Cuối thế kỷ 19 sau giai đoạn tạm thời bình định, thực dân Pháp bắt đầu công cuộc khai thác kinh tế qui mô lớn trên đất nước ta. Cuộc vơ vét theo lối tư bản thuộc địa tuy chủ yếu vẫn dựa vào lực lượng nhân công rẻ mạt bản xứ, nhưng cũng đã thấy xuất hiện những máy móc thiết bị tân tiến, những thứ mới mục sở thị lần đầu chỉ có tên tiếng Tây. Đặt tên Việt cho những của tân thời ấy là đòi hỏi cuộc sống trước mắt. Dường như có một cách lập ngôn thế này, hễ cái gì làm thay cho sức lực tay chân con người thì đều gọi là máy. Chiếc xe hai bánh muốn chạy đươc, người cưỡi phải gò lưng đạp thì gọi là xe đạp, nhưng nếu lắp cái động cơ con con vào không phải đạp mà vẫn chạy vù vù thì gọi là xe máy. Khâu vá bằng tay chả kể làm gì, nhưng cái cục sắt có cần thập thò, thay các bà các chị may áo quần rất nhanh rất đẹp thì gọi là máy may, có nơi gọi là máy khâu, cũng thế cả thôi. Cái khối sắt thép khổng lồ bay veo véo trên trời chở cả đoàn người trong bụng đặt tên ngay là máy bay. Cái cối xay ở quê do bác phó cối đóng bằng tre bằng đất sét, khi ra thành thị được chế bằng sắt bằng đồng chạy điện, xay thóc khỏe gấp trăm gấp nghìn lần gọi là máy xay. Cái bút chứa mực ở trong lòng viết cả tuần vẫn không phải chấm đặt luôn là bút máy… Không thể kể xiết những ví dụ đại loại như thế, nhiều vô kể!
Trong muôn vàn những từ ngữ mới xuất hiện theo kiểu nhìn mặt đặt tên như vậy có hai từ NƯỚC MÁY và MÁY NƯỚC cũng là những từ đặc biệt, nó được sinh ra một cách tuần tự có lịch sử, quá khứ, vị lai đàng hoàng, giống như vô số những từ ngữ anh em họ hàng thân thích cùng thế hệ.
Trước đây nước sinh hoạt hàng ngày của người Việt vẫn chỉ là nước giếng, nước mưa, nước ao hồ sông suối… Từ vua chí dân, từ quan đến lính, tất thảy đều vậy cả. Nước máy là sản phẩm cắp nách của cuộc xâm lăng thực dân. Nước máy xuất hiện ở Sài Gòn trước Hà Nội cũng là bởi Sài Gòn bị Pháp chiếm đóng trước. Năm 1882 Pháp đánh chiếm thành Hà Nội, sau khi thiết lập bộ máy cai trị thì đến năm 1894 họ bắt đầu xây dựng mới thành phố, và công trình nước máy là công trình xây dựng đầu tiên mang dấu ấn công nghệ tân kỳ của văn minh phương Tây.
Theo những tài liệu còn lưu lại thì vào năm 1894, một đoàn địa chất Pháp phát hiện ra một túi nước khổng lồ, có tài liệu gọi là dòng sông ngầm trong lòng đất Hà Nội, từ đấy đề án xây dựng một công trình khai thác sử dụng nguồn nước đó được triển khai. Sau hai năm tiến hành thiết kế, xây dựng và lắp đặt thiết bị lọc dẫn nước cũng như xây tháp nước tăng áp, năm 1896 công trình hoàn thành với công suất thiết kế 4.ooo mét khối nước sạch / ngày đêm. Cái cơ sở công nghiệp nước tọa lạc trên đường Yên Phụ ấy, khi khánh thành được đặt tên là SỞ MÁY NƯỚC HÀ NỘI. Tên doanh nghiệp đã là Sở Máy Nước thì tên sản phẩm làm ra không thể nào khác hơn là Nước Máy. Kể từ đấy, hai từ Nước Máy và Máy Nước đã có chỗ đứng trong ngôn ngữ Việt. 4.000 mét khối nước máy ngày đêm, thông qua hệ thống máy nước gồm giếng khoan, máy bơm, bể lọc và gần 100 cây số ống ngầm to nhỏ tráng kẽm, lại được bơm lên bể nước tăng áp dự trữ 1.250 mét khối của tháp nước Hàng Đậu, nước máy ban đầu chỉ đủ cung cấp cho các công sở, dinh thự, các gia đình quan chức Tây Ta và dân cư giầu có sống ở các khu phố Tây, rồi quân đội đồn trú trong thành Hà Nội và các đồn bốt rải rác trong nội thành. Khu buôn bán phố cổ gần Nhà máy nước cũng là những nơi đầu tiên được hưởng nước máy của Sở Máy Nước. Và tất tần tật những đối tượng được hưởng sự ưu ái ấy gộp lại cũng chỉ chiếm khoảng 10 phần trăm số dân nội hành Hà Nội lúc bấy giờ.
Vào những năm 1925, 1931, 1938 và 1941, Sở Máy Nước đầu tư xây dựng thêm 4 nhà máy nước nữa theo thứ tự thời gian là Đồn Thủy, Bạch Mai, Ngọc Hà và Ngô Sĩ Liên, theo đó đường ống cấp nước cũng nối dần tới các hộ dân cư ở những khu vực xa trung tâm như khu phố mới phía Nam thành phố thuộc quận Hai Bà Trưng ngày nay, trục dân cư Bạch Mai - Chợ Mơ vòng về Ngã Tư Sở - Đường Láng thuộc quận Đống Đa ngày nay, rồi trục Kim Mã - Cầu Giấy vòng về Đội Cấn thuộc quận Ba Đình ngày nay... nhờ vậy mà số dân Hà Nội được dùng nước máy cứ tăng dần, cho tới trước năm 1954 giải phóng thủ đô, con số này đã lên khoảng 58 phần trăm.
Nhiều gia đình được lắp máy nước riêng nhưng cái giếng khơi quây gạch xây thành gọn ghẽ từ ngày trước để lại vẫn cứ giữ nguyên trong góc sân, một phần vì nước giếng quá trong quá mát, một phần vì giá nước máy cũng không phải là rẻ, và quan trọng nhất là vì tâm linh, nhiều người quan niệm cái giếng được nước là long mạch gia đình, lấp nó đi là lấp bỏ mọi tài lộc phúc đức. Sau nhiều thập kỷ nước máy, trong nhiều gia đình vẫn còn lưu giữ những cái giếng cổ. Nước máy và nước giếng vẫn song hành sử dụng, hài hòa tân cổ giao duyên.
Cùng với hệ thống cấp nước máy nối vào các hộ gia đình thì vào khoảng trước năm 20 thế kỷ trước, tức là sau Thế chiến thứ Nhất 1914- 1918, trên một số tuyến phố Hà Nội bắt đầu xuất hiện những trụ máy nước công cộng cung cấp nước máy miễn phí. Máy nước công cộng ban đầu được thiết kế là một trụ tròn đúc bằng gang pha thép có vòi đúc liền khối, trụ nước có đường kính khoảng 40 phân cao chừng 1 mét. Bên trên đỉnh có một cái tay nắm bằng đồng thuôn thuôn cỡ quả dưa chuột nhỏ bên trong có hai khấc, khấc kéo lên là mở máy nước, khấc ấn xuống là khóa máy nước, rất trơn tru bền chắc lại dễ sử dụng. Bình thường nếu đủ áp lực vòi nước chẩy rất to, một gánh nước hai thùng sắt tây cho vào chỉ hai phút đã đầy chan chứa.
Nhiều người già sống lâu ở Hà Nội kể lại, những máy nước công cộng đầu tiên được đặt trên vỉa hè nhiều con phố như Phùng Hưng chỗ ngã ba Ngõ Trạm nhìn sang đường tầu điện, Hàng Cót ngay dưới gầm cầu tầu hỏa, Trần Quốc Toản ngay đầu ngõ Đoàn Nhữ Hài, góc phố Tô Hiến Thành và Nguyễn Đình Chiểu ( hồi trước gọi là phố 296 ), rồi phố Tuệ Tĩnh trước đồn công an Phường bây giờ … Các cụ còn cho biết ở chỗ đặt máy nước công cộng bao giờ cũng có bảng yết thị qui định nước máy công cộng chỉ được gánh về, cấm tắm giặt rửa ráy tại chỗ, làm mất vệ sinh công công sẽ bị phạt tiền. Hồi đó những cảnh sát trật tự công cộng mà dân ta quen gọi là đội xếp hoặc cảnh binh, họ mặc đồng phục quần sooc áo sơ mi cắm thùng, lủng lẳng bên sườn chiếc dùi cui trắng, mỗi khi đạp xe đi tuần phố xá vẫn thường hav vòng qua những chỗ máy nước, nhiều khi máy không có ai mà nước vẫn chẩy ồ ồ, thì viên đội xếp bao giờ cũng dừng xe khóa máy rồi mới đạp xe đi tiếp.
Sau hòa bình lập lại 1954 dân số Hà Nội tăng vọt do bộ đội và các cơ quan dân chính đảng, các cơ sở sản xuất kháng chiến trên chiến khu trở về thủ đô, các cơ quan ngoại giao quốc tế lập trụ sở, rồi thân nhân cán bộ công nhân viên Nhà nước sống ở các tỉnh cũng được theo chồng con nhập tịch Hà Nội… Người đông lên thì nhu cầu sử dụng nước máy cũng tăng lên nhanh chóng, vượt quá xa khả năng cung cấp của Nhà Máy Nước Hà Nội. Chỗ này cũng cần nhắc lại một tí, gọi là Nhà Máy Nước vì sau giải phóng Sở Máy Nước được đổi tên thành Nhà Máy Nước, cũng giống như Sở Hỏa Xa đổi thành Nhà Máy Hỏa Xa sau lại đổi tiếp thành Nhà Máy Xe Lửa, Sở Lục Lộ cải ra là Công Ty Cầu Đường, Sở Xe Điện thành ra Công Ty Xe Điện…
Thời kỳ mới hòa bình miền Bắc còn khó khăn, lo chống đói, lo gỡ mìn, lo đào mương đắp đập phục hồi sản xuất nông nghiệp, lo giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu người thất nghiệp, lo chế độ thương binh tử sĩ… Hà Nội vì thế cũng chả có tiền đâu mà xây thêm nhà máy nước hay sửa chữa thiết bị, cải tạo đường ống hư hỏng. Tình trạng khan hiến nước máy cứ tăng dần trong dân. Cũng chả hề hấn mấy, hồi đầu thế kỷ nước máy chỉ 10 phần trăm dân số được dùng cũng có sao đâu. Chịu khổ là một trong những đức tính cao quí nhất của người Việt mình. Ao hồ còn đấy, giếng xưa còn đấy nay đào thêm mặc sức sử dụng. Hồ ao trở thành chỗ tắm giặt công cộng. Hồ Bẩy Mẫu, hồ Ba Mẫu, hồ Ha le tức Thiền Quang, hồ Văn Chương, Hồ Tây… là những chỗ thanh thiếu niên bì bõm suốt ngày. Chả có việc dạy mù bơi hay chống đuối nước bao giờ mà trẻ con lặn ngụp cứ như rái cá cả lũ.
Rồi chiến tranh phá hoại của Mỹ, chiến trường giải phóng Miền Nam mở rộng…Thanh niên vào Nam chiến đấu, học sinh giỏi giang đi nước ngoài học tập, các nhà máy sơ tán, người dân sơ tán, học sinh phổ thông và sinh viên đại học sơ tán, cơ quan hành chính sự nghiệp sơ tán… Hà Nội vắng chỉ còn phần tư. Nước máy Hà Nội thời kỳ này lại rủng rỉnh. Nhiều máy nước công cộng không thấy bóng người. Nhưng đến đầu năm 1973 hiệp định Paris được ký kết, Mỹ phải ngừng ném bom miền Bắc và rút quân khỏi miền Nam, thì cả triệu người sơ tán khỏi Hà Nội những năm trước nay lục tục kéo về. Nhiều người hồi sơ tán ở quê vẫn mơ ước, bao giờ hòa bình trở về Hà Nội có ăn cháo cũng sướng! Trở về Hà Nội chưa thấy ai phải ăn cháo, nhưng nước máy ngay lập tức trở thành nỗi khổ hàng đầu.
Sau năm 1975 thống nhất đất nước, phấn khởi chưa được bao lâu lại chiến tranh Tây Nam, chiến tranh chống Tầu phía Bắc. Rồi Mỹ và Tầu liên thủ với nhau, kéo theo một lũ tiểu yêu theo đóm ăn tàn lập liên minh ma quỉ chống lại Việt Nam. Chưa bao giờ đất nước gặp phải khó khăn đến thế bởi cái đòn hội đồng cấm vận. Nhà nước chắt bóp được đồng ngoại tệ nào cũng không đủ mua lương thực cứu đói thì lấy đâu ra tiền chi cho Hà Nội cải tạo và xây dựng nhà máy nước, thành thử nước máy và máy nước Hà Nội đã bước vào một giai đoạn có thể nói là nhếch nhác nhất kể từ khi ra đời.
Trước hết cứ phải kể đến cái quan hệ cung cầu. Khả năng cung ứng chỉ có 1 mà nhu cầu tiêu dùng những 4 những 5 thì có tài thánh cũng chịu. Có người lý sự, đầu thế kỷ chỉ 10 phần trăm dân được dùng nước máy mà sao không thấy khổ không thấy kêu? Thời ấy khác, nước máy ít nhưng nước giếng, nước ao hồ sông suối còn sạch sẽ trong trẻo thơm mát, cá thả chỗ nào cũng khỏe cũng lớn, còn bây giờ thì ao hồ nào nước cũng đen đặc mùi xú uế, khỏe như cá trê rắn nước cũng thấy mất tăm. Trong xanh như nước sông Tô Lịch, đã từng một thuở trên bến dưới thuyền thì nay lòng sông trở thành một cái cống cái chứa nước thải thành phố, cách xa nửa cây số đã phải bịt mũi. Ngay như hồ Gươm được giữ gìn bảo vệ nghiêm cẩn bậc nhất mà nước hồ cũng cứ nổi váng đỏ váng xanh từng bè từng mảng, rùa to rùa bé cứ thỉnh thoảng phải ngoi lên tìm nơi râm mát hít thở không khí trong lành cho hồi sức. Ao hồ ô nhiễm thì lòng đất cũng ô nhiễm. Những cái giếng cổ trước đây nước trong văn vắt thì nay chuyển cả sang màu nước luộc chám và thoang thoảng mùi tanh nước cống. Cái khó ló cái khôn! Nước tầng mặt ô nhiễm thì bỗng đâu xuất hiện công nghệ khoan giếng ống. 15 mét, 20 mét, có giếng khoan sâu tới 30 mét, khoan đến đâu luồn ống nhựa tới đó cho tới khi nước mạch vọt lên mà không có mùi lạ, như thế là đạt yêu cầu. Giếng ống có thể bố trí trong góc bếp, ngoài hiên, thậm chí dưới gầm giường, không mất tí diện tích nào, khoan xong lồng ống hút máy bơm xuống, bật công tắc điện máy bơm chạy vo vo hút nước ngầm đổ vào bể lọc ba lớp than hoa, cát, sỏi, đầu ra nước chẩy ve ve, trong vắt và thơm như nước mưa. Vợ chồng con cái ôm nhau vui như tết đặt ngay cho cái tên rất đỗi trìu mến là Nước Máy Tự Chế. Hàng trăm, hàng nghìn giếng khoan tự chế rải khắp thành phố đã giải quyết được phần nào cơn khát thời cấm vận.
Dùng nước máy tự chế lâu lâu nhiều người bỗng thấy ngứa ngáy, thấy da nổi mẩn mới vội vàng xách một chai đến Viện Vệ sinh dịch tễ nhờ kiểm nghiệm. Kết quả là khuẩn Coly, khuẩn tả, rồi chì, rồi Axen gây ung thư… đều vượt chỉ số cho phép nhiều lần. Đúng là điếc không sợ súng! Từ nay trở đi nước máy tự chế chỉ được dùng cho tắm giặt, cọ rửa nhà bếp và chuồng lợn, ngoài ra ăn uống rửa rau vo gạo nhất nhất vẫn cứ phải nước máy quốc doanh. Nhưng nước máy quốc doanh thì ngày một khan hiếm. Nhà nào nhà nấy đều phải một hai thùng phuy dự trữ. Thùng thường có sức chứa 200 lít, mua về cọ rửa kỹ rồi quét nước xi măng loãng lên thành, khô lớp này quét lớp nữa, ba bốn lớp xi măng như thế nước mới ngon không tanh mùi sắt. Ông bố chủ hộ luôn nhắc nhở vợ con, làm gì thì làm nhưng phải nhớ hai thùng nước máy lúc nào cũng phải đầy đấy nhé! Sau cái lệnh ngắn gọn ấy là cả một đoạn trường trần ai.
Những nhà có máy nước riêng cũng phải nửa đêm về sáng vòi nước mới ri rỉ từng sợi nhỏ, chiếc chậu nhựa cỡ đại hứng nửa tiếng mới đầy. Cô con gái lớn phải căn giờ thức dậy múc nước nhẹ nhàng đổ vào thùng phuy, đợi cho hai, ba giờ sáng đổ đầy hai thùng dự trữ, khẽ khàng gác hai thanh tre ngang miệng thùng, đạy cái nắp sắt tròn lên trên, tinh tươm đâu đấy rồi mới lên giường ngủ tiếp. Cậu em trai thương chị gái vất vả gầy rộc xanh xao vì thức đêm, học được cách lấy nước thông minh từ bạn bè, sau khi trình bầy được ông bố cho phép liền triển khai ngay. Đúng chỗ vòi nước mọi khi, xây một cái bể ngầm bằng gạch trát xi măng đánh mầu rất kỹ, cái vòi rô bi nê không để cao như cũ mà lắp ngay vào đoạn ống ngầm chẩy thẳng vào bể. Chỉ hạ thấp có 50 phân mà nước chẩy thánh thót cả ngày, thế mới biết áp lực đường ống gần bằng không. Nghe tiếng nước reo lòng bể ông bố khen con trai là giỏi, biết áp dụng qui tắc Bình thông nhau của môn Vật lý ! Nhưng khi nhà nào cũng biết hạ độ cao thì nước trong đường ống công cộng cũng chẳng đủ. Rồi không hiểu từ đâu mà một sáng kiến lại được ngầm áp dụng, ấy là cách Hút Chân Không. Ở chỗ vòi nước chẩy vào bể ngầm mọi khi, anh thợ nước lắp vào đấy một hệ thống ống nhựa chạy ngoằn ngoèo ngang dọc có mấy cái cần đóng mở rồi đấu vào một cái máy bơm đặt cố định bên trên. Anh thợ chỉ vào cái tờ giấy vẽ tay hướng dẫn, ba cái cần gạt này để theo chiều Lên Xuống Lên là nước chẩy tự nhiên từ ống công cộng vào bể, khi thấy vòi không chẩy thì cứ việc gạt cần ngược lại theo thứ tự Xuống Lên Xuống là được! Rồi anh thao tác thị phạm với chủ nhà, đây nhé Xuống Lên Xuống, đoạn bật công tắc điện, máy bơm chạy êm re, hai phút im lặng nín thở, bỗng từ lòng ống phát ra mấy tiếng ọc ọc như tiếng nấc, sau đó là tiếng nước chẩy rào rào từ vòi đổ vào bể. Cả nhà ngây ngất đứng như trời trồng. Khi trao cái bản vẽ cho chủ nhà, anh thợ mới ghé tai nói nhỏ, kiểu hút chân không thế này là hút hết nước của thiên hạ nên khi bơm phải kín đáo không nên cho hàng xóm biết, dễ sinh chuyện!
Các nhà có máy nước riêng càng nhiều mẹo giữ nước cho mình bao nhiêu thì những nhà phải dùng nước máy công cộng lại khổ bấy nhiêu. Khoảng thời gian cấm vận này, các trụ nước bằng gang sau năm, sáu thập kỷ tồn tại cũng đã hỏng cả, thay vào đó là những trụ bằng xi măng có hình thù rất giống cái cột cây số trên đường quốc lộ, cái chốt đóng mở cũng thay bằng cái vòi rô bi nê bằng đồng. Trong ký ức của nhiều người thì cái trụ nước bằng gang cuối cùng ở Hà Nội được rỡ bỏ là trụ ở đoạn cuối phố Tô Hiến Thành, ngay chỗ tường rào cơ quan Quận ủy Đảng bộ Hai Bà Trưng ngày nay.
Máy nước công cộng được xây nhiều hơn trước nhưng vào thời gian này hầu như không thấy có nước chẩy ban ngày. Hình ảnh phổ biến là hàng dài các đôi thùng gánh nước xếp hàng để đấy. Phải đợi cho đến đêm, thường là vào lúc tiết mục Đọc chuyện đêm khuya hay là Tiếng thơ trên Đài phát thanh kết thúc, mọi nhà tắt đèn đi ngủ thì các máy mới dần có nước chẩy, và đây cũng là lúc trai gái các nhà đổ ra đường quây quần quanh chiếc máy nước công cộng đợi đến lượt mình. Phần lớn họ sống cùng phố hoặc cùng xóm nên biết nhau cả, chuyện trò rôm rả, hỏi thăm việc nhà, việc cơ quan. Người này nhắc người kia đến lượt, người kia nhường người nọ lấy trước. Nhẹ nhàng, ấm áp, sẻ chia. Cái không khí tình làng nghĩa xóm ở đâu phai nhạt chứ ở nơi máy nước công cộng những ngày xa vắng ấy vẫn thấy đượm đà. Rồi cũng từ những những câu chuyện đêm hôm xếp hàng lấy nước ấy mà nhiều cặp trai gái thành vợ thành chồng, đẹp đẽ nên thơ chẳng khác mấy cái cảnh trai gái rủ nhau tát nước ánh trăng ở quê nhà năm xưa.
Cứ thế cho tới khoảng 3 rưỡi 4 giờ sáng, nhiều người đã trở về nhà sau gánh nước cuối thì có tiếng xe đẩy kêu loảng xoảng trên đường. Đấy là tiếng xe chở khoảng một chục chiếc thùng sắt tây của bà Cả gánh nước thuê. Một chục chiếc xếp hàng dọc là một chục gánh nước. Những nhà nào không có sức xếp hàng lấy nước đêm đều đăng ký mua nước gánh bà Cả. Mỗi sáng như thế bà Cả quay bốn vòng xếp hàng cũng bốn chục gánh nước, mỗi gánh 1 hào, vị chi ngày cũng được 4 đồng, tháng cũng trăm hơn trăm ngót, tương đương với lương kỹ sư 2, kỹ sư 3.
Trong những ngày khó khăn khan hiếm đủ thứ của giai đoạn bao cấp cộng thêm cấm vận ấy, người dân Hà Nội cũng dần quen với cảnh ban đêm lo việc nước nôi tắm giặt, còn ban ngày thì lo việc xếp hàng, nhờ vả mua sắm lương thực thực phẩm và chất đốt cho hết tiêu chuẩn các loại tem phiếu. Có lẽ cũng bởi thế mà trong dân gian khi đó đã xuất hiện câu ca dao thế này:
Ban ngày cả nước lo việc nhà
Ban đêm cả nhà lo việc nước
Cũng gọi là văn nghệ tí cho vui, cho nhẹ bớt nỗi vất vả đời thường chứ chẳng có ý trách móc gì trong câu ca ấy. Người Hà Nội hào hoa và được cả nước quí trọng là ở chỗ ấy. Từ những gian khó thiếu thốn triền miên, mà vẫn có biết bao anh hùng và thi sĩ, biết bao người đẹp và trí thức, biết bao nghệ sĩ tài hoa đã xuất hiện rạng danh cho đất Hà thành một thời không quên ấy.
Trong lúc cái lũ ma quỉ liên minh còn đang hí hửng vì những trò phong tỏa thất nhân tâm và phi đạo lý, thì vẫn có những người bạn tốt ở những đất nước nhân hậu và quả cảm, họ sẵn sàng cắt đứt vòng kim cô cấm vận để đến với Việt Nam. Thụy Điển đã tặng nhân dân Việt Nam một nhà máy sản xuất giấy hiện đại và qui hoạch những cánh rừng trồng gỗ nguyên liệu cho nhà máy giấy. Ấn Độ viện trợ cho ta hàng chục nghìn tấn gạo cứu đói. Phần Lan viện trợ cho nhân dân Hà Nội một món quà quí, đó là một nhà máy nước sạch hiện đại…
Cần nói thêm một chút về món quà Nước sạch Phần Lan. Tháng 6-1985 chính phủ Phần Lan đã ký Nghị định thư cấp cho chính phủ Việt Nam một khoản viện trợ không hoàn lại 80 triệu USD để triển khai dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước sạch cho thành phố Hà Nội, dự án có tên là Nước sạch Phần Lan. Ngoài việc xây dựng một cơ sở khai thác và sản xuất nước sạch có công suất lớn, cải tạo nâng cấp trang thiết bị của hệ thống các cơ sở sản xuất cũ, thì một công việc khó khăn nhất của dự án là lắp đặt ngầm một hệ thống đường ống mới và cải tạo thay thế hệ thống đường ống cũ. Tất cả các loại đường ống mới từ lớn tới nhỏ đều chế tạo bằng nhựa tổng hợp chịu áp lực lớn và không độc hại do Phần Lan sản xuất. Lắp đặt đường ống mới ở một thành phố mà hệ thống cơ sở hạ tầng ngầm không có qui hoạch như Hà Nội là một việc làm không dễ, nhưng thay thế hệ thống ống nước cũ nát gần trăm năm tuổi chạy ngầm trong lòng đất các khu dân cư thì quả là một công việc nan giải muôn phần. Một giải pháp được các kỹ sư Phần Lan đưa ra là nơi nào dễ thi công thì đào đường để đặt ống lớn, từ đường ống công cộng vào ngõ ngách và từng nhà dân thì dùng một loại máy đặc biệt khoan ngầm lòng đất rồi luồn ống nước vào, gặp chỗ ngoắt ngoéo máy không chạy được thì bắt buộc phải đào một đoạn. Thời gian đó, người dân Hà Nội cứ thấy những người đàn ông Tây có, Ta có mặc đồng phục bảo hộ lao động màu vàng nghệ, đội mũ bảo hiểm cùng màu có in chữ Nước Sạch Phần Lan, họ tập hợp từng nhóm dăm bẩy người làm việc rải rác trên các tuyến phố với những cỗ máy xinh xinh và từng đống ống nhựa. Trông thì nhàn hạ lắm, nhưng thực ra họ đang thực thi một công việc mà sau khoảng một năm hoàn thành, nó đã góp phần đổi đời cho người dân của cái thành phố nghìn năm tuổi này.
Sau này Việt Nam tìm mọi cách giải tỏa được cuộc cấm vận, khó khăn bớt đi, kinh tế nhích lên từng bước, khoảng hai thập kỷ sau dự án Nước Sạch Phần Lan, Hà Nội dùng tiền ngân sách địa phương triển khai một dự án nước sach khác lớn hơn nhiều, đó là công trình Nước Sạch Sông Đà. Nước Sông Đà được bơm lên sản xuất thành nước sạch rồi chuyển thẳng về Hà Nội theo hệ thống ống nhựa đường kính cỡ trên dưới 1 mét. Dự án hoàn thành, gần như trăm phần trăm dân Hà Nội cả nội và ngoại thành đều được dùng nước máy quốc doanh. Câu chuyện sẽ có một cái kết có hậu giống như chuyện cổ tích thần tiên giữa đời thường, nếu như không có chuyện mấy tay có trách nhiệm của Hà Nội và chủ dự án Vinaconex đã móc ngoặc đánh tráo nguyên vật liệu thi công, khiến đường ống nước bị vỡ hàng chục lần. Vụ việc đã được đưa ra ánh sáng và có kẻ đã phải vào nhà đá ngồi bóc lịch dài dài. Nhắc lại để biết thôi, chứ đó là chuyện của Pháp đình, có vay có trả!
*
Chưa cần kể đến những nhu sầu sinh hoạt muôn mặt đời thường khác như ăn, mặc, ở, học tập, đi lại… để người ta có thể sống và phát triển, mà chỉ mỗi một cái nước máy sinh hoạt hàng ngày thôi, nhất là ở những nơi đông người thành phố lớn, thì đã là cả một núi công việc chồng chất rồi, những ai đã trải qua những năm tháng ấy mới thấu hiểu hết nỗi trần ai. Bởi thế bây giờ cũng nên thông cảm cho mấy người cao tuổi cứ suốt ngày cằn nhằn con cháu, sao mà chúng nó dùng lắm nước thế không biết?
Tháng Tám Hà Nội
(Những ngày ngồi nhà chống dịch Covid Vũ Hán)
Theo Chuyện làng quê