Kỳ 50.
Đường lối chiến tranh đúng đắn đã được các nhà quân sự lỗi lạc của dân tộc như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp triển khai thực hiện một cách linh hoạt tài tình. Kháng chiến chống thực dân Pháp là một cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ bằng hình thức đấu tranh vũ trang là chủ yếu nên là một cuộc chiến tranh chính nghĩa. Do đó đã huy động được toàn dân kháng chiến. Toàn dân ta đã hy sinh vô bờ bến, đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến, một lòng tin và đi theo Đảng, tin và đi theo lãnh tụ Hồ Chí Minh, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng. Hàng vạn chiến sĩ vô danh, hữu danh đã anh dũng chiến đấu, hi sinh trên con đường đi đến vinh quang thắng lợi. Thắng lợi còn là do sức mạnh của tình đoàn kết chiến đấu của ba nước Đông Dương, tình đoàn kết này đã tạo nên sức mạnh chống kẻ thù chung. Thắng lợi của nhân dân ba nước Đông Dương không tách rời sự ủng hộ giúp đỡ của nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới, của nhân dân tiến bộ và Đảng Cộng sản Pháp, của nhân dân và các Đảng Cộng sản ở các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là sự giúp đỡ to lớn của nhân dân Liên Xô, Trung Quốc. Là thắng lợi của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng quân sự Mác xít được Đảng ta và Hồ Chí Minh vận dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta. Đó là thắng lợi của chủ nghĩa yêu nước của toàn dân, của truyền thống quân sự dân tộc, của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh trong thời đại mới .
Kinh nghiệm của cuộc kháng chiến chống Pháp hết sức phong phú, đó là kinh nghiệm chăm sóc sức dân để đoàn kết toàn dân, để toàn dân ủng hộ chính quyền thì mới tạo nên sức mạnh, vì chiến tranh tuân theo một qui luật khắc nghiệt là mạnh được yếu thua, là sự thử thách toàn diện đối với một quốc gia, một chế độ. Từ đoàn kết toàn dân mới phát huy cao độ tinh thần yêu nước, mới phát động được chiến tranh nhân dân. Chiến tranh nhân dân là một trong những kinh nghiệm quí báu viết bằng máu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Đó là kinh nghiệm toàn dân đánh giặc, ở trên lĩnh vực sản xuất nào, công tác nào cũng là mặt trận đánh giặc mà trước hết tiến hành nhịp nhàng cân đối trong phạm vi cả nước chiến tranh chính qui kết hợp với chiến tranh du kích, xây dựng vững mạnh và phối hợp tác chiến giữa ba thứ quân: Bộ đội chính qui, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Xây dựng Đảng vững mạnh, xây dựng một chế độ vững mạnh là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho một cuộc kháng chiến thắng lợi.
III-CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ XÂM LƯỢC (1954-1975).
1-Đánh bại cuộc chiến tranh một phía của Mỹ- Nguỵ (1954-1959): Sau Đại chiến thế giới thứ II (1939-1945), trung tâm phản cách mạng từ Đức chuyển sang Mỹ. Với tiềm năng kinh tế, quân sự to lớn, Mỹ vươn lên đứng đầu thế giới tư bản chủ nghĩa, thực hiện chiến lược toàn cầu chống chủ nghĩa xã hội, chống phong trào giải phóng dân tộc, thực hiện chủ nghĩa thực dân mới để mưu làm bá chủ thế giới. Việt Nam với vị trí chiến lược quan trọng ở Đông Nam Á, đi tiên phong trong phong trào giải phóng dân tộc và phong trào chủ nghĩa xã hội ở khu vực. Vì thế Mỹ quyết tâm đè bẹp cách mạng Việt Nam, Sau khi Pháp thất bại, Mỹ nhảy vào thay thế Pháp ở Đông Dương. Mỹ ra sức phá hoại hiệp định Giơnevơ, phá hoại sự nghiệp thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, chiếm đóng và biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ, thành căn cứ quân sự để ngăn chặn phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, ngăn chặn và tấn công chủ nghĩa xã hội ở Đông Nam Á mà trước hết là chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc Việt Nam. Đông Nam Á trở thành một trong các khu vực thực hiện chiến lược toàn cầu của Mỹ. Để dạt mục đích trên Mỹ đã tiến hành xâm lược miền Nam Việt Nam bằng chủ nghĩa thực dân mới, tiêu diệt lực lượng cách mạng miền Nam, gấp rút chuẩn bị tấn công miền Bắc.
Để thực hiện mục đích xâm lược trên, Mỹ gấp rút xây dựng bộ máy nguỵ quyền, đứng đầu là Ngô Đình Diệm, ra sức xây dựng quân đội nguỵ lên đến 50 vạn, trong đó có 20 vạn là quân chính qui. Chính quyền Ngô Đình Diệm tự mạo nhận là “Cách mạng quốc gia” nêu chiêu bài “Đả thực-bài Phong” để che dấu dã tâm bán nước. Trên thực tế chính quyền Ngô Đình Diệm đã thực hiện chính sách tố cộng, diệt cộng để đàn áp tiêu diệt những người kháng chiến chống pháp, gây nên những cuộc tàn sát đẫm máu ở miền Nam Việt Nam. Chính sách đàn áp khủng bố của Mỹ-Diệm gây cho ta những tổn thất nặng nề .
Do sự xâm lược của đế quốc Mỹ bằng chủ nghĩa thực dân mới mà tính chất xã hội miền Nam Việt Nam là xã hội thuộc địa kiểu mới nửa phong kiến. Mâu thuẫn cơ bản của xã hội miền Nam là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với đế quốc Mỹ xâm lược, mâu thuẫn cơ bản thứ hai là mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ phong kiến. Trong hai mâu thuẫn cơ bản đó nổi bật là mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với đế quốc Mỹ và mâu thuẫn này trở thành mâu thuẫn chủ yếu. Để giải quyết những mâu thuẫn trên, miền Nam phải tiếp tục tiến hành cách mạng dân chủ nhân dân chống đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai đại diện cho tư sản mại bản, địa chủ phản động ở miền Nam. Con đường cơ bản của cách mạng miền Nam là phải thực hiện khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân bằng sức mạnh chính trị của quần chúng, kết hợp với lực lượng vũ trang đánh đổ ách thống trị của đế quốc phong kiến, xây dựng chính quyền cách mạng của nhân dân, tiến tới hòa bình thống nhất đất nước .
Trước sự khủng bố tàn bạo của quân thù, nhân dân miền Nam đã tiến hành cuộc đấu tranh chính trị rộng lớn từ 1954 đến 1959 để bảo toàn, xây dựng, phát triển lực lượng chính trị. Từ cuối 1954 đến tháng 7-1955 phong trào hòa bình của trí thức sinh viên Sài Gòn-Chợ Lớn đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước theo qui định của Hiệp định Giơnevơ, đòi tự do dân chủ, cải thiện đời sống, đòi cứu tế những nạn nhân trong các cuộc xung đột giữa chính quyền Ngô Đình Diệm với các giáo phái khác, chống khủng bố. Nông dân đấu tranh chống cướp đoạt ruộng đất, chống đàn áp những người kháng chiến cũ. Ngày 1-5-1950, 15 vạn công nhân Sài Gòn- Chợ Lớn mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế lao động. Ác liệt nhất là cuộc đấu tranh chống các chiến dịch “Tố cộng-diệt cộng”, bảo vệ những người kháng chiến cũ. Đấu tranh chống Mỹ-Diệm bùng nổ cả trong các khu dinh điền, trong các trại tập trung. Phong trào đấu tranh chính trị lôi cuốn hàng triệu người bao gồm tất cả các tôn giáo: Phật giáo, đạo Cao đài, đạo Hoà hảo, Thiên chúa giáo. Phong trào lôi cuốn cả đồng bào dân tộc thiểu số, cả đồng bào miền Bắc bị địch dụ dỗ cưỡng ép di cư vào Nam. Trong đấu tranh đã hình thành sự phối hợp giữa nhân dân thành thị và nông dân nông thôn, nhiều hình thức đấu tranh phong phú. Kết quả của thời kỳ đấu tranh chính trị là cách mạng miền Nam đứng vững, phục hồi và từng bước phát triển, chuẩn bị lực lượng cho thời kỳ khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng .
Từ năm 1957 trở đi, Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm thất bại hoàn toàn trong thủ đoạn chính trị. Mỹ-Diệm phải thay đổi biện pháp, chuyển sang chính sách phát xít, đàn áp, công khai tiến hành một cuộc chiến tranh đơn phương để chống lại đồng bào miền Nam. Chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành những cuộc càn quét hành quân có qui mô lớn liên tục để dồn dân vào các khu dinh điền, các trại tập trung. Tháng 12-1957, chúng đầu độc giết chết hàng nghìn người ở nhà tù Phú Lợi. Chúng ban hành luật 10/59, lập các toà án quân sự đặc biệt để chém giết khắp miền Nam .
Việc chuyển từ chính sách mỵ dân lừa bịp sang chính sách phát xít, khủng bố công khai chứng minh kẻ địch đã thất bại về chính trị và khủng khoảng, suy yếu càng làm cho mâu thuẫn giữa nhân dân với chúng ngày càng gay gắt dẫn tới bùng nổ cách mạng của nhân dân miền Nam là không thể tránh khỏi. Vì nếu không vùng dậy thì cách mạng miền Nam không thể tồn tại và nhân dân cũng không thể sống được nữa. Từ năm 1957 trong phong trào đấu tranh chính trị của hàng triệu người đã xuất hiện hình thức đấu tranh vũ trang và lực lượng vũ trang phối hợp. Đêm 17-1-1960 nhân dân Bến Tre nhất tề vùng dậy tấn công lật đổ chính quyền địch, lập chính quyền cách mạng. Từ Bến Tre phong trào đồng khởi lan ra khắp các tỉnh Nam Bộ , Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung. Sự vùng dậy của nhân dân đã tạo nên một cao trào đồng khởi toàn miền Nam.
(Còn nữa)
CVL