịch lớn càn quét. Năm 1962 chúng mở 20 chiến dịch lớn đánh vào vùng giải phóng bằng những thủ đoạn tàn bạo .

          Để đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ và tay sai, nhân dân miền Nam đã tiến hành cuộc đấu tranh chính trị rộng lớn từ nông thôn đến thành thị nhằm phá và trì hoãn việc lập ấp chiến lược, chống khủng bố, chống bắt lính, chống rải chất độc hoá học phá hoại mùa màng. Đấu tranh chính trị ở đô thị mạnh mẽ đã đẩy nguỵ quyền vào cuộc khủng hoảng. Tháng 11-1963 Mỹ và phe  quân sự đối lập đã làm cuộc đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm. Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị giết chết khi bị bắt dẫn độ về Sài Gòn. Sự sụp đổ của Diệm-Nhu mở đầu cho sự khủng hoảng của nguỵ quyền Sài Gòn không bao giờ khắc phục được nữa. 20-8-1964, 30 vạn người bao vây dinh Độc Lập đòi Nguyễn Khánh từ chức, 20-9-1964, 10 vạn công nhân bãi công ở Sài Gòn-Gia Định phản đối chế độ độc tài Nguyễn Khánh. 24-8-1964, 3 vạn nhân dân Đà Nẵng bãi chợ tuần hành. Tháng 12-1964 nhân dân Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt biểu tình chống chính phủ Trần Văn Hương. Tham gia đấu tranh chính trị có nông dân, công nhân, nhân dân đô thị,  học sinh, sinh viên, trí thức đấu tranh đòi quyền lợi kinh tế dân chủ. Năm 1963 có 23 triệu lượt người đấu tranh. Phong trào đấu tranh lôi cuốn cả các tôn giáo như Phật giáo. Đấu tranh chính trị làm tan rã từng mảng chính quyền địch, làm thất bại những cuộc hành quân càn quét, cùng với binh vận đã vận động hàng vạn binh sĩ nguỵ trở về với nhân dân, làm tan rã ấp chiến lược của địch.  Phối hợp với đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự là hình thức cơ bản vì từ sau 1960 cách mạng đã chuyển sang hình thái kết hợp với  chiến tranh. Phải tiêu diệt lực lượng quân sự địch thì mới đập tan được chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ-nguỵ. Đòn quân sự còn hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy đấu tranh chính trị phá thế kìm kẹp của địch. Kết hợp đấu tranh chính trị và quân sự là bạo lực cách mạng, là qui luật cơ bản của cách mạng miền Nam. Mở đầu cho chiến thắng quân sự của ta trong chiến tranh đặc biệt là chiến thắng Ấp Bắc (Mỹ Tho-Tiền Giang). Ngày 2-1-1963 địch dùng 2.000 quân, 30 máy bay, 13 xe M113, 13 tàu các loại đánh vào Ấp Bắc. Ta có 600 quân. Địch bị tiêu diệt 450 tên, 8 máy bay lên thẳng bị bắn rơi, 3 xe M113, 1 tàu chiến bị bắn cháy. Chiến thuật trực thăng vận của địch bị đập tan. Trận Ấp Bắc mở đầu cho một loạt chiến thắng khác vào năm 1963 ở Giồng Trôm (Bến Tre), Sóc Trăng 7-1963, ta đánh sân bay Bình Giã 12-1964, đánh Ba Gia,  Đồng Xoài. Trong các trận đó ta đã tiêu diệt đến cỡ chiến đoàn và trung đoàn của Nguỵ. Trận Bình Giã (Bà Rịa – Vũng Tàu ) sau hai ngày chiến đấu, ta chủ động tấn công quân nguỵ tiêu diệt 2 tiểu đoàn cơ động . Ấp Bắc là mở đầu, còn Bình Giã đánh dấu bước phá sản  không cứu vãn nổi của chiến tranh đặc biệt.  Đấu tranh chính trị và quân sự đã làm cho 8.000 ấp chiến lược (85% số ấp) bị phá. Để cứu vãn  chiến lược chiến tranh đặc biệt, ngày 1-11-1963 Mỹ đảo chính giết chết Diêm-Nhu. Dương Văn Minh lên cầm quyền nhưng bị Nguyễn Khánh lật đổ. Các cuộc đảo chính tranh giành quyền lực của các phe phái trong chính quyền nguỵ đã đẩy chính quyền này vào cuộc khủng khoảng triền miên. Nguyễn Khánh lật đổ Dương Văn Minh và lên làm thủ tướng, Dương Văn Minh làm Quốc trưởng, sau đó Nguyễn Khánh làm Quốc trưởng, Trần Văn Hương làm thủ tướng. Rồi Phan Khắc Sửu lại thay Nguyễn Khánh làm Quốc trưởng. Đầu năm 1965 Nguyễn Khánh, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Chánh Thi cùng nhau lật đổ Nguyễn Khắc Sửu, đưa  Phan Huy Quát lên làm thủ tướng, nguỵ quyền càng suy nhược khủng hoảng. Năm 1964 chiến tranh đặc biệt hoàn toàn phá sản khi ba xương sống của nó là ấp chiến lược, nguỵ quân, nguỵ quyền bị đập nát .

Từ 1961 đến 1964 ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 30.100 tên địch, trong đó có 3.200 lính Mỹ. Đến tháng 6 –1965 ta diệt 9 vạn tên địch trong đó có 3 vạn tên Mỹ, 50 vạn nguỵ binh tan rã về tinh thần. Vùng giải phóng của ta được mở rộng, thành hậu phương trực tiếp của cách mạng miền Nam. Chính quyền cách mạng được hình thành, lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang 3 thứ quân lớn mạnh. Đầu năm 1965 chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ-nguỵ bị thất bại hoàn toàn. Mỹ thất bại trong âm  mưu dùng người Việt đánh người Việt. Thất bại này buộc Mỹ bị động chuyển sang chiến lược chiến tranh cục bộ, trực tiếp xâm lược công khai, hoàn toàn mâu thuẫn chính sách  thực dân mới của Mỹ .

3-Đánh bại chiến lược chiến tranh cục bộ (1965-1968)

 Thất bại trong chiến tranh đặc biệt, Tổng thống Mỹ Giôn Xơn chuyển sang chiến lược chiến tranh cục bộ để tiếp tục chiến tranh xâm lược Việt Nam. Chiến tranh cục bộ là chiến lược chiến tranh mà quân Mỹ trực tiếp tham chiến. Đây Là loại chiến tranh trong chiến lược toàn cầu Mỹ dùng để tham chiến khi chiến tranh với các nước xã hội chủ nghĩa. Ở miền Nam Việt Nam trong chiến tranh cục bộ, Mỹ dùng cả hai lực lượng quân Mỹ và quân Nguỵ. Đây là hai lực lượng chiến lược có vai trò quan trọng phối hợp với nhau, quân Mỹ đóng vai trò nòng cốt, là lực lượng  cơ động chủ yếu trên chiến trường, quân nguỵ làm nhiệm vụ bình định, giữ đất và kìm kẹp nhân dân. Quân Nguỵ và chính quyền tay sai vẫn là chỗ dựa chính trị cho cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ.

(Còn nữa)

CVL