Một vị tướng trận mạc

Ghi chép – Nhất Chi Mai

31/03/2022 20:36

Theo dõi trên

Từ bao đời nay, mỗi ngọn núi, dòng sông, từng tấc đất thiêng liêng của Tổ Quốc ta đều là những chứng tích đáng ghi nhớ của những chiến công oanh liệt! Thành cổ Quảng Trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng là một địa danh như thế! Nơi đây đã từng diễn ra trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ thị xã - Thành cổ Quảng Trị oai hùng!

dong-ha-quang-tri-1647388687.jpg
 

 

Gần 5 thập kỷ đã trôi qua, mỗi khi nói tới những địa danh trên đất Quảng Trị như Cồn Tiên - Dốc Miếu, Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải sông Ba Lòng, đường mòn Hồ Chí Minh, Đường 9 Khe Sanh, , suối La La, sông Thạch Hãn …lòng mỗi chúng ta không khỏi không bồi hồi xúc động, tưởng nhớ tới biết bao chiến sỹ đã hi sinh anh dũng! Quảng Trị luôn là khúc tráng ca hào hùng của dân tộc, là bức tranh đẫm máu và hoa với bao trận đánh oanh liệt góp phần làm nên kỳ tích chiến thắng, như một tượng đài bi tráng tạc vào lịch sử dân tộc Việt Nam!

Bánh xe thời gian lăn ngược về quá khứ, ấy là khi ta được gặp một nhân vật, một chứng nhân lịch sử, một vị tướng, một người anh hùng chiến trận, người đã từng trải qua 67 trận quyết tử trên đất Quảng Trị anh hùng, đã từng làm quân thù khiếp đảm nhiều phen - Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu!

Chúng tôi lặng đi khi nghe ông kể những câu chuyện chiến đấu thời chiến tranh chống Mỹ ác liệt! Ký ức chiến tranh như sống dậy trong mỗi câu chuyện ông kể. Tôi cảm thấy như được sống lại một thời đạn bom, một thời hào hùng của dân tộc. Những trận đánh diễn ra qua lời kể của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu như một cuốn phim quay chậm…

Đó là khoảng thời gian từ năm 1968 đến mùa xuân năm 1975 (khoảng tám năm với gần ba ngàn ngày) chiến đấu không nghỉ. Nguyễn Huy Hiệu đã cùng đồng đội chiến đấu anh dũng, ngoan cường! Chúng tôi hồi hộp khi nghe vị tướng  trận mạc kể về những chiến dịch mà ông và đồng đội tham gia chiến đấu: Chiến dịch Mậu Thân năm 1968; Chiến dịch Đường 9 Nam Lào năm 1971; Chiến dịch mùa hè đỏ lửa năm 1972 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975. Mỗi chiến dịch gắn liền với bao nhiêu trận đánh; mỗi trận đánh là một câu chuyện bi hùng với hình ảnh của những người chiến sỹ, những đồng đội quả cảm của ông! 

nguyen-huy-hieu-1648733919.jpg
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu 

Tiểu đoàn 3 trung đoàn 27 Triệu Hải anh hùng do Nguyễn Huy Hiệu làm chỉ huy đã chiến đấu anh dũng với kẻ thù giành giật từng tấc đất, từng công sự, từng hố bom, ụ pháo, gốc cây… để chiếm lĩnh mặt trận tạo thế tiến công địch. Những tên lính Mỹ măc áo rằn ri, súng lăm lăm trong tay chỉ trực nã đạn càng làm cho các chiến sỹ ta thêm động lực xông lên chiến đấu. Pháo địch xả như như vãi đạn cày xới mặt đất, khói lửa cuồn cuộn bốc lên ngút trời. Trên trời, hàng trăm chiếc máy bay thi nhau gầm rú, oanh tạc giội hàng trăm nghìn tấn bom, hàng chục nghìn quả pháo từ 105 đến 175 ly xuống trận địa. So sánh lực lượng địch mạnh hơn ta gấp nhiều lần về hỏa lực và phương tiện chiến tranh nhưng ta có ý chí, sức mạnh quật cường của tình đoàn kết dân tộc và mạnh hơn cả đó là tình đồng chí!

Ông bồi hồi xúc động khi nhớ về những người đồng đội đã hi sinh anh dũng. Nước mắt vị tướng già rưng rưng khi ông nghĩ về những trận đánh ác liệt! Những đồng đội của ông đã lần lượt ngã xuống, đạn pháo của kẻ thù có thể khiến họ tan xác hoặc vùi lấp xuống hố sâu. Người chỉ huy với trái tim nhân hậu đã đau đớn nuốt đi những giọt nước mắt đắng chát khi phải cho anh em buộc từng thi thể vào đá, thả ra sông Cam Lộ để cất giấu hôm sau đưa đi mai táng…

Những năm tháng đầy cam go, oanh liệt, đầy sinh tử trên mảnh đất Quảng Trị với ông là những năm tháng hào hùng đáng trân trọng nhất trong cuộc đời mình! Ký ức chiến tranh trong ông là 67 trận đánh ác liệt với kẻ thù. Những địa danh : Núi Hồ Khê, núi Đá Bạc, , suối La La, sông Cam Lộ, Cồn Tiên, Dốc Miếu…luôn in đậm trong trái tim vị tướng - người lính trận mạc những kỷ niệm không thể nào quên! Thật cảm động khi ta đọc từng trang “ Một thời Quảng Trị” của ông, thấy từng dòng tên đồng đội đã anh dũng hi sinh được trang trọng ghi lại một cách cẩn thận cùng với địa chỉ quê hương họ: Trung đội phó Trần Huy Quang quê ở Trung Lân, Thạch Quý, Thạch Hà, Hà Tĩnh; Chiến sỹ Nguyễn Đình Xuân quê Kim Triều, Sơn Phúc, Hương Sơn, Hà Tĩnh; chính trị viên Hoàng Tê quê Nai Đồng, Tam Kỳ, Kim Thành, Hải Dương… Và rất nhiều, rất nhiều những dòng tên đồng đội đã được ông ghi lại. Mỗi chiến sỹ ngã xuống là một dòng đời in dấu trên cuốn “ Biên niên sử” của thượng tướng nguyễn Huy Hiệu. Để đến hôm nay, tôi và các bạn được đọc mỗi dòng trên trang sách đó, lòng vẫn cảm thấy bồi hồi xúc động!

Trung đoàn 27 của mặt trận B5 luôn ở mũi nhọn của cuộc chiến đấu. Bằng tài trí của mình, trung đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu luôn cùng đồng đội chiến đấu dũng cảm, lập được nhiều chiến công giòn giã.Thật xúc động khi nghe ông kể về đồng đội và những trận đánh, chân thực và sống động như đang diễn ra…

Trận Cồn Tiên năm 1967 khi đó ông làm trung đội trưởng, diễn ra ngày 8 tháng 5 là một trận đánh ác liệt! Căn cứ Cồn Tiên là một cứ điểm quan trọng của khu vực bắc Quảng Trị. Địch xây lô cốt bằng bê tông xen lẫn hầm lát những tấm ghi và xếp dày bao cát. Một tiểu đoàn Mỹ và một đại đội pháo 105 ly chốt giữ. Chung quanh giăng chín lớp hàng rào kẽm gai và gài nhiều loại mìn giữa các lớp rào. Bên ngoài đạn pháo bắn liên tục và san phẳng thành một vành đai trắng bao quanh căn cứ”. Trung đội của Nguyễn Huy Hiệu có nhiệm vụ là tiếp cận căn cứ, vây ép và uy hiếp quân địch . Ông táo bạo cùng 15 chiến sỹ vượt qua vành đai trắng - ông kể : “Chúng tôi luồn sâu vào hàng rào thứ 5, vừa bò vừa thận trọng gỡ mìn. Rất may là có dù pháo sáng của địch bắn ra và dù từ máy bay thả xuống, gần như phủ kín các hang rào kẽm gai. Không có cách ngụy trang nào lợi hơn thế. Chúng tôi đào hầm cho đất vào ba lô đổ rải quanh những hố pháo, hố bom địch vừa bắn gần đó. Dưới mỗi cánh dù đào một cái hầm hàm ếch. Anh em lấy hòm gỗ do máy bay địch thả xuống ghép lại thành những căn hầm kiên cố đủ cho ba người nằm. Đêm đến các chiến sỹ luồn ra dùng mìn tập kích vừa tiêu diệt vừa gây tiếng nổ uy hiếp quân địch. Chúng tôi dùng bộc phá ống phá rào để địch tưởng quân ta từ ngoài tấn công vào. Cách đánh du kích nghi binh ấy khiến cho quân địch rất hoang mang…”.

Suốt 52 ngày như vậy đói khát gian khổ nhưng các chiến sỹ ta đã làm cho quân giặc ở Cồn Tiên ăn không ngon ngủ không yên, tinh thần chúng bạc nhược. Khi được lệnh rút quân, trên đường gặp cụm bộ binh cơ giới Mỹ, Trung đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu đã ra lệnh tiến công diệt 2 xe bọc thép M113 và một tiểu đội Mỹ. Với những mưu lược, tài năng quân sự và sự quả cảm, vị tướng Nguyễn Huy Hiệu luôn cùng đồng đội lập được những chiến công bất ngờ, ngoài trí tưởng tượng… Chúng tôi thầm cảm phục tài năng quân sự của ông qua những câu chuyện kể hết sức chân thực mà ở đó luôn hiện lên hình ảnh những người đồng đội quả cảm của ông. Vị tướng tài giỏi ấy không nói về mình với những chiến công mà nói nhiều về đồng đội với sự khâm phục và tình yêu thương vô hạn! Họ đã cùng ông và đồng đội đồng lòng hợp sức chiến đấu, chia sẻ biết bao gian khó và  hy sinh! Tôi thực sự xúc động khi nghe ông kể về một trong vô vàn đồng chí đã hy sinh anh dũng:

Anh hùng liệt sỹ Cao Như Thiêm!

cao-nhu-thiem-1648734064.jpg
Di ảnh AHLS Cao Như Thiêm.

 Quê anh ở Tùng Lâm, Diễn Tháp, Diễn Châu, Nghệ An. Đó là trận Cồn Tiên. Tổ chiến đấu của anh Thiêm chỉ còn có ba người quần nhau với một trung đội Mỹ. Sau một hồi chiến đấu quả cảm, hai chiến sỹ đã anh dũng hy sinh, chỉ còn lại một mình anh Thiêm. Bọn địch đã phát hiện chỉ còn một tay súng của anh nên tụ lại mỗi lúc một đông. Anh vẫn bình tĩnh yên lặng đợi bọn chúng xông vào thật gần… Anh nổ súng diệt nhiều tên. Bọn giặc xông lên như kiến vừa phóng lựu đạn vừa bắn đại liên tới tấp. Anh bị thương rất nhiều… Anh đã bắn tới viên đạn cuối cùng! Bọn lính Mỹ ào tới như lũ khát máu. Chúng đánh anh điên cuồng! Cao Như Thiêm nén đau im lặng! Bọn giặc hết đánh lại dụ dỗ anh. Anh một mực im lặng! Bỗng tiếng súng của quân ta nổ ran! Bọn địch hoảng sợ kéo anh đi. Máu anh  rỏ thấm đất nhưng nét mặt anh vẫn bình thản. Biết chúng sẽ bắn mình, người chiến sỹ kiên trung ấy đã ráng sức dựa lưng vào cây đa, thẳng người hướng về phía bắc hô lớn:

Việt Nam nhất định thắng!

Hồ Chí Minh muôn năm!

Sau trận đánh, đồng đội đi tìm anh. Bên gốc đa, người anh đầm đìa máu. Tất cả nghiêng mình trước người chiến sỹ ưu tú của trung đoàn 27, người con của Nghệ An đã hy sinh anh dũng!

Đôi mắt người lính già mờ đi trong ký ức rưng rưng khi nhớ về đồng đội, những người lính đã từng sinh tử cùng ông, họ đã ra đi như thế!

Và, có biết bao nhiêu những khoảnh khắc đau thương, bi tráng như vậy trên dọc chiến hào đánh Mỹ qua 67 trận đánh mà ông và đồng đội đã đi qua! Trái tim vị tướng trận mạc đã bao lần rỉ máu xót thương đồng đội (?) Và có lẽ cứ mỗi lần như vậy là một lần hun đúc thêm tinh thần chiến đấu cho ông và các chiến sỹ quyết tâm chiến đấu,  không quản hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước!

Để rồi, sau đó, khi chiến tranh đã đi qua, vị tướng nhân hậu này đã tự tay trồng rất nhiều cây xanh, trong những nghĩa trang, những đền thờ liệt sĩ và cả nơi chiến trường xưa... Tôi thực sự xúc động khi nghĩ tới những bóng mát của ba trăm sáu bảy cây xanh ông đã trồng… Những tán cây sẽ tỏa bóng mát xuống linh hồn của những người đồng đội đã khuất và tỏa xuống cuộc đời của những người đang sống những giá trị nhân văn muôn đời bất diệt!

 

NCM - Hội viên Hội VHNT Hưng Yên

 

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Một vị tướng trận mạc" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn