Phong trào nông dân Tây Sơn và Đại Đô đốc Tây Sơn Bùi Hữu Hiếu (Kỳ 23)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc cuốn sách “Phong trào nông dân Tây Sơn và Đại Đô đốc Tây Sơn Bùi Hữu Hiếu” của PGSTS Cao Văn Liên, do NXB Thanh Niên ấn hành.

Kỳ 23

  Quê quán và cái chết  của Đại đô đốc Vũ Văn Dũng: Về nơi sinh và nơi mất của Đại đô đốc Tây Sơn Vũ Văn Dũng có rất nhiều tài liệu không thống nhất. Nhiều tác giả khẳng định Vũ Văn Dũng người làng Phú Phong, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn) tỉnh Bình Định. Nhiều tác giả khác lại cho rằng quê ông Dũng không ở Bình Định. Sách “Tây Sơn lương tướng ngoại truyện” của Nguyễn Trọng Trì khi liệt kê 8 vị võ tướng Tây Sơn quê ở Nghĩa-Bình (Quảng Ngãi - Bình Định) không có tên ông Vũ Văn Dũng. [1] Rất nhiều tác giả cho rằng quê quán ông Vũ Văn Dũng ở Hải Dương.  Ông Văn Tân và nhiều tác giả trong cuốn : “Ngô Thời Nhậm - con người và sự nghiệp” khẳng định quê quán Đại đô đốc Vũ Văn Dũng là ở Hải Dương[2]. Trong cuốn: Tộc phả họ Vũ còn lưu sắc chỉ của vua Quang Trung phong Vũ Văn Dũng làm chánh sứ phái bộ sứ thần sang Trung Hoa tháng 4  năm 1791. Vũ Văn Dũng khi đó đang nghỉ ở quê nhà trong trấn Hải Dương. Vua hạ sắc chỉ cho họ Vũ như sau:

  “Sắc sai Hải Dương Chiêu viễn Đô đốc đại tướng quân Dực vận công thần Vũ quốc công được tiến phong làm chức chánh sứ sang nước Bắc kiêm toàn quyền trong việc tâu thưa xin lại hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây để dò ý (vua Càn Long), cầu hôn một vị công chúa để chọc giận. Cẩn thận đấy! Cẩn thận đấy! Hình thế dụng binh ở trong chuyến đi này cả.. Ngày khác làm tiên phong (đánh nước Thanh) chính là Khanh đấy. Kính thay lời sắc sai này.

           Ngày 15 thánh 4 năm Quang Trung thứ tư (1791).

   Khi nghiên cứu gia phả dòng họ Vũ Văn ở Hải Dương, tác giả Nguyễn Đức Nhuệ khẳng định quê quán Vũ Văn Dũng chắc chắn là ở thôn Đan Giáp (nay thuộc xã Thanh Giang, huyện Thanh Miện,  tỉnh Hải Dương)[3].

  Trong các ý kiến và tài liệu trái ngược nhau như vậy, chúng tôi cho rằng sắc chỉ của vua Quang Trung và tài liệu về gia phả một dòng họ lớn như dọng họ Vũ Văn là đáng tin cậy hơn cả và do đó quê quán Đại đô đốc Tây Sơn Vũ Văn Dũng đúng là ở Hải Dương.

  Về giai đoạn cuối cuộc đời ông Vũ Văn Dũng cũng nhiều tài liệu, tồn tại nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng sau khi thoát được sự truy sát của nhà Nguyễn,  ông về sống mai danh ẩn tích ở An Khê (Gia Lai) thọ đến 90 tuổi mới mất. Sau này con cháu đem hài cốt ông về táng tại quê nhà thuộc làng Phú Phong,  Tuy Viễn, Bình Định.  Lê Văn Thuyên lại cho rằng mộ của Vũ Văn Dũng và vợ là bà Lê Thị Vi hiện đặt ở làng La Chữ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế (Xưa nay, số 107, 2002).  Ý kiến thứ hai thì trái ngược lại. Nguyễn Đức Nhuệ cho rằng: “Tháng 5 năm Nhâm Tuất (1802) Vũ Văn Dũng và 3 người đi cùng bị dân làng Ngọ Xá (Nông Cống - Thanh Hoá) bắt đem về hành hình tại của Nguyễn Phúc Ánh ở Thăng Long”. [4]. Ghi chép này phù hợp với ghi chép của dòng họ Bùi Hữu, phù hợp với truyền thuyết về ông Dũng và ông Hiếu chạy về Nông Cống mà trong “Địa chí Nông Cống” đã ghi, phù hợp với chính sử nhà Nguyễn ghi: “Vũ Văn Dũng bị bắt ở Nông Cống” và việc dân làng ở Nông Cống  thờ cúng ông Vũ Văn Dũng là có thực[5]. Như vậy sau khi mặt trận Nghệ An, Thanh Hoá bị vỡ ông Vũ Văn Dũng chạy về Nông Cống (Thanh Hoá) và bị quân Nguyễn bắt ở đây là điều đáng tin cậy. Con đường rút lui này của ông Vũ Văn Dũng,  ông Bùi Hữu Hiếu và một số tướng lĩnh Tây Sơn khác hoàn toàn phù hợp với diễn biến cuộc chiến giữa quân Tây Sơn với quân Nguyễn Phúc Ánh. Sau khi Phú Xuân thất thủ, vua Cảnh Thịnh chạy ra miền Bắc thì mặt trận chính đã chuyển ra Bắc Hà mà những trận đánh quyết định là ở vùng Thanh-Nghệ thì các tướng lĩnh Tây Sơn trụ cột như Vũ Văn Dũng, Bùi Hữu Hiếu, Trần Quang Diệu... phải đem quân ra Nghệ An Thanh Hoá cứu nguy là điều dễ hiểu. Các ông cũng không thể chạy ra hướng Thăng Long cùng với vua Cảnh Thịnh được vì khi các ông đến nơi, mặt trận Thanh-Nghệ đã vỡ, quân Nguyễn đã lấp kín các ngã đường chạy ra miền Bắc. Khi ông Vũ Văn Dũng bị bắt thì Nguyễn Phúc Ánh hiển nhiên không thể tha chết cho một đại công thần bậc nhất của triều Tây Sơn nên đã giết hại ông cùng với các cựu thần khác của vương triều này.  Điều này hoàn toàn phù hợp với quốc sử triều Nguyễn ghi: Ngày 2 tháng 11 năm 1802 Vũ Văn Dũng bị giết cùng với vua Cảnh Thịnh, các em nhà vua là Quang Duy, Quang Thiệu, Quang Bàn và Thiếu phó Trần Quang Diệu ở Phú Xuân. [6]

       (Còn nữa)

      CVL

----------------------

[1] :Bùi Thiết và các tác giả: Đối thoại sử học, sách đã dẫn, tr. 374.

[2] :Văn Tân và nhiều tác giả:Ngô Thời Nhậm-Con người và sự nghiệp. Ty VHTT HàTây, 1974.

[3] Nguyễn Đức Nhuệ : Về quê hương của Vũ Văn Dũng danh tướng triều Tây Sơn (Qua tư lỉệu Tộc phả họ Vũ). Tư liệu đã dẫn, tr. 71

[4] Nguyễn Đức Nhuệ:Về quê hương của Vũ Văn Dũng danh tướng triều Tây Sơn (qua tư liệu Tộc phả họ Vũ. Nghiên cứu lịch sử ssó 5 (318), năm 2001, tr. 72.                                 

[5] :HU_UBND huyện Nông cống: Địa chí Nông cống, sách đã dẫn, tr. 160.

[6] : Đại Nam thực lục, t3 Chính biên (đệ nhất kỷ II. Nxb Sử học, Hà Nội, 1963, tr. 85..