Được làm từ những búp trà Shan tuyết cổ thụ có tuổi đời trên 200 năm, trà Lam gác bếp làm say lòng biết bao du khách khi đặt chân tới Hà Giang.
Từ miền cực Bắc xa xôi những ống trà lam đã lan tỏa đến nhiều nơi, để từ đó thưởng thức vị trà cổ độc đáo này không chỉ là nét đẹp trong ngày Xuân của người vùng cao mà còn là trải nghiệm mới mẻ của người dân trên khắp mọi miền.
Ngược về quá khứ
Trà ống lam có từ thời khai đất lập bản được những bậc cao nhân già làng đầu tiên chế trà gác trên bếp lửa. Đây là phương pháp giúp người Dao bảo quản trà được lâu hơn bởi thời tiết trên núi cao hết sức khắc nghiệt, giúp trà giữ được hương vị thơm ngon độc đáo nhất.
Năm tháng trôi qua cách làm trà này đã mai một theo thời gian, gần như thất truyền trong nhiều năm.
Có một khu chè cổ mà người Cao Bồ gọi đó là khu rừng thiêng Lâm Ly nằm tựa lưng vào núi, trước mặt là 2 thôn Lùng Tao và Tham Vè như án ngữ che trở cho bản làng - nơi đó đã từng tồn tại những cây chè cổ thụ có đường kính lên đến hàng trăm cm. Khu vực rộng lớn dưới chân núi Tây Côn Lĩnh được những người Hoa nhận ra tiềm năng lớn bởi đó là nguồn nguyên liệu quý báu mà theo họ đánh giá là không nơi đâu có được.
Những thu thập lịch sử sót lại cho thấy vào khoảng trước những năm 1945 một thương nhân người Hoa đã vào Hà Giang đặt vấn đề với một thương nhân khác để thu mua chè của người dân. Hoạt động giao thương sau đó diễn ra mạnh mẽ với các sản phẩm thu mua chủ yếu là chè khô làm nguyên liệu để đưa về nước.
Gìn giữ “sản vật” tinh hoa nơi địa đầu Tổ quốc
Nhiều đời nay những búp trà quý của núi rừng với sự tinh khôi và nội chất dồi dào được người dân bản địa trân quý như những hạt ngọc của trời. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Vùng đất này chứng kiến những cây chè khổng lồ nhất của núi rừng đã chìm vào dĩ vãng như quy luật bất biến của thời gian.
Được thiên nhiên ban tặng khí hậu mát mẻ quanh năm cùng thổ nhưỡng đất đai màu mỡ nên Hà Giang từ lâu đã trở thành vương quốc của những cây chè Shan tuyết. Trà cổ sống bền bỉ. Bén rễ cắm sâu xuống lòng đất hút dưỡng chất để sinh sôi và phát triển. Đặc biệt vùng cổ trà Tây Côn Lĩnh có những con thác lớn giữa rừng sâu, trong sạch, tinh khiết, là mạch nguồn quý báu để hình thành những cây trà khỏe mạnh, tinh khôi, rất có lợi cho sức khỏe con người.
Để làm ra những ống trà gác bếp thơm ngon, người Dao đã sử dụng những ống nứa có độ dày vừa phải. Rồi đem đi làm sạch và phơi khô dưới nắng để khử khuẩn. Chè sau khi thu hái sẽ được làm khô bằng cách xao trên lửa nhỏ. Vò chè thủ công bằng tay. Chọn những ống nứa tươi dài khoảng 20 - 30 cm để nhồi các búp chè đã ủ vào ống, nhồi làm sao cho lá chè tạo thành từng lớp đan xen nhau trong ống và không bị gãy vụn, Rồi dùng đũa nén chặt vào ống nứa đã hơ qua lửa, dùng lá trà tươi để nút lại đầu ống và gác lên bếp bắt đầu một quá trình thẩm thấu để tạo nên vị trà thượng hạng.
Quá trình hong trà trong ống lam gác trên bếp phải có nhiều than hồng nóng rực, để khi thành phẩm sẽ được ống trà ngon và chắc, khi cầm không bở ra. Chén trà khi pha, rót ra sẽ có màu vàng đậm sánh, hương thơm của trà vương chút mùi khói bếp, quện mùi hương ống nứa, để lại dư vị đậm đà, lưu trong khoang miệng. Không chỉ là nét văn hoá đặc trưng của đồng bào miền núi mà mùi vị trong trà ống lam rất thơm thảo như gói gém hương vị núi rừng, bản làng và con người vùng cao trong đó.
Phương pháp chế biến được các nghệ nhân truyền từ đời này qua đời khác. Tưởng chừng trà Lam bị lãng quên và không còn được làm phổ biến nhưng ngày nay lớp trẻ ở Cao Bồ đã khôi phục lại cách làm này. Cùng nhiều vị trà quý khác người dân nơi đây đã coi trà Lam như một phần của cuộc sống, sản phẩm làm ra ngày càng được sự đón nhận của xã hội.
Trải qua nhiều năm gìn giữ và phát triển, đến nay trà Lam gác bếp của người Dao áo dài tại Hà Giang đã trở thành một trong những loại trà đặc sản và cao cấp nhất. Việc khôi phục còn tạo điều kiện cho người dân địa phương nâng cao chất lượng cuộc sống, đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, phát triển kinh tế bền vững ở địa phương.
Hơn nữa còn lan tỏa các giá trị văn hoá bản địa giúp thương hiệu chè Shan Tuyết cổ thụ vươn xa hơn nữa trên thị trường trong nước và quốc tế.
Xuân về bên chén trà Lam
Người Dao không bao giờ tách rừng, sống hòa hợp với thiên nhiên, coi rừng là nơi trú ngụ đầu tiên và cuối cùng của một đời người. Người Dao cư trú quanh dãy núi Tây Côn Lĩnh đều chịu sự ảnh hưởng của tín ngưỡng đa thần, họ cho rằng mọi sự vật đều có linh hồn và niềm tin trên thế gian tồn tại các vị thần phù trợ trong nông nghiệp và cuộc sống như thần mưa, thần gió, thần đất, thần cai quản lúa gạo…
Vì vậy thường thực hiện các lễ cúng mang màu sắc nông nghiệp. Và một trong những nghi lễ quan trọng được cử hành vào dịp tết đó là lễ cũng rừng. Cũng như nhiều các địa phương khác ở xã Cao Bồ người Dao thực hiện nghi lễ cúng rừng và thời điểm đầu năm mới, ở nghi lễ đó người Dao cầu cho một vụ mới được mưa thuận gió hoà cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu, ước mong về một cuộc sống no đủ, vạn vật sinh sôi nảy nở, bản làng phát triển.
Cùng nhau thưởng thức trà trong niềm hân hoan chào đón năm mới là dịp ngồi lại nói những câu chuyện sau 1 năm lao động vất vả, hăng say của bà con. Đất trời Tây Côn Lĩnh mùa xuân ngàn hoa khoe sắc. Nụ đào phai ẩn mình suốt mùa băng giá đã bung nở dưới nắng xuân dịu dàng, ẩn hiện thấp thoáng sau làn khói bếp là những nếp nhà điệp trùng của mỗi bản làng người Dao.
Mùa Xuân người Dao thường rủ nhau ngồi tụm lại trên những phiến đá cao đầu làng, đốt một đống lửa và không quên đem theo ống trà quý ngồi quây quần nhìn trai gái chẩy hội. Mùa Xuân về cũng là lúc người Dao áo dài nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Trai gái xúng xính trong những bộ trang phục đẹp nhất, lộng lẫy nhất chơi Xuân trên khắp nẻo đường.
Trà mang đến sự ấm áp ngày xuân, xua đi băng giá trên mỗi bản làng, là linh hồn để bắt đầu và kết thuốc mỗi câu chuyện, ngày tết đến mỗi gia đình người Dao nơi đây chén trà như thay lời cảm ơn khách đến chúc tết, rồi chén rượu nồng đã say giữa chủ và khách họ lại mời nhau lên bàn trà, cuối buổi cũng chén trà ấy cảm tạ tiễn chân nhau. Ngày tết ở đây có thể thiều nhiều thứ khác nhưng trà thì không.
Trà Shan Tuyết là di sản vô giá với người Dao dưới chân núi Tây Côn Lĩnh, có đến cả 10 đời nay, cây trà gắn liền với các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng và đời sống vật chất. Mỗi người dân sinh ra và lớn lên đã thấy cây trà đứng trập trùng giữa mây núi. Trà shan cổ mang đậm dấu ấn của thời gian với hương vị độc đáo như ẩn chứa tình cảm sâu đậm của con người vùng cao, Trà đã làm thay đổi bộ mặt vùng đất này, Đặc biệt đã trở thành báu vật linh thiêng mang ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống cộng đồng.
Hơn tất cả chúng ta dành sự tôn vinh lớn lao nhất dành cho những con người giản dị và thầm lặng. Họ là những người đóng góp, gìn giữ và bảo vệ những báu vật của núi rừng để hương vị trà Shan cổ là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của con người nơi đây.