Nghỉ đẻ sao vẫn cứ đẻ

Phạm Văn Tình

28/09/2021 20:59

Theo dõi trên

“Mẹ ơi! Sao mẹ nói cơ quan cho phép mẹ nghỉ đẻ rồi mà hôm nay mẹ lại sinh em bé nữa là thế nào?”.

phu-nu-mang-thai-1632835502.jpg
Ảnh internet

Một bà mẹ trẻ bật cười về câu hỏi ngộ nghĩnh mà theo bà là “Đúng là đầu óc trẻ con ngốc nghếch, chỉ hỏi ngớ ngẩn”. Nhưng cô bé kia đâu có hỏi một cách vớ vẩn? Dù ở lứa tuổi mới lớn đang trong quá trình thụ đắc tiếng mẹ đẻ nhưng lí lẽ của bé (theo trực quan) là rất logic: nghỉ + đẻ = không đẻ. Nó hoàn toàn giống các cấu trúc tương tự: nghỉ kiểm kê = không kiểm kê = bán hàng; nghỉ ốm = không ốm = sức khoẻ bình thường (phải đi làm);…

Người ta còn áp dụng nguyên lí “phủ định của phủ định” để đưa ra các suy luận ngữ nghĩa mang màu sắc nguỵ biện: cấm không được hút thuốc = không (cấm) + không (không được) + hút thuốc, có nghĩa là “được hút thuốc”. Cũng như vậy, cấm không đi ngược chiều tức là “cứ việc đi ngược chiều”; v. v.

Chúng ta biết, logic của ngôn ngữ tự nhiên có quy luật riêng của nó. Logic của ngôn ngữ đương nhiên được xây dựng trên nền logic của tư duy nhưng nó không hoàn toàn đồng nhất với logic tư duy. Nếu áp dụng cơ chế suy luận máy móc thì ngôn ngữ nào cũng dễ dàng tìm ra nhiều cấu trúc nghe “vô lí ầm ầm”. GS Nguyễn Đức Dân từng dẫn ra một cấu trúc câu đơn giản của tiếng Nga mơ hồ có tới 16 cách hiểu.

Vì vậy, nếu chia cắt các ngữ đoạn hoặc tách rời chúng ra khỏi bối cảnh phát ngôn thì ta có thể bắt bẻ khá nhiều đấy (có khi bắt bẻ cả ngày!). Chẳng hạn: Mẹ ơi, con ăn thìa chứ không ăn đũa đâu? (Ai ăn được thìa (nhôm) và ăn được đũa (tre) cơ chứ? Ý của cô bé là “ăn bằng thìa”…); Chị xanh quá, ngày mai nhớ đi khám bác sĩ đi! (Đi để bác sĩ khám chứ ai đi để khám (cho) bác sĩ ?); Nó cứ thi lên thi xuống mà chẳng đỗ (Trên đời này người ta chỉ thi lên chứ ai thi xuống?); v.v.

Viết bài này, tôi nhớ trước đây, có khá nhiều ý kiến trên báo phê phán quyết liệt việc các cửa hiệu chế biến lương thực trưng biển Xay bột trẻ em. Họ kêu là “Sao mà tuỳ tiện, vô tâm thế? Viết vậy làm người đọc hình dung ra là chúng ta dã man quá. Mang cả trẻ em ra xay thành bột”. Chúng ta biết, với nhà hàng (và cả khách hàng), người ta đều có sự phân biệt: bột (dành cho) trẻ em khác với bột làm bánh, bột gia súc, bột ngô, bột gạo,… Và việc chủ nhà hàng ghi là: xay bột ngô, xay bột gia súc, xay bột khô, xay bột ướt…cũng nằm trong hệ thống định danh ngữ nghĩa như ghi xay bột trẻ em.

Tôi tin là không có một người Việt có trình độ ngôn ngữ bình thường đã quen với bối cảnh giao tiếp bình thường lại tỏ ra ngạc nhiên, hốt hoảng khi thấy tấm biển Xay bột trẻ em giữa chợ này (mà cũng chỉ có người đưa ví dụ để phê phán chứ thực tế ít khi thấy). Mặc dù là phải thừa nhận rằng, đây là cấu trúc “có vấn đề” nếu ta dừng lại phân tích theo một cách hiểu có thể làm lệch ngữ nghĩa. Nhưng đấy chỉ là “sự cố ngôn từ” xét từ góc độ cấu trúc thôi. Nó có thể dẫn đến hiệu ứng “ngôn ngữ văn hoá” mà ta cần cân nhắc.

Có nhiều trường hợp, để tăng khả năng tổ hợp trong cấu trúc định danh và để tiết kiệm ngôn từ, người nói có thể tỉnh lược đi những yếu tố mà vẫn giữ được nét nghĩa cơ bản. Vì thế, đôi khi có những kết hợp bình thường nhưng lại rất bất bình thường: sữa các cụ (sữa bán cho các cụ già), thịt sản phụ (quầy thịt dành cho sản phụ), ruột non bà Hồng (đặc sản ruột non lòng lợn của bà Hồng), chim ông Lực (chim cảnh nhà ông Lực),…Vấn đề là người nghe có nhầm lẫn hay cố tình thực hiện một phép quy chiếu sai sở chỉ (reference) hay không (Ông hỏi gà bà cố tình trả lời vịt). Dân gian vẫn truyền tụng câu chuyện Thi thả chim của các cụ với một cách kể hết sức vui nhộn, bởi căn cứ vào ngôn từ (chim các cụ, chim to, chim nhỏ, Các cháu không được nghịch chim các cụ, Khi nào đánh trống xong các cụ mới được “cởi chuồng”,…) người ta có thể thực hiện một cách liên tưởng khác hẳn.

Và trong một cuộc họp nọ, cử toạ đã vỗ tay cười nghiêng ngả khi một đại biểu nói: “Chị Chủ tịch Hội phụ nữ đã đứng dậy, vạch ra và chỉ rõ những chỗ cần xem xét…”.

Ngôn ngữ tự nhiên rõ ràng có cái lí riêng. Chính cơ chế hành chức của hệ thống ngôn ngữ làm cho người nói nhận ra giá trị đích thực của các cấu trúc trong phát ngôn (mà nhiều trường hợp ta có thể suy luận đa nghĩa). Âu cũng là biểu hiện sự phức tạp của ngôn từ. Và đó cũng chính là nhân tố làm nên cái hay, cái thú vị của chữ nghĩa (Nếu không thì những nhà ngôn ngữ học sẽ thất nghiệp mất thôi).

Bạn đang đọc bài viết "Nghỉ đẻ sao vẫn cứ đẻ" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn