Chặng đường 67 năm qua, nhất là hơn 2 năm nay trong cuộc chiến phòng chống đại dịch CoVid 19, những hình ảnh cao đẹp “chiến sĩ áo trắng” của ngành y được ngợi ca đầy cảm xúc, khiến bao người rơi lệ. Bởi cuộc chiến lần này hoàn toàn khác với các cuộc chiến trong lịch sử, đại dịch CoVid 19 mang tính toàn cầu, không phải là “kẻ thù” hữu hình, tàn phá bằng bom đạn mà là “kẻ thù” vô hình, giết người hàng loạt, không chừa một ai, lây lan khắp châu lục. Trong cuộc chiến này, ngành y tế với đội ngũ các y, bác sĩ, nhân viên đang giữ vai trò nòng cốt, xung kích đi đầu và đối mặt trực tiếp với hiểm nguy, vô cùng gian khó, ngày đêm bảo vệ tính mạng cho nhân dân.
Nguy hiểm là vậy, gian khó là vậy nhưng những “ chiến sĩ áo trắng” của đất nước hình chữ S bên bờ biển Đông, những chiến sĩ ở tuyến đầu của trận chiến chống đại dịch CoVid 19 vẫn luôn nêu cao ý chí, bản lĩnh, kiên cường, ngày đêm động viên, chăm sóc, bảo vệ tính mạng của bệnh nhân và đồng bào cả nước. Khi dịch CoVid 19 đợt 4 bùng phát từ tháng cuối tháng 4/2021 đến nay, cả nước có lúc hướng về vùng tâm dịch phía Bắc là Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang… rồi TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam... Thế và lực của đất nước ta nay đã khác trước. Lập tức “Đoàn quân Nam tiến” gồm hàng chục nghìn y bác sĩ quân, dân y không phải hành quan bộ “xẻ dọc Trường Sơn” hàng tháng trời như trước mà được không vận tức thì từ các tỉnh phía Bắc chi viện kịp thời cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch CoVid 19 với biến chủng Delta lây lan nhanh và nay là biến chủng Omicron. Cả đất nước bước vào thử thách cam go chưa từng thấy.
Từ những kinh nghiệm của bao cuộc chiến trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước oanh liệt, hào hùng của dân tộc, nhất là thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân ta cùng một ý chí, đoàn kết một lòng tạo nên sức mạnh tổng hợp chiến thắng nhiều kẻ thù hung bạo mà lần này là đại dịch CoVid 19 chưa có tiền lệ, mang tính toàn cầu. Đảng và Nhà nước ta đã xác định ngay từ đầu “Chống dịch như chống giặc”, “Có thể hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để chăm sóc, bảo vệ sức, tính mạng người dân”là trên hết và trước hết. Đồng hành với những “ chiến sĩ áo trắng”, những chiến sĩ quân đội, công an, cán bộ cơ sở tại chỗ đi từng ngõ, gõ từng nhà, khẩn trương giúp cán bộ y tế truy vết, rà soát các đối tượng nghi nhiễm CoVid19 để khoanh vùng dập dịch, khẩn trương tiêm chủng phòng dịch bao phủ toàn dân chưa từng có trong lịch sử vì sự an toàn tính mạng cho gần 100 triệu người dân nước Việt. Rõ ràng hệ thống chính trị của Việt Nam thích ứng, hiệu quả trong phòng chống đại dịch CoVid 19. Hình ảnh cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết cho những nơi bị cách ly, giúp “giải cứu nông sản” cho vùng tâm dịch Bắc Giang, Hải Dương, miền Trung và đồng bằng Sông Cửu Long đã gây xúc động mạnh về tình nghĩa đồng bào mỗi khi gặp hoạn nạn, không ai bị bỏ lại phía sau. Mỗi một thông tin bệnh nhân CoVid 19 khỏi bệnh, xuất viện, mỗi một khu dân cư được dỡ bỏ phong tỏa, cách ly trở lại cuộc sống thường nhật là niềm vui của người dân cả nước lại vỡ òa.
Qua cuộc chiến cam go này, niềm tin của nhân dân và bạn bè quốc tế vào “những chiến sĩ áo trắng” được gây dựng lại và đáng trân quý. Truyền thống nhân ái của người Việt Nam "Lá lành đùm lá rách", “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “Tối lửa tắt đèn có nhau” tiếp tục được nhân lên.
Có thể nói trong cuộc chiến cam go này, phẩm chất tốt đẹp của những “chiến sĩ áo trắng” là không thể phủ nhận được, là một trong những đỉnh cao “nhân ái Việt Nam” tiếp tục lan tỏa, thêm tin, yêu đất nước.
Thế nhưng đối diện với “đỉnh cao” về phẩm chất tốt đẹp của những “chiến sĩ áo trắng” tỏa sáng, hết lòng chăm sóc sức khỏe nhân dân là “vực sâu” chôn vùi “những con sâu làm rầu nồi canh” trong ngành y ngay trong cuộc chiến chống dịch CoVid 19. Trong khi cả nước đoàn kết gồng mình chống dịch theo lới kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì vẫn có những kẻ lợi dụng khó khăn này nâng giá kít xét nghiệm CoVid 19 để trục lợi, gây bức xúc dư luận xã hội. Bộ Công an đã vào cuộc khởi tố vụ án vi phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; đưa hối lộ; nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Việt Á do bị can Phan Quốc Việt làm Chủ tịch và các đơn vị, địa phương liên quan. Đến thời điểm này, 5 Giám đốc CDC của các tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Bắc Giang, Bình Dương và Hải Dương đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về những sai phạm liên quan đến mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế gây thiệt hại cho tài sản nhà nước liên quan đến Công ty Việt Á. Chắc chắn, đây chưa phải là con số cuối cùng. Bởi các bị can bước đầu khai nhận đã chi số tiền trên 800 tỷ đồng để "bôi trơn" cho các cán bộ, lãnh đạo ở nhiều địa phương. Bản chất hành vi "bôi trơn" là hành vi đưa hối lộ, cấu kết với nhau để làm trái quy định của nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng.
Đáng lưu ý, trước khi bị bắt, ít nhất 3 vị đều quả quyết “bản thân không có bất cứ liên quan nào tới Việt Á”. Gần đây nhất, ông Hoàng Văn Đức, Giám đốc CDC Thừa Thiên-Huế khẳng định khi trả lời báo chí "Công ty Việt Á cho tôi dù một ly cà phê tôi đi tù cũng xứng đáng!”. Trước ông Hoàng Văn Đức, Giám đốc CDC Nghệ An Nguyễn Văn Định, Giám đốc CDC Bắc Giang Lâm Văn Tuấn cũng khẳng định không nhận quà hay hoa hồng từ Việt Á.
Nói về vụ việc xảy ra ở Công ty Việt Á, ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII trao đổi với phóng viên VOV.VN ngày 23/2/2022 cho rằng: “Tin chắc rằng, không chỉ có các Giám đốc CDC, không chỉ có Việt Á, mà còn có người nâng đỡ Việt Á, thể hiện ở văn bản “dọn đường” của Bộ Khoa học và Công nghệ khi xác nhận Tổ chức Y tế Thế giới công nhận kit test của Việt Á và được nhiều nước trên thế giới đặt mua; để sau đó Bộ Y tế tiếp tục “mở đường” bằng cách cấp phép, tạo điều kiện cho kit test của Việt Á được sản xuất và lưu hành rộng rãi, dẫn đến sự tự tung tự tác, lũng đoạn thị trường ở 62 tỉnh, thành phố, cũng như các bệnh viện lớn trong cả nước thời gian qua”.
Tuy nhiên, những phát ngôn, "thề thốt" của một số cán bộ CDC ở địa phương và những vấn đề nêu trên mà dư luận xã hội quan tâm đang được cơ quan điều tra khẩn trương làm rõ, sẽ xử lý thật nghiêm theo quy định của pháp luật.
Rồi do tham sân si, không ít quan chức của ngành y đang từ “đỉnh cao” rơi xuống “vực sâu” chôn vùi thanh danh, bị lật tẩy những việc làm sai phạm. Đó là nguyên các Thứ trường Bộ Y tế Nguyễn Quốc Cường, Cao Minh Qyang đều đã vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng trong công tác. Ông Nguyễn Quốc Cường bị buôc phải thôi việc, ông Cao Minh Quang bị cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng. Kỷ luật như thế là quá nhẹ chưa đủ mức răn đe, giáo dục chung. Có những vị học hàm, học vị cao như GS TS Nguyễn Quang Tuấn, PGS TS Nguyễn Quốc Anh có nhiều thành tích về y khoa, đều thay nhau giữ chức vụ Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, trong đó ông Nguyễn Quang Tuấn trước đó làm Giám đốc Bệnh viên tim Hà Nội cùng một số đồng phạm là cấp dưới vướng vào lao lý, bị cơ quan điều tra khởi tố về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” chờ ngày đưa ra tòa để xét xử, chịu những hình phạt nghiêm khắc. Cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm bị tuyên 10 năm tù cùng 5 đồng phạm khác là thuộc cấp cũng đều bị phạt từ 5 đến 6 năm rưỡi tù giam cũng với tội danh nói trên…
Điều đó cho thấy đạo đức của một bộ phận cán bộ trong ngành y “bị lộ” đã suy thoái nghiêm trọng hoặc đã có những “lỗ hổng” trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này? Hành vi vi phạm như thế là lỗi cố ý, những cán bộ này biết rõ hành vi như vậy là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện để hưởng lợi từ nỗi sợ hãi, hoang mang của cộng đồng trước dịch bệnh, khiến chúng ta không khỏi đau lòng trước sự trung thực của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Họ không tự giác, chủ động trước hành vi phạm tội của mình mà luôn viện đủ mọi lý do để thoái thác, thậm chí còn thề thốt dù hai bàn tay đều đã “nhúng chàm”.
V.X.B
Trong thư gửi hội nghị cán bộ y tế ngày 27/2/1955, Bác Hồ căn dặn ba điều: "1. Trước hết là phải thật thà đoàn kết .Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích. 2. Thương yêu người bệnh. Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn.“ Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng. 3. Xây dựng một nền y học của ta. Trong những năm nước ta bị nô lệ thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay chúng ta đã độc lập tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta. Y học cần phải dựa trên nguyên tắc: khoa học dân tộc và đại chúng… |