MỖI NGÀY 3 BẢN NHẠC DỄ NGHE ĐẲNG CẤP THẾ GIỚI - NGÀY THỨ TÁM
Ngày thứ 8 này, chúng ta đổi không khí, với những điệu Tango mạnh mẽ và rất yểu điệu, cũng tình tứ: La Comparsita, La Paloma, Tango du reve. Hãy lắng nghe, và các bạn sẽ thấy tinh thần sảng khoái, yêu đời hơn.
Tango (âm nhạc): Tango là một phong cách âm nhạc viết theo nhịp 2/4 hoặc 4/4, có nguồn gốc từ dân châu Âu nhập cư sang Argentina và Uruguay.Loại nhạc này theo truyền thống được chơi với một cây ghita đơn hoặc một cặp ghita hoặc một ban nhạc (orquesta típica) gồm ít nhất hai cây vĩ cầm, sáo, dương cầm, double bass và ít nhất hai đàn bandoneón. Thi thoảng orquesta típica còn có thêm ghita và clarinet. Tác phẩm nhạc tango có thể không lời hoặc có lời. Âm nhạc tango và vũ điệu tango đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới.
Bản tango đầu tiên được ghi nhận là bản nhạc của Angel Villoldo, được chơi bởi các vệ binh quốc gia Pháp ở Paris. Villoldo buộc phải thu âm ở Paris bởi vì lúc đó Argentina không có phòng thu nào.
Những bản tango thuở ban đầu được tấu lên bởi các di dân ở Buenos Aires và Montevideo.Thế hệ người chơi tango đầu tiên được gọi là những người Guardia Vieja ("Cựu vệ binh"). Mất không ít thời gian để tango mở rộng phạm vi thính giả: vào đầu thế kỷ 20, tango là loại nhạc ưa thích của phường du đãng và găngxtơ khi viếng nhà thổ. Tương tự nhiều hình thức nhạc đại chúng khác, tango gắn liền với tầng lớp thấp trong xã hội
và đã cố gắng giới hạn tầm ảnh hưởng của mình.
Một bản nhạc mà về sau đã trở thành bản tango nổi danh nhất mọi thời đại cũng ra đời trong thời gian này, đó là "La cumparsita". Hai đoạn đầu của nhạc phẩm được Gerardo Matos Rodríguez của Uruguay sáng tác dưới dạng hành khúc không lời vào năm 1916.
1. La cumparsita
Franck Pourcel - La cumparsita (1968)
Franck Pourcel (14 tháng 8 năm 1913 - 12 tháng 11 năm 2000) là một nhà soạn nhạc, người dàn dựng và chỉ huy âm nhạc đại chúng và nhạc cổ điển người Pháp (Sẽ giới thiệu kỹ vào chương trình sau).
Gerardo Hernán Matos Rodríguez (còn gọi là Becho; 28 tháng 3 năm 1897 – 25 tháng 4 năm 1948) là một nhạc sĩ, nhà soạn nhạc và nhà báo người Uruguay. Ông là tác giả của nhạc phẩm tango nổi tiếng "La cumparsita".
"La cumparsita" (tiếng Tây Ban Nha dịch ra tiếng Việt: "Cuộc diễu hành nhỏ") vốn là một bản hành khúc dành cho carnaval của Uruguay, phần giai điệu được anh sinh viên ngành kiến trúc 18 tuổi tên Gerardo Hernán "Becho" Matos Rodríguez soạn vào đầu năm 1916 ở Montevideo. Thực tế, Roberto Firpo (giám đốc kiêm nghệ sĩ vĩ cầm của dàn nhạc biểu diễn ra mắt bản nhạc này) đã bổ sung những đoạn trong các bản tango "La Gaucha Manuela" và "Curda Completa" của ông vào bản hành khúc dành cho carnaval của Matos ("La Cumparsita"), từ đó tạo nên bản "La cumparsita" như được biết đến hiện nay.
Năm 1924, nghệ sĩ người Argentina Pascual Contursi đặt lời cho bản nhạc, khiến nó nhanh chóng biến thành một bản hit. Phiên bản này hiện được coi là bài hát tango nổi tiếng nhất trên thế giới, đứng ngay phía trước bản "El Choclo"
2. La Paloma
La Paloma - Inka Gold Feat Teresa Joy
La Paloma: Tạm dịch: Chim bồ câu, là một bài hát tiếng Tây Ban Nha. Bài hát đã được phổ biến và cải biên ở rất nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa, nhiều dòng nhạc khác nhau trên toàn thế giới và đã được ghi âm hơn 140 năm trở lại đây. "Cánh buồm xa xưa" được sáng tác bởi Sebastián Iradier - một nhà soạn nhạc người dân tộc Basque thuộc Tây Ban Nha sau khi Iradier trở về từ chuyến du lịch Cuba năm 1861. Có lẽ Iradier đã sáng tác "La Paloma" vào khoảng năm 1863, chỉ hai năm trước khi ông từ trần và không kịp nhìn thấy đứa con
tinh thần của mình trở thành một trong những bài hát nổi tiếng nhất thế giới.
Ảnh hưởng của dòng nhạc hanabera của người dân Cuba đối với bài hát đã làm "La Paloma" có những đặc trưng và giai điệu rất riêng biệt. Không lâu sau khi ra đời, "La Paloma" trở nên rất thịnh hành ở México và sau đó lan sang nhiều nước khác trên thế giới. Ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Afghanistan, México, Tây Ban Nha, Hawaii, Philippines, Đức, Rumani, Zanzibar và Goa bài hát trở thành một bài bán dân ca của khu vực đó. Nhiều năm trôi qua, mức độ phổ biến của "La Paloma" cũng trải qua nhiều thăng trầm nhưng nó chưa bao giờ bị quên lãng. Có thể nói "La Paloma" là một trong những bài hát đầu tiên được nhanh chóng phổ biến trên toàn thế giới và lôi cuốn nhiều ca nhạc sĩ thuộc các dòng nhạc khác nhau.
3. Tango du reve - Alfred Hause
Alfred Hause: Sinh ngày 8 tháng 8 năm 1920 tại Ibbenbüren, mất ngày 14 tháng 1 năm 2005 tại Hamburg) là một nghệ sĩ vĩ cầm, nhạc trưởng và Kapellmeister người Đức. "Vua Tango của Đức" đã đóng một vai trò quan trọng trong việc định hướng âm nhạc đại chúng ở Đức sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Ông đã tạo ra "Âm thanh Tango lục địa" huyền thoại của mình. (Sẽ có chương trình triêng về Alfred Hause).
Tổng hợp từ nhiều nguồn trên Internet và sách vở