Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc (phần 18)

Như tất cả các cuộc chiến tranh khác, thời hậu chiến ở Việt Nam đặt ra nhiều vấn đề phải suy nghĩ đối với âm nhạc. Sau khúc khải hoàn, phải lắng lại với những thực tế mới nảy sinh.
bia-ngan-vang-mai-giai-dieu-to-quoc-1660572196.jpg
 

Sau Đại thắng mùa xuân năm 1975, “đất nước trọn niềm vui”, và thế là toàn dân ta trào dâng niềm vui trong Bài ca thống nhất (Võ Văn Di):

“Biển trời bao la đẹp như gấm hoa, nước mây muôn màu

Những con tàu ra Bắc vào Nam, biển trời quê ta rộn vang tiếng ca

Bắc Nam một nhà, vui một nhà vang tiếng hò khoan.

 

Dô… khoan... là khoan dô hò… là khoan dô khoan

Trời tỏa nắng, nắng lan núi ngàn, một mùa Đông giá băng vừa tan

Bạn mình ơi đón vui Xuân về, hân hoan…

Biển trời Xuân sang Bắc Nam sum họp, một nhà đông vui huy hoàng…

Biển trời Xuân sang, con chim reo mừng trở về quê hương mến thương…

Ôi… Khải hoàn ta ca, ta gạt mái chèo tự do ra khơi tự do vô lộng

Đời tự do gió Xuân về, đời tự do gió Xuân về.

Người Việt Nam đón Xuân xây đời tương lai…

Dô… khoan là khoan dô hò…là khoan dô khoan

Trời Việt Nam gió reo nắng cười, đàn bồ câu tắm trong vàng tươi,

 

Biển trời quê ta bao năm chia rời, cuộc đời chia đôi nơi phương trời…

Biển trời quê ta nay chung một nhà, thỏa lòng bao năm ước mơ…

Ôi... Biển trời bao la đã sạch bóng thù, từ Bắc vô Nam cờ sao tưng bừng

Người Việt Nam đón Xuân về, Người Việt Nam đón Xuân về

Người Việt Nam đón Xuân về...”

Bài hát dựa trên chất liệu dân ca, nhịp điệu dàn trải, giai điệu ngọt ngào, xúc cảm điềm tĩnh, có chiều sâu, có sức khái quát cao, nói lên niềm vui của một dân tộc đã trải qua muôn vàn đắng cay để đi tới ngày nối liền một giải giang san, đón mùa xuân mới. Nếu nói những bài hát về sự chia cắt đất nước là khúc mở đầu bi tráng, thì “Bài ca thống nhất” là phần kết thúc có hậu của một bản đại giao hưởng về khát vọng thống nhất non sông của chúng ta.

Bài hát Tàu anh qua núi của nhạc sĩ Phan Lạc Hoa được sáng tác vào năm 1978, khi đường sắt Thống nhất đã nối liền Bắc – Nam. Một nhịp điệu hối hả, rộn rã đem lại cảm xúc hân hoan, thể hiện niềm vui khi ý chí thống nhất đất nước đã được cụ thể hóa thành con đường xuyên Việt: 

 “1. Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay

Qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi

Nhớ khi xưa qua đèo qua suối

Mà lòng ta mơ tàu qua núi cao.

 

Ngày hôm nay thênh thang con đường lớn

Tàu anh đi trong yêu thương chào đón,

Xao xuyến bao niềm vui, tha thiết con tàu đi

Là thương nhau cho con tàu qua đèo qua núi

Là yêu nhau mấy suối ta cũng lội

Là yêu nhau mấy núi ta cũng trèo.

2. Con tàu Việt Nam đi suốt bốn mùa vui

Qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi

Nhớ thương nhau em chờ anh tới

Mà tàu anh đi vượt qua núi cao.

 

Trời quê hương trong xanh như lời hát

Biển quê hương ru êm êm bờ cát

Đưa chúng ta cùng đi ra Bắc hay về Nam

Là thương nhau em bắc cầu cho tàu anh tới

Là yêu nhau mấy suối ta cũng lội

Là yêu nhau mấy núi ta cũng trèo

Là yêu nhau mấy núi ta cũng trèo.”

Nghệ sĩ Thanh Hoa là người đầu tiên hát bài “Tàu anh qua núi”. Từ đó, suốt mấy chục năm ròng, đi tới đâu Thanh Hoa cũng được yêu cầu hát bài này. Sở dĩ “Tàu anh qua núi” có sức sống lâu bền trong đời sống và gắn bó với Thanh Hoa như vậy, có thể vì những lẽ như sau: Về tác phẩm, đó là một bài hát hay, mới lạ, có hơi thở thời đại trong từng ca từ, giai diệu, tiết tấu. Về người thể hiện, do đã từng tham gia phục vụ ở chiến trường, khao khát hòa bình, đoàn tụ, Thanh Hoa hiểu được ý nghĩa của bài hát, có cảm xúc mạnh mẽ, truyền tải trọn vẹn tinh thần, thông điệp mà tác giả gửi gắm trong đó tới công chúng.

Tôi cũng nhớ đến một ca khúc viết về ngày thống nhất đất nước với một bút pháp khác lạ, thể hiện niềm vui trầm lắng của một người từng trải, niềm vui không dào dạt dâng trào, mà lăn tăn sóng gợn, thăm thẳm suy tư; đó là bài Mùa xuân đầu tiên, ca khúc cuối cùng của nhạc sĩ Văn Cao:

“Rồi dặt dìu mùa Xuân theo én về

Mùa bình thường mùa vui nay đã về

Mùa Xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên

Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông

Một trưa nắng cho bao tâm hồn.

 

Rồi dặt dìu mùa Xuân theo én về

Người mẹ nhìn đàn con nay đã về

Mùa Xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên

Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh

Niềm vui phút giây như đang long lanh.

 

Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong Xuân vui đầu tiên.

Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm.

Từ đây người biết quê người

Từ đây người biết thương người

Từ đây người biết yêu người.

 

Giờ dặt dìu mùa Xuân theo én về

Mùa bình thường, mùa vui nay đã về.

Mùa Xuân mơ ước ấy xưa có về đâu

Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông

Một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông.”

Bài hát viết ở cung Sol thứ, thường là để diễn tả nỗi buồn, ở đây lại diễn tả niềm vui, miên man trong nhịp điệu dập dìu 6/8, khiến tôi ngỡ ngàng. Mà lạ nhất, là bài hát này tôi được nghe lần đầu do tốp ca nữ Trung tâm Triển lãm Vân hồ, những ca sĩ không chuyên, trình diễn trong một buổi liên hoan văn nghệ của cơ quan tôi, vậy mà tôi bị cuốn hút vào bài hát theo từng nốt nhạc, lời ca. Là người từng tham gia cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, tôi cảm nhận sâu sắc ý tứ của bài hát này. Niềm vui ngày hôm nay có được, là từ máu xương biết bao con người phải đổ xuống, là niềm khát khao dài dặc mấy chục năm trời, cho nên trong niềm vui ấy có nước mắt, có hoài niệm, có thương đau. Phải là người từng trải như Văn Cao mới có thể viết nên một ca khúc tinh tế, có chiều sâu thăm thẳm như vậy. Nếu như Quốc ca do ông sáng tác khiến người người phải đứng nghiêm chào lá Quốc kỳ, nếu như Thiên thai mà ông viết từ thời trai trẻ đưa mọi người phiêu du vào cõi tiên đầy thơ mộng, nếu như trường ca Sông Lô của ông dẫn dắt mọi người tới chiến khu Việt Bắc để chiêm ngưỡng cảnh đẹp linh thiêng của đất nước rồi bừng lên niềm tự hào với chiến thắng của quân dân ta chống quân xâm lược, thì “Mùa xuân đầu tiên” hồi sinh tất cả để mọi người được trở lại cái thủa ban đầu, gặp lại mùa xuân “bình thường”, với làn khói bay, tiếng gà gáy, tia nắng mênh mông... những gì bình dị nhưng đó là cuộc sống mà con người hằng mong ước. Bài hát “Mùa xuân đầu tiên” đã nói lên khát vọng của cả dân tộc ta, dù phải cầm súng chiến đấu, nhưng luôn luôn khao khát hòa bình, khao khát một cuộc sống êm đềm, bình dị.

Chiến tranh qua đi, đất nước bước vào thời kỳ hòa bình xây dựng. Bao nhiêu vấn đề đặt ra. Không phải chỉ xây dựng cơ sở vật chất, mà quan trọng, là, cùng với đó, cần xây dựng đời sống tinh thần của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Như tất cả các cuộc chiến tranh khác, thời hậu chiến đặt ra nhiều vấn đề phải suy nghĩ đối với âm nhạc. Sau khúc khải hoàn, phải lắng lại với những thực tế mới nảy sinh. Có một bài hát Nga về thời hậu chiến mà tôi vẫn nhớ, đó là  Giờ này anh về đâu?  nói về cảnh người lính trở về sau chiến tranh, gia đình không còn, và đồng đội mời anh về sống ở quê hương mình.

Bài hát thắm thiết tình đồng đội, nhưng nỗi buồn cứ phảng phất, không khỏa lấp được. Ở Việt Nam, sau chiến tranh chống Pháp, có bài hát Mời anh đến thăm quê tôi, của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, qua giọng hát của nghệ sĩ Quốc Hương, thể hiện tinh thần lạc quan của người lính, con người suốt thời gian chinh chiến chỉ khao khát được trở về quê lao động yên bình:

“Màn đêm xuống không trăng sao lòng tôi nhớ tới hôm nào

Từ biệt làng đi chiến đấu diệt đồn giặc dưới ánh trăng sao

Qua chín năm xông pha đời vui tiếng hát câu hò

Trở về làng tôi vẫn nhớ đời bộ đội quen với gian lao.

 

Xóm quê tôi bên bờ sông Hồng đò xưa về bến cũ

Khắp thôn trang đang tưng bừng nô nức khắp cánh đồng

Đến nay mai đây thành nông trường đời vui lên phơi phới

Chín năm qua bên bờ chiến hào thường mơ về quê hương

 

Mời anh đến thăm quê tôi đồng xanh bát ngát chân trời

Ngày được mùa bao cô gái ngồi đệt lụa dưới ánh trăng khuya

Mời anh đến thăm quê tôi chiều nghe tiếng sáo lưng trời

Bà mẹ già đang ru cháu một đời người nay mới thấy tương lai

Một đời người nay mới thấy tương lai...”

Bài hát nói lên được nỗi khao khát của nhân dân ta - khao khát hòa bình, khao khát xây dựng, và lạc quan, tin ở tương lai.