Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 14)

PGS TS Cao Văn Liên

09/11/2023 06:01

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.

Kỳ 14

Những cuộc xâm lược đẫm máu mang tính chất tàn phá cướp bóc của đế quốc Mông Cổ đã mang lại yếu tố tiêu cực cho quá trình phong kiến hoá ở châu Á. Các quốc gia bị Mông Cổ xâm lược chịu chết chóc tàn phá kiệt quệ sức lực, đã bị tổn thương làm chậm đi quá trinh phát triển.

Sự kiện thứ 4 tác động đến quá trình phong kiến hóa và chế độ phong kiến ở khu vực này là những cuộc xâm lược bành trướng và cai trị của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ (Ôtô man). Năm 1453 Thổ Nhĩ Kỳ chiếm được thành Công stanti nốp, tiêu diệt đế quốc Bi zăn tin (Đông La Mã). Những năm 50, 60 thế kỷ XV Xun Tan Mô ha Met II tấn công bán đảo Ban Căng. Những năm 70, quân Thổ Nhĩ Kỳ tiêu diệt Hãn quốc (một tiểu vương quốc vùng Trung Á), chiếm Crưm và đánh phá Giênôva, đánh chiếm Tiểu Á và tiến đến bờ sông Ơ rơ phát. Sang đời cháu của Môha met II là Xêlim I quân Thổ Nhĩ Kỳ tiến đánh Cáp Ca zơ, A zec bai dan, Đe ga stan và nhiều vùng thuộc Trung Á, Chiếm Xi ri, Ai Cập. Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ hùng cường nhất vào thời Xun tan Xu Lây man (1520-1565). Dưới triều đại này, quân Thổ Nhĩ Kỳ chiếm Hung Ga Ri, Môn đa vi, bao vây kinh thành Viên thủ đô nước Áo, chiếm Luỡng Hà và kinh đô Bát đa, chiếm bán đảo A’rập và Bắc Phi. Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên uy hiếp vùng biển Italia và Tây Ban Nha, cắt đứt con đường buôn bán lớn của thế giới qua Địa Trung Hải, Hắc Hải, Hồng Hải và vịnh Ba Tư. Thế kỷ XV-XVI Thổ Nhĩ Kỳ là đế quốc thay thế đế quốc Bi zăn tin và đế quốc A’rập.

           Ở các nước bị xâm lược Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng một chế độ phong kiến quân sự độc tài, vơ vét bóc lột các dân tộc bằng cống nạp để sống xa hoa lãng phí. Riêng ở triều đình Xun tan đã có tới 15.000 người hầu hạ. Toàn đế quốc có 21 tổng trấn, dưới tổng trấn là 250 khu. Nông dân bị lãnh chúa và nhà nước phong kiến bóc lột tàn nhẫn, lực lượng sản xuất hết sức thấp kém, lại còn bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ liên tục đàn áp cướp bóc. Những cuộc xâm lược, thống trị tàn bạo, cướp bóc tàn phá của Thổ Nhĩ Kỳ đã giam hãm các dân tộc bị chúng nô dịch trong vòng lạc hậu với pháp luật của chế độ phong kiến quân sự tàn nhẫn hà khắc. Tất cả đã tác động tiêu cực đến một bộ phận các quốc gia phong kiến châu Á trong thời kỳ trung đại.

           Thiết chế chính trị của các nhà nước phong kiến châu Á là nhà nước quân chủ chuyên chế phong kiến tập quyền, điển hình là nhà nước phong kiến Trung Quốc. Quyền sở hữu tối cao ruộng đất thuộc nhà vua. Khi hoàng đế phân phong, ban cấp ruộng đất cho hoàng thân quốc thích, cho các tướng soái, đại thần thì quyền sở hữu ruộng đất của hoàng đế vẫn không mất. Chủ nhân được phân phong ban cấp chỉ có quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, ruộng đất có thể bị nhà nước thu hồi lại bất cứ lúc nào, nhất là đối với phần ruộng đất ban cấp không vĩnh viễn, chủ ruộng không có quyền thừa kế. Nông dân trong khu ruộng đất phong cấp cày ruộng và nộp tô thuế cho chủ đất nhưng quí tộc phong kiến không được biến nông dân thành nông nô. Với những nguyên nhân trên, chế độ phong kiến châu Á dù có trải qua giai đoạn điền trang thái ấp nhưng không tồn tại chế độ nông nô, điền trang thái ấp không biến thành lãnh địa cát cứ như các lãnh địa của các lãnh chúa Tây Âu. Để có người phục dịch trong gia đình, trong điền trang thái ấp, quan lại phong kiến châu Á phải nuôi nô tì (gia nô). Gia nô không phải là nông dân bị nông nô hoá mà chỉ là tầng lớp nghèo đi ở cho chủ phong kiến mà thôi. Trong điền trang thái ấp, nông dân nhận ruộng đất cày cấy và nộp tô cho quý tộc phong kiến. Tuy nhiên do phải nhận ruộng cày cấy nên người nông dân bị phụ thuộc và bị áp bức bóc lột nặng nề, bị quý tộc phong kiến chi phối nhiêu mặt. Như vậy nhà nước nắm quyền sở hữu ruộng đất đã làm cho quý tộc phong kiến châu Á không thể xây dựng được lãnh địa cát cứ biệt lập tách rời chống lại chính quyền trung ương. Đó là đặc điểm riêng biệt của chế độ phân phong kiểu châu Á.

           Ở châu Á, ruộng phân phong ban cấp chỉ là một phần nhỏ và chỉ là một loại ruộng. Đại bộ phận là ruộng đất công của công xã. Công xã phân chia ruộng đất công này cho các thành viên cày cấy và nộp tô thuế, đi lao dịch, binh lính cho nhà nước. Như vậy nhà nước đã dựa vào công xã để bóc lột nông dân vì ruộng đất của công xã vẫn thuộc quyền sở hữu tối cao của nhà nước. Còn tồn tại ruộng đất của nhà nước sử dụng tù binh và phạm nhân để cày cấy và nhà nước thu tô. Tô của loại ruộng này rất nặng. Ngoài ra còn ruộng đất của nhà thờ, nhà chùa, của các tôn giáo. Ruộng đất này do nhà nước ban cấp hoặc do các quý tộc quan lại sùng đạo cúng vào. Ruộng đất này cũng được tổ chức thành các trang trại để sản xuất.

           Kinh tế phong kiến châu Á trải qua hai giai đoạn, giai đoạn điền trang thái ấp đuợc lập nên bởi nhà vua phân phong, ban cấp ruộng đất cho đại thần, tướng soái, hoàng tộc. Dù đã nhiều ruộng đất bọn quí tộc phong kiến vẫn dùng quyền lực chiếm đoạt ruộng đất của nông dân, làm cho nông dân mâu thuẫn với phong kiến càng sâu sắc, nông dân đấu tranh chống phong kiến kịch liệt dẫn đến sự sụp đổ của kinh tế điền trang thái ấp, chế độ phong kiến điều chỉnh chuyến sang kinh tế địa chủ, tức là hạn chế việc tước đoạt ruộng đất qúa lớn nhưng cho phép ruộng đất tư phát triển, cho phép mua bán ruộng đất, tạo nên tầng lớp địa chủ trong giai cấp phong kiến. Ở Trung Quốc, đến đời nhà Đường, kinh tế điền trang thái ấp sụp đổ, thay vào đó là nền kinh tế địa chủ. Ở Việt Nam đến cuối triều Trần và đầu thời Hồ, chế độ điền trang thái ấp sụp đổ dẫn đến những cải cách của Hồ Quý Ly để cứu vãn nó nhưng thất bại. Sang triều Hậu Lê (1428-1789) hoàn toàn dựa trên nền kinh tế địa chủ. Bản thân Lê Thái Tổ (Lê Lợi) cũng xuất thân từ một địa chủ ở vùng Lam Sơn, Thọ Xuân - Thanh Hoá. Chế độ quân điền của nhà Đường ở Trung Quốc và nhà Hậu Lê ở Việt Nam thúc đẩy kinh tế địa chủ phát triển. Dù ở kinh tế điền trang thái áp hay kinh tế địa chủ, người nông dân vẫn không bị nông nô hoá, về mặt pháp lý họ chỉ là thân phận tá điền, dễ chịu hơn so với thân phận người nông nô trong các lãnh địa phong kiến Tây Âu. Tuy nhiên họ vẫn bị địa chủ và nhà nước phong kiến bóc lột áp bức nặng nề.

           Nhà nước phong kiến châu Á không chỉ đơn thuần thực thi chức năng quản lý xã hội mà còn phải thực hiện chức năng tổ chức quản lý sản xuất nông nghiệp. Nhà nước phải trực tiếp tổ chức công việc trị thuỷ các con sông lớn, đắp đê phòng lụt, đào sông, tổ chức hệ thống tưới tiêu, tổ chức khai khẩn đất hoang để mở rộng diện tích canh tác, bảo vệ sức kéo như trâu, bò, ngựa.

   (Còn nữa)

     CVL

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 14)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn