Niềm vui lúc xế chiều của ni cô Diệu Huyền

Vương Văn Kiểm

02/08/2021 21:18

Theo dõi trên

Sau 21 năm trời xa vắng, năm 1975 cô tôi là bà Bùi Thị Xuân (thường gọi là bà Lượng- gọi theo tên chồng) về thăm quê. Nhiều người trong làng nhìn bà với con mắt lạnh nhạt, có người quay mặt đi, vì họ cho bà là kẻ theo địch vào Nam năm 1954. Lòng tự trọng của bà bị xúc phạm, nỗi oan như xé ruột. Nhưng không ai thanh minh cho bà. Với tôi, cô không chỉ là họ hàng thân thiết, mà còn giúp đỡ tôi ăn học. Trước hoàn cảnh đó, tôi ái ngại vô cùng.

          

hoa-sen-1624207424.jpg
 

Thế rồi, cô đã dành cho tôi nửa buổi sáng ôn lại những năm tháng cam go, đầy tự hào, pha nỗi buồn man mác về hơn 20 năm ở Sài Gòn của cô và gia đình.      

      Cô tôi tâm sự: Gặp cháu, cô rất mừng, Chuyện cũ, cô kể lại cho cháu. Năm 1945, khi ấy cháu còn nhỏ. Cháu chưa hiểu cuộc cách mạng long trời lở đất. Bác Hồ cùng với Mặt trận Việt Minh lãnh đạo toàn dân giành độc lập. Chính quyền gặp muôn vàn khó khăn, Nhà nước hô hào nhân dân đóng góp nhân tài vật lực, tổ chức tuần lễ vàng. Quê ta có khẩu hiệu:

               “Đem vàng đổi súng cối xay

               Đánh quân cướp nước, có ngày vinh quang”

      Nhiều người nô nức đem vàng ủng hộ cách mạng. Cô vui vẻ ủng hộ đôi hoa tai vàng, tài sản tích cóp sau bao nhiêu năm trời lao động vất vả.

      Khi hiệp định Genève (năm 1954) được ký kết, một số người miền Bắc di cư vào Nam. Cô từ Nam Định ra Hải Phòng cùng dòng người chạy vào Nam, gia đình cô định cư tại chợ Tân Phú 2, quận Tân Bình, Sài Gòn. Ai đã từng sống thời Mỹ Ngụy tại quận Tân Bình đều biết miếu “Năm Bà” có tiếng linh thiêng, với “Bà Cô đồng” (tức cô Lượng biệt danh Ni cô Diệu Huyền) gieo quẻ, xem bói tài giỏi. Chồng bà là nhà báo; con rể là phóng viên báo Không quân Sài Gòn. Những tin tức của địch, nhà báo nắm bắt được, trao đổi với với cô, cô lại gửi vào “hòm thư mật” chuyển đến cụm tình báo.

      Tôi hỏi: “Thưa cô, hòm thư mật thường đặt ở đâu?” Cô nói: “Đã là bí mật thì chỉ là người có trách nhiệm mới biết. Hòm thư thường đặt ở ngõ hẻo lánh, ở hốc tường cũ rêu phong, hay hốc cây. Đặt thư vào đấy, hóa trang lấp đi, rất kín đáo.

      Các “Con nhang đệ tử” từ khắp nơi đến xem bói, xin lộc. Một hôm, trước khi hành quân, viên Đại tá Ngụy đến nhờ cô bói cho một quẻ. Thắp hương lầm rầm lễ Thánh, mắt cô nhíu lại, như thấy trận đánh đang xảy ra, phán: “Trận này thua lớn, có khả năng mất mạng”…. Khi giáp chiến tuyến Việt cộng, viên đại tá cho lính bắn chỉ thiên, rồi hô quân: Rút lui, rút lui… Quân của hắn lũ lượt tháo chạy, hỗn loạn. Đứa nào đứa ấy mặt mũi xám ngoét. Về đến trại lính, mạng sống được bảo toàn, viên đại tá đến gặp cô tạ lễ. Kể từ đó viên chỉ huy đơn vị nọ mách cho viên chỉ huy kia, mỗi khi ra trận kéo đến nhờ cô xem quẻ. Để tránh nghi ngờ của địch, mỗi viên chỉ huy, cô lại phán khác đi, làm thế nào vừa bảo đảm bí mật, vừa có lợi cho cách mạng. Cô thường khuyên họ: tránh sát sinh bao nhiêu thì được phúc bấy nhiêu, theo lời đức Phật dạy bảo. Sau đó bí mật báo cho cụm tình báo biết ngày giờ quân địch hành quân. Quân ta bí mật rút lui an toàn, hoặc bố trí lực lượng tiêu diệt chúng.

      Sau khi vào Nam hơn mười năm, chồng cô (ông Lượng) qua đời. Nỗi buồn “cô quả” đè nặng lên thân hình bé nhỏ nhưng là rường cột của gia đình, cô vừa lo chèo chống, đảm bảo cuộc sống, chăm lo cho đứa con nhỏ đi học, vừa bảo đảm công tác, cấp trên giao cho.

      Cô vỗ vỗ tay lên trán cho thần kinh bớt căng thẳng, rồi kể tiếp: “ Năm 1968, cuộc tổng tấn công nổi dậy như vũ bão, quân ta tấn công tận sào huyệt quân địch: sân bay Tân Sơn Nhất, Tổng Nha Cảnh sát, Bộ Tổng Tham mưu, đại sứ quán Mỹ v. v… Sau trận đánh, đồng chí cán bộ Hai Hùng bị thương nặng, được cô che giấu, và hết lòng cứu chữa suốt ba ngày đêm. Dến ngày thứ tư thì đồng chí tắt thở. Suốt thời gian này, cô viện cớ ốm, không tiếp xúc với ai. Trong khi đó Mỹ Ngụy lùng sục ráo riết.

      Nét mặt cô bừng lên xúc động, tiếp tục kể: lúc đó thân cô, thế cô, thằng nhỏ trong nhà mới tám tuổi. Lòng cô đau như cắt, nước mắt không cầm được, đau vì hoàn cảnh éo le gia đình mình, đau vì tình thương đồng đội. Cô luống cuống: giải quyết sự việc thế nào đây? Sau năm ngày đêm lùng sục, không phát hiện cơ sở nào quanh đây, bọn địch lơ là. Cô không nỡ đưa thi thể đồng đội ra ngoài đường phố. Trong khi thi thể đồng chí Hai Hùng bắt đầu phân hủy được che đậy chu đáo, đặt dưới ban thờ, phía trên hương hoa ngào ngạt át hơi tử khí. Đường dây liên lạc với cách mạng bị đứt đoạn, cô lặn lội tìm kiếm. Bà lo lắng, trái tim như thể vỡ ra. May mắn, rồi cũng nối lại được với cụm tình báo của ta. Đêm đến, các anh em quân giải phóng đến miếu “Năm Bà” nơi bà trụ trì, chuyển thi thể đồng chí Hai Hùng đi mai táng.

     Suốt thời gian công tác, cô làm nghề bói toán để vận động binh lính, sĩ quan Ngụy nản ý chí khi tham gia chiến trận. Ngoài ra, cô hoạt động trong Hội Phật giáo, từng tham gia đấu tranh chống sai trái của Trần Lệ Xuân làm mất bản sắc văn hóa dân tộc. Bà tích cực làm việc thiện nguyện, vận động bà con đóng góp quân lương (tiền, vật chất, thuốc men) cho cách mạng. Vì có vỏ bọc tốt, nên nhà cô là cơ sở hoạt động chắc chắn của cụm tình báo cửa ngõ Sài Gòn.

      Sau ngày giải phóng (1975), đường dây liên lạc lại bị ngắt quãng. Cô tìm mãi… tìm mãi… vẫn chưa ra manh mối… Chiến thắng to lớn, nước nhà thống nhất, mà không thấy đồng đội… có lẽ họ hy sinh hoặc mất tích. Đêm không ngủ được, ngày ăn không ngon, thương mình vất vả bao nhiêu, thì thương đồng chí mình bấy nhiêu. Đầu óc cô như bị đá nặng đè lên.

      Nhớ lại năm 1954, cô nhận nhiệm vụ vào Nam nắm tin tức tình hình địch và gây cơ sở, quê hương không ai biết công việc quan trọng đó nên bị mang tiếng là kẻ theo địch. Ai thanh minh cho cô bây giờ. Nỗi đau lại nhân lên gấp bội dằn vặt cô ngày đêm

      Nhưng trời có mắt, 20 năm sau ngày miền Nam giải phóng, năm 1995 chị Bùi Phương Mai con người em ruột cô, công tác tại Quảng Ninh, trong lần gặp ông Hoàng Quốc Hùng- Phó Chủ tịch Mặt trận tỉnh Quảng Ninh. Chị Phương Mai kể chuyện về bác Bùi Thị Xuân hoạt động tại quận Tân Bình- Sài Gòn những năm chống Mỹ, sau giải phóng bị mất liên lạc. Ông Hùng nghĩ ngay ra bà Bùi Thị Xuân tức bà Lượng- biệt danh là Ni Cô Diệu Huyền từng công tác với ông thời kháng chiến chống Mỹ. Khi ấy ông Hoàng Quốc Hùng có hai mật danh là Sáu Cường và Sáu Hùng. Năm 1976 ông Hùng được điều động ra tỉnh Quảng Ninh công tác. Ông Hùng đã viết giấy xác nhận quá trình công tác của cô Bùi Thị Xuân tức Lượng với nội dung :

   “Tôi là là Cụm trưởng tình báo H60 (trước đó là bộ đội tập kết thuộc D3. E556, F330 cũ, năm 1956 về Nam công tác,  năm 1966 là trợ lý điệp báo cụm P44 (cực Nam Trung Bộ), cán bộ thường lui tới và được bảo vệ an toàn do bà Ni cô Diệu Huyền chủ trì (đó là miếu “Năm bà” thuộc Tân Phú 2, phường 18 quận Tân Bình. Năm 1972 tôi về phụ trách cụm VN66, để tiếp cận Sài Gòn, bàn giao cơ sở này cho H60”

       Năm 1995, chị Bùi Thị Tâm- trung tá Công an thuộc Tổng cục An ninh- Bộ Công An, là chị ruột của Bùi Phương Mai, đưa giấy xác nhận đó nộp cho Ủy ban phường Tân Bình. Lòng cô sung sướng vô cùng, như là người sắp chết đuối níu được phao bơi. Cán bộ Phường tặng cô khoảng 2 triệu đồng (cô không nói rõ số tiền).

      Cho đến nay cô chưa nhận được giấy quyết định “Người có công với cách mạng”. Những năm tháng cuối đời, mặc dù kinh tế gia đình rất khó khăn, nhưng Nhân dân biết được lòng cô luôn luôn trung thành với Tổ quốc, cô không phải là kẻ phản bội Tổ quốc, phản bội Nhân dân nên cô sống rất thanh thản.

       Năm 2003 cô thanh thản ra đi như chiến sĩ hy sinh vì Tổ Quốc, coi cái chết nhẹ như lông hồng. Ni Cô Diệu Huyền thọ 93 tuổi, lăng mộ đặt tại khuôn viên chùa Giác Hải, tại thành phố Hồ Chí Minh. Tôi viết bài này thay cho nén tâm nhang kính viếng cô.

                                  

Bạn đang đọc bài viết "Niềm vui lúc xế chiều của ni cô Diệu Huyền" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn