Cuộc trao đổi tư liệu Việt - Mỹ xung quanh "Vụ tập kích Sơn Tây" 1970 ( Kỳ 2 - Tiếp theo và hết): NHỮNG CÂU HỎI GỬI “ĐẠI TÁ NGUYỄN”

Đặng Vương Hưng

27/11/2021 09:15

Theo dõi trên

Hôm sau, tôi cho gửi toàn bộ phần tài liệu đã dịch còn lại sang Mỹ qua đường E-mail. Việc gửi diễn ra khá thuận lợi, chỉ cần một file văn bản kèm thư là xong, (chứ không cần chia nhỏ ra mỗi phần 1.000 chữ, như lời ông Giáo sư Benjamin F. Schemmer đề nghị).

dvh11a-1637978964.jpg
Từ trái qua: Đặng Vương Hưng và Benjamin F. Schemmer (tư liệu ảnh báo chí năm 2002). Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Bẵng đi đến gần một tháng, tôi không nhận được hồi âm nào. Bỗng một hôm, văn thư cơ quan chuyển đến cho tôi một phong bì thư ghi đích danh, khá dày dặn đến từ Mỹ. Đó là thư của ông Benjamin F. Schemmer lại được gửi bằng đường hàng không.

Thư được viết từ ngày 7 tháng 11 năm 2001:

Thưa bạn đồng nghiệp khả kính,

Tôi hân hạnh gửi ngài ảnh và bản tóm tắt tiểu sử của tôi theo yêu cầu của ngài qua E-mail ngày 6 tháng 11. Và tôi cũng rất lấy làm vinh dự khi được giới thiệu đến độc giả của ngài. Tôi chỉ xin ngài một điều: Nếu ngài khai thác, sử dụng bất kỳ một chi tiết nào trong số tài liệu này, xin ngài vui lòng gửi bằng thư máy bay cho tôi một bản sao.

Tôi tin rằng chúng tôi có thể đưa đến cho cộng đồng người Việt những hình ảnh và bài viết về con người Việt Nam của năm 1970 khi người Mỹ tiến hành cuộc tập kích vào Trại tù binh Sơn Tây qua cuốn sách The Raid của tôi sắp xuất bản, hiện đang in bông lần thứ hai.

Nếu có hứng thú, thì ngài có thể mua bản quyền cuốn sách nói trên, với một số tiền phải chăng để in toàn tập, hoặc một phần trích của cuốn sách này để phát hành tại Việt Nam hoặc khu vực Đông Nam Á. Xin ngài vui lòng cho tôi biết ý kiến sớm?

Kính chào,

Benjamin F. Schemmer”.

dvh1ab-1637979170.jpg
Một bức không ảnh, do máy bay trinh sát Mỹ chụp khu vực Trại giam tù binh Mỹ tại Sơn Tây năm 1970. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Cũng ngày hôm đó, khi mở E-mail, tôi còn nhận được 2 bức thư của Benjamin F. Schemmer.

Bức thư gửi cho một “Đại tá Nguyễn” nào đó. (Người Mỹ quen xưng hô trịnh trọng bằng họ, chứ không dùng tên. Và ông giáo sư này không biết ở Việt Nam họ Nguyễn phổ biến tới mức có hàng triệu người trùng nhau). Thư được viết khá dài, với rất nhiều câu hỏi liên quan tới vụ tập kích Sơn Tây còn bỏ ngỏ. Xin được lược dịch những nội dung quan trọng nhất:

"Thưa Đại tá Nguyễn,

Tôi viết thư này vì không thể tìm được thêm thông tin gì ở Bộ Ngoại giao cũng như Bộ Quốc phòng... Vậy ngài có thể giúp tôi làm rõ mấy điều thắc mắc trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam?

- Loại quân đội nào cũng như quốc tịch của họ đã chiếm đóng “Secondary school” (Trường trung học), cách trại tù binh Sơn Tây 400 mét về phía Nam, (nơi mà một lực lượng quân Mỹ đã đổ bộ nhầm và gây ra đám cháy lớn), trong thời gian xảy ra cuộc tập kích?

- Liệu “Secondary school” có thể là một căn cứ quân sự, với một lực lượng đông đảo, hùng hậu? Đội quân ở đó là người phương Đông, lính của họ cao khoảng 5 feet 10 inches, không mặc đồng phục của quân đội miền Bắc Việt Nam. Những người này mặc áo lót và quần soóc đen. Họ được trang bị tốt hơn lính bảo vệ. Nhưng lực lượng biệt kích của Mỹ đã không nhận diện được họ.

- Tôi cũng đã gửi câu hỏi trên tới Cơ quan tình báo quân sự Mỹ, và nhận được câu trả lời đại ý là: Phía Mỹ vẫn chưa rõ lực lượng nào đã chiếm đóng căn cứ “Secondary school” vào thời điểm xảy ra cuộc tập kích.

- Có nhiều tin đồn, (nhưng không có bằng chứng xác thực) rằng lực lượng đóng ở “Secondary school” hồi ấy là người Trung Quốc, hoặc có thể là Bắc Triều Tiên?

- Biệt kích Mỹ đã thu được một chiếc thắt lưng của lính Trung Quốc, được lấy ra từ xác một người đàn ông bị bắn hạ tại đó? Biệt kích Mỹ còn nhặt được cả một chiếc giày đang sử dụng của sỹ quan Liên Xô?... điều đó thật khó giải thích!

- Tôi đã cho in một số bức ảnh chiến lợi phẩm nói trên vào cuốn sách của mình. Nhưng nhiều sỹ quan cao cấp của lực lượng biệt kích Mỹ đã tham gia cuộc tập kích nói rằng họ không có bất kỳ thông tin nào về những điều nghi vấn kể trên.

Hơn 30 năm đã trôi qua sau vụ tập kích Sơn Tây. Hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam đã có mối quan hệ ngoại giao và thương mại cần thiết... Chẳng lẽ, sự nhận diện về một lực lượng quân sự còn nghi vấn kể trên sẽ mãi còn nằm trong bức màn bí mật?

Vì vậy, tôi đang cầu khẩn sự giúp đỡ của ngài. Xin ngài làm ơn cho tôi biết họ là ai? Mang quốc tịch nào? Đơn vị của họ có nhiệm vụ gì tại căn cứ “Secondary school”?

Tôi sẽ rất biết ơn những thông tin mà ngài có thể cung cấp cho tôi, thưa Đại tá Nguyễn. Và tôi hứa sẽ thông tin một cách chính xác, trung thực trong lần tái bản tới của cuốn The Raid.

Và rất có thể, đó sẽ là một trong những bí mật cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam!

Trân trọng! Benjamin F. Schemmer.

dvh2a-1637979304.jpg
Sơ đồ Trại giam Tù binh Mỹ tại Sơn Tây do biệt kích Mỹ vẽ, trước khi diễn ra vụ tập kích, tháng 11/1970. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Còn thư kia, vị Giáo sư Mỹ dành cho tôi:

"Kính gửi ngài Đặng Vương Hưng!

Tôi xin chuyển tới ngài một bức thư yêu cầu mà tôi đã gửi cho Đại tá Nguyễn, một sỹ quan quân sự của Việt Nam ở Washington. Nhưng tôi đã thất vọng, vì ông ấy không trả lời được rõ ràng những thắc mắc của tôi.

Giờ đây, tôi chỉ còn trông đợi vào ngài.

Tôi tin rằng ngài sẽ giúp tôi được việc này!

Benjamin F. Schemmer."

Tôi đã ngay lập tức E-mail lại cho Giáo sư Benjamin F. Schemmer một lá thư. Nội dung có đoạn:

“Thưa Giáo sư Benjamin F. Schemmer,

Vấn đề không đến mức quá phức tạp và khó khăn như ngài nghĩ! Địa điểm mà người Mỹ gọi là căn cứ quân sự “Secondary school” thực chất chỉ là một cơ sở an dưỡng cho cán bộ của tỉnh Hà Tây hồi ấy. (Trước đó, nơi này nguyên là một nhà trường chuyên làm công tác bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, mà người ta quen gọi là Trường Đảng tỉnh).

Tôi có thể khẳng định với ngài rằng thời điểm xảy ra cuộc tập kích của quân Mỹ năm 1970, không hề có một lực lượng quân sự của nước ngoài nào hiện diện ở cơ sở an dưỡng cán bộ Hà Tây (mà các ngài gọi là căn cứ “Secondary school”) nói trên!

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Việt Nam chúng tôi đã thường xuyên nhận được sự ủng hộ giúp đỡ cả về tinh thần và vật chất của các nước trong phe Xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là của Liên Xô và Trung Quốc. Hồi ấy, bộ đội Việt Nam thường dùng quân trang do Trung Quốc sản xuất: Từ quần áo, chăn màn, đến ba lô, dép cao su, thắt lưng, mũ cối… Riêng những cán bộ sĩ quan thì được trang bị thêm loại giày da do Liên Xô sản xuất mà người ta quen gọi là giày Cốt-sơ-ghin. Vì những thứ quân trang này rất bền và tốt, nên đã có một thời nhiều người dân và thậm chí công chức cũng sử dụng chúng hằng ngày. Người ta đã mặc đồ lính để xuống ruộng đi cày và cả khi lên bờ đi ăn cỗ, dự tiệc! Đó chính là văn hoá ăn mặc thời chiến của người Việt Nam ở miền Bắc. Ngài có hiểu nhiều về văn hóa Việt Nam không? Có biết gì về thơ Lục bát không? Tôi sẽ gửi tặng ngài tập thơ “Học quên để nhớ” của tôi, nếu biết tiếng Việt thì nhất định ngài sẽ thích nó.

Hy vọng sau khi đọc xong thư này, những điều Giáo sư thắc mắc gửi Đại tá Nguyễn cũng không còn gì là khó hiểu. Có đúng vậy không, thưa ngài?".

XIN ĐƯỢC TẶNG MIỄN PHÍ TOÀN BỘ TƯ LIỆU ĐÃ GỬI CHO PHÍA MỸ!

Bẵng đi tới gần một tháng, tôi mới lại nhận được E-mail của Benjamin F. Schemmer. Trong thư, ông không đề cập đến chuyện những câu hỏi dành cho "Đại tá Nguyễn" nữa. Giáo sư phàn nàn rằng sức khỏe của ông hồi này không được tốt lắm. Ông vừa bị ốm, phải nằm viện mất hơn tuần. Về vấn đề trao đổi tư liệu của vụ tập kích Sơn Tây, ông viết:

"Xin vui mừng thông báo với bạn đồng nghiệp đáng kính: Tôi đã nhận được 6.500 chữ là tài liệu về vụ tập kích mà ngài đã gửi qua đường E-mail. Chúng tôi đang tích cực xem xét để có thể sử dụng chúng tốt nhất.

Nhưng tôi rất lấy làm tiếc khi phải thông báo với ngài rằng Nhà xuất bản đã không đồng ý cho tôi trả khoản tiền 1.500 USD. Bởi số tiền này quá cao so với mức trả thông thường đối với một tác phẩm đăng lại như thế ở Mỹ, mà chúng tôi chưa có tiền lệ quy định. Tôi đang cố gắng thuyết phục họ thêm. Nhưng để thuận lợi cho việc này, ngài có thể đơn cử một vài ví dụ về việc thanh toán đối với một bài báo in lại khi đã đăng ký bản quyền?

Về những bức ảnh ngài đã gửi, chúng tôi đang gặp một trở ngại là chất lượng của chúng không được tốt lắm. Vì thế, thật khó kết luận là có thể sử dụng lại chúng được không? (Có thể, chúng tôi sẽ sử dụng trước một bức ảnh trong số đó, ảnh chụp xác chiếc trực thăng HH-53).

Chúng tôi rất muốn có một bản copy tốt hơn về bức ảnh nói trên, cùng dòng chú thích giới thiệu tác giả của bức ảnh. (Chúng tôi sẽ trả thêm 100 USD cho chi phí này. Đó là sự hào phóng trong tiêu chuẩn xuất bản ở Mỹ cho một bức ảnh đã được sử dụng). Vì thế, xin ngài vui lòng gửi bằng đường thư máy bay một bản copy rõ nét nhất bức ảnh nói trên càng sớm càng tốt, để có thể kịp đưa vào cuốn sách tái bản trong tháng 7 năm 2002...

Ngay sau khi nhận được bức ảnh trên, tôi sẽ chuyển cho ngài 100 USD nữa...

Benjamin F. Schemmer".

Đọc đến đây, tôi chợt mỉm cười: Ôi, ngài Giáo sư Mỹ đáng kính ơi! Ngài hiểu nhầm dụng ý của tôi rồi. Và tôi đã viết một bức E-mail như sau:

"Thưa Giáo sư Benjamin F. Schemmer!

Tôi rất lấy làm tiếc và thông cảm với sức khỏe của ngài. Và tôi cũng xin được chia vui, đồng thời chúc mừng ngài vì cuốn The Raid với bản thảo đã được sửa chữa và bổ sung hoàn chỉnh lại sắp được tái bản lần nữa.

Tất cả những điều có thể làm cho Giáo sư thì tôi đã làm cả rồi!

Thật ra, tôi cung cấp tài liệu và ảnh về vụ tập kích Sơn Tây cho Giáo sư không phải vì mong ngài sẽ trả cho tôi vài trăm USD (bởi chính ngài đã đưa ra vấn đề thù lao đấy chứ!). Mà đơn giản chỉ vì muốn giúp ngài. Và thêm nữa, tôi cũng muốn thông qua ngòi bút của ngài, cung cấp thêm cho người đọc ở Mỹ những sự thật về cuộc chiến tranh Việt Nam.

Tôi hiểu rằng ở nước Mỹ ngoài những người giàu có như tỷ phú Bill Gates, còn có rất nhiều người đang phải lao động cực nhọc để kiếm sống.

Tôi có cảm giác rằng Giáo sư đang gặp khó khăn về tài chính? (Thậm chí còn khó khăn hơn cả chúng tôi). Bởi thế, tôi xin được tặng miễn phí toàn bộ số tư liệu (gồm bài viết 6.500 chữ và 15 bức ảnh) đã gửi cho ngài vừa qua. Giáo sư có thể toàn quyền sử dụng chúng sao cho có hiệu quả và ý nghĩa nhất.

Tôi chỉ có một đề nghị nhỏ: Khi cuốn The Raid được tái bản xong, xin Giáo sư vui lòng gửi cho tôi một bản có kèm chữ ký của chính ngài để làm kỷ niệm.

Tôi xin cảm ơn Giáo sư rất nhiều vì đã giúp tôi hiểu thêm một người Mỹ, hiểu thêm về tác giả của cuốn The Raid nổi tiếng.

Nhất định tôi sẽ viết lại toàn bộ câu chuyện thú vị của chúng ta để bạn đọc Việt Nam được biết.

Kính chúc Giáo sư luôn mạnh khoẻ và hạnh phúc

Một người rất hân hạnh được ngài coi là đồng nghiệp.

Đặng Vương Hưng.

Ngày 4 tháng 7 năm 2002 tôi đã nhận được một bức E-mail mới nhất của Giáo sư Benjamin F. Schemmer:

“Thưa bạn đồng nghiệp,

Cảm ơn ngài đã gửi tin nhắn cho tôi. Ngài sẽ rất vui khi biết rằng vào ngày thứ hai tuần trước, tôi đã gửi qua đường thư hàng không cho ngài cuốn “The Raid” mới được tái bản và bổ sung, kèm theo đó là một số thông tin về cá nhân tôi.

Hy vọng ngài sẽ sớm nhận được món quà. Đây là sách do Nhà xuất bản Ballantine vừa in xong. Ấn phẩm được phát hành hôm nay bởi Câu lạc bộ Sách quân sự. Còn một bản tóm tắt dưới dạng băng cát-xét sẽ được phát hành trong tháng 8 năm 2002 bởi Random House.

Tôi mong sớm nhận được hồi âm của ngài. Hiện tôi đang rất bận rộn bởi vợ tôi đang nằm viện (nhưng tình hình cũng đã có khá hơn).

Thân chào,

Benjamin F. Schemmer.

Một ngày đầu tháng 8 năm 2002, tác giả bài viết này đã nhận được bản in mới nhất của cuốn sách The Raid được gửi đến từ Mỹ, có chữ ký của Giáo sư Benjamin F. Schemmer ký, với lời đề tặng: “For my esteemed colleague Dang Vuong Hung. With sincere thanks for your interest and help”.

Đặc biệt, cũng trong lần tái bản này, cuốn sách đã được bổ sung thêm phần "Who was at the "Secondary school"? (Ai đã có mặt ở "Trường Trung học"?), với những chi tiết được dẫn theo Đặng Vương Hưng.

Và trong danh mục “Tài liệu tham khảo”, tại trang thứ 359, ông Benjamin F. Schemmer cũng đã trân trọng ghi thêm những dòng chữ như sau:

“Hung, Dang Vuong Hung, An Ninh The Gioi Review; The Truth of the Raid on the Son Tay Prison to Rescue American Pilots in 1970”, multiple-part series, 1998”.

(Hết)
Đ.V.H

______

Trích PHI CÔNG MỸ Ở VIỆT NAM - Cuốn sách hiếm hoi viết về vấn đề tù binh phi công Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, được tác giả thực hiện trong gần 20 năm. Trên tinh thần tôn trọng sự thật, chúng tôi muốn cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn trung thực và khách quan từ nhiều phía; góp phần làm sáng tỏ những bí ẩn của lịch sử...

Độc giả có nhu cầu có thể đến địa chỉ café Lục Bát 6/40 Võ Thị Sáu, TP. Hà Nội; hoặc trực tiếp qua điện thoại (có Zalo): 0913210520 của nhà văn Đặng Vương Hưng, "Phi công Mỹ ở Việt Nam" (có phiên bản tiếng Anh) giá lẻ 200.000đ/c (cả cước phí), có lưu bút của tác giả, sẽ được gửi đến tận nhà theo đường bưu điện.