Kỳ 65
Liên Xô và các nước Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ cũng phải nói tới yếu tố bên ngoài tác động, đó là chiến lược “Diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc. Chiến lược này thực sự là một cuộc chiến tranh không có khói súng và đã tỏ ra cực kỳ nguy hiểm đối với chế độ xã hội chủ nghĩa. Với chiến lược này, chủ nghĩa đế quốc đã sử dụng mọi thủ pháp biện pháp tổng lực để tấn công chủ nghĩa xã hội như tuyên truyền kiểu “chủ nghĩa đế quốc”, như sử dụng sức ép kinh tế, sử dụng các lực lượng bên trong, sử dụng khẩu hiệu “dân chủ” và “nhân quyền”, sử dụng vũ khí trong cuộc đấu tranh tư tưởng. Tất cả nhằm tạo nên sự tấn công toàn diện, gây sức ép từ bên trong và bên ngoài, buộc các Đảng Cộng sản ở vào tình thế thừa nhận đa nguyên, đa Đảng rồi thông qua bầu cử để các lực lượng chống Chủ nghĩa Xã hội cướp chính quyền.
Quá trình chủ nghĩa xã hội các nước Đông Âu sụp đổ, trừ Rumani là bạo động vũ trang lật đổ chính quyền Cộng sản, còn hầu hết các nước đều diễn ra gần theo một kịch bản: Các lực lượng chống chủ nghĩa xã hội dựa vào các khuyết tật của chủ nghĩa xã hội, lừa bịp, xúi giục nhân dân gây khủng hoảng buộc các đảng Cộng sản thừa nhận đa đảng rồi bầu cử để chiếm chính quyền.
Từ những năm sau Đại chiến 2, Mỹ đã hiểu rằng không thể dùng chiến tranh nóng, vũ lực quân sự để tiêu diệt Liên Xô. Thất bại của 13 triệu quân Đức với bộ máy chiến tranh khổng lồ của khối phát xít trong đại chiến 2 đã nói lên bài học cay đắng đó. Mỹ phải tìm ra kẽ hở trong “bức tường thép” của chế độ Cộng sản đó để thâm nhập diễn biến từ bên trong.
Vào những năm 80, học thuyết diễn biến hòa bình đã được hoàn chỉnh qua nhiều lần bổ sung điều chỉnh của các đời Tổng thống Mỹ và của các nhà hoạch định chiến lược quốc tế của Mỹ.
Vào năm 1975, các cường quốc tư bản phương Tây đã thuyết phục được Liên Xô ký hiệp ước về “Nhân quyền” ở Henxinhki, tạo điều kiện cho các thế lực chống chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô ngóc đầu dậy hoạt động và phát triển.
Khi Goocbachốp lên nắm quyền lãnh đạo đảng và nhà nước Liên Xô, tiến hành cải tổ thì Mỹ và các nước phương Tây coi đó là thời cơ có một không hai để thực hiện diễn biến hòa bình. Mỹ hiểu thấu đáo kĩ càng cá tính và quan điểm chính trị của những nhân vật chóp bu lãnh đạo cải tổ như Goocbachốp, Enxin, Lacoplep. Đó là những con người mà ngay từ bước đầu nắm quyền lãnh đạo đã vứt bỏ những nguyên tắc cơ bản nhất của học thuyết chủ nghĩa Mác - Lênin, tham lam quyền lực cá nhân, vô nguyên tắc, thay đổi và phần lớn chỉ nói mà không làm. Đối với Goocbachốp, Mỹ và các nước phương Tây ra sức đề cao tán tụng, mặt khác tạo ra những phe phái đối lập để gây sức ép, đòi đa nguyên, đa Đảng, đòi li khai khỏi Liên bang Xô Viết. Khi cải tổ kinh tế thất bại. Liên Xô khó khăn tài chính, Mỹ và các nước phương Tây đã đòi hỏi Goocbachốp phải dân chủ hóa như thế nào đó, phải tiến hành cơ chế thị trường như thế nào đó mới nhận được bao nhiêu viện trợ. Đến lúc này cải tổ ở Liên Xô đã trở thành món hàng mặc cả của phương Tây và Mỹ. Cải tổ kinh tế, chính trị càng thất bại sức ép đối với ban lãnh đạo Đảng và nhà nước Liên Xô càng lớn. Những kẻ cơ hội như Goocbachốp gặp những sức ép lớn như vậy đã lùi bước nhân nhượng từng bước: Chấp nhận đa nguyên, đến chấp nhận đa đảng đến giải tán Đảng Cộng sản Liên Xô và cuối cùng thì chấp nhận Liên Xô sụp đổ.
(Còn nữa)
CVL