Những phi công Mỹ tham chiến ở Điện Biên Phủ và bí ẩn :"Chiến dịch kền kền" (Kỳ 1)

Vào cuối thập niên 70, nghĩa là sau khi người Mỹ đã cam chịu thất bại, kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam, một nhà nghiên cứu lịch sử là Tiến sĩ William Learay đã tình cờ tìm thấy trong văn khố lưu trữ Hoa Kỳ một tài liệu có đóng dấu “mật”.
chuy1ax-1638670268.jpg
Phó Tổng thống Mỹ Richard Nixon cùng các tướng lĩnh Pháp đi thị sát chiến trường miền Bắc Việt Nam năm 1953. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Ông đọc và sửng sốt khi phát hiện sự kiện có hai Phi công Mỹ tên là James B.Mc Govern và Wallace A Buford đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với quân đội Pháp. Đặc biệt là chiếc máy bay kiểu C-119 do hai Phi công Mỹ kể trên lái đã bị cao xạ pháo Việt Nam bắn rơi ngày 6 tháng 5 năm 1954. Nghĩa là chỉ trước khi Tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của Pháp bị thất thủ có một ngày. Điều trớ trêu, đáng buồn hơn là họ tên của những người lính Phi công Mỹ này lại không được ghi trên bia tưởng niệm những người Mỹ đã chết ở Việt Nam…

Năm 1998, cơ quan Tìm kiếm tù binh và những người Mỹ mất tích ở Việt Nam phát hiện ra xác chiếc C-119, loại máy bay vận tải hai thân lớn, chuyên thả dù tiếp tế cho lính Pháp ở Điện Biên bị rơi trên đất Lào. Nhưng hài cốt tìm thấy lại không phải những người mà Mỹ đang cần.

Người ta lục trong hồ sơ cũ, thấy ngoài bức điện của De Castries - Tư lệnh Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ báo cáo với tướng Henri Navarre thông tin về máy bay C-119 rơi, còn có một sĩ quan Pháp tại Lào cho biết một chi tiết đáng chú ý: Dân làng Sót, thuộc Mường Hét, đã chôn hai người Mỹ trong hai ngôi mộ xây theo kiểu Đạo Phật.

chuy2ax2-1638670416.jpg
Quân Pháp đang chờ tiếp tế từ cầu hàng không
của Không quân Mỹ tại Điện Biên Phủ, năm 1954. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Nhưng đáng ngạc nhiên hơn nữa là tất cả mọi nguồn tin xoay quanh hai viên Phi công nêu trên đều bị Bộ Quốc phòng Mỹ ỉm đi, cố tình phớt lờ, không chịu công bố. Thì ra, trong suốt một thời gian dài Chính quyền Mỹ muốn che giấu sự thật về sự tham chiến của họ cùng người Pháp ở Đông Dương chống lại Cách mạng Việt Nam.

Điều bí mật đó mãi đến đầu năm 2004, nghĩa là tròn 50 năm sau cuộc chiến Điện Biên Phủ, mới được phanh phui, khi một người Mỹ tên là Douglas Paynter, với tư cách là Đạo diễn phim tư liệu đã gặp Bộ Ngoại giao Việt Nam kể lại những điều ông đã biết và xin phép được tìm gặp và quay phim những nhân chứng lịch sử xoay quanh sự kiện đáng buồn này.

Trong một bài viết của mình, nhà văn Nguyễn Trần Thiết cho biêt: Một số cựu chiến sĩ Điện Biên của Việt Nam đã được mời đến gặp gỡ, làm việc với Đạo diễn Mỹ Douglas Paynter, trong đó có Đại tá Nguyễn Cần, nguyên Đại đội phó Đại đội Cao xạ pháo 816, đơn vị trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đại tá Nguyễn Cần đã khiến cho ông đạo diễn người Mỹ vô cùng xúc động, khi đưa cho ông ta xem một cuốn sổ cũ. Đó là một cuốn nhật kí thời chiến, ghi chép tại mặt trận. Trên một trang giấy kẻ ô-li cũ, những dòng chữ đã ố vàng sau 50 năm, nhưng còn đọc được: “Ngày 6 tháng 5 năm 1954, Đại đội 816 bắn rơi một C-119 (thực tế là 2), rơi cách Điện Biên 120 km”.

Đạo diễn Douglas Paynter đã coi Nguyễn Cần là một nhân chứng sống, quý hơn vàng. Lính cao xạ thường có trí nhớ tuyệt vời. Ông Cần đã kể lại chi tiết từng trận đánh diễn ra 50 năm trước. Đặc biệt là những trận đơn vị ông bắn rơi máy bay đối phương, thu được rất nhiều thịt hộp, cá hộp, bia rượu và chiến lợi phẩm khác...

Tạm biệt những Cựu chiến binh cao xạ Việt Minh, Đạo diễn người Mỹ trân trọng lật tìm trong cuốn “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tại trang 380, dòng thứ 8, từ trên xuống, ông ta thấy một đoạn có ghi chuyện xảy ra ngày 6 tháng 5 năm 1954 như sau: “Pháo cao xạ bắn rơi một máy bay vận tải”. Khẩu đội trưởng Khẩu đội 2 Nguyễn Thế Vinh kể lại chuyện cách đây nửa thế kỉ rất sinh động: Nghe đại đội trưởng Lại Văn Đan chỉ thị mục tiêu, cả bốn nòng pháo đồng loại nổ súng, nhả đạn chùm quanh máy bay. Quan sát viên trông thấy đạn trúng cánh trái chiếc thứ nhất. Cả hai chiếc C-119 thả vội dù lương thực, thực phẩm... rồi bỏ chạy (có một số dù rơi vào trận địa C816). Chính trị viên Vũ Tuấn Chuyển biểu dương các khẩu đội đã bắn loạt đạn thứ hai trúng cả hai mục tiêu, đặc biệt nhìn rõ đuôi chiếc thứ nhất bị toé lửa.

Đạo diễn Douglas Paynter làm phim tư liệu, nên ông ta cần sưu tập những chứng cứ đầy sức thuyết phục và đặc biệt là những nhân chứng sống. Trước khi đặt chân lên mảnh đất Điện Biên, thăm tại chỗ trận địa cao xạ pháo của Đại đội 816, người đạo diễn này đã may mắn tìm được viên Phi công lái chiếc phi cơ thứ hai tại Điện Biên Phủ ngày đó tên là S. Kisac. Chính người cựu Phi công Mỹ này đã nhớ lại và thú nhận như sau: “Hôm đó, chúng tôi thống nhất với James và Wallace là bay ngược hướng với những chuyến bay trước để đánh lừa lực lượng phòng không Việt Minh. Nhưng chưa vào đến điểm thả dù thì một viên đạn đã trúng động cơ bên trái máy bay. Xăng phun mạnh. James tắt động cơ bên trái, thả tất cả dù hàng cho máy bay nhẹ hơn và bay ra. Nhưng bất ngờ, chiếc máy bay lại bị dính viên đạn thứ hai vào đuôi. Máy bay mất kiểm soát, lao nhanh, rồi đâm vào ngọn núi và bốc cháy…

Vậy là, tới năm 2004, nghĩa là tròn nửa thế kỷ sau cuộc chiến Điện Biên Phủ, chính người Mỹ đã thừa nhận sự dính líu của mình. Họ đã đề nghị phía Việt Nam giúp đỡ tìm kiếm, xác minh lại những chuyện xảy ra cách đây hơn nửa thế kỷ. Một sự thật đã được những người có trách nhiệm và những người lính cả hai phía chứng minh và không ai có thể phủ nhận! Chúng ta đã có đủ căn cứ để khẳng định rằng: Quân đội Mỹ đã trực tiếp tham chiến cùng với quân Pháp tại Việt Nam năm 1954. Hai Phi công Mỹ đã chết mất xác tại chiến trường Điện Biên Phủ. Có thể một ngày nào đó, hài cốt của hai viên Phi công Mỹ sẽ được tìm thấy và tên của James B.Mc Govern và Wallace A Buford sẽ được ghi tại đài tưởng niệm những người Mỹ chết tại Việt Nam?

Một năm sau, vào tháng 2 năm 2005, đến lượt người Pháp đã công khai “ghi công” cho Phi công Mỹ tại Điện Biên Phủ, bằng cách trao tặng Huân chương cho những Phi công Hoa Kỳ từng đã tham gia những chuyến bay bí mật hồi năm 1954, để giúp quân Pháp đang bị thất thế ở Điện Biên Phủ.

Hãng thông tấn Pháp AFP đã trích lời Đại sứ Pháp ở Washington hồi đó là Jean David Levitte nói tại buổi lễ trao Bắc đẩu Bội tinh (do Hoàng đế Napoleon lập ra năm 1802 và là một trong những Huân chương cao quý nhất của nước Pháp) cho các Phi công Hoa Kỳ rằng: “Nước Pháp muốn biểu dương sự dũng cảm của những người đã có nhiều chuyến bay tại Điện Biên Phủ”.

Bởi thế, Pháp đã chọn ra bảy cựu Phi công Mỹ để trao Bắc đẩu Bội tinh và sáu người trong số đó đã dự lễ trao Huân chương tại Washington.

Tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III - Nơi đang lưu giữ nhiều tài liệu quý, liên quan đến lịch sử Việt Nam từ 1945 đến nay mà nhiều người còn ít biết. Người viết cuốn sách này đã có may mắn được tiếp xúc với Hồ sơ số 138, nội dung nói về sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam và Đông Dương từ Đại chiến Thế giới II, khoảng năm 1941 đến năm 1954. Đó là những tài liệu thuộc Phòng Lưu trữ của Ủy ban Điều tra tội ác chiến tranh, do Bộ phận Nghiên cứu Quan hệ quốc tế soạn, dày 24 trang đánh máy khổ A4. Tài liệu đã tiết lộ nhiều chi tiết được cho là “tuyệt mật” một thời:

- Một là, người Mỹ đã âm mưu nhòm ngó Đông Dương từ trong Đại chiến Thế giới thứ II (1941 - 1946) như thế nào?

- Hai là, từ nhòm ngó đến bước đầu tích cực chuẩn bị can thiệp (1947 - 1949) ra sao?

- Ba là, cùng thời điểm với cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953) người Mỹ đã công khai và trực tiếp can thiệp vào Việt Nam về mọi mặt ra sao?

- Và bốn là, người Mỹ tiến thêm một bước nguy hiểm trong việc hỗ trợ người Pháp và can thiệp quân sự trực tiếp vào Điện Biên Phủ; âm mưu ném bom nguyên tử, kéo dài và mở rộng chiến tranh Đông Dương (1953 - 1954) thế nào?…

(Còn nữa)

Đ.V.H

______

Trích PHI CÔNG MỸ Ở VIỆT NAM của nhà văn Đặng Vương Hưng - Cuốn sách hiếm hoi viết về vấn đề tù binh phi công Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, được tác giả thực hiện trong gần 20 năm. Trên tinh thần tôn trọng sự thật, chúng tôi muốn cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn trung thực và khách quan từ nhiều phía; góp phần làm sáng tỏ những bí ẩn của lịch sử...

Theo Trái tim người lính