Hồ Xuân Hương là một nữ thi sĩ sống vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVIII, nửa đầu thế kỷ XIX.
Hiện nay chúng ta chưa rõ năm sinh năm mất chính xác của bà, mặc dù có tài liệu nói rằng bà sinh năm 1772 và mất năm 1822.
Hồ Xuân Hương quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An nhưng bà được sinh ra và lớn lên ở kinh thành Thăng Long.
Tuổi ấu thơ bà được cha là Hồ Phi Diễn, một ông đồ xứ Nghệ dạy cho biết chữ ở trong chính ngôi nhà của mình bên Hồ Tây thơ mộng, có tên là “Cổ Nguyệt đường”, cùng với những môn sinh khác của cha.
Đương thời, với bản tính ham học kết hợp với tư chất thông minh hơn người, đặc biệt là một cá tính rất mạnh mẽ (Hồ Xuân Hương từng nói với cha rằng: Sau này con sẽ cải trang thành nam giới để đi thi như bà Nguyễn Thị Duệ) nên đã làm cho người cha tuy rất vui mừng nhưng trong lòng còn không ít điều e ngại.
Xã hội đương thời đầy rối ren, nhiễu nhương; đầy bất công với người phụ nữ; kết hợp với đời tư không gặp suôn xẻ về cuộc sống hạnh phúc gia đình nên cuộc đời bà đã thăng trầm cùng với khá nhiều trắc trở, hai lần lấy chồng đều làm lẽ.
Vượt lên trên tất cả, với tài năng thiên bẩm và một cá tính sáng tạo khác thường Hồ Xuân Hương đã để lại cho đời khoảng trên năm mươi bài thơ chữ Nôm và hơn hai mươi bài thơ chữ Hán.
Chỉ vậy thôi nhưng bà đã làm thành một “tượng đài” sừng sững trong làng thơ Việt Nam với một khuôn mặt rất độc đáo và giữ một vị trí đặc biệt mà đến nay vẫn chưa có người thay thế. Chẳng vậy, đến ngày nay, đọc thơ bà người đời vẫn không ngần ngại tụng xưng bà bằng các mỹ từ như thể: “Danh tài”, “thiên tài”, “kỳ nữ”. Còn riêng "ông hoàng thơ tình" Xuân Diệu thì hết lời ngợi ca và tôn vinh Hồ Xuân Hương là “bà chúa thơ Nôm”. Đặc biệt, năm 2021, UNESCO đã vinh danh Hồ Xuân Hương là “danh nhân văn hóa thế giới”.
Hơn hai thế kỷ đã đi qua, ngày nay đọc lại thơ Hồ Xuân Hương, người ta thấy bà hiện lên là một nhà nhân đạo chủ nghĩa rất tiêu biểu của văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX. Các tác phẩm của bà được thể hiện bằng một bút pháp độc đáo và đa dạng: Khi thì trữ tình đằm thắm với những xót xa, đau đớn lúc lại trào phúng hóm hỉnh với những đắng cay, chua chát để gợi lên một cách thấm thía về những nỗi niềm riêng tư, cảnh bất công ngang trái mà người phụ nữ đang phải gánh chịu trong xã hội phong kiến; đồng thời cũng cất lên tiếng nói đề cao, bênh vực và đòi quyền sống bình đẳng, quyền mưu cầu hạnh phúc cho họ.
Bên cạnh đó, ẩn sâu trong cái tiếng nói đầy cá tính mạnh mẽ ấy, chúng ta cũng thấy hiện lên một tình yêu đất nước tha thiết, được thể hiện qua tiếng lòng đầy tự hào dân tộc trước bọn xâm lược phương Bắc.
Bài thơ “Đề đền Sầm Nghi Đống” là một minh chứng tiêu biểu cho cá tính mạnh mẽ của Hồ Xuân Hương và tiếng lòng yêu nước thiết tha đó:
Đề đền Sầm Nghi Đống
(Hồ Xuân Hương)
Nghé mắt trông ngang thấy bảng treo,
Kìa đền Thái thú đứng cheo leo.
Ví đây đổi phận làm trai được,
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu!
(Theo sách “Ngữ văn 8, tập hai”, Bộ sách “Chân
trời sáng tạo”, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2022)
Đọc bài thơ chúng ta có thể thấy đây là một tác phẩm được nhà thơ sáng tác theo thể Đường luật (thất ngôn tứ tuyệt) nhưng ngôn ngữ đã được Việt hóa cao độ cho nên nó vừa có cái “trang trọng” quý phái của thể thơ với những quy tắc, thể lệ vốn có nhưng cũng hết sức “gần gũi” bởi cách sử dụng ngôn ngữ hết sức dân dã, bình dị của đời thường.
Tiếp xúc với bài thơ, người đọc dễ dàng nhận ra đây là một tác phẩm tức cảnh. Hồ Xuân Hương nhân dịp đi qua ngôi đền thờ Sầm Nghi Đống mà sinh tình rồi đề thơ.
Như chúng ta đã biết, đề thơ là một phong tục có nguồn gốc từ Trung Quốc (du khách ngao du sơn thủy, thăm thú đền đài, khi có cảm hứng thì vung bút đề thơ để thể hiện nỗi lòng, cảm xúc). Thời Đường, nhà thơ Thôi Hiệu đã từng đề thơ ở Lầu Hoàng Hạc. Nhà thơ Thôi Hộ đề thơ ở Thành Nam trang. Phong tục ấy theo vào Việt Nam. Ở nhiều nơi danh lam thắng cảnh hoặc những nơi địa linh ta vẫn thường thấy không ít các bài thơ của vua, chúa, quan, tướng và các tao nhân mặc khách khắc vào vách đá, ví như ở núi Dục Thúy (Ninh Bình) đề thơ của Lê Thánh Tông, Trương Hán Siêu, Phạm Sư Mạnh, Ngô Thì Sỹ, Nguyễn Trãi...; núi Bài Thơ (Quảng Ninh) có thơ của Lê Thánh Tông …; núi núi Pú Huổi Chỏ (Lai Châu) và núi Hào Tráng (Hòa Bình) đề thơ của Lê Lợi; động Kính Chủ khắc thơ của Lê Thánh Tông, Phạm Sư Mạnh, Trần Quốc Trinh, Trương Quốc Dụng, Đặng Đức Cương …
Thực tế khi sáng tác bài thơ này, Hồ Xuân Hương có đề thơ lên đền không thì chưa rõ nhưng cảm hứng từ ngôi đền để nhà thơ hạ bút làm thành bài thơ là điều không còn phải nghi ngờ. Dù đề thơ hay không đề thơ vào đền thì căn cứ nội dung bài thơ người ta cũng dễ dàng nhận ra một tính cách phóng khoáng, táo bạo và đây cũng là một trường hợp hiếm thấy ở một người phụ nữ trong xã hội phong kiến ngày xưa.
“Nghé mắt trông ngang thấy bảng treo,
Kìa đền Thái thú đứng cheo leo.”
Hai câu đầu của bài thơ thể hiện thái độ của nhà thơ đối với ngôi đền, đối với chủ nhân được thờ cúng trong ngôi đền. Có lẽ, đi qua con phố Sầm Công, Hồ Xuân Hương nhìn thấy tấm bảng treo đề tên đền thờ Thái thú Sầm Nghi Đống và trông thấy ngôi đền ở trong “một thế đứng” không vững trãi: “Cheo leo” mà sinh tình làm thơ.
Thực tế ngôi đền và vị thế của ngôi đền có như ngôn ngữ thơ thể hiện hay không chúng ta sẽ cùng nhau minh xét. Không rõ hơn hai trăm năm trước con phố Sầm Công và ngôi đền Sầm Nghi Đống như thế nào nhưng hiện nay là một ngõ nhỏ nằm giữa phố Đào Duy Từ, cuối ngõ có một ngôi miếu, nghe nói xưa thờ Sầm Nghi Đống nhưng nay thấy để thờ Phật bà Quan âm ở trong.
Trở lại với lịch sử chúng ta được biết, Sầm Nghi Đống vốn là một lãnh chúa ở Điền Châu, thuộc dòng họ Sầm, dân tộc Choang, được nhà Minh giao làm Tri châu Điền Châu (Vân Nam), hàm ngũ phẩm. Chức Tri châu của Sầm Nghi Đống được truyền lại từ thời Sầm Bá Nghi, từ năm 1368, theo kiểu “cha truyền con nối”.
Cách đây 236 năm, mùa Đông năm 1788, theo lệnh nhà Minh, Sầm Nghi Đống dẫn quân Điền Châu đi qua Cao Bằng để cùng với hai mũi quan khác từ Vân Nam qua Tuyên Quang và từ Quảng Tây qua Lạng Sơn tiến vào Thăng Long xâm lược Việt Nam.
Sau khi chiếm được Thăng Long, Sầm Nghi Đống được Tôn Sĩ Nghị phong làm Thái thú và giao cho chỉ huy cánh quân Điền Châu trấn thủ phía Nam, ngoài thành Thăng Long, thuộc khu vực Khương Thượng (Đống Đa) bây giờ.
Đến mùa Xuân năm 1789, trong trận Đống Đa, Đô đốc nhà Tây Sơn là Đặng Tiến Đông đã đánh cho đội quân của Sầm Nghi Đống bại trận. Quân Điền Châu bỏ đồn chạy toán loạn nhưng vẫn bị quân Tây Sơn vây đánh khắp ngả. Cuối cùng, Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử để không bị rơi vào tay quân của Đặng Tiến Đông.
Sau chiến tranh, để bình thường hóa quan hệ với nhà Thanh, vua Quang Trung đã trả xác Sầm Nghi Đống cho quân Thanh đưa về Trung Quốc chôn cất và cho phép Hoa kiều xây đền, miếu thờ Sầm Nghi Đống ở khu vực có người Hoa sinh sống. Khi đó ở ngõ Sầm Công (thời Pháp thuộc có tên là Tôn Thất Yên, nay là phố Đào Duy Từ) có rất nhiều người Hoa sinh sống nên đã làm ngôi đền để thờ tên Thái thú này và từ đó con phố có ngôi đền cũng được gọi là phố Sầm Công, tức là phố Thái thú Sầm Nghi Đống. Có thể nói đây là một tinh thần rất nhân văn của nhà Tây Sơn.
Tên gọi Sầm Công đến nay vẫn còn được người bản địa ở phố Đào Duy Từ và các phố lân cận sử dụng, nhắc đến. Thực tế điền dã chúng tôi thấy nơi thờ viên Thái thú gọi là đền nhưng quy mô ngôi đền rất bé, giống ngôi miếu hơn là đền. Ngôi đền này không nằm trên gò hay đồi, núi nào cả mà trên đất bằng. Vậy là đã rõ, vị trí ngôi đền không “cheo leo” như lời thơ miêu tả. Hóa ra “cheo leo” ở đây dùng để chỉ sự không bền vững, không chắc chắn mà thôi. Nói cho rõ ràng hơn là ám chỉ sự thờ cúng Thái thú Sầm Nghi Đống ở đây sẽ không bền vững. Ta hãy xem xét từ ngữ miêu tả ngôi đền này trong hệ thống từ ngữ được nhà thơ sử dụng trong hai câu thơ này nói riêng và cả bài thơ nói chung để có thể thấy được các lớp ngữ nghĩa ẩn chứa trong đó.
Chúng ta hãy thử đặt ra giả thiết, nếu ngôi đền ở vị trí trên cao (trên gò hoặc đồi chẳng hạn) thì mới có thể gọi là đứng cheo leo. Ngôi đền trên đất bằng giữa phố đông thì không thể gọi là cheo leo được. Cho nên từ “cheo leo” ở đây gợi cho người ta nghĩ đến nhân vật được thờ cúng trong ngôi đền sẽ không được bền vững. Hiểu theo nghĩa này ta sẽ thấy sự phù hợp giữa từ ngữ này với các từ ngữ khác trong hai câu thơ. Ví dụ, các từ “nghé mắt”, “trông ngang”.
Nếu như vị trí ngôi đền ở trên cao thì không thể “nghé mắt”, “trông ngang” được mà phải ngước lên để nhìn. “Nghé mắt”, “trông ngang” đã thấy “bảng treo” cho thấy ngôi đền và tấm bảng đề tên chỉ ở độ cao ngang tầm mắt. Từ “nghé mắt” (hơi nghiêng đầu và đưa mắt nhìn), trông ngang (quay đầu sang trái hoặc phải để nhìn, không phải là nhìn thẳng hay nhìn ngước lên) đi cùng với từ “kìa” (hàm ý chỉ trỏ), cheo leo (từ láy miêu tả thế đứng không vững chắc) cho thấy còn một lớp nghĩa hàm ẩn của nhà thơ. Các từ ngữ này cho thấy nhà thơ không chỉ phát hiện ra ngôi đền mà còn hàm ý coi thường ngôi đền, coi thường chủ nhân được thờ cúng trong đền. Bình thường đền thờ được làm chắc chắn, vững chãi. Phía trước đền có treo bức đại tự to, đẹp chứ không tạm bợ, tầm thường kiểu “bảng treo”.
Đến đây ta thấy Hồ Xuân Hương dựng ngôi đền của tên Thái thú bằng hai nét: Cái “bảng treo” và thế đứng “cheo leo” nhằm để diễn tả sự tầm thường và thảm hại của nơi thờ cúng tên tướng Tàu xâm lược bại trận.
Hơn thế, trong thực tế người ta rất kiêng việc chỉ chỏ vào đền, chùa, đình, miếu, phủ, tượng thờ. Trong tình huống này, có lẽ nhà thơ nhìn thấy ngôi đền bé nhỏ như ngôi miếu và biết được sự nghiệp của chủ nhân được thờ trong ngôi đền quá thảm hại (tên tướng Tàu xâm lược bị bại trận đến nỗi phải thắt cổ để chết) nên đã thể hiện rất rõ cái thái độ coi thường, không kính trọng của mình. Cái thái độ này chúng ta sẽ được thấy rõ hơn trong hai câu kết:
Ví đây đổi phận làm trai được,
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu!
Hai câu cuối của bài thơ ngoài việc thể hiện sự coi thường tên tướng bại trận chúng ta còn thấy một khát vọng lập nên nghiệp lớn của nhà thơ. Đứng trước đền thờ Thái thú Sầm Nghi Đống, Hồ Xuân Hương nói đến sự nghiệp của kẻ làm trai.
Bà đã đưa ra một giả định, nếu nhà thơ đổi phận để làm trai được thì sự nghiệp anh hùng hẳn sẽ không ít ỏi, thất bại, ngắn số như Sầm Nghi Đống. Giả định này của nữ sĩ đã cho ta thấy một thái độ không coi trọng của bà đối với tên tướng giặc: coi thường số phận và sự nghiệp của Sầm Nghi Đống.
Đồng thời cũng cho thấy vị thế nhỏ bé, bất bình đẳng (do thái độ trọng nam kinh nữ) của người phụ nữ, cũng như những ước mơ, khát vọng được bình đẳng của người phụ nữ trong xã hội phong kiến thời xưa. Thông qua giả định đó, nhà thơ - một người phụ nữ dám khẳng định năng lực, tài năng vượt trội của mình, so với sự nghiệp của một đấng nam nhi, một tướng quân Thiên triều như Sầm Nghi Đống quả là một điều hiếm thấy, đầy táo bạo.
Đọc kỹ hai câu thơ, chúng ta dễ thấy ngôn ngữ của bài thơ cũng rất mạnh mẽ. Từ “đây” được một người phụ nữ xưng lên với một Thái thú, một thần linh hẳn là phải rất tự tin, đầy kiêu hãnh. Nó vang lên mạnh mẽ, cứng cáp chứ không yếu đuối kiểu nhi nữ yểu điệu. Một câu hỏi tu từ được kết hợp với một dấu cảm thán “há bấy nhiêu!” đã chốt lại trọn vẹn cái sự nghiệp nhục nhã của Sầm Nghi Đống.
Hồ Xuân Hương coi thường tên tướng Tàu. Bà như đang hỏi hắn sự nghiệp có bấy nhiêu thôi sao, phải chết thảm như thế sao. Cái câu hỏi ấy cho thấy đó không chỉ là sự coi thường của nhà thơ với Sầm Nghi Đống mà còn thể hiện một sự trên “cơ” của người hỏi.
Có thể nói, về mặt hình thức, bài thơ là một chỉnh thể Đường luật đầy tính quy phạm nhưng ngôn ngữ và cách nói của bài thơ khá dân dã, suồng sã, thân mật. Đặc biệt bên cạnh một hệ thống ngôn từ rất lôgic để thể hiện thái độ coi thường tên tướng xâm lược bại trận của nhà thơ, chúng ta còn thấy một cách nói khá mới mẻ trong thơ Đường luật. Đó là cách nói giễu nhại.
Đọc bài thơ ta như thấy Hồ Xuân Hương (một người đàn bà phương Nam, nước Việt) đang đối thoại với Sầm Nghi Đống (một Thái thú thần linh, vị tướng của Thiên triều phương Bắc) bằng một thái độ rất xem thường, mỉa mai; bằng cách nói chế giễu, bỡn cợt. Và, thông qua cái thái độ ấy, cách nói ấy, Hồ Xuân Hương vừa thể hiện được nét cá tính mạnh mẽ, cùng với bản lĩnh tràn đầy khí phách của một nhi nữ; đồng thời cũng cho thấy khát vọng muốn lập nên sự nghiệp lẫy lừng của một thân phận vốn đang bị xã hội đương thời coi rẻ, xem thường.
Hiểu được như thế ta sẽ nhận ra bài thơ không chỉ là những nhận xét, đánh giá của Hồ Xuân Hương về nhân cách, sự nghiệp của Sầm Nghi Đống mà còn thể hiện một tầm vóc cao hơn về nhân cách, tài năng của một nữ nhi nước Việt. Đến đây chúng ta cũng sẽ nhận ra, đằng sau cái cách nói rất cá tính của nhà thơ là một trái tim nóng hổi ngập tràn tình yêu đất nước, một tiếng lòng đầy kiêu hãnh về sự tự hào dân tộc trước bè lũ xâm lược phương Bắc.
Đền thờ Sầm Nghi Đống ở kinh thành Thăng Long khi mới hình thành không chỉ có giá trị là một phương thức đối ngoại của triều đình Tây Sơn với nhà Thanh mà hơn hết là một minh chứng về tấm lòng nhân văn của người Việt. Không rõ đương thời, quy mô và việc hương khói ở ngôi đền với Thái thú Sầm Nghi Đống ra sao nhưng hiện nay ngôi đền tồn tại giống như một ngôi miếu, ước chừng diện tích chỉ vào khoảng bốn mét vuông và đối tượng thờ ít nhiều đã có sự thay đổi, không rõ bây giờ có ai còn thờ Sầm Nghi Đống nữa không nhưng việc thờ Phật bà Quan âm thì rất rõ. Tên đền thờ Sầm Nghi Đống nay cũng được gọi là “Quan Âm linh miếu”. Thậm chí, chúng tôi đã phải hỏi thăm rất nhiều người về cái tên đền Sầm Nghi Đông mà không ai biết. Người ta chỉ biết ngõ Sầm Công, một cái ngõ nối thông từ phố Tạ Hiện sang phố Đào Duy Từ, rộng chừng khoảng hơn một mét. Đến khi vào ngõ Sầm Công rồi hỏi tiếp mới tìm được ngôi đền. Và cũng phải hỏi những gia đình xung quanh đền rồi mới dám chắc chắn đây là đền thờ Sầm Nghi Đống thời xưa.
Hóa ra thái độ và cái nhìn của nhà thơ Hồ Xuân Hương hơn hai trăm năm trước với Sầm Nghi Đống quả là “nhân bảo như thần bảo”. Như là một dự báo (tiên đoán), đúng là “Kìa đền Thái thú đứng cheo leo”. Có lẽ, người Việt có truyền thống nhân đạo, cũng giống như “nghĩa tử là nghĩa tận”, đồng thời cũng là bảo tồn và phát huy giá trị một di tích lịch sử của thời đại Tây Sơn ở Thủ đô Hà Nội - Thành phố vì hòa bình, các cấp quản lý cần quan tâm bảo tồn, chỉ dẫn như một địa chỉ văn hóa du lịch để ngôi đền được nhiều người biết đến và không bị mai một.