Quà tặng những ai yêu thích thơ Nguyễn Trãi - Thơ Nôm: MẠN THUẬT

Nhà thơ Vũ Bình Lục

29/10/2023 10:23

Theo dõi trên

b1bl1abc-1698549350.jpg

Tác giả Vũ Bình Lục (đứng giữa) cùng Nguyễn Huy Thắng và Vũ Từ Trang bên hồ Côn Sơn (TP Chí Linh - Hải Dương). Ảnh do tác giả cung cấp..

 

MẠN THUẬT

Đường thông thủa chống một cày,

Sự thế bao nhiêu vẫn đã khuây.

Bả cái trúc hòng phân suối,

Quét con am để chứa mây.

Đìa tham nguyệt hiện chăng buông cá,

Rừng tiếc chim về ngại phát cây

Dầu Bụt dầu Tiên ai kẻ hỏi,

Ông này đã có thú ông này.

Vẫn là cảnh vật và cuộc sống của Ức Trai ở Côn Sơn, nhưng lại được kể lại ở những nét sinh hoạt khác, và cảm quan cũng có phần hơi khác.

Mở đầu, tác giả trình bày khái quát cuộc sống của mình:

Đường thông thủa chống một cày,

Sự thế bao nhiêu vẫn đã khuây.

Hình dung thấy Tiên sinh, như một lão nông thực thụ vác cày ra đồng, hoặc giả đã xong buổi cày mà về nhà, trên con đường hai bên rợp bóng thông, rồi có lúc dừng lại chống cày mà ngửa mặt nhìn ngắm phong cảnh.

Ngắm cảnh, rồi lại ngẫm sự đời, thấy rằng Sự thế bao nhiêu vẫn đã khuây. Bao nhiêu những điều chướng tai gai mắt nơi triều nội, nơi tường đào ngõ mận làm phiền lòng Tiên sinh biết mấy, giờ đây cũng xem như chuyện đã rồi, bỏ cả ngoài tai, quên hết, thời gian rồi cũng làm khuây khoả dần thôi. Đây là cuộc sống thường nhật của Tiên sinh:

Bả cái trúc hòng phân suối,

Quét con am để chứa mây.

Quên đi, để tự vui với cuộc sống hiện tại, mà “Bả cái trúc hòng phân suối”, tức là bẻ cành tre, hoặc chặt cây tre để bắc cầu qua suối mà đi lại. Rồi thì “Quét con am để chứa mây”…Không phải “cây trúc”, mà là “cái trúc”; không phải “cái am”, mà là “con am”. Mà “con am” (căn lều nhỏ) nơi Tiên sinh ở, chứa người, đã đành, và cả “chứa mây” nữa. Mây trời kia cũng chính là của cải vô cùng vô tận của ta, ta chất ta chứa vào con am của ta, làm kho báu của ta. Chao ôi! Quả là xưa nay chưa từng có bao giờ! Những tiểu tiết lạ lùng như vậy, được Ức Trai tiên sinh sử dụng một cách linh hoạt, biến hoá, nâng cấp chữ nghĩa để câu thơ sống động hơn, nhưng lại rất tự nhiên. “Con am” để chứa mây, phải quét dọn sạch sẽ cho nó thanh tao tinh khiết, thế thì chính Tiên sinh cũng như mây, là mây, cũng là một “đám mây trắng” rồi còn gì! Một ý thơ mang đậm tinh thần và triết lý Phật giáo, cổ kính, cổ điển, mà lại rất hiện đại, chả khác gì OSHO VÀ CON ĐƯỜNG CỦA ÔNG-CON ĐƯỜNG CỦA MÂY TRẮNG.

Xem thế đủ biết nhà Nho Nguyễn Trãi, cách đây sáu trăm năm, cũng đôi khi muốn theo Con đường của mây trắng, sau khi đã hiến dâng cho đời, trải nghiệm sâu sắc việc đời, đã ngộ ra cái lẽ đời cao diệu mà giản dị. Vậy nên:

Trì tham nguyệt hiện chăng buông cá,

Rừng tiếc chim về ngại phát cây.

Tiên sinh không muốn thả mồi câu cá trong ao nhà, vì sợ cá quẫy làm mất đi cái phẳng lặng yên tĩnh của mặt ao, để có thể nhìn rõ mặt trăng, để trăng hiện rõ hơn, tròn vạnh hơn. Hay là không muốn buông câu làm xao động mặt ao, để trăng hiện hình nguyên vẹn! Lại nữa, muốn cho chim rừng bay về nhiều, Tiên sinh không muốn phát cây, chặt cây, chim sẽ không có chỗ đậu. Thi nhân chỉ tham tiếc cái đẹp, cái có thể làm đẹp cho tâm hồn, không nỡ làm tổn thương đến cả cỏ cây hoa lá, chim muông. Thanh cao và thánh thiện như thế, chả phải là Tiên đấy sao! Chả phải là Bụt đấy sao!

Nhưng mà:

Dầu Bụt dầu Tiên ai kẻ hỏi,

Ông này đã có thú ông này!

Có vẻ như một thái độ bất cần đời, cũng là một sự khẳng định có tính bản ngã về một cá tính được xác định. Đó chính là cái thú tự tìm lấy mà hưởng thụ. Người đời mấy ai có đủ bản lĩnh thực hiện và thể hiện được! Xem khắp văn chương nước Việt ta, từ cổ chí kim, chỉ thấy có Nguyễn Trãi mới đạt đến cái tâm và cái tầm thanh thoát và kỳ vĩ như vậy mà thôi !

V.B.L

Bạn đang đọc bài viết "Quà tặng những ai yêu thích thơ Nguyễn Trãi - Thơ Nôm: MẠN THUẬT" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn