Phong trào nông dân Tây Sơn và Đại Đô đốc Tây Sơn Bùi Hữu Hiếu (Kỳ 24 – Hết)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc cuốn sách “Phong trào nông dân Tây Sơn và Đại Đô đốc Tây Sơn Bùi Hữu Hiếu” của PGSTS Cao Văn Liên, do NXB Thanh Niên ấn hành.

Kỳ 24

THAY  LỜI KẾT LUẬN

  Kể từ nhà nước đầu tiên Văn Lang ra đời, Việt Nam đã trải qua 3500 năm lịch sử, trong đó gần 1000 năm dựng nước khai cơ lập nghiệp dưới thời các vua Hùng, dưới thời An Dương Vương. Tiếp đó dân tộc ta mất độc lập, bị phong kiến phương Bắc thống trị 1.000 năm. May nhờ tinh thần dân tộc bền vững,  ý chí quật cường của ông cha mà Ngô Vương đã giành được độc lập,  đặt nền tảng xây dựng một quốc gia phong kiến đường hoàng ở Đông Nam Á. Nhưng chế độ phong kiến Việt Nam chỉ được hơn 500 năm tiến bộ (Tuy cuối các triều đại của các dòng họ có những cuộc khủng hoảng cục bộ). Còn lại 500 năm về sau chế độ này khủng hoảng một cách toàn diện. Thậm chí đến giữa thế kỷ XIX giai cấp phong kiến hoàn toàn ươn hèn để mất nước ta vào tay thực dân Pháp. Vì thế từ 1858 đến 1945 nước ta bị biến thành nước thuộc địa nửa phong kiến dưới sự thống trị của đế quốc Pháp.

  Trong một đất nước nông nghiệp là chủ yếu, 90% dân số là nông dân thì mọi giai cấp, mọi tầng lớp cầm quyền tiến hành áp bức bóc lột thì chủ yếu là áp bức bóc lột nông dân.  Vì thế trong xã hội phong kiến,  mâu thuẫn cơ bản là mâu thuẫn giữa nông dân với phong kiến,  đối lập trong xã hội chủ yếu là đối lập nông dân với phong kiến. Cho nên những cuộc khủng hoảng của chế độ phong kiến không chỉ biểu hiện bằng sự thay đổi các dòng họ cầm quyền, thay đổi triều đại mà còn biểu hiện gay gắt bởi khởi nghĩa nông dân và chiến tranh nông dân. Từ thế kỷ XVI chế độ phong kiến Việt Nam bắt đâù khủng hoảng và khủng hoảng toàn diện vào thế kỷ XVIII,  đẩy nông dân vào con đường cùng khổ tuyệt vọng. Cho nên khởi nghĩa nông dân chống phong kiến ở các thế kỷ này trở thành rầm rộ, quyết liệt mà đỉnh cao nhất là khởi nghĩa Tây Sơn. Khởi nghĩa bùng nổ ở ấp Tây Sơn (Bình Định) và từ đây cuộc cách mạng nông dân phát triển có qui mô toàn quốc, làm được những nhiệm vụ kinh thiên động địa: Lật đổ ba tập đoàn phong kiến Nguyễn-Trịnh-Lê, khôi phục lại nền thống nhất đất nước sau hàng trăm năm bị chia cắt, đập tan các thế lực phong kiến nước ngoài xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, độc lập quốc gia, nâng địa vị Đại Việt lên hàng hùng mạnh, uy tín ở Đông Nam châu Á khiến đế chế Thanh rộng lớn cũng phải kính nể. Dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ nông dân kiệt xuất, anh hùng dân tộc Quang Trung-Nguyễn Huệ, phong trào Tây Sơn đã phát huy cao độ sức mạnh giai cấp, chủ nghĩa yêu nước nông dân, tinh thần dân tộc, lôi cuốn tất cả các dân tộc miền xuôi, miền núi, tất cả mọi tầng lớp từ quí tộc đến bình dân: Bao gồm trí thức, văn quan, võ tướng, các nhà tư tưởng, chính trị, ngoại giao trong xã hội cũ và hàng chục vạn nông dân tham gia. Nhiều người trong số nông dân áo vải đã trở thành những tướng lĩnh cao cấp, những nhà chính trị, những nhà ngoại giao lỗi lạc, cùng với chủ soái thiên tài của họ là vua Quang Trung đưa phong trào Tây Sơn đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đại đô đốc Bùi Hữu Hiếu là một trong những người nông dân áo vải trưởng thành trong ngọn lửa bão táp cách mạng Tây Sơn.

  Tổ tiên dòng họ Bùi Hữu vốn ở Quỳnh Lưu,  trấn Nghệ An. Người đầu tiên từ Nghệ An ra lập nghiệp ở thôn Ngọc Thiện (làng Thượng Văn ngày nay), xã Thăng Thọ, huyện Nông Cống, trấn Thanh Hoá là ông Bùi Hữu Doãn. Từ đó dòng họ Bùi Hữu qua các đời ngày càng đông đúc.  Ông Bùi Hữu Hiếu là con ông Bùi Hữu Nhượng. Tính từ đời thứ nhất là cụ Bùi Hữu Doãn thì đến đời ông Hiếu là cháu 7 đời. Sau này (1802) khi Tây Sơn sụp đổ, mai danh ẩn tích về quê,  ông kết duyên cùng bà Vũ Thị Đạt (Thôn Cồn Bối, xã Thăng Bình, Nông Cống). Hai ông bà sinh được 5 người con là Bùi Hữu Huân, Bùi Hữu Thạnh, Bùi Thị Vụ, Bùi Thị Cẩn và Bùi Thị Mật. [1]

   Ông Bùi Hữu Hiếu sinh ra và lớn lên khoảng những năm 60 thế kỷ XVIII, là thời điểm thối nát tuột cùng của chế độ phong kiến Lê-Trịnh-Nguyễn. Nông dân toàn quốc và nông dân Nông Cống bị dồn vào bước đường cùng quẫn, chỉ cần một đóm lửa là lòng căm thù của họ đối với chế độ đương thời sẽ bùng cháy thành biển lửa, chỉ cần một ngọn cờ đại nghĩa phất lên là nông dân sẽ vùng dậy, từ bỏ lều tranh ra đi chiến trận đòi lại công bằng, no ấm, những công lý tối thiểu của cuộc đời. Bùi Hữu Hiếu khi đó là một thanh niên nông thôn có học, hẳn phải trải qua và cảm nhận được nỗi thống khổ điêu đứng nơi thôn dã quê ông. Hơn nữa ông sinh ra và lớn lên trên mảnh đất dầy truyền thống anh hùng yêu nước. Trên mảnh đất Nông Cống quê ông còn tấm gương sáng ngời bất tử của bà Triệu Thị Trinh, của tướng quân Nguyễn Chích... Rộng hơn thuộc trấn Thanh Hoá những tên tuổi sáng ngời của Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lê Lợi, Lê Lai v. v.  Ông lại là một thanh niên văn võ song toàn. Văn ở đây là Nho học. Nho khi đã vào làng quê thì hoà hợp với tư tưởng nông dân,  đề cao tư tưởng nhân nghĩa công bằng, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn, vì giai cấp, vì dân tộc, vì nước. Tất cả những yếu tố đó thôi thúc ông Bùi Hữu Hiếu và em là Bùi Hữu Thự gia nhập quân đội Tây Sơn,  đi theo lá cờ đại nghĩa.

   Đã hướng theo đại nghĩa thì phải suy ngẫm chọn đúng con đường đi theo. Nếu không sẽ bị nhầm,  bị lừa bịp, có hại cho giai cấp, cho dân tộc mà bỏ phí cả một đời. Chúng tôi đã nêu lý do khách quan và chủ quan khiến ông Bùi Hữu Hiếu không đi theo Tây Sơn trong các năm 1786, 1787 và đầu 1788. Chỉ đến cuối năm 1788 khi đã suy ngẫm chín muồi thời cuộc, khi đã nhận biết lá cờ đại nghĩa của Tây Sơn là chân thực, lại do đích thân Nguyễn Huệ tuyển quân thì khi đó ông Bùi Hữu Hiếu và em ông mới chính thức gia nhập khởi nghĩa Tây Sơn.

  Do đặc tính của vua Quang Trung bao giờ cũng đặt tân binh dưới sự chỉ huy trực tiếp của mình nên ông Bùi Hữu Hiếu đã chiến đấu trong đạo quân chủ lực của vua Quang Trung và phó tướng là Đại đô đốc Vũ Văn Dũng chỉ huy, tham gia công phá hệ thống phòng thủ phía nam Thăng Long mà ác liệt nhất là đánh chiếm đồn Ngọc Hồi. Do tài năng và dũng cảm, ông đã lập được chiến công xuất sắc trong trận này để mở đường cho sự thăng tiến sau này của ông trong guồng máy quân sự Tây Sơn. Sau trận này ông Bùi Hữu Hiếu được vua Quang Trung tin cậy, được Đại Tư đồ Vũ Văn Dũng dìu dắt và hai ông đã sát cánh bên nhau trong suốt cuộc trường chinh từ lúc đó cho đến khi kết thúc phong trào Tây Sơn. Cũng chính vì vậy ông Bùi Hữu Hiếu được ông Vũ Văn Dũng lựa chọn vào phái đoàn sứ bộ Đại Việt do chính ông Dũng làm chánh sứ sang Trung Hoa tháng 4 năm 1791.

   Có thể nói năm 1789 là đỉnh cao nhất của phong trào nông dân Tây Sơn. Tháng 7 năm 1792 Quang Trung từ trần đột ngột, bỏ lại bao nhiêu công việc chính trị, kinh tế, văn hoá, quân sự và ngoại giao còn dang dở. Cái chết của Vua Quang Trung đã tạo nên bước ngoặt đi xuống của phong trào. Vua Quang Toản kế vị còn nhỏ. Bùi Đắc Tuyên và bè lũ chuyên quyền giết hại những võ tướng công thần không cùng phe cánh, làm chao đảo và suy yếu chính quyền Tây Sơn. Bùi Hữu Hiếu đã cùng Vũ Văn Dũng và những lực lượng trung thành tiêu diệt Bùi Đắc Tuyên,  ổn định triều chính vào năm 1795. Vì công lao đó cộng với những công lao chống quân Nguyễn ở mặt trận nam Trung bộ nên năm 1796 ông được vua Cảnh Thịnh phong làm Đại đô đốc, trở thành một trong những trụ cột của chính quyền Tây Sơn.

  Lúc này quân Nguyễn Phúc Ánh đã hoàn toàn làm chủ Gia Định, đánh tràn ra các tỉnh miền Trung, chiếm Qui Nhơn, uy hiếp kinh thành Phú Xuân. Bùi Hữu Hiếu cùng các tướng lĩnh Tây Sơn ra sức đem quân chống đỡ trên khắp các chiến trường mong cứu vãn thời cuộc. Ông cùng Đại đô đốc Vũ Văn Dũng, Thiếu phó Trần Quang Diệu  lấy lại được thành Qui Nhơn sau 14 tháng  vây hãm công phá. Nhưng năm 1801 kinh thành Phú Xuân thất thủ, Vua Cảnh Thịnh chạy xa giá ra miền Bắc. Quân Nguyễn Phúc Ánh được thế đánh tràn ra miền Bắc. Tháng 3 năm 1802 toàn bộ quân chủ lực Tây Sơn do nữ tướng Bùi Thị Xuân (Có Hoàng đế Cảnh Thịnh tham gia) chỉ huy chiến đấu ngoan cường cản chống quân Nguyễn Ánh ở Nghệ An, làm cho quân Nguyễn Phúc Ánh núng thế.  Đúng vào giờ phút quyết định của trận đánh vua Cảnh Thịnh hèn nhát rút chạy và do đó mặt trận tan vỡ, quân Tây Sơn tiếp tục thất bại. Trước đó là Trần Quang Diệu và sau đó là Vũ Văn Dũng, Bùi Hữu Hiếu đem quân ra cứu Nghệ An nhưng không kịp. Quân Nguyễn Phúc Ánh chiếm được Trấn Dinh (Nghệ An) rồi tràn ra Thanh Hoá. Trần Quang Diệu cùng vợ là Bùi Thị Xuân và con gái bị Nguyễn Phúc Ánh bắt ở Nghệ An và bị hành hình tàn khốc. Tháng 4 năm 1802 quân Nguyễn chiếm được Thanh Hoá và bịt kín tất cả đường rút lui của quân Tây Sơn ra miền Bắc.  Ông Bùi Hữu Hiếu và ông Vũ Văn Dũng chạy về Thăng Thọ, Nông Cống (Thanh Hoá). Bị quân Nguyễn truy sát gắt gao.  Ông Vũ Văn Dũng tự nộp mình và bị bắt tại Nông Cống. Ngày 2 tháng 11 năm 1802 ông Vũ Văn Dũng bị nhà Nguyễn hành quyết cùng một số quan chức cựu thần nhà Tây Sơn. Ông Bùi Hữu Hiêú không nộp mình không bị bắt có lẽ ông còn hi vọng vào sự sống còn của vua Cảnh Thịnh để khôi phục lại phong trào. Nhưng tháng 6 năm 1802 Nguyễn Phúc Ánh chiếm Thăng Long, vua Cảnh Thịnh cùng các em bị bắt ở Kinh Bắc (Bắc Ninh) và bị hành hình. Nhà Tây Sơn hoàn toàn sụp đổ.  Ông Bùi Hữu Hiếu đành phải mai danh ẩn tích trong sự đùm bọc che chở của họ hàng bà con xóm làng, xây dựng gia đình và sống những ngày còn lại ở quê hương.

  Mười ba năm đi theo phong trào cách mạng nông dân Tây Sơn và chiến đấu,  ông Bùi Hữu Hiếu đã lập nhiều chiến công,  đóng góp đáng kể cho triều đại Tây Sơn. Từ một thanh niên nông dân bình thường ông phấn đấu thành một trong số võ quan cao cấp nhất, một trong những trụ cột của vương triều chỉ mất 13 năm là một chuyện hi hữư phi thường trong đời một con người.  Đó chính là thời thế tạo anh hùng.  Ông là một tấm gương biết đem tài năng, trí tuệ, tuổi trẻ phấn đấu cho đại nghĩa, cho giai cấp, cho nhân dân, cho tổ quốc.  Ông là niềm tự hào của dòng họ Bùi Hữu, của nhân dân Nông Cống,  Thanh Hoá và của nhân dân cả nước.

          Kết thúc cuốn sách nhỏ này chúng tôi mong muốn:

  Thứ nhất,  bước đầu làm sáng tỏ cuộc đời và sự nghiệp của Đại đô đốc Bùi Hữu Hiếu,  đáp ứng lòng mong mỏi của dòng họ Bùi Hữu, của nhân dân Nông Cống, Thanh Hoá và nhân dân cả nước yêu thích lịch sử nước nhà.

   Thứ hai, sau cuốn sách nhỏ này là hi vọng một “Phong trào” nghiên cứu sâu rộng toàn diện về “Đại đô đốc Tây Sơn Bùi Hữu Hiếu” của các nhà khoa học, đặc biệt là giới sử học ở trung ương và địa phương.

  Thứ ba, trong danh sách các tướng lĩnh triều đại Tây Sơn, chúng tôi hi vọng các nhà nghiên cứu viết thêm một tên mới mà lịch sử chưa hề biết đến vào tác phẩm của mình, vào quốc sử nước nhà:” Đại đô đốc Bùi Hữu Hiếu”.

       Hết

       CVL

----------------

[1] :Bùi Hữu Thược chủ biên:Gia phả họ Bùi Hữu, năm2000, tr. 31.