NSƯT Tân Nhàn: Nữ hoàng dòng nhạc dân gian và hành trình giữ lửa truyền thống

Lương Quốc Toản

24/06/2024 16:33

Theo dõi trên

Gần 20 năm gắn bó với sự nghiệp ca hát, Tân Nhàn đã cho ra đời nhiều album nhạc riêng được khán giả nồng nhiệt đón nhận như: Trăng khuyết, Mưa xuân, Đường tàu mùa xuân, Yếm đào xuống phố, Níu dải lụa đào...

z5568582443702-a7bb586c2fa5057ab61396f751e1c76e-1719220664.jpg

20 năm gắn bó với sự nghiệp ca hát, Tân Nhàn đã cho ra đời nhiều album nhạc riêng được khán giả nồng nhiệt đón nhận.

Năm 2013, Tân Nhàn ra mắt album “Yếm đào xuống phố” phối hợp cùng nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, kết hợp xẩm, chèo, quan họ trên nền nhạc Jazz. Phong cách hát của cô giữ được sự thân quen của âm nhạc cổ truyền nhưng lại mang đến hơi thở hiện đại, khiến các bài dân ca trở nên gần gũi hơn với khán giả đương đại. Sau đó, Tân Nhàn tiếp tục chuyển mình khéo léo và tinh tế khi ra mắt album “Níu dải lụa đào” vào năm 2018, thể hiện rõ nét sự khắc khoải với âm nhạc truyền thống. Cô tâm niệm rằng âm nhạc truyền thống là gốc rễ của văn hóa và là cái nôi của sự phát triển.

Gần đây, Tân Nhàn đã dồn hết tâm huyết vào việc bảo tồn và phát triển âm nhạc truyền thống. Nữ nghệ sĩ không ngừng tìm kiếm và học hỏi từ các nghệ nhân để thể hiện chuẩn xác các làn điệu chèo, quan họ, xẩm. Cô đã thành công đưa tinh thần của âm nhạc truyền thống vào các sản phẩm âm nhạc của mình, nhận được sự khen ngợi và yêu mến từ công chúng.

Năm 2023, Tân Nhàn được vinh danh trong chương trình “Con đường âm nhạc” tháng 4 và được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Theo Quyết định số 1431/QĐ-CTN do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký ngày 28/11/2023, Tân Nhàn là một trong 41 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT).

"Nhiều người nói với tôi là nghệ sĩ nổi tiếng thì đi hát kiếm tiền đi, dạy học làm gì cho vất vả, tiền lương được bao nhiêu đâu. Nhưng tôi muốn được cống hiến cho nghề đào tạo, bởi muốn được định hướng cho sinh viên trên con đường nghệ thuật. Tôi đặc biệt muốn truyền đến cho sinh viên cả tình yêu âm nhạc truyền thống luôn cháy như ngọn lửa trong trái tim tôi. Tôi muốn các bạn trẻ hôm nay dù có bay cao, bay xa đến đâu thì cũng phải nhớ đến cội nguồn, gốc gác của mình, đó chính là âm nhạc, là văn hóa truyền thống của dân tộc. Từ đó phát huy và gìn giữ nó. Chính vì vậy, tôi luôn phấn đấu nỗ lực hết mình nghiên cứu, học tập để có thể toại nguyện giấc mơ của mình”.

Lời nói của Tân Nhàn được minh chứng bằng hành động, cô là người đào tạo ra nhiều ca sĩ, trong đó có những học trò xuất sắc trong dòng nhạc dân gian, như Lại Thị Hương Ly (Giải ba Sao Mai 2017), Nguyễn Thanh Quý (Giải ba Sao Mai 2019) và Lan Quỳnh (Giải nhất Sao Mai 2022).

z5568582449325-856ac4411e34e09c3a7e3ab4cded4622-1719221051.jpg
Tân Nhàn là một trong 41 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT).

Tân Nhàn, tên đầy đủ là Nguyễn Thị Tân Nhàn, sinh năm 1982 tại xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, là giảng viên thanh nhạc và ca sĩ nổi tiếng trong dòng nhạc dân gian Việt Nam. Cô được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2023 và hiện là Trưởng khoa Thanh Nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Tân Nhàn bắt đầu nổi tiếng sau khi tham gia cuộc thi Sao Mai 2005, nơi cô giành giải Nhất dòng nhạc Dân gian và giải Khán giả truyền hình bình chọn với bài hát “Trăng khuyết” (nhạc: Huy Thục, thơ: Phi Tuyết Ba). Sau khi tốt nghiệp cao học chuyên ngành Nhạc thính phòng cổ điển, Tân Nhàn trở thành giảng viên và đạt học vị Tiến sĩ vào năm 2019.

Năm 2019, Tân Nhàn tổ chức liveshow cá nhân đầu tiên trong sự nghiệp với chương trình Trở về”.

Năm 2019, Tân Nhàn bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về đào tạo thanh nhạc, trở thành tiến sĩ âm nhạc trẻ nhất Việt Nam tại thời điểm đó.

Đến tháng 5 vừa qua, Tiến sĩ, NSƯT Tân Nhàn vừa được bổ nhiệm vào vị trí Trưởng khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam ở tuổi 42. Quyết định này được NSND Quốc Hưng - Phó giám đốc phụ trách Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (HVANQGVN) - trao cho cô vào ngày 06/05/2024. NSND Quốc Hưng phát biểu: “Khoa Thanh nhạc có bề dày phát triển mạnh mẽ ở cả mảng đào tạo và biểu diễn. Chúng ta có thể tự hào vì đang đi đúng con đường và thực hiện đúng kế hoạch đã đặt ra từ nhiều năm trước.”

z5568582432110-35bd0af65c228bfbfd2d871aecf7eef7-1719220728.jpg
Năm 2019, Tân Nhàn bảo vệ thành công luận án tiến sĩ trở thành tiến sĩ âm nhạc trẻ nhất Việt Nam.

Bổ nhiệm Tân Nhàn vào vị trí Trưởng khoa ở tuổi còn khá trẻ là một quyết định đúng đắn. Tân Nhàn được đánh giá cao về khả năng dám nghĩ, dám làm và sự quyết liệt trong công việc. Trong bài phát biểu nhận vị trí mới, Tân Nhàn đã bày tỏ niềm vinh dự cùng với áp lực khi đảm nhận cương vị này. Cô khẳng định rằng Khoa Thanh nhạc không chỉ xuất sắc trong công tác đào tạo mà còn phát triển mạnh mẽ trong mảng biểu diễn. Hướng đi này của Tân Nhàn vừa phù hợp với chủ trương kết hợp giữa học và hành, vừa phản ánh đặc thù của nghề ca hát - luôn phải được cọ xát trên sân khấu, thể hiện tài năng và cống hiến trước công chúng.

Bài viết này được kết thúc có hậu với một tin vui do chính Tân Nhàn cung cấp: Tân Nhàn may mắn là một trong số những nghệ sĩ dòng nhạc dân gian có thể sống bằng nghề một cách thảnh thơi. Cô công khai rằng mức thù lao tốt từ những buổi biểu diễn giúp cô sống đàng hoàng và có điều kiện đầu tư cho nghệ thuật.

Với niềm đam mê và sự tận tâm, Tân Nhàn tiếp tục con đường tôn vinh âm nhạc truyền thống và cống hiến hết mình cho các thế hệ học trò - những người sẽ kế thừa và phát triển nghệ thuật ca hát Việt Nam trong tương lai.

 

Bạn đang đọc bài viết "NSƯT Tân Nhàn: Nữ hoàng dòng nhạc dân gian và hành trình giữ lửa truyền thống" tại chuyên mục Người nổi tiếng. Hotline: 03 6690 8888 | Email: tapchivanhoavaphattrien@gmail.com