"Những ký ức không thể quên": Bay chào mừng nhân dân Lào (kỳ 17)

 Đại tá, phi công Nguyễn Khánh Duy/    Biên tập: Trần Sơn Lâm

01/10/2023 06:22

Theo dõi trên

 Ngày 18-12-1977 vừa tròn sau 5 năm Mỹ dùng máy bay B52 ném bom Hà Nội, bộ đội công binh Việt Nam đã trưởng thành, được thể hiện bằng nhiệm vụ giúp bạn Lào làm lại đường băng sân bay Cánh Đồng Chum, Tỉnh Xiêng Khoảng. Tôi lại được bay “vượt biên’’ sang Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào để thực hiện chuyến bay chào mừng, chứ không phải là chuyến bay chiến đấu.

Tôi là phi công tiêm kích MiG21, loại máy bay có tốc độ nhanh hơn hai lần tốc độ âm thanh, đồng thời là máy bay có tốc độ hạ cánh lớn nhất thế giới, lại phải hạ cánh xuống đường băng bằng ghi sắt còn mới. Tôi được đồng chí Bí thư tỉnh ủy của nước bạn trực tiếp ra tận sân đỗ để đón khi còn đang từ buồng lái bước xuống. Đồng chí ôm tôi thật chặt và nói bằng tiếng Việt: "Tôi cảm ơn đồng chí, cảm ơn nhân dân Việt Nam đã giúp đỡ chúng tôi". Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm cho tôi rất bất ngờ và xúc động, vì mình chưa bao giờ được đón tiếp long trọng như thế. Đồng chí quàng vào cổ tôi vòng nguyệt quế, sau đó tặng tôi bó hoa dơn rất to, cầm tay tôi cùng đi hết hàng quân và dân. Tôi được ngồi cùng xe đồng chí về nhà khách.

Đoàn của ta sang nước bạn Lào khoảng hơn chục người, do anh Phạm Ngọc Lan phụ trách, bay sang bằng trực thăng Mi-6 do Liên Xô sản xuất và phi công Hoàng Đình Chỉ thuộc Trung đoàn Trực thăng 916 lái. Còn đồng chí phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Phùng Thế Tài được mời sang từ hôm trước. Chỉ huy bay là anh Lương Thế Phúc, phụ trách dẫn đường bay và quân báo là anh Tạ Quốc Hưng. Anh Đỗ Văn Lanh bay ngày giỏi hơn tôi, nhưng làm dự bị để sẵn sàng thay tôi. Vì anh là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nên cần được bảo vệ, giữ gìn. Tất cả mọi người đã có mặt trong nhà khách.

Cuối buổi, anh Phạm Ngọc Lan trực tiếp gặp tôi và anh Đỗ Văn Lanh cùng tổ chỉ huy bay để kiểm tra kết quả buổi chuẩn bị cho chuyến bay chào mừng và thông báo là chiều nay Bí thư Tỉnh ủy của nước bạn mời cơm. Sau đó, vào lúc 20h00 đoàn của ta lên gặp Phó Tổng tham mưu trưởng Phùng Thế Tài để báo cáo về công tác chuẩn bị và nội dung chuyến bay chào mừng.

Ban đầu, hai bên (ta và bạn Lào) đề xuất là hai phi công hai nước bay cùng biên đội hai chiếc, do tôi làm đội trưởng. Anh Phạm Ngọc Lan tham khảo ý kiến, tôi báo cáo anh là không được vì ghép phi công ở hai trung đoàn trong cùng một nước để bay biên đội cũng không nên, huống hồ là hai nước khác nhau (trừ khi đã được bay tập cùng nhau). Sau đó, cả hai bên đều nhất trí là thôi. Anh Phạm Ngọc Lan báo cáo nội dung chuyến bay của tôi với đồng chí phó Tổng tham mưu trưởng, đồng chí cắt bớt một số động tác và nói: ''Tôi đã được xem nhiều hội chợ Hàng không quốc tế và nhiều chuyến bay biểu diễn, đã chứng kiến một biên đội máy bay của Pháp đâm xuống đất ngay trước mắt tôi vì không đủ độ cao''. Anh Phạm Ngọc Lan có ý kiến xin vẫn thực hiện động tác thắt vòng đứng vì động tác này dễ thực hiện, không nguy hiểm và đẹp mắt. Chúng tôi cũng quán triệt đây là chuyến bay chào mừng, chứ không phải cuộc thi bay. Đồng chí phó Tổng Tham mưu trưởng đồng ý. Trước khi chia tay đồng chí hỏi vui: “Hôm nay uống rượu của Bí thư tỉnh ủy có ngon không?”. Chưa ai kịp trả lời thì anh Đỗ Văn Lanh đã nhanh mồm: "Ngon ạ", cùng với nụ cười méo méo.

Sáng hôm sau được nghỉ, anh Hưng có sáng kiến là xin bạn một chuyến xe với lý do là chở đồng chí Duy phi công Việt Nam đi ra phố. Tôi thắc mắc anh Hưng: "Sao anh lại bảo xin xe để chở em đi ra phố mà không phải là chở anh?” - “Nếu bảo là chở tao thì đừng hòng họ cho, phải nói là chở phi công”. Sau chuyến đi này tôi mới được biết phi công quân sự của bạn Lào rất được ưu tiên. Cứ 4 đến 5 phi công (1 biên đội bay) được cấp một xe con và được ưu tiên sử dụng để đi bay, kể cả dùng để đi phép. Sau lần đi chơi phố, tôi cũng được hiểu thêm về xã hội và đất nước Lào anh em. Hàng hóa bên họ nhiều lắm, không phải phân phối như ta. Người dân Lào được sang Thái mua hàng tự do, chỉ có số ít mặt hàng bị cấm. Tôi và anh Lương Thế Phúc mỗi người mua một đồng hồ đeo tay của Nhật làm kỉ niệm. 

Buổi chiều, tôi vẫn được nghỉ, tranh thủ lên chơi với đồng chí Trung đoàn trưởng công binh của ta. Cùng lúc ấy, có rất nhiều bộ đội nữ ùa ra để xem phi công Việt Nam. Tôi chủ động chào, được các bạn chào lại như reo vui và đặc biệt là rất tự nhiên. Tôi đã sang tuổi ba mươi, nhưng vẫn đang ế vợ, mặc dù cũng được mọi người bình chọn là khá điển trai trong số các phi công chiến đấu. Thú thật là tôi cũng đã có hai "bạn gái" nhưng đều không thành. Các bạn ạ, ngày ấy chúng tôi gọi là bạn gái với đúng nghĩa, chứ không như bây giờ bạn gái là "người yêu" đâu, mới chỉ là bạn thân thôi. Sau đấy, tôi hỏi các bạn quê ở đâu, thật bất ngờ có quá nửa trong số các bạn đều ở cùng huyện Hoài Đức, Hà Nội với tôi. Có một điều lạ là bạn nào cũng có làn da trắng hồng. Tôi vừa hỏi vừa khen động viên các bạn là nắng gió thế này mà các bạn có làn da trắng thế. Các bạn bảo: Chúng em ở bộ phận giao tế, nhưng những đứa khác cũng vậy, đi sân bay suốt ngày mà da vẫn không đen. Sau này tôi mới được biết phụ nữ ở cao nguyên nước nào cũng có làn da đẹp. Tôi tranh thủ lúc im lặng chen vào hỏi một câu: " Phi công Việt Nam các em gặp rồi, nhưng cho anh hỏi hôm qua anh bay có đẹp không". Em trẻ nhất nhanh nhảu bảo: "Em sợ". Còn em nữa thì bảo em phải “bịt tai”. Chúng em nuôi mấy con lợn mà chúng nhảy hết ra ngoài, phải nhờ cả các anh đơn vị bạn bắt hộ.  Tôi nói: “Vậy thì cho anh xin lỗi, vì hôm qua anh mới sang nên phải tranh thủ bay tập luôn để làm quen địa hình sân bay và cao nguyên, anh không ngờ ở dưới lại có nhiều người ở. Anh phải ôn tập lại bài bay độ cao thấp”. Ơ! thế bay cũng phải có bài hả anh?. Tôi cười và nói vui: “ngay như nói chuyện với các em anh cũng phải "có bài" đấy, có khi còn theo cả "sách" nữa cơ. Mọi người cùng cười vang. Sau cuộc gặp bất ngờ và thú vị ấy, tôi mời các bạn đến chơi với tôi. Do tôi được bố trí ở phòng riêng, cách đó không xa, nên cũng thuận tiện. Vì không có năng khiếu và kinh nghiệm trong "tình trường" nên tôi cũng hồi hộp. Tôi tự hỏi, mình có quà gì để tặng các bạn bây giờ... A! đây rồi, tôi đã có sẵn cả bó hoa dơn to mà đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tặng hôm qua. Tôi cũng có ý định mang một ít về Việt Nam. Tôi quý bó hoa này, vì nó được làm bằng nhựa mà y như hoa thật, được nhập từ Thái Lan, và quý hơn nữa là của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nước bạn tặng. Để đề phòng bất trắc khi tiếp các bạn nữ tối nay, lúc đi ăn cơm chiều tôi thổ lộ với anh phụ trách Phạm Ngọc Lan: "Tối nay cho em nghỉ ngơi chút, đừng họp hành gì anh nhé". Anh bảo:” Ừ, ngủ ngon, để mai mốt còn bay”. Ăn chiều xong, tôi về phòng ngay để chuẩn bị tiếp khách. Lúc ấy, tôi mới nhớ ra là chỉ có 6 cái chén và một cái ấm bé xíu. Đành vậy thôi, mượn thêm bây giờ thì bị lộ. Đúng như dự kiến, hơn mười bạn, ríu rít như đàn chim. Tôi rất vui, nên chuyển cách gọi là "các em" để dễ nói chuyện. Các em tự nhiên như ở nhà mình. Đúng như các cụ bảo: "cái khó ló cái khôn", tôi có sáng kiến kéo giường ra giữa phòng để các em ngồi được cả hai phía, cùng với bốn cái ghế tựa thế là vừa đủ. Sau hơn một giờ nói chuyện, vui líu lô như chim hót, nét mặt các em trùng xuống. Tôi đoán chắc, các em lại buồn vì nhớ nhà. Đã gần đến 21 giờ (giờ phải đi ngủ), một em nói: "Cho chúng em xin lỗi, cứ mỗi lần gặp người mình sang đây là chúng em lại buồn vì nhớ nhà...". Tôi bảo: "Nhưng với anh là ngoại lệ nhé, phải vui lên để ngày mai còn xem anh bay chào mừng chứ...". Sau đó tôi cầm vội bó hoa dơn đưa tặng mỗi em một bông và nói với theo: "Mai kia anh bay về Việt Nam, ai có gửi gì, anh sẽ mang đến tận nhà".

Sáng hôm sau, khoảng 6h30’, tôi đi xe qua sân đỗ phía cất hạ cánh của sân bay. Vì phía bạn sử dụng sân đỗ để tổ chức buổi mít tinh, nên khá nhộn nhịp từ sáng sớm. Máy bay và các phương tiện đảm bảo bay của ta phải để gọn ở góc nhỏ của sân đỗ cuối đường băng. Ngày ấy, nhân dân và quân đội Lào có thói quen là các cuộc mít tinh của quân đội tổ chức thì nhân dân cũng được vào dự thoải mái. Bộ đội xếp hàng ngồi phía trước, còn nhân dân ngồi phía sau, có cả em nhỏ.

Theo kế hoạch và hiệp đồng của hai bên ta và bạn thì tôi bay trước. Sau khi mở máy, không như thường lệ, tôi làm thêm động tác kiểm tra tăng lực toàn phần (khi bật chế độ này, động cơ gầm rít rất to, đồng thời sau đuôi máy bay phụt ra lửa dài gần chục mét để thêm phần náo động sân bay). Sau khi lên đường băng, tôi dừng lại sớm một chút, ở ngang khán đài tôi bật tăng lực toàn phần và cất cánh. Động tác đầu tiên là bay thông qua cạnh lễ đài ở độ cao thấp và lắc cánh chào. Vì bay trên sân bay ở cao nguyên có độ cao hơn mấy trăm mét so với mực nước biển, nên tôi đã phải tính toán rất kĩ. Khi chưa cất cánh thì phi công và máy bay đã đang ở độ cao đó rồi. Tôi chỉ được phép bay ngang qua lễ đài, chứ không được bay trên lễ đài vì ở dưới đó có hàng nghìn con người mà chúng ta cần bảo vệ. Tôi làm các động tác bay chào mừng. Những phút đầu, chủ yếu vòng ở độ cao thấp. Sau đó vòng ngược lại, tăng lực đẩy toàn phần của động cơ, vừa đến ngang lễ đài kéo mạnh và xiết cần lái làm động tác thắt vòng đứng độ cao thấp. Sau đó tôi vòng lại để bay thông qua trước lễ đài, khoan ngang một vòng ở độ cao rất thấp để chào rồi vào hạ cánh luôn. Anh Lương Thế Phúc là chỉ huy bay bảo hơi mạo hiểm. Sau đó, tôi lăn về sân đỗ ở cuối đường băng, tắt máy ngồi chờ trong buồng lái. Theo kế hoạch đã được hiệp đồng của ta và bạn thì hai MiG21 của bạn Lào cất cánh từ Viêng Chăn bay đến. Phi công số 1 làm động tác bay chào mừng còn phi công số 2 tách ra bay vòng chờ ở khu vực riêng và hạ cánh sau phi công số 1. Còn tôi ở mặt đất mở máy chờ sẵn và dẫn đầu tốp phi công lăn máy bay về khán đài và tôi đại diện báo cáo đồng chí Phó Tổng tham mưu trưởng của bạn.

Thế nhưng bất trắc đã xẩy ra, ông Trời đã không cho chúng tôi làm như vậy. Phi công số 1 (đội trưởng của bạn Lào) đã bị rơi, do sai lầm động tác lúc biểu diễn, và anh đã không thoát ra được. Tôi vội ấn nút liên lạc, xin ý kiến anh Lương Thế Phúc chỉ huy bay: "Có làm theo kế hoạch không...?", sau chốc lát được trả lời là: "Vẫn thực hiện theo kế hoạch". Tôi vội vàng mở máy, lăn ra đường lăn đứng chờ bạn Lào bay số 2 hạ cánh xuống, rồi cùng lăn về lễ đài báo cáo đồng chí Phó Tổng tham mưu trưởng của bạn. Đồng chí bắt tay chúng tôi với nét mặt buồn buồn. Tôi về lán của mình ở gần cuối đường băng. Em y tá chạy ra đón và mếu mếu: ''Em cứ tưởng anh...", rồi em đưa lại cho tôi chiếc áo len và chiếc đồng hồ tôi gửi em trước khi bay vẫn còn hơi ấm của mặt trời hay của em mà tôi không kịp nhận ra?. Mọi người kể lại, khi máy bay bị rơi cô y tá cứ chạy quanh nhà bạt, vẻ mặt biến sắc, miệng thì lảm nhảm: "Anh Duy gửi em cầm hộ cái đồng hồ và cái áo len, em biết làm sao bây giờ?”. Em tưởng là máy bay của tôi bị rơi.

Về lán của mình ở sân bay chưa đủ nửa tiếng, tôi nhận được tin, dự báo khí tượng ở Việt Nam ngày mai chuyển xấu nên tôi được lệnh 14h00’ hôm nay phải bay về Việt Nam ngay. Tôi chuẩn bị mọi thứ để bay về, lẽ ra phải được vui nhưng bỗng chốc thành buồn. Tôi tự kiểm điểm lại mình, tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phía Việt Nam giao. Nhưng ân hận một điều là nếu tôi để bạn bay cùng thì kết cục công việc có thể sẽ khác, nhưng cũng rất mạo hiểm và mong manh. Đơn vị công binh của ta cho xe ra đón tôi về doanh trại để chuẩn bị tư trang. Tôi bảo em y tá cùng về để cầm những thứ các bạn gửi về Việt Nam. Anh chị nuôi bảo tôi chờ chút để chúng em nấu cơm. Anh vội lắm, có đồ ăn nhanh không, chợt tôi thấy trong tủ kính có bánh chưng, tôi xin một cái rồi vội đi luôn. Vừa đi vừa quay lại hỏi đùa: "Bữa ăn của anh đổi một bánh chưng có phải bù thêm tiền không?". Các em cười và giơ tay vẫy. Tôi chỉ ăn nửa cái bánh, còn một nửa để dành cho em y tá.

Tôi cất cánh bay lên mà lòng nặng trĩu, buồn vui lẫn lộn. Nhưng vì còn quá nhiều việc ở phía trước, nên tôi phải tạm quên. Khi tôi bay đến gần biên giới, bầu trời hiện ra đúng như dự báo, mây phủ kín, nhưng tầm nhìn tốt, tôi đoán là mây mỏng. Lúc này tôi mới cất tiếng liên lạc với Sở chỉ huy của trung đoàn tôi ở sân bay Nội bài. Tin đầu tiên các anh cho biết về tình hình thời tiết ở sân bay và khu vực. Tôi hỏi lại các anh đã thấy tôi chưa. Sau nhiều phút, tôi nghe câu trả lời của các anh dẫn đường bay không tự tin lắm. Tôi mạnh dạn giảm độ cao, thì ngay sau đó tôi thấy "Bầu diều Hưng Yên" hiện ra trước mắt (đây là một khúc sông uốn lượn rất giống bầu diều con gà, thuộc tỉnh Hưng Yên được các phi công lấy làm điểm chuẩn để bay về sân bay Nội Bài, hoặc về sân bay Gia Lâm). Hóa ra, tôi đã bay lệch hơi nhiều về phía đông Hà Nội. Tôi tự tin bay về mà không cần sự giúp đỡ của các anh dẫn đường bay, mọi lần có thể các anh tự ái, nhưng lần này thì không. Máy bay của tôi tiếp xuống đường băng rất nhẹ nhàng, nhưng ngay sau đó cứ nghiêng dần về bên phải. hóa ra lốp bên phải của tôi có thể đã bị xịt từ bên Lào, khả năng là do các tấm ghi sắt còn mới gây nên. Tôi vẫn giữ được máy bay đỗ trên đường băng, rồi chờ xe ra kéo. 

Về đến Việt Nam, tôi lại nghĩ về người bạn phi công Lào không may. Cấp bậc chỉ huy thì anh giống tôi, cùng là Phi đội trưởng. Anh mới có một con gái chưa đầy một tuổi. Tôi trộm nghĩ, khi chưa có vợ con như tôi mà hi sinh thì thanh thản hơn nhiều. Tự nhiên tôi nhớ đến các bạn nữ đang ở bên Lào, lại thấy thương thương. Tôi có ý định khi nào được về phép, tôi sẽ chuyển ngay quà và thư của các bạn đến tận từng gia đình.

Ngay khi về đơn vị, tôi chủ động xin gặp đồng chí Trung đoàn trưởng và báo cáo về kết quả chuyến đi công tác đặc biệt này. Sau khoảng một tiếng, đồng chí Trung đoàn trưởng gọi điện cho tôi và thông báo: Sau khi nghe báo cáo kết quả chuyến đi công tác, Sư đoàn trưởng đồng ý cho đồng chí Duy được về tranh thủ thăm gia đình 2 ngày. Tôi xem đây là phần thưởng quý giá mà đơn vị đã dành cho.

Tôi về nhà bằng xe đạp mua ở Liên Xô khi sang đó học bay, có cái ghi đông khoằm khoằm. Vì xa gia đình từ lúc còn trẻ, nên bạn bè ở quê rất ít, bạn nào ở lại thì đều có vợ chồng con cái cả. Sáng sớm hôm sau, tôi đi thăm các gia đình bạn của tôi đúng như lời hứa.

(Còn nữa)

N.K.D.

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết ""Những ký ức không thể quên": Bay chào mừng nhân dân Lào (kỳ 17)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn