Nhập ngũ

Đức vừa ghé bát rượu lên môi vội đặt xuống đất, òa khóc “Rồng ơi, tao nhớ nhà quá!”
tac-gia-1641705721.jpg
Tác giả về phép 5/1970 chụp cùng hai anh trai trước cửa nhà 40 Quán sứ Hà Nội.

 

​Chúng tôi cùng nhập ngũ với nhau đợt 19-23/12/1969 và vét đợt 9/1/1970. Tiểu đội chia làm 2, chúng tôi ở nhà chị Hiền có 6 đứa. Đức quê Định Công, Hoàn - Đội Cung, Thắng - Giảng Võ, Đối - Khâm Thiên, Dũng - Bạch Mai và tôi ở Quán Sứ.

 Hôm nay đã mùng 1 Tết rồi. Sáng dậy mấy anh em rủ nhau vào rừng chơi, tiện có đám hoa dại ra hai bên đường, hái vài cành gọi là lộc xuân mang về. Vừa tới rào ngoài vườn, chị Hiền đã la lên :

-Cây lá ngón đấy mấy chú ơi!

 Lá ngón thì tôi có nghe rồi, độc lắm.

​Ngày Tết lên bếp đại đội lấy thức ăn tươi về, mua thêm con gà nhờ gia đình luộc giúp, vậy đã có mâm cơm mấy anh em quây quần, rồi rượu nữa, cũng phải có cho nó ra dáng, chứ có đứa nào thích đâu. Bây giờ thấy Đức mít ướt vậy, chúng tôi cũng đỏ mắt theo. Ngoài trời vẫn lạnh lắm. Cảnh buồn, giờ người cũng buồn theo. Tôi chữa “Thôi, ngày Tết anh em mình tâm sự”. Tôi tranh thủ kể trước.

​Tôi đang học dở lớp 10 thì có đợt khám tuyển nghĩa vụ quân sự, anh bộ đội quân y nhìn tôi cười cười :

-Có thích đi bộ đội không?

- Đi cũng được.

Vậy là Ok. Cả trường chỉ có tôi và Chiến trúng tuyển.

​Cùng trong thời gian đó, các trường đều được trở lại Hà Nội học, không phải sơ tán nữa. Chúng tôi là trường Đoàn Kết III A, Hà Nội cũng không ngoại lệ, hối hả quay về, cả lớp lao vào vừa học vừa ôn tập để thi hết học kỳ. Hết cấp III, thầy bận rộn, trò bận rộn mà trường thì chung chạ, đông đúc, lộn xộn quá. Có một địa điểm mà còn cả Thăng Long cùng học ở đây (khu Mai Hương, Hai Bà Trưng).

Hôm nay ở trường về, vừa vào nhà, bác Cả nói ngay :

-Mày có giấy gọi bộ đội đấy, sang ông Bé mà lấy.

Ông Bé là Tổ trưởng Tổ dân phố bên số nhà 38 liền kề với nhà tôi. Vứt cặp sách, tôi sang ngay. Ông đưa tôi cái tờ giấy mỏng, cỡ 1/4 khổ A4. Nhìn qua: 9/1/1970 có mặt tại sân Nhà Thờ Lớn. Tôi cảm ơn ông rồi về tắm táp, thay quần áo, sang nhà Tâm - số 52 chơi. Thôi vậy là nhẹ gánh học hành rồi, tôi mừng ra mặt. Hôm sau cùng Tâm đi chơi, thế nào lại vòng qua lớp các bạn đang chăm chú học lắm. Thôi, không vào nữa.

​Ngày 8/1, các bạn cùng lớp đến nhà chia tay tôi (ngày mai anh lên đường, ngày mai anh ra chiến trường). U tôi ở Cổ Nhuế cũng ra. Chiều tối, bà quay về. Nhà chỉ còn mấy đứa: cái Yến, cái Bình thì cứ chui vào góc nhà khóc dấm dứt. Chả biết có phải chúng nó thương tôi không, con gái hay mau nước mắt. Thôi kệ, tôi rủ thằng Lâm, thằng Thái ra rạp Tháng 8 xem phim, đến 11 giờ đêm mới về. Hai đứa vẫn còn đang thút thít. Gay quá, làm thế nào bây giờ!

​Hôm nay 9/1/1970, sân Nhà Thờ Lớn đông nghịt. Khoảng chục chiếc xe ca Ba Đình đã đỗ   sẵn dọc theo phố Lý Quốc Sư sang phố Nhà Chung. Người đi tiễn, tân binh nhốn nháo như chợ vỡ, kẻ khóc, người cười, chả biết đâu vào đâu. Anh cán bộ vai đeo xà cột, tay cầm loa, hướng dẫn một lúc thì cũng dần vào trật tự. Tôi lên xe số 4, bọn bạn lớp cứ nhao nhao: “Rồng ơi, đi xanh cỏ nhé!” (Nghe mà khiếp, may chẳng ai buồn để ý. Lớp tôi quen nói ngược. Chúng nó chúc tôi đỏ ngực huân chương đấy). Hương đưa tặng tôi cái bút Trâu (bút máy to bằng ngón tay). Tôi nhận rồi với xuống cho thằng cháu, hy vọng nó sẽ thay chú học hành nên người. Trước đó, tôi đã có một quyển lưu bút tuyệt đẹp cùng những dòng mực xanh, mực tím với những lời lẽ chia ly có cánh; cả ảnh của các bạn gái nữa. Đứa nào giờ thấy cũng đẹp, ra dáng thiếu nữ, cả tóc đuôi sam đưa về trước hoặc để xõa mượt bóng… chẳng nhận ra. Mọi ngày tôi chỉ thấy chúng nó cũng như bọn bạn trai thôi. May thay, tôi giao lại cho thằng Lâm giữ giúp cùng sách vở, học bạ cấp II, cấp III về tính sau( nếu không chắc chẳng tránh khỏi đổi gà cho đồng bào).

​Tập trung tại Yên Sở ít ngày thì ra ga Văn Điển, lên tầu hỏa đi Ninh Bình. Con tầu rời xa thành phố thân yêu. Bao lưu luyến, nhớ, thương để lại sau. Tiếng còi thét vang, sương khói hơi nước cuồn cuộn. Nó cũng như chúng tôi, cố hướng về phía trước. Tới ga Ninh Bình là màn thử thách đầu tiên khởi đầu cho mỗi người lính hành quân bộ về doanh trại. Cỡ khoảng bốn chục km thôi mà ai đó đều bết bệt.

​Đợt đó lấy một lúc tới 1.400 quân của Hà Nội (thợ thuyền,thanh niên đường phố, học sinh lớp 10). Anh em được biên chế thành 2 tiểu đoàn D31, D35 thuộc sư F320B (khu vực chúng tôi huấn luyện là huyện Nho Quan, Ninh Bình, BBC gọi đây là trại huấn luyện biệt kích Bắc sông Hồng). Chúng tôi thuộc C1D31, nghe thấy F320B đã thấy gai gai, Sư trưởng Nghiêm Kình biệt danh Hổ Chột đường 9.

​Sau Tết mưa phùn gió bấc, thôn xóm đường xa lầy lội, trung đội chúng tôi ở quanh xóm nhà chị Hiền. Bên này sáu anh em tôi; bên ông cụ bố chị Hiền còn hai cô Thơm, Tho - con gái cụ bằng tuổi chúng tôi (sau này là những bông hoa rừng, nâng bước cho chúng tôi hành quân mỗi khi nhớ về Nho Quan, để chân cứng đá mềm).

​Tập nghi thức; đội ngũ; báo động chiến đấu ban đêm liên tục có đến hai ba lần, ngủ để nguyên giầy. Rồi rèn thể lực, kỹ năng chiến đấu, khí thế tập luyện hừng hực, ai cũng ý thức với khẩu hiệu “Thao trường đổ mồ hôi để chiến trường đỡ đổ máu”, nhất là gùi đất để rèn thể lực quèn (dốc) Cơm, Quèn Cộc leo lên leo xuống, áo sũng mồ hôi. Tuổi trẻ vô tư, tôi cứ nắm tay Thành (nó là liên lạc cho đại đội; anh Hồ Tiếu C trưởng, anh Chỉ C viên trưởng) lúc thổi sáo, lúc ca hát – đã là con người khác rồi, không còn là cậu học trò nữa, anh bộ đội mà. Rồi bắn đạn thật, ném lựu đạn, gói bọc thủ pháo đánh lô côt, đánh xe tăng, qua đủ các môn, các bài chiến thuật… con người cũng cứng cáp, khỏe mạnh hẳn lên.

 Tháng 5 được nghỉ phép về thăm nhà, tháng 7 hành quân ra Ninh Bình lên tầu đi B đúng ngày 27/7/1970. Thời gian huấn luyện dài kỷ lục cũng tốt cho chiến đấu sau này. Con tàu chuyển bánh, thư từ, quân trang cái gì cũng được gửi về cho gia đình đều tốt (một chút gọi là thơm thảo lần cuối, ở nhà nghèo lắm, ai cũng vậy). Tôi gửi cái áo cho bà bủ, đôi áo cổ vuông, cái dây lưng cho thầy tôi.

​Được trên cho cái giấy khen về thành tích huấn luyện, lật mặt sau vài dòng viết về thăm gia đình, gọi là thư. Đại loại là chúng con đi vui vẻ, gia đình đừng lo lắng gì. Chắc đợt này vào Quảng Đà, mong gia đình mạnh khỏe…

​Con tàu chuyển bánh một lúc, không khí mới lắng dịu theo suy tư của mỗi người, giờ mới có thời gian suy nghĩ. Cũng có tiếng sụt sùi khóc. Tôi thì vui quen rồi, xa nhà từ năm lớp 6 cơ mà nhớ được bài hát nào là cứ ngân nga thành tiếng, vừa thả mắt vào màn đêm bao la hai bên đường.

Đến Vinh là kịch đường tầu, đơn vị tản ra nghỉ tạm. Sân ga đông vui nhộn nhịp, con gái ở đây thấy mặc toàn quân phục K63, gọn, khỏe đẹp lắm. Từ bé đến giờ mới biết thế nào là con gái đẹp.

Lát sau, từng đoàn xe Zin 130, Zin 157 đã ôm gọn chúng tôi, dong một mạch vào Quảng Bình – vùng cát nóng mênh mông, hoang sơ, xa lạ quá. Chỉ có phi lao vi vút, oằn mình trong gió Lào.

Chập tối, hành quân tiếp, hình như là vùng Cự Nẫm bên sông Gianh, chẳng ngủ được chút nào cũng không thấy mệt. Tôi lấy chiếc nón chụp lên đầu, giả làm dân, lần ra bờ sông dạo chơi. Trước mắt đã thấy cả một khu nghĩa trang có chừng hơn trăm ngôi mộ, chỉ lùm lùm sơ sài đụn cát, bia mộ còn mới đều là các chị hy sinh tuổi từ 16 đến 20, năm mất 1967, 1968. Ngậm ngùi, đau xót, tôi quay về. Chừng 10 giờ đêm, chứng tôi xuống xà lan tự hành ngược sông Gianh, mỗi chiếc cũng chở trọn vẹn một đại đội. Trời tối đen như mực, chỉ thấy tiếng máy tạch tạch trong đêm. Vài giờ thì đến bến phà Xuân Sơn, không biết có phải cái khu du lịch gì nổi tiếng bây giờ không. Gấp gáp rời xà lan, lên đến bến đã có hàng dài xe Zin 130 có khung bạt đỗ chờ rồi. Xe nào cũng lên đủ hai chục lính ngồi ken chặt lấy nhau. Thả bạt là cánh giặc lái rồ máy lao như điên. Chẳng thấy có đèn pha, đèn rùa gì mà cứ vun vút ôm cua, lên dốc, xuống đèo, chắc họ quá quen đường rồi. Thôi kệ, để ý gì thêm lo, nhắm mắt ngủ.

​Sáng sớm, chúng tôi đã Hội quân, đủ chia thành từng đại đội hành quân cách nhau 15 phút. May chưa tới mùa mưa, anh em lại vui vẻ trở lại, tốp nào cũng có vài người đóng vai hoạt náo viên. Gần nửa tháng cũng đến được nơi cần đến. Có một sư đoàn thiện chiến đang chờ chúng tôi ở đây đó là Sư đoàn 2, Quân Khu 5, họ ra đây đã cả tháng rồi. Nơi đây thuộc Binh Trạm 32, Đường dây 559, có địa đạo của tướng Đồng Sỹ Nguyên, Huyện Mường Phìn Xa-va-na-khẹt mệnh danh: cái rốn sốt rét của Đông Dương.

​Biết là đến bãi giao quân rồi, bỗng tằng tằng vài phát AK. Rồi hùa theo biết bao nhiêu đạn bắn lên, lá cành rụng lả tả. cán bộ B, C, D mặt tái mét, hò hét trấn an một lúc mới yên, cái trò này có một không có hai.

​May anh em tôi được về Đại đội súng cối 82 trực thuộc Trung đoàn chính thức là C17.E1.F2 (ở đây người ta gọi là Công trường 1, Nông trường 2), gồm có Anh Hồ Tiếu, Đức, Thành, Hòa, Tuấn, Lập, Dũng, Rồng. Liên lạc Hoài dẫn chúng tôi luồn rừng có 20’ thì về tới. Nhìn các anh lính cũ mà ngao ngán, quần áo bà ba, bụng báng, sốt rét, da vàng, môi thâm sì tím tái, mắt thì gườm gườm, rất ít nói. Cũng phải thôi, cả sư đoàn đã kiệt sức chiến đấu sau Mậu Thân rồi. Ở được 2 tháng với nhau, đơn vị cũng đã khởi sắc. Lính cũ, lính mới chan hòa vui vẻ, quần áo Tô Châu xanh rì, ăn theo nhu cầu. Các anh lính cũ giờ trông oách lắm (họ đều là sếp to, sếp nhỏ của chúng tôi).

​Có dịp tập trung cả Trung đoàn, Chính ủy Lê Lung lên lớp dăn đe, phủ đầu trước. Đại loại là thanh niên Hà Nội cầy đường nhựa như các anh phải thế này, thế kia. (Ông có vẻ thành kiến mà không tin tưởng). Thì cũng chính nơi này, một năm sau ông đã không ngớt lời ca ngợi các đoàn Hà Nội, Hải Dương đã góp phần cùng đơn vị lấy lại phong độ uy dũng của Trung đoàn Thép sau chiến dịch Lam Sơn 719.

​Thấm thoát đã 52 năm rồi, mai là ngày nhập ngũ (9/1/1970-9/1/2022), viết lại đôi dòng; 1.400 anh em chúng tôi năm đó vào cả Sư đoàn 2, Quân khu 5. Trải qua bao chặng đường máu lửa, cái cột mốc được đánh dấu bởi hồ sơ của biết bao anh hùng liệt sỹ, những người con của Hà Nội những Lam Sơn 719, Pô-lô-ven, Đắc-tô Tân Cảnh – Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Nam, giải phóng Đà Nẵng 29/3/1975.

​Hàng năm cứ ngày này, chúng tôi lại tổ chức gặp mặt tại bia Thu Hằng, dô với nhau vài cốc bia đắng để nhớ về một thời trai trẻ áo lính trận mạc dưới Cờ Sư 2. Quản lý nhà hàng ra rồi kìa, xếp cho 232 bàn 6, 1 bàn 8 nhé, đủ 1.400 suất, chúng tôi lại trùng phùng cùng nhau.

Theo Trái Tim Người Lính